Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/12/2017

Chính quyền giải quyết vụ BOT Cai Lậy như thế nào ?

Tổng hợp

Tại sao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa đề cập đến BOT ? (Tiếng Dân, 04/12/2017)

Khi cuộc kháng chiến chống BOT nổ ra tại cầu Bến Thủy ở quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh, ung nhọt của của lợi ích nhóm tại một trong những lãnh địa màu mỡ nhất đã bị bung vỡ, bộ mặt thật của lợi ích nhóm BOT tại Bộ Giao thông vận tải bị lật tẩy không còn tấc vải che.

nptbot1

Ông Nguyễn Phú Trọng thăm dân miền núi nhưng né tránh các trạm thu phí BOT. Ảnh : internet

Những điều rút ra từ BOT

Cuộc kháng chiến chống BOT với cứ điểm then chốt cao trào hiện nay ở trạm thu phí Cai Lậy đã chỉ ra các kết luận rõ ràng sau đây.

1. Lợi ích nhóm tồn tại khắp mọi nơi. Nơi nào càng lắm kinh phí nhà nước thì lợi ích nhóm ở nơi đó càng phát triển "rực rỡ". Càng lên cao thì lợi ích nhóm càng khổng lồ.

2. BOT là lãnh địa màu mỡ của lợi ích nhóm ; Là nơi mặc cả và chia chác lợi ích nhóm ; Là lá bài ban phát ơn huệ hay trả ơn cho một cá nhân hoặc một nhóm người.

3. BOT là nơi người dân bị trấn đoạt tiền bạc trắng trợn dưới vỏ bọc phát triển đất nước.

4. Một bộ phận đa số trong lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cùng phe với các nhóm lợi ích BOT.

5. Các nhóm lợi ích BOT sẽ chống đối đến cùng.

Tội của ông Đinh La Thăng ở BOT

Như nhiều người đã biết, kỷ luật ông Đinh La Thăng mới chỉ liên quan đến nhóm tội ở PVN. Còn bây giờ, BOT đã chỉ ra một phần tội của ông Đinh La Thăng lúc đương quyền ở Bộ Giao thông vận tải.

Ông Đinh La Thăng không thể chối bỏ tội của ông ở các trạm BOT. Tất cả những trạm BOT được xây dựng đướ thời ông Đinh La Thăng làm bộ trưởng đều không thoát khỏi vòng kiêm tỏa của ông.

Trong số đó phải kể đến hai trạm thu phí BOT Cầu Giẽ và Hà Nội – Bắc Giang, chỉ láng thêm một lớp nhựa đường mà đè cổ dân ra thu phí. Đây là món quà cho bà Đỗ Huyền Tâm, phu nhân sau của ông Nông Đức Mạnh.

Không hy vọng gì về ông Nguyễn Văn Thể

Khi ông Nguyễn Văn Thể được Quốc hội thông qua làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hôm 26/10/2017, có không ít người đã kỳ vọng vào ông.

Người ta nghĩ rằng ông còn trẻ, lại là người Đồng Tháp và được đào tạo tiến sĩ chuyên ngành giao thông tại một trường Đại học Giao thông vận tải ở Liên Xô trước đây, nên mang tính sòng phẳng Nam Bộ và lại có chuyên môn, đủ tiêu chí để đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Nhưng người ta đã bỏ qua hai điểm có tính nguyên tắc sau đây.

Một là, ông Thể tốt nghiệp đại học vào những năm Liên Xô tan rã (1989) và ông bảo vệ tiến sĩ vào những ngày loạn lạc (2001), nên chất lượng tiến sĩ của ông thực hư chưa rõ, bởi thế không khẳng định được năng lực chuyên môn đích thực của ông.

Hai là, ông Nguyễn Văn Thể đã lên được đến chức Bộ trưởng của chế độ thì phải chui qua cơ chế của chế độ, nên con người ông đã nhuốm máu cơ chế của chế độ.

