Đặc phái viên LHQ về lương thực sẽ thăm Việt Nam (RFA, 10/11/2017)
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về quyền được tiếp cận lương thực bà Hilal Elver sẽ đến thăm Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 24 tháng 11 tới đây. Mục tiêu được nêu rõ nhằm thu thập thông tin cụ thể về tình hình thực phẩm ở Việt Nam cũng như tác động của biến đổi khí hậu.
Cánh đồng hạn hán tại Sóc Trăng, hôm 2/3/2016 (Ảnh minh họa). AFP
Bà Elver nói với báo giới rằng bà muốn tới Việt Nam để xem người Việt có được hưởng những quyền lợi về lương thực thực phẩm hay không. Bà dự tính sẽ bàn thảo với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo mọi người dân đều được hưởng quyền lợi này, đặc biệt là những đối tượng dễ tổn thương trong xã hội như phụ nữ, trẻ em ở những vùng nông thôn và những thành phố đông đúc.
Bà cho biết bản thân đã ý thức được những tác động nghiêm trọng của biến đối khí hậu đến quyền tiếp cận lương thực của người Việt Nam và hi vọng chuyến thăm sẽ là dịp để bà đánh giá những tác động này.
Ngoài Chính phủ Việt Nam, bà Elver cũng sẽ gặp gỡ với đại diện Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam và cộng đồng xã hội dân sự tại nhiều nơi trên khắp cả nước.
********************
Các nước đang phát triển phàn nàn khối giàu về cam kết khí hậu (RFA, 10/11/2017)
Những nước giàu có trên thế giới không cam kết đủ vào lúc này có thể ngăn trở việc thực thi thỏa ước về biến đổi khí hậu.
Những người đến thăm quan đứng trước một biểu ngữ có dòng chữ "thay đổi cách nghĩ, không phải khí hậu" hôm 8/11/2017 nhân Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Bonn, Đức. AFP
Khối hơn 130 quốc gia đang phát triển trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc lên tiếng cảnh báo như vừa nêu tại vòng thương thảo đang diễn ra ở Bonn, nước Đức.
Hiệp định Khí hậu toàn cầu ký kết ở Pháp cách nay 2 năm kêu gọi thế giới cần thiết giữ ở mức thấp hơn 2 độ C (tương đương 3,6 độ F) hoặc ở mức 1,5 độ C nếu có thể trong hiện tượng khí hậu toàn cầu nóng lên.
Hiệp định cũng dựa trên cam kết của các nước về mức thải khí carbon. Nhưng cam kết này không đủ để giữ Trái đất ở mức an toàn và nhiệt độ toàn cầu có nguy cơ tăng lên đến 3 độ C vào cuối thế kỷ. Hơn nữa, các quốc gia không bắt tay thực hiện cho đến năm 2020 và các quốc gia đang phát triển cho rằng đó là thời gian quá dài để chờ đợi tăng tốc hành động.
Theo các điều khoản trong Hiệp định Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, chủ yếu nhóm các quốc gia giàu có phải có trách nhiệm hành động trước năm 2020 vì hiệu ứng nhà kính gia tăng nhanh chóng tại những nước này.