Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/11/2017

Ủy viên quốc hội bê bối, thi hoa hậu, lao động Trung Quốc chui

Tổng hợp

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam bê bối (Người Buôn Gió, 02/11/2017)

Sau một thời gian làm nhà thầu xây dựng Nam Việt Á, cấu kết với quan chức Quảng Nam-Đà Nẵng, chạy dự án, Thân Đức Nam đã vơ vét được khá nhiều tiền và có nhiều quan hệ. Năm 2000, Thân Đức Nam nhảy hẳn sang làm Tổng Giám đốc Cienco 5, một tổng công ty xây dựng công trình giao thông của Bộ Giao thông vận tải để dễ bề kiếm các dự án lớn.

tdn1

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Giống như nhiều doanh nghiệp khác của Nhà nước, Cienco 5 thay vì chuyên tâm xây dựng hạ tầng đường xá cầu cống phục vụ phát triển đất nước, thì lại bị Thân Đức Nam vung tiền ra đầu cơ đất đai, hưởng lợi khổng lồ từ sự bùng nổ thị trường bất động sản giai đoạn 2006-2010. Say máu kiếm lời từ các dự án được các ông lớn chống lưng, Thân Đức Nam đã lao vào các dự án "đổi đất lấy hạ tầng", một hình thức tham nhũng công khai. CIENCO 5 phải bỏ tiền xây đường trục Nam Hà Nội, đổi lại CIENCO 5 làm chủ đầu tư khu đô thị Thanh Hà, Mỹ Hưng. Đường trục phía Nam gần 10 năm mới làm được hơn 1km. Nhưng Thân Đức Nam lại đẻ ra Cienco 5 Land nhằm chiếm đoạt dự án Thanh Hà thông qua việc bán cho "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản với giá trên 1500 tỷ đồng. Chỉ bằng một vài động tác, ông Thân Đức Nam đã bỏ túi riêng trên 1.500 tỷ đồng của Nhà nước. Thanh tra Hà Nội đã chỉ rõ Thân Đức Nam vi phạm pháp luật nghiêm trọng và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. 

Với bản chất của kẻ cơ hội, Thân Đức Nam tìm cách ôm số tiền 1.500 tỷ chạy trốn sang chính trường để lại trách nhiệm phải xây dựng đường phía Nam cho Cienco 5. Rồi lấy tiền đó mua ghế Đại biểu quốc hội như bà Châu Thị Thu Nga, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Đặng Thị Hoàng Yến... hưởng quyền miễn trừ truy cứu trách nhiệm hình sự, thủ đoạn nhằm ngăn các cơ quan điều tra đụng tới. Khoác trên mình áo mới, Đại biểu quốc hội, Thân Đức Nam lại dùng tiền mua chuộc để leo lên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. 

tdn2

Thân Đức Nam và vợ là bà Đặng Thu Thủy - ảnh Vietfact

Để tẩu tán tài sản và hợp pháp hóa các nguồn tiền bẩn khổng lồ, Thân Đức Nam đã tuồn lượng tiền lớn vào các công ty của gia đình họ Thân. Ngoài căn nhà tại 11B đường Điện Biên Phủ (Hà Nội) thì Thân Đức Nam đang sống sa hoa tại dinh thự nguy nga 800m số 78 Hoàng Văn Thụ, trung tâm Đà Nẵng. Đặc biệt, Thân Đức Nam còn sở hữu Khu du lịch nghỉ dưỡng Fusion Maia Đà Nẵng khổng lồ, Khu Fusion Café Hội An sở hữu chuỗi Bar, café và nhà hàng, do vợ là Đặng Thị Thu Thủy sinh năm 1959 và con trai sinh năm 1979 là Thân Đức Tiết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng sở hữu. Con thứ 2 là Thân Thị Mỹ Sương sinh năm 1981 được Thân Đức Nam nhét vào Cụm Cảng hàng không Miền Trung. Con thứ 3 là Thân Đức Nghiêm Huân sinh năm 1983 đang làm cậu ấm tại Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) Đà Nẵng, đơn vị thành viên của Cienco 5. Con thứ 4 là Thân Thị Thục Quyên sinh năm 1987 đang làm cô chủ nhỏ tại Khách sạn Sanova, Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc ngay sát chợ Bến Thành, trung tâm mua bán sầm uất Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, do vợ của Thân Đức Nam là bà Đặng Thu Thủy sở hữu. Và tất nhiên, hôm khai trương có các quan chức tai to mặt lớn tới dự !

