Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/11/2017

Tái cấu trúc các tỉnh thành, giá đất vàng Sài Gòn

Tổng hợp

Giảm 10 tỉnh, bớt hàng vạn quan chức ? (BBC, 01/11/2017)

Phát biểu của một Đại biểu quốc hội rằng có thể giảm đi tới 10 tỉnh và giảm bớt quan chức đang đặt lại câu hỏi về cải cách bộ máy ở Việt Nam.

bando1

Bản đồ hành chính các tỉnh thành Việt Nam - Ảnh minh họa

Theo trang Dân Trí, đại biểu Phạm Văn Hòa nói với báo chí hôm 31/10/2017 rằng những tỉnh có số dân thấp như Bắc Kạn (chỉ hơn 300 nghìn dân) hay hay các tỉnh có 700.000 - 800.000 dân "có thể tính toán sáp nhập lại với nhau".

Ông Hòa, Đại biểu quốc hội của tỉnh Đồng Tháp, người cũng là ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội còn nói :

"Từ kinh nghiệm sáp nhập giữa Hà Tây với Hà Nội gần 10 năm trước, nhưng bộ máy hành chính vẫn hoạt động hiệu quả... nên các tỉnh thành khác hoàn toàn có thể thực hiện được như vậy".

"Cốt lõi quan trọng là hiệu quả tinh giản số lượng, giảm biên chế khủng".

Ông cũng nói, việc giảm nguyên bộ máy một tỉnh sẽ giảm hàng ngàn con người, sẽ giảm chi thường xuyên rất lớn, hàng nghìn tỷ đồng.

"Số tiền tiết kiệm đó nếu dành cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội thì người dân hưởng lợi".

Tách tỉnh nhập tỉnh

Hiện Việt Nam có 63 tỉnh và thành phố, với lịch sử hình thành, dân số, trình độ phát triển khác nhau.

Các tỉnh có dân số chưa đầy 1 triệu chiếm khá đông.

Ví dụ vùng Trung du và miền núi phía Bắc, theo một số liệu năm 2014 thì các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái đều có số dân mỗi tỉnh chưa đến 800 nghìn người.

Phía Tây Bắc, tỉnh Điện Biên chỉ có dân số hơn nửa triệu và Lai Châu chỉ còn trên 400 nghìn, sau khi "mất Điện Biên" năm 2003.

Một khu vực thưa dân nữa là miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Vẫn theo số liệu năm 2014, tỉnh Ninh Thuận có chưa đầy 600 nghìn dân, Kontum chưa đến nửa triệu dân, Đắc Nông cũng chỉ có hơn 500 nghìn dân.

Việc tách, nhập, thành lập các tỉnh ở Việt Nam đã xảy ra từ các triều đại phong kiến, qua thời thực dân Pháp làm chủ Đông Dương, và ở hai miền Nam Bắc sau này, tùy vào nhu cầu dân số, chính trị, kinh tế và quân sự.

Việt Nam Cộng Hòa từng có lúc có trên 40 tỉnh và đô thành Sài Gòn, nhưng chia làm bốn vùng chiến thuật để phòng vệ.

bando2

Các tỉnh của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975

Một số tỉnh giữ tên sau 1975 nhưng một số bị xóa tên hẳn như Quảng Đức, Bình Long, Phú Bổn, Long Khánh, Hậu Nghĩa, Kiến Tường, Phước Tuy, An Thiện, Ba Xuyên...

Sau khi hai miền thống nhất chính thức vào năm 1976, dưới thời của Tổng bí thư Lê Duẩn, với ý chí "làm ăn lớn", tiến lên "chủ nghĩa xã hội", hàng loạt tỉnh được ghép lại, tạo ra hiện tượng tên tỉnh có ba từ, hoặc một tên nhưng gồm ba tỉnh cũ.

Ở miền Bắc, Nam Hà và Ninh Bình hợp thành tỉnh Hà Nam Ninh.

Hà Tây và Hòa Bình hợp thành Hà Sơn Bình (để sau lại tách ra).

