Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/11/2017

Miền Trung : họa vô đơn chí : sau 12 là cơn bão 13

Tổng hợp

Việt Nam chuẩn bị ứng phó bão số 13 (RFA, 10/11/2017)

Cơn bão mới nhất số 13, có tên quốc tế là Haikui, vào Biển Đông, diễn biến phức tạp, có khả năng vào Đà Nẵng. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn đưa ra dự báo này vào sáng 10/11/2017.

bao1

Đà Nẵng trước cơn bão số 12. RFA

Theo thông báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, các tỉnh ven biển cần theo dõi nhằm ứng phó kịp thời ; các tỉnh miền Trung, từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi và sụt lún ven sông.

Vào sáng ngày 10 tháng 11, trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Việt Nam nêu rõ, do diễn biến phức tạp của cơn bão, biển động mạnh nên ngư dân cần theo dõi trước khi ra khơi, nhất là các tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi.

Ông cũng chỉ thị chính quyền các tỉnh ven biển phải nhanh chóng thông báo cho tàu bè đang hoạt động ngoài khơi biết để tránh bão.

Mặt khác, tin tức chúng tôi thu thập được, nhiều quốc gia viện trợ Việt Nam khắc phục hậu quả cơn bão số 12 vừa qua.

Cơn bão số 12 có tên quốc tế là Damrey quét qua khu vực Nam Trung Bộ gây thiệt hại nặng nề về người và của. Hơn 100 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích và chừng 200 người bị thương tính đến ngày 8/11. Thiệt hại về vật chất được nói lên đến cả chục ngàn tỷ đồng.

Tin cho biết chính phủ Hàn Quốc quyết định viện trợ một triệu USD, chính phủ Nga viện trợ nhân đạo năm triệu USD. Nhật hỗ trợ 105 máy lọc nước nhằm giúp người dân vùng bão có nước sạch cho sinh hoạt.

Ngoài ba nước nêu trên, hôm 10/11, Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Daniel Kritenbrink, thay mặt chính phủ Mỹ công bố khoản viện trợ trị giá hơn một triệu USD nhằm giúp người dân Việt Nam khắc phục hậu quả cơn bão Damrey và các đợt thiên tai trong tương lai.

******************

Lụt miền Trung, nông dân trắng tay (RFA, 09/11/2017)

lulut1

Rác trôi nổi khắp nơi sau bão thay vì củi rừng như trước đây - TTVN

Sau bão Damrey, trời mưa như trút nước, hầu hết các đập thủy điện tại miền Trung đều xả cửa cứu đập, dẫn đến các tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi ra đến Thừa Thiên Huế bị ngập lụt nặng. Hiện tại vẫn chưa có con số thống kê đầy đủ về con số thiệt hại nhưng có thể nói rằng đây là một trận lụt quá khủng khiếp đối với người nông dân miền Trung.

Nông dân trắng tay

Ông Lê Văn Thế, nông dân thuyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, chia sẻ : "Nó vô nhà, lên tới gần lổ rún, nó trôi vài thứ đồ, mình phải xử lý mười con gà vậy thôi. Nước lần này là nước xả đập, không có rác rều hay phù sa gì cả. Quảng Nam là vua đập mà, có 56 cái đập thủy điện, 26 cái đập thủy lợi, mỗi khi lụt nguồn thì nó thi nhau xả. Dân giờ cũng kinh nghiệm rồi, hễ tới mùa mưa thì lo phòng thủ trước mọi thứ. Nhưng mà nói vậy chứ làm sao mà ngăn ngừa hết được…".

Theo ông Thế, đây là trận lụt quá khủng khiếp, mặc dù có chuẩn bị trước các khâu tránh lũ, thu xếp đồ đạt, tài sản cho khỏi bị ướt nhưng hầu hết các gia đình đều bị ướt lương thực, vật dụng trong gia đình như tivi, tủ lạnh, quạt điện, nồi cơm điện đều bị ngấm nước. Riêng xóm ông Thế, có nhiều nhà nước ngập lên chạm nóc nên mọi thứ bỏ trên gác đều bị hư hỏng nặng.

Ông Thế tỏ ra tức giận bởi từ ngày có thủy điện, người dân chẳng được lợi gì ngoài việc chạy lũ, nước dâng nhanh và cao đến mức ngay cả mạng sống cũng khó mà giữ được chứ đừng nói đến tài sản bị hư hại. Trong khi đó, rừng đầu nguồn bị khai thác để lấy diện tích lòng hồ, lớp đệm điều tiết nước bởi rừng được thay thế bằng bằng cái chảo nước có tên là lòng hồ thủy điện. Thay vì nước chảy một cách có điều tiết xuống hạ lưu thì hiện tại, hầu hết các trận mưa rừng đều tập trung về hồ chứa và khi mực nước hồ chứa dâng đến mức báo động đỏ thì người ta thi nhau xả để giữ thân đập. Cuối cùng, đồng bằng phải hứng chịu mọi hậu quả.