Các cụ nói "Cơm no ấm cật đâm dửng mỡ" quả không sai. Gặp Thái Duy Thúy Vy trong giới người mẫu, là bạn thân của Ngọc Trinh và ông trùm Mạnh Bệu. Với bản tính ma mãnh, từng trải của mình, Thân Đức Nam và Thúy Vy (sinh năm 1985, đáng tuổi con) là một cặp "trai tứ chiếng" gặp "gái giang hồ". Và cái gì đến đã đến. Cái đêm định mệnh ấy, họ đã lao vào nhau như thiêu thân. Và thế là những chuyến công tác, du lịch, ăn chơi trác táng ở nước ngoài của Thân Đức Nam cùng người đẹp được diễn ra thường xuyên, hết Thái Lan rồi đến Mỹ... Đến nỗi họ quên hết thực tại là Thân Đức Nam đã có vợ và 4 con. Kết quả là một bé gái xinh đẹp ra đời, minh chứng cho tình yêu vụng trộm dối trá của họ ! Ngoài các dự án của gia đình, Thân Đức Nam còn vung tiền bạc, vinh hoa phú quý do tham nhũng từ các dự án để nuôi vợ bé và đứa con ngoài giá thú này.

Người Buôn Gió

*****************

Thi hoa hậu quá nhiều có cần thiết ? (BBC, 02/11/2017)

Tham gia thảo luận cùng phóng viên BBC Tiếng Việt về sự nở rộ các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam, bạn đọc BBC cũng nêu ra nhiều vấn đề sau những ồn ào về cuộc thi Hoa hậu Đại dương.

tdn3

Các thông điệp về công - dung - ngôn - hạnh dễ bị lu mờ bởi những lùm xùm của các cuộc thi sắc đẹp

Theo nhà báo Mỹ Hằng từ văn phòng Bangkok của BBC, rất nhiều ý kiến của dư luận đối với các cuộc thi Hoa hậu, đặc biệt là cuộc thi Hoa hậu Đại dương gần đây có chiều hướng tiêu cực.

Bên cạnh việc được tổ chức tràn lan, nở rộ "như nấm sau mưa", chất lượng của các cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ tại Việt Nam cũng bị khán giả "mổ xẻ".

Trong nhiều khán giả theo dõi cuộc thảo luận Trực tuyến hôm 01/11/2017 trên Facebook và YouTube đã đưa ra các quan điểm khác nhau về những cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam và chia sẻ ý kiến với BBC Tiếng Việt.

Bạn Bảo Minh thắc mắc trước việc các cuộc thi có quy mô rất lớn, thậm chí quy mô quốc tế nhưng đầu vào lại không xét học thức, giáo dục hay ngoại ngữ của thí sinh mà chỉ quan tâm đến hình thể.

Cũng trên Facebook, bạn Xương Xương cho rằng các cuộc thi sắc đẹp hiện nay chủ yếu mang tính chất thương mại.

Đối với khán giả Thang Viet Nguyen, trí thông minh và sự hài hước tự nhiên của người phụ nữ đáng yêu hơn nhiều so với vẻ bề ngoài.

Đánh giá ngay lập tức

Cuộc thảo luận trên Facebook Live hôm thứ Năm tuần đầu tháng 11/2017 diễn ra trong bối cảnh nhờ mạng xã hội và thông tin mở hiện nay, các "cư dân mạng" có thể ngay lập tức tiếp cận với những hình ảnh trong quá khứ của các thí sinh, hay đăng tải những học bạ, bảng điểm với điểm số thấp của tân hoa hậu.

Phóng viên Thùy Linh của BBC cho rằng dư luận cũng nên thừa nhận một số điểm như sự dũng cảm hay sự đầu tư của các thí sinh về cả tinh thần và vật chất.