Thực tế thì ông Nguyễn Văn Thể đã ngồi vào ghế bộ trưởng hơn cả tháng trời, mà tại sao ông lại không chịu giải quyết vụ BOT Cai Lậy đã thành điểm nóng suốt cả mấy tháng trời trên quê hương Nam Bộ của ông ?

Hóa ra, như báo Tuổi Trẻ hôm nay (4/12/2017- "Trạm BOT Cai Lậy nhầm chỗ : Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cần sửa sai !") đã đưa tin, rằng chính ông Nguyễn Văn Thể là tác giả đẻ ra cứ điểm BOT Cai Lậy.

Để thêm một lần thấy rằng, ai đã được lọt ra từ cơ chế của chế độ thì máu đã nhuốm máu cơ chế chế độ. Ông Nguyễn Văn Thể không là ngoài lệ. Đừng hy vọng nhiều vào ông. Có chăng là vào thời điểm hiện nay với ràng buộc từ xã hội, ông sẽ không còn nhiều phương tiện như thời ông Đinh La Thăng mà phung phá.

Tại sao chúng ta cố chống lại dân bằng mọi giá ?

Người dân Nam Bộ mưu trí phản kháng nhóm lợi ích Cai Lậy đã cả mấy tháng trời. Thế mà chính quyền vẫn khăng khăng bảo vệ nhóm lợi ích bằng mọi giá. Kiên trì không dời trạm thu phí đã đành, lại còn tập trung mọi phương tiện giúp nhóm lợi ích cướp tiền của dân, trong đó bao gồm cả điều động lực lượng cảnh sát cơ động đến trấn áp, rồi huy động cả hệ thống ngân hàng dồn tiền lẻ 100 đồng về trạm thu phí Cai Lậy để đối phó với dân.

Chúng ta chống đối dân ở Đồng Tâm. Chúng ta chống đối dân ở Bến Thủy. Chúng ta đang chối đối dân ở Cai Lậy. Chúng ta có thể chống đối với dân ở khắp mọi nơi chăng ?

Tại sao chúng ta cố thắng dân bằng mọi giá ? Một chính quyền như vậy có thể gọi là vì dân không ?

Chỉ có tranh đấu

Các nhóm lợi ích sẽ co cụm chống đối điên cuồng đến cùng. Cho nên con đường tranh đấu là con đường duy nhất của người dân.

Đồng bào Nghệ Tĩnh đã ép buộc lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhổ đi cứ điểm BOT Bến Thủy. Nay đồng bào Nam Bộ đang quật cường phản kháng cứ điểm BOT Cai lậy. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhất định sẽ phải nhổ cứ điểm trấn lột phí Cai Lậy.

Không chỉ là Cai Lậy. Còn bao nhiêu điểm thu phí BOT bất công nữa trên khắp cả nước sẽ phải xóa bỏ. Cuộc kháng chiến chống BOT toàn quốc sẽ còn gian truân.

Tại sao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa đề cập đến BOT ?

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dương cờ chống tham nhũng, nhưng tại sao hiện nay ông chưa một lần công khai đề cập đến vấn nạn BOT ?

Ông có thể làm ngơ cho ông Nông Đức Mạnh trong hai trạm phí Cầu Giẽ và Hà Nội – Bắc Giang. Nhưng BOT giao thông là lãnh địa tham nhũng cao độ rõ ràng nhất. Việc các nhóm lợi ích chống lại dân bằng mọi cách để dành phần thắng là đẩy dân đến đường cùng phản kháng. Đó không chỉ là BOT. Đó là sự tồn vong của chế độ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không thể không lo.

Nhưng có phải chính nỗi lo của ông là nguyên do người ta tìm mọi cách để toan thắng dân ?

Nếu quả đúng vậy thì chính quyền đang mang đến cho ông một nguy cơ to lớn. Đơn giản bởi chẳng ai có thể thắng được dân.

