Cùng ngày sau khi Tổng thống Mỹ rời Việt Nam hôm 12/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và ký kết 12 văn kiện với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch Tập Cận Bình được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp tại Hà Nội với 21 phát đại bác. Trong chuyến thăm 2 ngày kết thúc hôm 13/11, ông Tập đến thăm lăng Bác Hồ, dự khai trương Cung hữu nghị Việt-Trung và Trung tâm Văn hóa Trung Quốc ở Hà Nội.
Trước đó người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đã tham dự lễ cắt băng khánh thành Cung hữu nghị Việt-Trung ở Hà Nội. Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng ông Tập khai trương biển tên Trung tâm Văn hóa Trung Quốc cùng trong buổi lễ này.
Mặc dù chuyến đi của ông Tập lần này được truyền thông trong nước ca ngợi là làm phát triển thêm mối quan hệ toàn diện và chiến lược, nhưng mục tiêu của chủ tịch Trung Quốc được các chuyên gia cho rằng có mục đích tăng cường sức mạnh mềm ở Việt Nam để phục vụ mục tiêu bành trướng trên Biển Đông.
Nhận định về mục đích của Trung tâm Văn hóa Trung Quốc ở Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện của Viện nghiên cứu Hán-Nôm cho rằng nó chỉ là một trung tâm để Trung Quốc tiếp thị văn hóa của họ.
"Các trung tâm văn hóa ở Hà Nội như của Nhật Bản, Viện Goethe của Đức, Alliance Francaise của Pháp góp phần làm giàu thêm văn hóa cho Việt Nam nhưng trung tâm văn hóa của Trung làm dấy lên lo ngại đối với người Việt Nam. Cũng như Viện Khổng tử, trung tâm văn hóa Trung Quốc chỉ nhằm mục đích truyền bá du học, du lịch và ngôn ngữ của họ để bành trướng sức mạnh mềm của Trung Quốc".
Biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ngày 17/5/2014. Ngườ Việt luôn quan ngại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc để lấn chiếm biển Đông. (ảnh Bùi Văn Phú)
Tiến sĩ của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho rằng đằng sau đó sẽ là "sự tụ tập nhiều hơn của người Trung Quốc" và nhận định rằng gần đây người Trung Quốc ở Hà Nội đang có dấu hiệu gia tăng. Quan sát từ việc chào đón ông Tập đến Hà Nội, Tiến sĩ Diện cho biết rằng mặc dù báo chí trong nước cho rằng người dân Việt Nam ra chào đón nhưng thực tế phần lớn trong số họ là người Trung Quốc – gồm nhiều sinh viên, lưu học sinh.
Trước khi ông Tập Cận Bình tới Việt Nam tham dự APEC tại Đà Nẵng, một nhà hoạt động trẻ trong nước đã kêu gọi phản đối chuyến thăm này của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc vì những hành động mà anh gọi là "phi pháp" trên Biển Đông.
Kể từ khi Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và nhất là khi quốc gia láng giềng này được cho là gây sức ép buộc Việt Nam ngừng khoan thăm dò dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha trên Biển Đông mới đây, người dân Việt càng quan ngại về Trung Quốc, theo giới quan sát.
Luật sư Hoàng Việt chuyên nghiên cứu về luật biển đảo cho VOA biết rằng dư luận Việt Nam không thích Trung Quốc và nước này đang muốn bành trướng sức mạnh của mình thông qua sự ảnh hưởng về văn hóa.
"Quan điểm của Trung Quốc vẫn là muốn bắt Việt Nam phải thực hiện cái gọi là ‘gác tranh chấp cùng khai thác’. Phương án này của Trung Quốc có những điểm rất bất lợi cho Việt Nam. Tên đầu đủ của nó là ‘chủ quyền của ta, gác tranh chấp cùng khai thác’. Tuy vậy nếu (Việt Nam) chấp nhận ‘gác tranh chấp cùng khai thác với Trung Quốc tức là vô hình chung đã chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc".
Theo Tiến sĩ Hoàng Việt, Chủ tịch Tập và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bàn về vấn đề Biển Đông tại Hà Nội cuối tuần qua nhưng chỉ nhất trí chung chung về việc đảm bảo hòa bình ổn định trong vùng biển có tranh chấp này "như trước đây họ vẫn nói". Trong khi đó Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm tới Hà Nội đưa ra tuyên bố chung với Chủ tịch Trần Đại Quang nhắc đến vấn đề Biển Đông mạnh mẽ hơn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và luật sư Hoàng Việt, trong khi mối quan hệ với Trung Quốc tiến triển tốt đẹp, nhưng Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông thì người Việt Nam sẽ tiếp tục lo ngại và tinh thần bài Trung Quốc sẽ tăng lên.
Tổng thống Trump trong bài phát biểu trước phóng viên báo chí tại Phủ Chủ tịch hôm 11/11 nói ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho tranh chấp Biển Đông.
Trong một phỏng vấn trước đây với VOA, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear cho rằng Việt Nam đang rất cẩn trọng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ và ông cho rằng Hà Nội nên phát triển mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ với Washington để cân bằng và đối chọi với sự ảnh hưởng của Trung Quốc.