Lào Cai, Nghĩa Lộ và Yên Bái hợp nhất thành Hoàng Liên Sơn.

Ở Trung Bộ, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh được ghép lại thành Bình Trị Thiên ;

Trong Nam, Bình Dương, Bình Long, Phước Long hợp thành Sông Bé.

Long An mới ra đời từ ba tỉnh Hậu Nghĩa, Kiến Tường và Long An...

Hiện chưa có đánh giá khoa học nào được công bố về thực chất tính hiệu quả của quá trình "thành lập tỉnh lớn" của thập niên 1970-80.

Nhu cầu chính trị và kinh tế

Điều chắc chắn là mô hình xã hội chủ nghĩa và kinh tế kế hoạch hóa đã phá sản, khiến bộ máy ở Việt Nam phải tiến hành cải cách kinh tế 'Đổi Mới".

Nhưng càng về gần đây, hiện tượng "đông quan" dẫn tới phong trào "tận thu" từ doanh nghiệp và người dân để nuôi bộ máy, làm cản trở tăng trưởng kinh tế.

Vào thời điểm hiện nay, thực hiện Nghị quyết 18 của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhu cầu ghép tỉnh, nhập tỉnh mà Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ra là để "tinh giản bộ máy".

Trước đó, hôm 30/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải thích với báo chí Việt Nam là "triết lý" cắt giảm này dựa trên ba trụ cột.

Đó là Giảm đầu mối ; sắp xếp lại cơ cấu bên trong của đầu mối đó và sắp xếp chức năng nhiệm vụ không giao thoa, không trùng lặp, ông nói.

Được biết, việc "nhất thể hóa" một số cấp lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chính quyền cũng sẽ được tiến hành, ban đầu ở các cấp cơ sở để đối phó với tình trạng "bộ máy vẫn cứ phình ra".

***********************

Tái cấu trúc các tỉnh thành ? (nhantuan.truong, 01/11/2017)

Đọc báo thấy Quốc hội Việt Nam đang bàn chuyện "tái cấu trúc" lại các tỉnh thành, dự trù sáp nhập các tỉnh nhỏ, dân ít, giảm bớt 10 tỉnh, mục đích nhằm loại bớt số đông quan chức hiện là gánh nặng của ngân sách quốc gia.

bando3

Loại bớt số đông quan chức hiện là gánh nặng của ngân sách quốc gia

Vụ này chắc là "trùng hợp ngẫu nhiên", đã xảy ra sau khi đề nghị của tôi về "mô hình quốc gia liên bang" hồi tuần rồi.

Theo tôi, nếu làm như vậy lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẽ lặp lại sai lầm ngày trước, thời Lê Duẩn.

Thời Lê Duẩn, một số các tỉnh sáp nhập lại thành một tỉnh như Hà Sơn Bình (Hà Tây + Sơn bình), Hà Nam Ninh (Hà nam + Nam định + Ninh bình), Thanh nghệ tĩnh (Thanh hóa + Nghệ an + Hà tĩnh), Bình trị thiên (Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên)...

Nguyên nhân thất bại của mô hình này có nhiều : kinh tế quốc doanh, chính trị tập trung, xã hội không đồng nhất về văn hóa, khác biệt ý thức hệ, khác biệt lối sống...

Lãnh đạo thông minh thì không ai lấy lại một mô hình phát triển cho thấy đã thất bại trong quá khứ. Trong khi đó còn có nhiều mô hình khác, cũng đưa đến mục đích "giảm chi" và tinh gọn bộ máy hành chánh, mà trên thực tế đã chứng minh sự thành công mỹ mãn. Điển hình là mô hình "quốc gia liên bang". Hầu hết các quốc gia "công hòa liên bang" đều giàu có, xã hội hài hòa, hơn hẵn Việt Nam nhiều thập niên phát triển.

Việt Nam là một quốc gia phù hợp để áp dụng thành công mô hình "liên bang", do "lịch sử", văn hóa, lối sống... khác biệt ở các miền.