Nguyễn Ngọc Chu

********************

Trách nhiệm Bộ Giao thông vận tải nhìn từ vụ BOT Cai Lậy (Tiếng Dân, 04/12/2017)

Bộ Giao thông vận tải dám qua mặt Nhân dân lẫn qua mặt Chính phủ để triển khai BOT Cai Lậy !

nptbot2

Trạm thu phí BOT không nằm ở đường tránh mà nằm ở Quốc lộ 1A khiến tài xế, người dân bức xúc. Đồ họa : Minh Trí.

Chính phủ đồng ý chủ trương triển khai BOT tuyến tránh Cai Lậy ở Tiền Giang (xem ảnh 2). Tôi vẫn khẳng định rằng BOT là một chủ trương đúng vì sử dụng mô hình BOT sẽ tạo thêm đường sá, nâng cao chất lượng giao thông, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nhưng ở Việt Nam, BOT đã biến dạng ! Trong văn bản 97 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 15/1/2014 không hề có nội dung nào tên gia cường mặt đường Quốc lộ cả !

Chính phủ chấp thuận thì Bộ Giao thông vận tải phải thực hiện đúng theo quy định (xem ảnh 3). Nhưng có một văn bản số 379 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang ký ngày 6/11/2013 gửi Bộ Giao thông vận tải để yêu cầu khi làm tuyến tránh thì "gia cường mặt đường, sữa chữa hệ thống thoát nước dọc Quốc lộ 1" do ông Nguyễn Văn Danh ký.

Thế là Bộ Giao thông vận tải cho phép làm tuyến tránh BOT Cai Lậy theo cách không giống ai (xem ảnh 5) ! Người không thực hiện đúng chỉ đạo Chính phủ là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể năm xưa và Bộ trưởng đương nhiệm hôm nay.

Nếu không có sự phê duyệt "gia cường mặt đường, sữa chữa hệ thống thoát nước dọc Quốc lộ 1" thì trạm BOT Cai Lậy không thể nằm trên Quốc lộ thay vì đúng vị trí của nó : tuyến tránh. Điều đó đồng nghĩa với không có phản đối nào của người dân và "cuộc chiến tiền lẻ" sẽ không nổ ra kèm theo các hệ lụy kẹt xe, mất trật tự, ảnh hưởng xấu kinh tế, v.v…

Khoảng 90 dự án BOT tại Việt Nam có quá nửa là do ông Nguyễn Văn Thể ký duyệt. Đại đa số BOT bị Thanh tra Nhà nước và Kiểm toán Nhà nước phát hiện sai phạm lên tới hàng trăm tỉ đồng. Riêng đặt trạm sai vị trí gây bất ổn xã hội như kiểu BOT Cai Lậy có tổng cộng 7 trạm.

Với những sai phạm ấy, vì sao ông Nguyễn Văn Thể có thể thênh thang hoạn lộ về Sóc Trăng làm Bí thư tỉnh ủy rồi ra Hà Nội ngồi vị trí Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải ?

nptbot3

Công văn do ông Hoàng Trung Hải ký. Ảnh : internet

nptbot4

Quyết định do ông Nguyễn Văn Thể ký. Ảnh : internet

nptbot5

Công văn của đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Tiền Giang. Ảnh : internet

Nhân dân phản đối BOT sai vị trí thì bị công an mời lên làm việc, ông Thể ký duyệt BOT trái chỉ đạo Chính phủ vẫn "leo cao" hơn. Điều này làm tôi nhớ câu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền trong kỳ họp Quốc hội mới đây : "Phải chăng có luật dành riêng cho dân và luật dành riêng cho quan ?"

Ở Bộ Giao thông vận tải không chỉ có chuyện "vượt mặt" Chính phủ mà còn có cả chuyện coi thường Nhân dân. Với những sai phạm nêu trên mà ông Nguyễn Nhật- Thứ trưởng Bộ giao thông tuyên bố "không có gì sai cả" khi nói về BOT Cai Lậy.