Tuy nhiên, cá nhân cô phản đối các cuộc thi hoa hậu khi các cuộc thi này đem những người phụ nữ lên một bàn cân trong khi mỗi cô gái đều có những điểm khác biệt.

Cô không đồng ý với việc so sánh các thí sinh giống như đang "niêm yết giá".

Theo phóng viên Mỹ Hằng, tuy nhu cầu các cuộc thi để khẳng định nhan sắc trên thế giới không phải không có, nhưng các nước phát triển hầu như không tán thành việc thi sắc đẹp, điển hình với phong trào nữ quyền ở các nước Phương Tây.

Dễ chuyển 'từ đẹp đến xấu'

Rất nhiều cuộc thi sắc đẹp như ở Anh, Mỹ đều gặp trở ngại, cô cho biết.

Ngoài ra, tại nhiều nước Hồi giáo, tuyệt nhiên phụ nữ không thể phô trương hình thể trên sân khấu.

Ở Pháp, việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc cho thiếu nhi thậm chí cũng bị cấm do lo ngại sự ảnh hưởng đối với nhận thức và tâm lý của các bé gái, theo Mỹ Hằng.

Tuy các cuộc thi nhan sắc đều lồng ghép những hoạt động nhằm tôn vinh nhân cách hay lòng nhân ái của người phụ nữ, nhưng các giá trị này dễ bị lu mờ sau những lùm xùm còn đọng lại và tâm lý chung của khán giả.

Đồng tình với ý kiến trên, Phỏng vấn Thùy Linh cho rằng với suy nghĩ có nhan sắc sẽ có tiền tài và danh vọng, các cuộc thi nhan sắc có thể sẽ làm ảnh hưởng tới suy nghĩ của những khán giả nhỏ tuổi. Theo cô, việc trao những giải thưởng gồm tiền mặt và vương miện giá trị quá lớn dường như chưa thiết thực so với những sứ mệnh và thông điệp mà các cuộc thi hướng tới.

Các nhà báo BBC cũng nêu ra rằng điều khác biệt giữa các cuộc thi sắc đẹp của Việt Nam và thế giới khi những cuộc thi lớn như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Trái đất đều có những kế hoạch hoạt động cụ thể cho các hoa hậu trong nhiệm kì của mình.

Trả lời bình luận của một khán giả theo dõi chương trình với ý kiến cho rằng hầu như các nước quan tâm đến các cuộc thi sắc đẹp đều là các nước nghèo, nhà báo Thùy Linh cho rằng các cuộc thi này tại các nước phát triển tiến hầu như không nhận được sự chú ý so với các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội.

Còn tại Việt Nam thì đây lại là điều ngược lại với khán thính giả.

Còn Mỹ Hằng cho rằng sự hạn chế hiểu biết này cũng được phản ánh qua các thí sinh của các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam.

Cô cho rằng vì vậy cần có sự đào tạo để nâng cao chất lượng các thí sinh tại các cuộc thi này, không chỉ về nhan sắc mà cả về hiểu biết và trí tuệ.

*******************

Lao động Trung Quốc làm chui ở Bình Thuận (RFA, 02/11/2017)

Có hơn 500 lao động người nước ngoài chưa có giấy phép lao động và gần 300 người không thuộc diện cấp giấy phép lao động đang làm việc tại các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

tdn4

Ảnh minh họa : Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Photo : RFA

Sở Lao động, thương binh và xã hội cho biết số liệu vừa nêu trong báo cáo trình lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là hai đơn vị thuê mướn những lao động người nước ngoài bất hợp pháp này. Bên cạnh đó còn có Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vận hành Kinh doanh Vĩnh Tân điện lực Trung Quốc và các nhà thầu phụ, bao gồm các công ty Lắp đặt Quảng Đông, Trung Kiến 2, Trung Kiến 3, Vận chuyển Trung Đặc và Tương điện Hồ Nam.

Trong báo cáo của Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bình Thuận không nói rõ những lao động người nước ngoài trái phép tại các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân mang quốc tịch nào, nhưng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý theo quy định pháp luật nếu các chủ thuê mướn lao động người nước ngoài trái phép không hoàn tất hồ sơ theo thời hạn được yêu cầu.

Quay lại trang chủ
Read 592 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)