Nhiều tài liệu mật ở Việt Nam bị lộ, bị mất (RFA, 26/10/2017)
Nhiều tài liệu tuyệt mật, tối mật của Việt Nam bị lộ hay mất trong thời gian qua. Đây là thừa nhận mà Bộ trưởng công an Việt Nam, ông Tô Lâm, đưa ra tại diễn đàn Quốc Hội vào ngày 25 tháng 10.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết từ năm 2001 đến nay có hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước - Courtesĩ screenshot Báo Tiền Phong
Theo thông báo của ông Tô Lâm thì từ năm 2001 đến nay có hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong những vụ này có những tài liệu thuộc danh mục mà chính quyền Việt Nam cho là tuyệt mật, tối mật vì liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của đảng cộng sản, nhà nước ; các chủ trương giải quyết tranh chấp về biên giới, biển đảo.
Các hình thức lộ, mất bí mật như vừa nêu được cho biết qua các cách gồm thông tin- liên lạc, báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế…
Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu ra tình hình lộ hay mất bí mật nhà nước như vừa nêu khi trình ra Quốc hội dự thảo luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước. Ông này cho rằng cần thiết phải có một bộ luật như thế để đáp ứng yêu cầu khách quan.
Theo dự thảo Luật Bảo vệ Bí Mật Nhà Nước thì sẽ có ba cấp độ gồm tuyệt mật, tối mật, và mật. Thời hạn bảo vệ được đề nghị là 30 năm cho loại tuyệt mật, 20 năm đối với hồ sơ tối mật và 10 năm cho hồ sơ mật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc Phòng An Ninh của Quốc hội Việt Nam, ông Võ Trọng Việt đề nghị thời gian bảo vệ cho những bí mật nhà nước độ tuyệt mật nên dài hơn có thể từ 50 hoặc 60 năm ; thậm chí không nên xác định thời gian giải mật.
*************
Con lai Việt-Nhật lần đầu thăm quê cha (VOA, 26/10/2017)
Các thân nhân của những binh sĩ Nhật còn ở lại Việt Nam sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã tới thăm Nhật vào tuần trước để gặp mặt một trong những người lính từng tham chiến ở Việt Nam còn sống và thăm mộ những người đã mất.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo. Đầu năm nay, Nhật Hoàng và Hoàng Hậu đã tới Việt Nam và gặp một góa phụ của một cựu binh Nhật từng tham chiến ở Việt Nam trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Theo ghi nhận của Thời báo Nhật Bản (Japan Times), 13 người con lai này, giờ đây đã ở độ tuổi 60 và 70, là một phần rất nhỏ trong số những người con của hàng trăm binh lính Nhật ở lại Đông Dương sau Thế chiến thứ 2 nhưng sau đó đã trở lại Nhật.
Bài viết ra ngày 25/10 trên Japan Times cho biết những người con lai và các thành viên trong gia đình họ đã tới Nhật Bản theo lời mời của Quỹ Nippon Foundation của Nhật, một tổ chức phi lợi nhuận. Họ đã quay trở lại Việt Nam hôm 24/10 sau chuyến thăm 1 tuần.
Những người con lai của các cựu binh sĩ Nhật tham chiến ở Việt Nam trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 tới Tokyo trong chuyến thăm 1 tuần về quê hương của cha họ. (Ảnh chụp màn hình Japan Times)
Nhật Bản xâm chiếm Đông Dương, trong đó có Việt Nam, vào năm 1940 trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong số những binh lính Nhật được gửi tới tham chiến ở Đông Dương, khoảng 600 người ở lại sau khi Nhật đầu hàng vào tháng 8/1945 và tham gia vào phong trào chống Pháp tái thiết lập luật lệ đô hộ có từ thời Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất từ 1946-1954.
Nhiều người trong số họ trở lại Nhật sau khi thế chiến kết thúc và những gia đình của họ phải đối mặt với những khó khăn và sự kỳ thị.