Chưa cần nói đến kiến tạo, chỉ cần để cho nhân dân có sự yên ổn để làm ăn thì kinh tế sẽ phát triển.

Chưa cần nói đến minh bạch, nếu câc cấp bộ, ngành làm đúng chỉ đạo thì dân đã vỗ tay thay vì phản ứng.

Càng không nói đến công cuộc "đốt lò", nếu các Đảng viên là quan chức thực sự vì dân.

Nếu không có một cuộc đại ra soát và những mức án đủ sức răn đe cho những "vương quốc riêng" bất chấp lệnh trên như ở Bộ Giao thông vận tải thì bất ổn vẫn còn tiếp diễn.

Chú thích : Khi người dân phải mang cá tra (loài ăn tạp) ra cúng BOT thì đã sát điểm tới hạn chịu đựng của dân lắm rồi. Và cũng có một quan chức đã bị dân miền Tây đặt chết danh "Thả cá trê".

Mai Quốc Ấn

*********************

BOT Cai Lậy : liệu minh bạch sẽ là giải pháp ? (BBC, 04/12/2017)

Trao đổi với chuyên mục Điểm Tin Cuối Tuần của BBC Việt ngữ hôm 02/12/2017, nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng nêu quan điểm :

"BBC Tiếng Việt có một bài báo nói minh bạch là một phương thuốc cho Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng giải quyết vấn đề BOT của Cai Lậy cũng là vấn đề minh bạch".

nptbot6

Một tài xế đang giải thích quan điểm của mình khi đi qua trạm giao thông BOT Cai Lậy, Tiền Giang, sau khi đã nộp phí và yêu cầu được 'thối lại' đúng khoản tiền lẻ mà ông có quyền nhận lại.

Vừa mở cửa trở lại sau ba tháng, BOT Cai Lậy liên tục 'thất thủ' từ hôm 30/11 và liên tục phải xả trạm.

"Tôi nghe một anh tài xế cũng đưa ra một câu hỏi thế này : chúng tôi sẵn sàng đóng phí trên các đường giao thông, nhưng cái đó phải được rõ ràng, minh bạch là nhà đầu tư đã đầu tư bao nhiêu tiền ở trên quãng đường đó và phí, thu phí là bao nhiêu ?

"Và các lượt phương tiện, thời gian hoàn vốn và tất cả là bao nhiêu ? Tất cả mọi chuyện phải được minh bạch, nếu như hợp lý thì người ta sẽ chấp nhận".

'Mua lại và xóa sổ ?'

Bình luận về cách thức phản ứng các bên, trong đó có phía chính quyền và phía người tham gia giao thông bị thu phí khi đi qua trạm thu phí giao thông đường bộ BOT, như diễn ra trong thời gian gần đây và mà mấy ngày qua ở trạm BOT Tiền Giang, ông Ngô Nhật Đăng bình luận :

"Về cách xử lý từ phía nhà nước, chúng ta thấy có nhiều cái có thể nói là chưa có chừng mực, ví dụ một số luật sư cho rằng đây là giao dịch dân sự mà nhà nước dùng đến lực lượng công an can thiệp thì có vẻ là hơi quá đáng.

"Trước đây, có người nói tài xế sử dụng tiền lẻ để qua trạm, kéo dài thời gian tắc đường, cản trở giao thông, đấy cũng là vi phạm luật pháp, nhưng theo nhận xét của cá nhân tôi, thì đây có thể nói là một hình thức mà người ta có thể gọi là bất tuân dân sự với những cách mà những người tài xế [làm] có thể nói là rất thông minh để phản đối lại một sự vô lý.

"Rất nhiều người, nhiều chuyên gia kể cả trong nhà nước và một số trí thức bên ngoài đưa ra bài toán giải quyết làm sao cho dứt điểm về vấn đề trạm BOT ở Cai Lậy, vì đây sẽ trở thành một tiền lệ khi đứng ở giữa bài toán khó giải quyết.

