Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/10/2017

Chống tham nhũng sau Hội nghị trung ương 6 bằng luân chuyển cán bộ

RFA tiếng Việt

Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ

Liên tục kể từ sau Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản lần thứ 12 diễn ra đầu năm 2016, đến các hội nghị trung ương Năm, và trung ương Sáu, người ta thấy nhiều cán bộ cao cấp bị kỷ luật với những cáo buộc liên quan đến những vụ tham nhũng, thất thoát tài sản lớn. Đó là các ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Nhiều người trong số này được xem là vây cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bị mất hết quyền lực chính trị sau Đại hội 12.

chong1

Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là người đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Ảnh chụp tháng 6/2017. AFP

Cơ quan chống tham nhũng của nhà nước Việt Nam có tên gọi là Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, trước đây do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền điều khiển. Nhưng từ năm 2013, Ban này đã được chuyển sang cho ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng lãnh đạo.

Ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh, nói với báo Tuổi Trẻ trong nước rằng việc chuyển quyền điều hành Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng sang cho đảng, thay vì chính phủ, là một việc làm cần thiết, vì đảng lãnh đạo tất cả những cán bộ đảng cử sang điều hành chính phủ.

Bên cạnh đó một công cụ khác được Đảng Cộng sản đưa ra, nói là để phòng chống tham nhũng, là Qui định luân chuyển cán bộ.

Trong những ngày cuối tháng 10, năm 2017, Quốc Hội Việt Nam bàn chuyện điều động ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra chính phủ về làm Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Sóc Trăng, ông Lê Minh Khái, đang là Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Bạc Liêu, thay cho ông Phan Văn Sáu, ông Trương Quang Nghĩa đang là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng, trong khi đó ông Nguyễn Văn Thể, hiện là Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng về làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Đây là điều mà Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị Việt Nam hiện sống tại Sài Gòn, gọi là đẩy mạnh việc luân chuyển cán bộ sau Hội nghị trung ương Sáu.

Ngay trong lúc Hội nghị trung ương Sáu diễn ra, ngày 7, tháng 10, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã ký một quyết định mang số 98 gọi là Qui định về luân chuyển cán bộ. Theo qui định này các các bộ cao cấp sẽ được chuyển đổi thường xuyên, từ những viên chức điều hành các huyện, tỉnh, cho đến các bộ trưởng, để làm sao cho các viên chức đứng đầu địa phương không làm quá hai nhiệm kỳ tại một địa phương.

Qui định này được nói là nhằm để chống tham nhũng, tránh việc kết bè phái, nhóm lợi ích, sử dụng những người trong họ hàng hoặc quen biết.

Phe phái và nhóm lợi ích

Tuy nhiên ông Phạm Chí Dũng cho biết là việc luân chuyển cán bộ này đã từng được thực hiện như một công cụ để đấu tranh giành giật quyền lực giữa các phe phái với nhau :

"Luân chuyển cán bộ là việc mà trước đây ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban tổ chức Trung Ương đã làm, có thể nói là khá thành công, luân chuyển đến 80% nhân sự cao cấp, các tỉnh, thành phố, trước Đại hội 12, và do đó đã mang lại lợi thế cực kỳ lớn cho ông Nguyễn Phú Trọng trong Đại hội 12, trước ông Nguyễn Tấn Dũng".

Đại hội lần thứ 12 của Đảng cộng sản Việt Nam được tiến hành vào đầu năm 2016. Sau Đại hội này nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được nhiều người dự đoán là sẽ nắm quyền lực nhiều hơn nữa, đã về hưu.

Với sự ra đi của ông Nguyễn Tấn Dũng, giới quan sát cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã nắm quyền lực tuyệt đối về chính trị tại Việt Nam. Ông Phạm Chí Dũng đánh giá về phe nhóm được cho là của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện nay :

"Rời rạc, yếu ớt, và rất thiếu bản lĩnh. Đúng như dư luận nói là phe này chỉ nằm đó chờ chết mà thôi, không thể làm được một cái gì có thể gọi là xoay chuyển được tình thế".