Đầu năm nay, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã gặp mặt một góa phụ và những con cháu của những cựu binh Nhật ở Hà Nội với mục đích làm xoa dịu những vết thương của chiến tranh.
Những người con lai Nhật đã bày tỏ phấn khởi tại một buổi họp báo ở Tokyo ngay sau khi đặt chân tới Nhật, theo Japan Times.
Họ nói giấc mơ mà họ mong chờ từ lâu được tới thăm Nhật đã trở thành sự thực.
Đây là chuyến thăm Nhật đầu tiên của Phan Hồng Châu, một trong số 13 người con lai kể trên. Người đàn ông 67 tuổi nói với Japan Times rằng ông cảm thấy như được "trở về nhà" khi ông tới một sân bay ở Nhật Bản. Ông đã rất hạnh phúc khi giấc mơ bấy lâu của ông đã trở thành sự thật.
Người dẫn đầu nhóm, Hồng Nhật Quang 67 tuổi, nói ông muốn giữ mối quan hệ và trao đổi với thân nhân của ông ở Nhật.
Sau cuộc họp báo tại Tokyo, nhóm những người con lai đã đi thăm Cung điện Hoàng gia và Cục quản trị Hoàng cung ở Tokyo.
Cũng trong thời gian ở Tokyo từ 18-24/10, họ đã tới thăm các ngôi mộ của một binh sĩ Nhật là cha của một trong những người con lai Việt. Sau đó họ gặp mặt một cựu binh Nhật, cũng là một người cha của một trong số họ, ở Osaka.
********************
Cát sẽ cạn ở Việt Nam trong 5 năm nữa (VOA, 26/10/2017)
Chính quyền Việt Nam vừa cho biết 5 năm nữa sẽ cạn kiệt cát tự nhiên do bị khai thác quá mức, buộc họ phải tìm cách sản xuất cát xay.
Khai thác cát trên sông Đồng Nai (Ảnh ATGT)
Báo Straits Times hôm 25/10 dẫn lời Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải Việt Nam nói chỉ 5 năm nữa thôi Việt Nam sẽ cạn kiệt nguồn cát tự nhiên do cát sông bị khai thác quá mức.
Viện này nói mỗi năm cả nước hiện cần khoảng 100 triệu m3 cát để làm bêtông.
Cũng theo viện này, cát xay công nghiệp bằng cách nghiền các loại đá tự nhiên dùng chế tạo bêtông nhựa và bêtông ximăng cho các công trình xây dựng, có giá thành rẻ hơn 10-15% so với cát tự nhiên.
Báo Tuổi trẻ nói trong 4 đến 6 tháng qua, giá cát tự nhiên đã tăng vọt đến 200% nhưng không có dấu hiệu dừng, sau khi chính quyền địa phương các tỉnh miền Nam ra tay xử lý nạn khai thác cát trái phép.
Ông Nguyễn Thành Nam, giám đốc điều hành dự án xa lộ Hà Nội thuộc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - CII, cho biết hiện nay công trình thi công dự án nâng cấp và mở rộng xa lộ Hà Nội tại quận Thủ Đức đang gặp khó khăn do giá cát tăng gần gấp đôi so với trước vì cát khan hiếm.
"Do đó, đề nghị các nơi nghiên cứu cung cấp thông tin cụ thể để đơn vị đặt hàng. Nếu đạt yêu cầu, chúng tôi sẽ sử dụng cát xay đưa vào sử dụng trong công trình lát vỉa hè hai bên xa lộ Hà Nội", ông Nguyễn Thành Nam nói.
Báo Tuổi trẻ nói Bộ Xây dựng khẳng định Việt Nam đã cấm xuất khẩu cát xây dựng từ năm 2009. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét tại các cửa sông, cảng biển thời gian qua được thực hiện theo một thông báo năm 2012 của Văn phòng Chính phủ.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình từng khẳng định có biểu hiện lợi ích nhóm bao che cho "cát tặc" khi tình trạng "cát tặc" ở các tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp… vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và khó kiểm soát, theo báo Thanh Niên.