"Nhà nước cũng không thể ngay lập tức xóa bỏ trạm Cai Lậy và các công trình khác, vì nó nảy sinh ra một vấn đề, tức là như có một quan chức Bộ Giao Thông, Vận Tải nói rằng khi phải bỏ trạm và đưa về phía đường tránh, thì việc đó là phải điều đình và đền bù lại thiệt hại của nhà đầu tư và ngân sách hiện nay là không có và vi đó gần như là bất khả thi", nhà báo tự do nêu nhận xét.

Cuối tuần này, truyền thông Việt Nam đưa nhiều tin bài về trạm BOT ở Cai Lậy, trong đó có một số ý kiến trong giới chuyên gia và quan sát 'hiến kế' giải quyết.

Hôm 03/12, trang điện tử Báo Mới dẫn lời của Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng giải pháp cho Cai Lậy là sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán tiền đầu tư cho nhà đầu tư.

Báo này cũng dẫn một ý kiến khác cho rằng sau khi mua lại, thì nhà nước nên xóa sổ các BOT :

"Tôi đã sinh sống ở Lào nhiều năm, ở thời điểm hiện tại thì ở Lào không hề có các dự án BOT, ở Việt Nam chúng ta có thể tính tới phương án là nhà nước bỏ tiền ra để mua lại các trạm BOT và xóa sổ chúng", ông Nguyễn Nam Cường, nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào, theo Báo Mới, được trang báo điện tử này dẫn lời nói.

Còn về góc độ pháp lý, trong một ý kiến chia sẻ với BBC gần đây, Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn cho rằng có vấn đề lớn khi nhìn rộng và sâu hơn vào các công trình BOT về giao thông đường bộ ở Việt Nam :

"Ở đây, tôi nghĩ nếu điều tra kỹ, thẩm tra kỹ, mà kể cả thẩm tra chất lượng yêu cầu mời quốc tế vào thẩm tra, chứ không phải giám sát rồi đi cưỡi ngựa xem hoa thì cũng không nắm được gì, thì chính cái đó mới thấy thất thoát như thế nào...

"Tất cả những cái đó là thiệt hại vừa qua không phải là hàng ngàn, mà hàng vạn tỉ [đồng], cái đó là cái lớn mà nếu làm cho kỹ ra thì đó cũng là một loại Đại án", nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với BBC.

********************

BOT Cai Lậy tạm ngừng, sau một ngày 'hỗn loạn' (BBC, 01/12/2017)

Trạm thu phí BOT Cai Lậy tạm ngưng hoạt động sau khi tài xế lái xe phản đối mạnh mẽ về việc thu phí trở lại vào hôm 30/11.

nptbot7

Vừa mở cửa trở lại sau ba tháng, BOT Cai Lậy liên tục 'thất thủ' từ hôm 30/11 và liên tục phải xả trạm.

Ngay khi trạm mở cửa hoạt động trở lại vào sáng 30/11, cánh tài xế ngay lập tức tiếp tục sử dụng tiền lẻ hoặc tiền mệnh giá lớn để trả phí.

Chủ đầu tư BOT Cai Lậy đã tính trước và cho xây dựng thêm hai bãi xe rộng 800 m2, chứa khoảng 40-50 xe, để giải quyết các xe muốn thanh toán bằng tiền lẻ, tuy nhiên nhiều tài xế không hợp tác.

Ban quản lý trạm dùng xe cẩu cẩu xe nhưng tài xế thì vẫn cố thủ trong xe.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một tài xế : "Việc trả tiền thu phí, dù là tiền mệnh giá lớn hay nhỏ, là giao dịch dân sự giữa tài xế và phía đơn vị thu phí. Công an không có quyền can thiệp vào và không được cẩu xe vì chúng tôi không vi phạm Luật Giao thông đường bộ".