Tuy nhiên, cũng theo lời ông Dũng, việc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, không vì thế mà có thể thực hiện được dễ dàng. Theo ông Phạm Chí Dũng, những nhóm quyền lực khác nhau, với những lợi ích kinh tế to lớn, sẽ là những chướng ngại vô cùng lớn đối với ông Nguyễn Phú Trọng.

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam khác là Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược Châu Á- Thái Bình Dương, lại nhìn chuyện phe phái ở Việt Nam không đơn giản là chỉ có hai phe Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng như vừa qua. Theo ông thì ở Việt Nam hiện nay có thể có bốn xu thế chính trị khác nhau. Nhóm thứ nhất là nhóm mong muốn cải cách, nhóm thứ hai là nhóm không muốn Việt Nam đi theo con đường tổ chức xã hội kiểu phương Tây, nhóm thứ ba là nhóm trung dung, và nhóm cuối cùng ông gọi là nhóm trục lợi.

Theo ông Lâm, thì rất nhiều quan chức, nhóm quan chức cao cấp, không theo phe phái nào cả, và tùy theo cán cân quyền lực ở một lúc nào đó mà người đó, nhóm đó sẽ ngã theo.

Nhưng tựu chung, vẫn theo lời ông Lâm, xu hướng trục lợi, nơi có các nhóm lợi ích khác nhau sẽ là xu hướng rất mạnh tại Việt Nam hiện nay :

"Xu hướng trục lợi thì vẫn mạnh, vì cái chế độ, chính thể ở Việt Nam hiện nay vẫn tạo ra một môi trường rất phù hợp cho xu hướng trục lợi, bởi vì một mặt là một nhà nước tương đối độc đoán, tương đối khép kín, đồng thời lại có một nền kinh tế tương đối thoãi mái trong chuyện làm tiền. Người ta dễ ở một cái vị trí dùng tiền để mua chức, rồi dùng chức để kiếm tiền".

Ngay sau Hội nghị trung ương Sáu kết thúc, báo chí Việt Nam tiếp tục đưa tin những nghi án tham nhũng có liên quan đến các quan chức cấp tỉnh ở Đồng Nai, Yên Bái. Những nghi án này đã được nói đến từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy những người có liên quan nhận hình thức kỷ luật như thế nào.

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam khác là Giáo sư Vũ Tường, từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ nhận định về bản án kỷ luật dành cho ông Đinh La Thăng trong Hội nghị trung ương Năm, tháng Năm, 2017 :

"Tôi nghĩ đó là một thành công rất là bé nhỏ, vì vụ này có từ năm 2011 rồi, mà cho đến bây giờ mới được một mình ông Thăng và một vài người nữa như ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng công thương, tôi thấy chưa có cái gì là nghiêm trọng cả. Tất cả đều trốn thoát pháp luật và hạ cánh an toàn. Thành ra là tôi còn chờ xem họ có đưa ông Thăng và tay chân ông ấy ra pháp luật hay không. Nếu làm được điều đó thì mới có tiến bộ".

Sau khi Hội nghị trung ương Sáu kết thúc, người ta vẫn chưa thấy có một vụ truy tố nào đối với ông Đinh La Thăng được đưa ra.

Giáo sư Vũ Tường nói tiếp là những gì diễn ra xung quanh vụ ông Đinh La Thăng cho thấy đảng cộng sản không có hiệu quả trong việc điều hành nền kinh tế và chống tham nhũng.

Nhiều nhà quan sát cho rằng sự không hiệu quả ấy nằm ở cơ chế không phân quyền của nền chính trị Việt Nam với duy nhất một đảng cộng sản lãnh đạo. Ngay chính đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa, một mặt hoan nghênh việc giao Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng về cho các viên chức đảng quản lý, cũng nói rằng cách thức này cũng có cái bất cập vì người đứng đầu cấp ủy, đảng bộ có thể làm lệch hướng, xử nhẹ hoặc ém nhẹm việc điều tra sai phạm của cấp dưới khi họ muốn bao che, bởi đó có thể là người thân thích hay phe cánh.

Kính Hòa 

Quay lại trang chủ
Read 808 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)