Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/10/2017

Dân làng Thái An vẫn lo về dự án nhà máy điện

RFA tiếng Việt

Làng Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận là ngôi làng nằm trong điểm nóng giải tỏa đền bù để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Người dân Thái An bức xúc vì chuyện đền bù và di dời không thỏa đáng và quyết đấu tranh tới cùng. Cuối năm 2016, chính quyền loan tin sẽ dừng dự án điện hạt nhân, người dân yên tâm trở lại làm ăn. Tuy nhiên, chuyện xây dựng nhà máy điện hạt nhân vẫn luôn là nỗi ám ảnh của người dân Thái An, đặc biệt là gần đây, có tin các nhà máy nhiệt điện vẫn tiếp tục thi công vào năm 2019.

thaian1

Người dân Thái An chủ yếu sống dựa vào rừng và biển - RFA

Ông Nguyễn Khắc Tấn, một cư dân cao niên ở Thái An, chia sẻ : "Trong thời gian nghe các vị lãnh đạo ở đây đưa thông tin rằng tạm dừng thi công thì ai cũng mừng, làm ăn ổn định, rẫy ruộng đi lên. Nhưng gần đây có tin là mấy năm nữa có thể thay đổi, bà con nghe rất bi quan và không đồng tình. Nhà nước mà xây dựng tiếp thì bà con ở đây kẹt cứng hết nên không đồng tình".

Ông Tấn chia sẻ thêm là kể từ khi chính quyền Ninh Thuận cho bà con Thái An biết rằng sẽ không xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Thái An nữa thì đời sống, mọi sinh hoạt ở Thái An đã trở lại như xưa, các vườn nho lại sai quả nhờ người nông dân chuyên tâm chăm bón, cây rừng được tiếp tục phát quang và trồng thêm, các khu chợ hoạt động mạnh trở lại, các ngư dân đánh bắt gần bờ lại tiếp tục công việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Ông Tấn tỏ ra tiếc nuối là trước đây, bờ biển Thái An có một rừng san hô được xem là dài nhất và đẹp nhất thế giới, nhưng do quá trình khai thác không được quản lý khoa học, chỉ trong vòng chưa đầy mười năm, toàn bộ rừng san hô bị tuyệt diệt, chỉ còn trơ bãi biển. Đặc biệt, khi có tin nhà máy điện hạt nhân sẽ xây dựng ở Thái An, dường như mức độ tàn phá dãy san hô này đạt đến đỉnh điểm. Và hậu quả của việc tàn phá này là hiện nay, san hô ở vùng biển Thái An bị tiêu diệt khiến vùng biển này chết theo, số lượng san hô còn lại chừng chưa tới 3% so với lúc ban đầu.

Ông Tấn nói rằng sở dĩ ông phải nêu ra chuyện rừng san hô bị tàn phá như vậy để thấy rằng kinh nghiệm của người dân nơi đây không hề nhỏ trong việc tàn phá thiên nhiên và thay đổi đời sống, môi trường sống bao giờ cũng mang đến sự mất ổn định, mất cân bằng xã hội cùng hàng loạt hậu quả lâu dài.

Cùng ý nghĩ như ông Tấn, Bà Võ Thị Quý, cư dân Thái An, chia sẻ : "Không hợp lý theo giá đền bù, nếu di dân đi thì ở đây khổ rất nhiều, vì ở đây nhờ nghề biển, nghề rừng, trái cây ở trên rừng… Mà nếu di dời ví dụ như người ta cầm một cục tiền rồi ăn thì hai năm, ba năm cũng hết, không còn gì để làm ăn, khổ, nên không đi là người dân ở đây mừng, phấn khởi làm ăn".

Bà Quý cho rằng việc ổn định cuộc sống là điều hết sức cần thiết đối với bất kỳ người dân nào trong xã hội. Nhưng nếu như nhà nước vẫn cứ khăng khăng xây dựng điện hạt nhân thì nên cân nhắc thật kĩ về vấn đề an sinh xã hội. Bởi một khi đất đai bị mất đi để xây dựng các công trình thì chắc chắn nguồn sinh kế của người nông dân sẽ bị thu hẹp, xã hội sẽ bất ổn.

Xây hay không xây ?

Chị Phạm Thị Thúy, người buôn bán trong chợ Thái An, chia sẻ : "Ở đây buôn bán làm ăn được lắm, nếu dời đi rất buồn, bởi ai biết chợ ở chỗ đó đâu, sợ ra đó chợ không buôn bán được, rồi nghe không di dời đi nữa thì rất mừng".

Chị Thúy nói rằng cũng giống như bà con Thái An, chị rất vui mừng khi nghe tin nhà nước đình thi công nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Tuy nhiên, tin vui chưa được bao lâu thì một nguồn tin khác nói rằng các dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận chỉ tạm đình thi công và sẽ tiếp tục thi công vào năm 2019. Có thể nói rằng đây là tin đáng sợ đối với người dân Thái An nói riêng và người dân Ninh Thuận nói chung.

Đặc biệt, nếu như các nhà máy điện hạt nhân do các công ty Trung Quốc thi công thì càng đáng sợ hơn và điều này hoàn toàn không nằm trong sự chờ đợi hay đồng thuận của người dân. Bởi bài học kinh nghiệm về nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận với đầy rẫy người Trung Quốc, gây bất mãn trong người dân và gây mất cân bằng xã hội ở khu vực Vĩnh Tân là quá đủ, đừng để người Trung Quốc xây thêm bất kì thứ gì tại Việt Nam.

Bà Trần Thị Nga, cư dân Thái An, chia sẻ : "Hồi xưa bắt đầu mình mới làm thì hơi khó khăn một chút, rồi mấy chục năm nay ổn định rồi, nho ổn định, dân dễ sống, đi biển cũng được, lên núi cũng được, dễ phát triển…"

Bà Nga chi sẻ thêm, bà cũng như bao người khác, cũng là một công dân hiền lành, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, bà tôn trọng mọi quyết sách của nhà nước và sẵn sàng hợp tác với nhà nước để xây dựng, kiến thiết quốc gia. Nhưng bù vào đó, nhà nước cũng phải có những chính sách do dân, vì dân, phải tìm được sự đồng lòng của nhân dận dựa trên nguyên tắc sòng phẵng, minh bạch, có khoa học và vì dân.

Bà Nga đặt câu hỏi liệu nhà nước quyết định xây hay không xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận ? Và khi xây nhà máy lên thì người dân được lợi gì ? Sau khi giải tỏa, đền bù, di dời người dân thì liệu đời sống của nhân dân có ổn định hay không ? Diện tích đền bù có đảm bảo cho nhà nông tiếp tục thực hiện giấc mơ ruộng vườn của mình hay không ? Và quan trọng nhất là người xây dựng nhà máy điện hạt nhân có đủ uy tín, có đủ trình độ để xây nhà máy hoạt động an toàn hay không ? Nhà nước nên trả lời những câu hỏi này thật cụ thể trước khi quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Có thể nói rằng những câu hỏi của bà Nga cũng là những câu hỏi chung của người dân Ninh Thuận và người dân miền Trung Việt Nam, thậm chí đây là câu hỏi chung của người dân cả nước. Bởi nhà máy điện hạt nhân không phải là nhà máy bột mì, xây xong thấy không hợp thì đập. Mà một khi nhà máy điện hạt nhân đã xây xong, đã hoạt động thì chuyện phá bỏ nó còn khó gấp trăm lần xây dựng nó, mọi chuyện đều không đơn giản như người ta đang nghĩ và đang làm !

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Quay lại trang chủ
Read 729 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)