Trạm BOT Cai Lạy đã phải xả cửa tới ba lần, và lần cuối cùng là vào 2 giờ rưỡi sáng 1/12 và vẫn chưa có dấu hiệu thu phí trở lại.

Theo VnExpress, hôm 30/11, "tài xế liên tục la hét, bấm còi yêu cầu nhân viên phải nhận đủ tiền lẻ ngay tại trạm, cương quyết đòi thối 100 đồng, hoặc phải xả trạm".

nptbot8

Cánh tài xế không chỉ trả tiền lẻ mệnh giá 100, 200, 500 đồng mà còn dùng 500.000 đồng để gây 'khó dễ' cho nhân viên trạm

Căng thẳng đỉnh điểm khi một tài xế tên Trịnh Hồng Phương trả 25.100 đồng với tờ tiền mệnh giá 200 đồng, và yêu cầu nhân viên trả đúng 100 đồng còn thừa.

Một viên Cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra giấy tờ nhưng không di chuyển xe. Sau đó ông Phương yêu cầu lấy lại giấy tờ, phía Cảnh sát giao thông từ chối và hai bên xảy ra xô xát.

Theo báo Tuổi Trẻ, nhiều người dân vây quanh đại tá Trần Hoài Bảo, trưởng phòng Cảnh sát giao thông Tiền Giang, yêu cầu trả bằng lái xe cho tài xế.

Một video clip trên mạng cho thấy ông Phương bị nhiều an ninh vây chặn và bắt giữ áp giải lên xe trong tiếng la ó của người dân và cánh lái xe.

Một tài xế khác tên Nguyễn Minh Trung. Sau khi nhân viên xả trạm vì ùn tắc giao thông thì ông Trung "nhất quyết không qua và yêu cầu phải trả phí mới cho xe qua trạm" sau đó "dừng xe tại trạm và có hành vi la hét", theo báo Dân Trí.

Nhưng theo báo này, cả hai tài xế đều đã được công an cho về.

"Chúng tôi phản đối trạm là vì vị trí bất hợp lý chứ không phải do giá vé. Anh em tài xế sẽ tiếp tục đấu tranh với nhà đầu tư", tài xế Võ Thanh Hào nói với VnExpress.

Trạm BOT Cai Lậy là một trong những tâm điểm nóng trong dư luận từ tháng 8 đến nay vì việc cánh tài xế cho rằng trạm thu phí BOT đặt sai quy định và mức phí đắt đỏ.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy bắt đầu đi vào hoạt động từ 1/8 để thu phí cho đoạn đường tránh Quốc lộ 1A.

Tuy nhiên, trạm BOT Cai Lậy không nằm ở đường tránh mà nằm ở Quốc lộ 1A, khiến nhiều tài xế bức xúc cho rằng họ không dùng đường tránh mà vẫn phải trả phí.

Hôm 16/8 Bộ Giao thông Vận tải, UBND Tiền Giang và chủ đầu tư đã quyết định sẽ giảm sẽ giảm 22-33% phí qua trạm nhưng thời gian thu phí lại tăng gấp đôi.

Hôm 30/11, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lưu Văn Hào, phó chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, là "vị trí đặt trạm và mức phí tại trạm thu phí Cai Lậy đã được sự đồng ý của cơ quan chức năng và sẽ không có sự điều chỉnh nào nữa".

Nhưng trạm vẫn chưa có kế hoạch hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Phú Hiệp, giám đốc Công ty đầu tư quốc lộ 1 nói :

"Vẫn chưa có kế hoạch mới và vẫn chưa biết lúc nào mới thu phí trở lại. Nhà đầu tư phải họp bàn với các ngành chức năng mới có thể biết được khi nào có thể thu phí trở lại".