Ông Thế nói rằng với tư cách là một người dân, ông không phản đối những chương trình hay chính sách làm kinh tế của nhà nước, thậm chí ông luôn ủng hộ các công trình nhà nước, bởi đó là kiến thiết quốc gia. Nhưng, ông cũng nhấn mạnh là bất kì công trình nào mang tính kiến thiết quốc gia đều phải căn cứ trên quyền lợi của đại bộ phận nhân dân mà thực hiện, thi công. Một công trình thủy điện có lợi được cho bao nhiêu người ? Nhà nước đã cân nhắc những thiệt hại nó gây ra cho người nông dân hay chưa ?

Rõ ràng hậu quả trước mắt, có thể nhìn thấy được mà không cần phân tích, mổ xẻ gì cho nhiều là một công trình thủy điện chỉ có lợi cho một nhóm nhỏ nhưng thiệt hại mà nó gây ra thì cả một đồng bằng hàng triệu người dân, hàng trăm ngàn gia đình phải gánh chịu. Bù vào đó, thủy điện đã đền bù gì được cho người dân hay chưa ? Câu trả lời là chưa và không hề, thủy điện đã hoạt động hàng chục năm nay nhưng tất cả các trận lụt do xả đập thì hậu quả của nó dù có lớn cỡ nào cũng chỉ người nông dân gánh chịu.

Nông dân muốn thủy điện đền bù và không cần từ thiện hay cứu trợ

Một nông dân khác, sống tại Quảng Ngãi, yêu cầu giấu tên, chia sẻ : "Bởi vì thủy điện của mình nó quá nhiều, chứ nước lũ thì nó không đến nỗi như hiện tại. Nói chung thì cũng khó nói, nếu như trước đây các ổng tính đến chuyện thiệt hại thì chắc là không xây. Vì các ổng nghỉ là có lợi nên mới xây, mà tính sai nước nên đâm ra lợi không bằng hại. Nếu như ở các nước khác thì thủy điện phải đền bù thiệt hại cho nhân dân. Nhưng ở đây (Việt Nam) thì không có chuyện đó đâu, cãi cách gì cũng thua mấy ổng thôi. Nếu như các thiết kế thủy điện hợp lý thì bây giờ đâu đến nỗi thiệt hại như đang thấy…".

Vị này chia sẻ thêm là hiện tại, người nông dân cần có một chính sách đền bù tử tế từ các thủy điện. Bởi thủy điện có mọc lên nhiều bao nhiêu thì người nông dân cũng chẳng được lợi gì ngoài việc giá điện vẫn tăng vùn vụt, tiền phạt sử dụng điện vượt mức qui định vẫn cao chất ngất và nói cho đại bộ phận người dân vẫn chẳng được hưởng lợi gì từ các thủy điện.

Trong khi đó, với nguồi nông dân, một con heo, một con gà, một con trâu, con bò là cả một gia tài. Thủy điện xả đập, heo gà, trâu bò chết, người nông dân mất trắng, chẳng có thủy điện nào đứng ra đền bù.

Vị này nhấn mạnh, người nông dân có lòng tự trọng của mình, người nông dân muốn tự mình làm ra của cải và thụ hưởng thành quả của mình làm ra một cách an toàn, trọn vẹn chứ không muốn phải dựa dẫm vào bất kì lòng thương xót của ai. Bởi mọi người, ai cũng khổ, dù sống bất kỳ nơi nào cũng phải làm ăn, kiếm sống và lao động vất vả. Khi nghe nông dân miền Trung bị thiên tai, chắc chắn đồng bào ở khắp nơi sẽ thương xót, người nhịn ly cà phê, người nhịn bữa cơm trưa, người ngưng sắm cái áo mới để gửi tiền đó về ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại.

Nhưng tại sao thủy điện hưởng lợi từ việc bán điện, thủy điện gây ra lũ lụt vì xả đập, cứu đập mà thủy điện không đền bù thiệt hại cho người dân ? Và thực ra nhà nước đã tính toán, cân nhắc như thế nào trước cái lợi của thủy điện và cái hại mà người dân gánh chịu ?