Trước nguy cơ cạn kiệt cát tự nhiên, vào tháng 9 năm nay, Chính phủ Việt Nam đã ra lệnh ngừng xuất khẩu cát.
*********************
Việt Nam sẽ thiếu cát trong 5 năm tới (RFA, 26/10/2017)
Nguồn cát tự nhiên của Việt Nam có nguy cơ cạn kiệt trong vòng 5 năm tới do khai thác quá mức. Hiện chính quyền đang xem xét việc sản xuất cát nhân tạo.
Những chiếc thuyền chở cát trên sông Hồng ở Hà Nội hôm 2/8/2017 - AFP
Thông tin này được các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải (ITST) đưa ra vào tuần trước và được tờ The Straits Times loan đi hôm 25/10.
Các chuyên gia cho biết nguồn cát đang cạn kiệt trong khi đó Việt Nam vẫn cần khoảng 100 triệu m3 cát mỗi năm cho các dự án xây dựng trên cả nước.
Vì vậy một giải pháp được đưa ra đó là sản xuất cát nhân tạo từ việc nghiền một số loại đá ở miền Nam. Đây cũng là phương pháp được thế giới sử dụng để sản xuất bê tông asphalt và bê tông xây dựng chất lượng cao hơn.
Theo các nhà khoa học, chi phí của cát nhân tạo cũng là một lợi thế vì đá nghiền có giá rẻ hơn từ 10-15% so với cát tự nhiên.
Giá cát tự nhiên ở Việt Nam tăng vọt trong vòng 6 tháng qua, thậm chí tăng lên 200% so với giá gốc do tình trạng thiếu hụt cát gây ra bởi nạn khai thác cát bất hợp pháp.
Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Dự án đường cao tốc Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện việc nâng cấp và mở rộng đường cao tốc gặp khó khăn do giá cát tăng. Ông Nam nói rằng nếu cát nhân tạo đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra thì sẽ được sử dụng để lát bên lề đường cao tốc Hà Nội.
Việt Nam bấy lâu nay cho xuất khẩu cát sang nhiều quốc gia, trong đó có Singapore. Tuy nhiên hiện tại Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng cho ngừng việc xuất khẩu cát lại.
********************
Đồng bằng Sông Cửu Long cần 160 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư (RFA, 26/10/2017)
Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long mời gọi đầu tư cho 78 dự án với tổng vốn dự kiến lên đến gần 160 ngàn tỷ đồng.
Ảnh minh họa : Khu du lịch Đồng Sen, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Hình chụp 04/2014 Courtesĩ : Citizen's photo
Thông tin vừa nêu được đưa ra tại Hội nghị thường niên đầu tư vào đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ V năm 2017, với chủ đề "Thu hút đầu tư hạ tầng-nền tảng phát triển du lịch đồng bằng Sông Cửu Long", diễn ra ở Cần Thơ, trong ngày 25 tháng 10.
Đại diện các tỉnh, thành của khu vực cho biết cụ thể cần nguồn vốn đầu tư vào 33 dự án du lịch và nhóm bất động với gần 7800 tỷ đồng và 45 dự án liên quan các ngành công nông nghiệp, hạ tầng hậu cần và chế biến với số vốn khoảng 150 ngàn tỷ đồng.
Tại Hội nghị, đại diện của Hiệp hội Du lịch đồng bằng Sông Cửu Long cho rằng khu vực này có nhiều tiềm năng du lịch, tuy nhiên cơ sở hạ tầng và dịch vụ còn thiếu nên cần được nhanh chóng đầu tư để ngành du lịch trở thành mũi nhọn phát triển.
Đồng bằng Sông Cửu Long thường được mệnh danh là ‘vựa lúa’ của Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là vùng sông nước với nhiều loại trái cây nhiệt đới cũng như từng là vùng dồi dào nguồn tôm, cá. Thế nhưng hiện nay khu vực này đang chịu tác động mạnh bởi tình trạng biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn, thiếu nước ngọt, bị ô nhiễm trầm trọng...