***********************

Từ BOT Cai Lậy, hiểu về ‘cánh tài xế’. Họ là ai ? (RFA, 01/12/2017)

Câu chuyện trạm thu phí BOT và việc tài xế dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm càng trở nên sống động hơn và thu hút sự quan tâm của người dân trong nước nhiều hơn. Đặc biệt là hình thức họ bày tỏ sự phản đối việc thu phí ở các trạm BOT. Sự phản đối ở BOT Cai Lậy đã chứng tỏ mức độ ngày càng "đa dạng" hơn khi họ thay đổi "chiến thuật" trả tiền chẵn và chờ thối tiền lẻ.

nptbot9

Các tài xế và người dân tập trung ở BOT Cai Lậy ngày 1 tháng 12. Vietnamnet

Dư luận trong nước gọi đó là "mẫu mực về đấu tranh dân sự".

Các cánh tài xế, họ là ai ?

Hiểu pháp luật

Chiều tối ngày 1 tháng 12, từ Long An, tài xế Đỗ Coca, người có mặt trong diễn biến ở BOT Cai Lậy kể lại tình hình trong ngày đầu tiên trạm thu phí trở lại sau 3 tháng xả trạm, anh nói :

"Trong ngày đầu tiên thu phí trở lại, cánh tài xế phản đối rất dữ dằn. trong đó có anh Phương Tour đã bị anh cảnh sát giao thông thu bằng lái và không trả lại, yêu cầu ảnh leo lên xe để di chuyển nhưng ảnh không đồng ý và nói phải trả lại bằng lái ảnh mới di chuyển chứ nếu không ảnh lên xe di chuyển ra chỗ khác thì sẽ nói ảnh lái xe không bằng lái thì sao ?"

Tình hình diễn ra sau đó đã được lan truyền khắp mạng xã hội và báo chí trong nước. Tài xế Đỗ Coca cho chúng tôi biết thêm.

"Họ điều xe tới và bắt anh Phương về công an huyện Cai Lậy thì cánh tài xế có kéo đến và đòi công an Cai Lậy phải thả người. Đến 11 giờ đêm thì anh Phương được thả ra".

nptbot10

Anh Trịnh Hồng Phương bị cảnh sát trấn áp về trụ sở công an. Courtesy photo

Anh Phương Tour có tên Trịnh Hồng Phương, ở Bình Dương, là một trong hai người bị công an trấn áp tại trạm BOT Cai Lậy và đưa về trụ sở làm việc tối 30 tháng 11.

Trả lời phỏng vấn của Vietnamnet ngay sau khi rời trụ sở công an, cho anh Trịnh Hồng Phương cho biết lý do anh bị trấn áp cùng 1 người nữa là anh Nguyễn Minh Trung, Sóc Trăng.

"Bên cảnh sát giao thông "ghép" tôi vô hai lỗi. Thứ nhất là cản trở giao thông. Thứ hai, không chấp hành hiệu lệnh. Một bên lấy bằng lái tôi, một bên không thối tiền cho tôi. Tôi đưa tiền dư thì phải trả lại tiền cho tôi, tôi mới đi".

Chi tiết "chờ thối tiền dư" được anh Trịnh Hồng Phương đề cập với báo chính là một sự kiện thú vị đang được những người quan tâm BOT và các tài xế hưởng ứng. Lý do họ ủng hộ và hưởng ứng vì việc yêu cầu thối lại tờ 100 đồng là không trái với pháp luật.

Theo anh Phương kể lại, giá vé qua trạm của anh là 25.000 đồng. Anh Phương đưa 24.000 đồng, 1 tờ tiền mệnh giá 500 đồng và 3 tờ mệnh giá 200 đồng. Tính ra tổng số tiền Phương sử dụng mua vé qua trạm là 25.100 đồng.

Do đó anh cần phải lấy lại số tiền thối là 100 đồng.

Tài xế Huỳnh Long, người đã vào trạm thu phí Cai Lậy ngồi chờ chỉ để lấy lại tờ 100 đồng tiền thối đã có lời giải thích với một lãnh đạo của BOT Cai Lậy khi vị này nói rằng trạm không có tờ 100 đồng và tờ 100 đồng cũng không còn tồn tại trong giao dịch tiền tệ ở Việt Nam.