Vị này kêu gọi nhà nước cần có những biện pháp xử lý cụ thể để người dân được đền bù thỏa đáng các hậu quả do thủy điện gây ra. Ông khẳng định thêm một lần nữa là ông cũng như hầu hết các nông dân miền Trung đều không muốn ngửa tay nhận sự ban ơn của người khác trong lúc kẻ gây ra tai họa cho mình lại ung dung hưởng lợi, chẳng đoái hoài gì đến người dân. Rõ ràng, ở đây thiếu hẳn một sự tử tế cũng như tính sòng phẵng từ phía các thủy điện cũng như các cơ quan quản lý ngành điện khi nói về sự thiệt hại của người nông dân.

Câu kết của vị này cũng là mối trăn trở chung của hầu hết nông dân miền Trung Việt Nam, những người đang sống trong các vùng hạ lưu, nơi mà thủy điện có thể xả lũ, gây ngập úng vào mùa mưa và tích nước, ngây nhiễm mặn vào mùa khô hằng năm. Thiết nghĩ, nhà nước nên có biện pháp cụ thể để giài quyết vấn đề thiệt hại của người dân do thủy điện gây ra.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

******************

Miền trung có thể hứng chịu thêm cơn bão 13 (RFA, 09/11/2017)

Một cơn bão nữa, tức bão số 13, có khả năng đổ vào miền Trung trong vài ngày tới. Đây là kịch bản xấu nhất mà Cơ quan Khí tương Thủy văn Việt Nam dự báo. Hiện nay, áp thấp nhiệt đới đang nằm ở phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa.

bao1

Người dân lội nước ở ngay trung tâm du lịch phố cổ Hội An hôm 6/11/2017 sau khi cơn bão Damrey ập vào miền trung Việt Nam. AFP

Theo dự đoán của các cơ quan khí tượng thế giới được một số quan chức Việt Nam trích dẫn, thì áp thấp nhiệt đới này có thể yếu đi, có thể đi lên phía Bắc, nhưng cũng có thể đổ vào miền Trung Việt Nam.

Hiện nay do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới này mà vùng biển phía Bắc Biển Đông động rất mạnh và có mưa to.

Liên quan đến đợt lũ lớn do cơn bão số 12 gây ra làm ít nhất hơn 100 người thiệt mạng, ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nói rằng cơn bão này gây ra hậu quả nặng nề là vì khu vực miền Nam Trung bộ không có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với bão lụt.

Ông cũng nói rằng Ngân hàng Nhà nước đang tìm cách hỗ trợ người dân bằng cách xem xét lại thời gian trả nợ, hay giảm nợ. Còn đối với 8 chiếc tàu bị chìm ngoài khơi vùng biển Qui Nhơn, ông cũng cho biết các cơ quan hữu quan phải chú ý đến chuyện ngăn chận việc tràn dầu ra từ các con tàu bị đắm.

Cộng đồng Châu Âu cũng lên tiếng là sẽ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão số 12, và sẽ gửi một đoàn công tác tới Việt Nam để ước lượng tình hình thiệt hại để đưa ra các biện pháp giúp đỡ.

*********************

Người dân còn lại gì sau cơn bão số 12 ? (RFA, 08/11/2017)

Các nạn nhân trong bão số 12, với tên quốc tế là Damrey, ở khu vực miền Trung gánh chịu những thiệt hại ra sao cũng như họ trông đợi được giúp đỡ sau bão thế nào ?

bao2

Một người dân ở Hội An trơ trọi trên cánh đồng mênh mông nước trong ngày 8/11/2017. AFP

Thiệt hại nặng nề

Sau 4 ngày bão Damrey quét qua khu vực miền Trung Việt Nam, có ít nhất hơn 100 người thiệt mạng, 25 người mất tích và 197 người bị thương, tính đến 7 giời tối ngày 8 tháng 11.

Bên cạnh số liệu thống kê về thiệt hại nhân mạng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết có 8 tàu thủy bị chìm ngoài biển và đây được xem là tai nạn hàng hải lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, còn gần 1500 căn nhà bị sập, xấp xỉ 120 ngàn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng, hàng trăm ngôi nhà bị ngập, tập trung chủ yếu ở 7 tỉnh từ Quảng Trị xuôi vào đến Phú Yên. Riêng tỉnh Khánh Hòa là nơi bị bão số 12 tàn phá nặng nề với số người chết nhiều nhất.

Nhà báo tự do Võ Văn Tạo vào tối ngày 8 tháng 11 cho Đài Á Châu Tự Do biết tình hình ở thành phố Nha Trang sau khi bão đi qua :

"Có mấy tiếng đồng hồ sau khi cơn bão đi qua, tuy vẫn còn rớt bão đến tận chiều. Tôi đi ra ngoài nhìn thấy cây cối hai bên đường đổ gần như hết. Nhà cửa thì tốc mái, nào là bảng hiệu kể cả những bảng quảng cáo to, đắt tiền bị gãy, cột điện cũng thế…Nhìn kinh hoàng như B52 rải thảm. Tôi có gặp một cụ già 81, sinh ra và lớn lên ở Khánh Hòa. Cụ bảo từ bé đến lớn chưa thấy trận bão nào kinh hoàng như thế này, mức độ tàn phá khủng khiếp như thế này. Khánh Hòa đến chiều hôm qua (ngày 7/11/17) thì thống kê có 40 người chết và 138 người bị thương".

