Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/11/2017

Sau khi đến rồi đi, người Việt giữ ấn tượng nào về Donald Trump ?

Tổng hợp

Mỹ hoan nghênh kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump (RFI, 13/11/2017)

Kết quả chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Donald Trump vừa được Nhà Trắng chính thức hoan nghênh. Trong một bản thông cáo công bố hôm 12/11/2017, phủ tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng chuyến công du của ông Trump cho phép hai bên "tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt".

trump1

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại Phủ chủ tịch, Hà Nội, 12/11/2017. Reuteurs/Kham

Thông cáo mở đầu bằng lời tổng thống Donald Trump xác định "Việt Nam ngày nay là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất hành tinh… Chúng ta biết rằng Mỹ hưởng lợi khi thiết lập quan hệ với các đối tác trong khu vực đó, một khu vực phát triển thịnh vượng một cách tự lập, không dựa vào ai…".

Thông cáo đã điểm lại những gì mà tổng thống Mỹ gặt hái và quyết định tại Việt Nam trong đó có viêc củng cố Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện Mỹ-Việt, được cho là một yếu tố quan trọng của một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa.

Một cách cụ thể, thông cáo nhắc lại rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận cấp đất cho Mỹ tại Hà Nội để xây dựng đại sứ quán mới, xem đấy là một ví dụ cụ thể cho thấy quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước.

Riêng trong lãnh vực quốc phòng, Nhà Trắng cho biết là hai bên đã đúc kết một Kế Hoạch Hành Động 3 Năm về Hợp Tác quốc phòng nhằm tăng cường các hoạt động hải quân song phương.

Mỹ cũng chính thức bàn giao cho Việt Nam một tàu tuần duyên (lớp Hamilton), giúp Việt Nam nâng cao năng lực giám sát và bảo đảm an ninh hàng hải.

Đặc biệt bản thông cáo cũng nhắc lại rằng hai lãnh đạo Mỹ và Việt Nam hoan nghênh kế hoạch dự trù cho một hàng không mẫu hạm Mỹ ghé thăm Việt Nam ngay trong năm 2018.

Riêng về Biển Đông, bản thông cáo của Nhà Trắng ghi nhận việc hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông và cam kết giải quyết các tranh chấp hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế.

Điểm thu hút sự chú ý chính là sự kiện Nhà Trắng ra một thông cáo về kết quả chuyến công du Việt Nam của ông Trump, trong lúc mà các nội dung nêu trong thông cáo đều đã được ghi chi tiết trong bản Tuyên Bố Chung Việt-Mỹ công bố sau cuộc họp thượng đỉnh Donald Trump-Trần Đại Quang.

Việt Nam và Hoa Kỳ kêu gọi làm rõ yêu sách ở Biển Đông

Phần về Biển Đông trong bản Tuyên Bố Chung đó đã nhắc lại hầu như nguyên văn các cam kết của Mỹ từ trước đến nay, đồng thời kêu gọi các bên "làm rõ yêu sách" chủ quyền, một thông điệp được cho là gởi đến Trung Quốc, nước cho đến nay vẫn mập mờ :

"Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quyền được tiếp cận tự do và mở khu vực Biển Đông đối với cộng đồng quốc tế, tầm quan trọng của việc duy trì thương mại hợp pháp không bị cản trở, và sự cần thiết phải tôn trọng tự do hàng hải – hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác.

Hai bên tái khẳng định lập trường về Biển Đông được nêu trong các Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ và Hoa Kỳ - ASEAN trước đây, bao gồm việc kêu gọi các bên không có những hành động làm leo thang căng thẳng, quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, và hạn chế một cách phi pháp các quyền tự do trên biển ; tái khẳng định cam kết chung đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Lãnh đạo hai nước kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên Bố về Ứng Xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và sớm hoàn tất một Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Hai bên cũng kêu gọi tất cả các bên yêu sách ở Biển Đông làm rõ và thực thi những yêu sách hàng hải của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, và thực hiện một cách thiện chí những trách nhiệm pháp lý quốc tế của mình trong quá trình quản lý và giải quyết tranh chấp".

Trọng Nghĩa

*****************

Tổng thống Hoa Kỳ kết thúc chuyến công du Việt Nam (RFA, 12/11/2017)

Bản Tuyên bố chung được công bố có 14 điểm bao quát các lĩnh vực trong mối quan hệ Việt- Mỹ.

trumpviet1

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump giơ tay chào trước khi lên máy bay Air Force One rời Việt Nam để đến Philippines hôm 12/11/2017 - AFP

Vấn đề nhân quyền là điểm thứ 10 trong tuyên bố chung, và theo đó thì lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.

Trong lĩnh vực quốc phòng, lãnh đạo hai phía khẳng định cam kết chung làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng và quyết tâm đối phó với những thách thức an ninh khu vực. Về hợp tác quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, ông chủ tịch Trần Đại Quang cám ơn phía Mỹ đã chuyển giao một tàu tuần tra bờ biển lớp Hamilton cho Việt Nam, nhằm giúp nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng hải và thực thi pháp luật của Việt Nam.

Lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam hoan nghênh kế hoạch về một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ lần đầu tiên đến thăm một cảng của Việt Nam trong năm 2018.

Về lĩnh vực thương mai theo Tuyên bố chung thì lãnh đạo hai nước hoan nghênh việc công bố các thỏa thuận thương mại mới trị giá hơn 12 tỷ đô la nhân chuyến thăm của tổng thống Donald Trump đến Việt Nam.