Trong khi Hiệp định Paris 1973 có dự trù điều khoản "dân tộc miền Nam giữ quyền dân tộc tự quyết" để "lựa chọn chế độ chính trị thích hợp".

Theo tôi, lý tưởng là chia Việt Nam thành "hai tiểu bang", gồm tiểu bang Nam kỳ lãnh thổ dưới vĩ tuyến 17 và tiểu bang Bắc kỳ, lãnh thổ phía bắc vĩ tuyến 17. Những người tôn thờ Hồ chí Minh và chủ nghĩa Mác Lê Nin thì ra miền Bắc xây dựng "xã hội chủ nghĩa". Còn ai không thích thì vào miền Nam, mọi người ai muốn làm gì thì làm, miễn không phạm luật, không xâm phạm tới quyền và lợi ích của người khác.

Trở về lại thời Lê Duẩn, rốt cục đảng cộng sản Việt Nam "đi đâu hoanh hoanh cho đời mõi mệt". Làm vậy là chỉ mất thì giờ của nhân dân. Mà thì giờ là tiền bạc.

Trương Nhân Tuấn

*****************

Hơn 30.000 USD cho mỗi mét vuông ‘đất vàng’ dọc bờ sông Sài Gòn (Người Việt, 30/10/2017)

Đất mặt tiền sông tại ngã ba Tôn Đức Thắng-Hàm Nghi, nơi được xem là "đất vàng", có giá 703,9 triệu đồng mỗi mét vuông (hơn 30.000 USD), cao nhất so với các trục đường ven sông Sài Gòn, theo VnExpress.

bando4

Giá đất bờ sông nằm dọc theo dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn do công ty TNHH Gachvang khảo sát và công bố cuối tháng Mười, 2017. (Hình : VnExpress)

Theo VnExpress, đó là tình hình giá đất nằm dọc theo bờ sông Sài Gòn kéo dài từ khu trung tâm Sài Gòn đến điểm cuối là vùng ven của đô thị này do công ty TNHH Gachvang vừa công bố.

Xếp thứ hai là giá đất dọc bờ sông khu vực quanh cầu Sài Gòn, thuộc Quận 2, có giá 155 triệu đồng một mét vuông (gần 7.000 USD). Thứ ba là đất bờ sông khu vực cầu Thủ Thiêm, có giá 117 triệu đồng (hơn 5.000 USD /m2). Kế đến là khu vực cầu Bình Triệu giá đất mặt tiền sông hơn 110 triệu (4.800 USD/m2). Chiếm vị trí thứ năm là đất bờ sông gần cầu Bình Lợi có giá 77 triệu đồng (3.500 USD /m2).

bando5

Bờ Tây sông Sài Gòn đang thực hiện "sứ mệnh" làm khu vực nén cao ốc cho khu trung tâm. Ảnh : Lê Quân

Giá đất bờ sông nằm dọc theo dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn do công ty TNHH Gachvang khảo sát và công bố cuối tháng Mười, 2017.

Kể từ địa phận quận 12 trở đi, giá đất bờ sông bắt đầu giảm dần về vùng dưới 40 triệu đồng mỗi m2 (1.800 USD /m2). Đến nơi có giá thấp nhất là địa phận huyện Củ Chi, giá đất bờ sông lùi về dưới 7 triệu đồng (300 USD /m2).

Theo Gachvang đánh giá, có nhiều nguyên nhân khiến giá đất dọc bờ sông các khu vực trên tăng cao, trong đó, không loại trừ tác động của cơn sốt đất lan rộng khắp Sài Gòn trong những tháng đầu năm.

Ở khu vực trung tâm quận 1 và các quận nội thành (Quận 2, Thủ Thiêm, Bình Thạnh) đất bờ sông tăng giá "chóng mặt" do sự "bùng nổ" các dự án ven sông.

Trong khi đó, khu vực ngoại thành, như Quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn, giá đất bờ sông tăng bất ngờ là do "cú hích’ ăn theo sự kỳ vọng đón đầu sự phát triển của dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn. (N.L)

Quay lại trang chủ
Read 574 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)