Nhà báo Võ Văn Tạo còn cho biết thêm ông cũng đã đi đến huyện Vạn Ninh, khu vực phía Bắc tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, dân chúng vẫn còn tìm kiếm xác của những người làm thuê công việc nuôi tôm cá dưới biển bị lồng bè đè chết.

Truyền thông quốc nội tràn ngập các hình ảnh tang tóc. Báo mạng Người Lao Động đăng tải thông tin "Ninh Hòa phủ trắng khăn tang", trong thị xã nhỏ bé này có đến 17 người thiệt mạng do bão. Bản tin ghi rõ "Ở đây, không một người nào không bị mất người thân trong bão". Kênh truyền hình VTC14 trong ngày 5 tháng 11 đưa tin về vùng nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh, tỉnh Phú Yên được mô tả như bãi chiến trường, hàng ngàn lồng nuôi tôm hùm bị cuốn trôi, những người nuôi tôm hùm khóc ròng vì trắng tay sau bão. Hai nông dân nuôi tôm hùm chia sẻ :

"Bão này rất nặng. Hai mươi mấy lồng là không tìm được một cái nào. Tìm được một cái thì bị rách hết, không còn một con tôm nào".

"Tàn phá của bão này là không thể chịu đựng nỗi. Có thể thiệt hại của bà con hầu hết là 100%".

Làm gì để giảm thiểu thiệt hại ?

Mặc dù thông tin về bão Damrey được truyền thông trong và ngoài nước liên tục cập nhật kể từ ngày mùng 1 tháng 11, khi các cơ quan khí tượng như AccuWeather dự báo áp thấp nhiệt đới tại khu vực Nam Biển Đông có thể mạnh lên thành bão và sẽ đổ bộ vào Việt Nam trong vài ngày tới và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu chính quyền địa phương nơi khu vực có thể bị ảnh hưởng bão phải tập trung ứng phó kip thời với bão số 12 ; tuy nhiên những thiệt hại về người và của mà cơn bão này gây ra là quá lớn đối với những nạn nhân ở miền Trung Việt Nam.

Là người từng chứng kiến các cơn bão lớn ở khu vực miền Bắc Việt Nam và bão số 12 ở Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng công tác chuẩn bị ứng phó với bão của các cơ quan chức năng giá như được kỹ lưỡng hơn và đôn đốc người đan nhiều hơn để họ không quá chủ quan trong việc đối phó khi có bão. Nhà báo Võ Văn Tạo nói với RFA thay vì chính quyền tỉnh Khánh Hòa nhắn tin vào điện thoại di động của người dân chỉ 3 lần trước khi bão ập đến thì theo ông việc cần thiết nên làm là bắt loa di động kêu gọi người dân chủ động chống bão hay cho Công ty Cây xanh của thành phố chặt, mé cành cây để hạn chế đến mức tối thiểu những thiệt hại về vật chất lẫn nhân mạng.

Đài RFA cũng liên với một số người dân trong vùng bão và được nghe chia sẻ họ không thể nhận biết được cơn bão mạnh đến mức nào. Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng họ trông đợi được giúp đỡ thế nào trong lúc nguy nàn như thế này, một người dân nuôi tôm nói rằng các nông dân nuôi hải sản bị thiệt hại nặng nề sau bão hy vọng sẽ được chính quyền hỗ trợ bằng nhiều hình thức để có thể gầy dựng lại từ đầu :

"Sau cơn bão này rồi thì chắc ít ngày nữa chính quyền địa phương sẽ cho người xuống thống kê ai thiệt hại bao nhiêu, thiệt hại nhiều hay ít và chắc là người ta sẽ có phương án hỗ trợ, khoanh vùng giãn nợ, cho vay không lãi suất…chắc phải như vậy thì mới giúp cho nông dân làm lại".

Và đa số các nạn nhân của bão Damrey mà RFA tiếp xúc đều bày tỏ không biết họ sẽ chịu đựng cảnh đói lạnh, màn trời chiếu đất trong bao lâu nữa và vẫn nơm nớp lo âu không rõ còn có cơn bão nào khác sẽ đến hay không trong mùa mưa bão năm nay.

Hòa Ái, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 655 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)