Ngoài Tuyên bố chung 14 điểm được Hà Nội phổ biến như vừa nêu, hãng tin Reuters vào ngày 12 tháng 11 loan tin trong cuộc gặp chủ tịch nước Việt Nam, tổng thống Donald Trump cho biết sẵn sàng làm trung gian thương thuyết giữa các bên có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Reuters dẫn lời của tổng thống Donald Trump với chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang rằng nếu thấy bản thân ông Trump có thể giúp làm trung gian hòa giải hay làm trọng tài thì hãy cho ông ta biết. Ông Trump nói rõ bản thân ông là một người giỏi làm trung gian hòa giải và làm trọng tài phân xử.

Tổng thống Donald Trump thừa nhận hoạt động tạo vị thế của Trung Quốc tại Biển Đông là một vấn đề.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang của Việt Nam lặp lại quan điểm tin tưởng vào biện pháp giải quyết tranh chấp tại khu vực Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Hãng tin AFP loan tin trong cuộc gặp với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội vào sáng ngày 12 tháng 11, tổng thống Donald Trump lặp lại than phiền về thâm thủng mậu dịch giữa hai nước nghiên về phía Việt Nam ở mức 26 tỷ đô la vào năm ngoài. Yêu cầu phải loại bỏ mất cân đối về mậu dịch từ phía Việt Nam đối với Mỹ được đưa ra ngay đầu cuộc gặp giữa tổng thống Donald Trump với thủ tướng nước chủ nhà Nguyễn Xuân Phúc.

Như trong tuyên bố chung đưa ra, thì vào sáng ngày 12 tháng 11, tổng thống Trump chứng kiến việc ký kết một số thỏa thuận giữa các công ty Hoa Kỳ và Việt Nam thuộc các lĩnh vực khí thiên nhiên, vận tải và hàng không. Trong đó có hợp đồng giữa Hãng Hàng Không Quốc gia Việt Nam- Vietnam Airlines với Hãng Pratt& Whitney của Hoa Kỳ trị giá 1,5 tỷ đô la. Theo đó Vietnam Airlines mua động cơ và dịch vụ hỗ trợ sản phẩm động cơ cho 20 máy bay Airbus A321. Hãng Vietjet cũng có hợp đồng mua động cơ máy bay và dịch vụ hỗ trợ của Pratt & Whitney trị giá 600 triệu đô la Mỹ.

Hai công ty năng lượng Mỹ gồm Alaska Gasline Development Corporation, AES Corporation và công ty xe tải Hoa Kỳ Navistar cũng có một số hợp đồng ký với phía Việt Nam sáng ngày 12 tháng 11 ; nhưng chi tiết chưa được công bố.

********************

Tổng thống Mỹ bắt đầu viếng thăm chính thức Việt Nam (RFI, 11/11/2017)

Chiều ngày 11/11/2017 tổng thống Donald Trump đã rời thành phố Đà Nẵng bay ra Hà Nội, bắt đầu chuyến viếng thăm cấp Nhà nước theo lời mời của chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang. Chương trình chính thức sẽ bắt đầu vào ngày 12/11/2017 với buổi hội đàm với chủ tịch nước Việt Nam.

trumpviet2

Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đến Hà Nội, ngày 11/11/2017, viếng thăm chính thức Việt Nam. Reuteurs/Jonathan Ernst

Thông tín viên đài RFI Frédéric Noir từ Sài Gòn điểm qua những hồ sơ quan trọng mà nguyên thủ hai nước sẽ trao đổi với nhau lần này :

"Tái tạo niềm tin đang bị đặt trước thử thách. Có lẽ đó là mục tiêu của tổng thống Trump tại Hà Nội. Cần nhắc lại rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP là một vố đau đối với Việt Nam. Bởi vì, một trong những mục tiêu của TPP là giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và Việt Nam là một trong những nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất với thỏa thuận này, do Mỹ là một trong những khách hàng quan trọng nhất của Việt Nam.

Trung thành với phương châm "Nước Mỹ là trên hết", Donald Trump đề ra mục tiêu giảm thâm hụt trong cán cân thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam. Phía Việt Nam hiểu rõ thông điệp này và Hà Nội muốn duy trì mối quan hệ gần gũi với nước cựu thù là Mỹ để làm đối trọng với những tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.

Tháng 5/2017, thủ tướng Việt Nam là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên hội kiến tổng thống Mỹ tại Washington.

Vấn đề đặt ra là chính quyền Mỹ đang thuyết phục Trung Quốc gia tăng áp lực lên chế độ Bình Nhưỡng, kềm hãm tham vọng hạt nhân Bắc Triều Tiên, cho nên hồ sơ liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông bị lùi lại. Đây là một hồ sơ rất quan trọng đối với phía Việt Nam, giờ đây là một trong những quốc gia duy nhất trong khu vực tìm cách cưỡng lại tham vọng bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tháng 8 vừa qua, nhân thượng đỉnh Hiệp Hội các nước Đông Nam Á, ASEAN, Việt Nam là quốc gia duy nhất cố gắng thuyết phục 9 thành viên còn lại đưa lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, nhưng đã thất bại.

Đây là một hồ sơ nhậy cảm đối với tổng thống Trump. Ông đang rất được lòng công luận Việt Nam nhưng lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ phải nỗ lực tái tạo niềm tin, phần nào bị sứt mẻ qua một loạt các quyết định của ông kể từ khi lên cầm cầm quyền".

Ngay chiều mai, kết thúc chuyến công du Việt Nam, tổng thống Hoa Kỳ sẽ đến Manila, Philippines, dự thượng đỉnh ASEAN từ ngày 12 đến 14/11/2017.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 801 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)