Sự việc này đã tạo ra một làn sóng phấn khích và hưởng ứng từ dân luận. Tiến sĩ Nguyễn Quang A bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân của ông rằng :

"Nếu có 5% dân Việt Nam hiểu đúng quyền của mình như anh bạn trẻ lái xe này thì Việt Nam chả mấy lúc sẽ bằng Hàn Quốc, Đài Loan.

Các ông trong Ban Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ và các chính quyền địa phương hãy nghe anh bạn trẻ này dạy cho quý vị về pháp luật".

Cùng ngày 1 tháng 12, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang, bà Nguyễn Thị Đậm trả lời VnExpress, khẳng định các loại tiền mệnh giá nhỏ 100, 200 đồng vẫn đang được lưu hành bình thường và luôn được cung ứng đầy đủ cho nền kinh tế.

Hiểu ‘luật chơi’

Thế nhưng, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) trả lời báo trong nước vào chiều ngày 1 tháng 12 cho biết trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang sẽ không vì sự phản đối của các tài xế mà ngừng việc thu phí và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Tiền Giang để lên kế hoạch xử lý.

Thông tin này được tài xế Đỗ Coca đón nhận với 1 suy nghĩ cá nhân và anh chia sẻ với chúng tôi :

"Nếu như bây giờ họ chấp nhận phương án của tài xế là dời trạm thì họ chấp nhận họ sai hoàn toàn và không chỉ có 1 BOT Cai Lậy là sai, mà tất cả BOT trên đất nước Việt Nam đều có dấu hiệu sai phạm. Tôi nghĩ chuyện cánh tài xế đòi di dời BOT Cai Lậy vào đường chánh là chuyện không thể".

Anh Đỗ Coca khẳng định những hành động của cánh tài xế trong sự việc ở BOT Cai Lậy cũng như những BOT khác không gì khác ngoài mục đích phản đối giá thu phí quá cao và trạm đặt sai vị trí.

"Hiện tại giảm xuống 25 ngàn, nhưng 1 người đưa con đi học, đưa con qua, rước con về, rồi chiều đi chợ qua rồi về cũng hết 100 ngàn. Ở đây cánh tài xế phản đối là cái trạm đăt sai vị trí. Tức là khi làm đường tránh Cai Lậy thì phải đặt trạm thu phí ở đường chánh Cai Lậy, mắc mớ gì đem ra quốc lộ đặt ? Trong khi mỗi người mua 1 cái xe ở Việt Nam là đã có phí đường bộ trong đó rồi".

Lên tiếng với báo chí hôm 1 tháng 12, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật khẳng định trạm BOT Cai Lậy về thủ tục đầu tư không sai với quy định của pháp luật và vị trí đặt trạm đã nhận sự đồng thuận của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, được Thủ tướng chính phủ chấp thuận.

Theo anh Đỗ Coca, anh và những người đang làm công việc gọi nôm na là "ngồi sau vô lăng’ hoàn toàn không được biết gì về sự đồng thuận của các vị lãnh đạo chính phủ. Bày tỏ niềm hãnh diện về công việc của mình và các đồng nghiệp, anh Đỗ Coca nói rằng cánh tài xế không phải là những dân trí thấp kém. Họ biết họ làm gì để không trái qui định pháp luật. Họ phản đối ôn hòa và không chọn những phương pháp chống phá, bạo lực.

Họ sẵn sàng đưa ra cách giải quyết ‘thuận mua vừa bán’, đóng góp cho xã hội bằng những bài toán hợp tình hợp lý. Kể lại cho chúng tôi phương cách mà các tài xế nghĩ đến, Đỗ Coca nói ;

"Nếu để đề ra phương án giải quyết thì chỉ có 1 cách là vẫn để trạm này tại quốc lộ 1, nhưng xây thêm 1 trạm bên phía đường tránh. Giá tối thiểu 25 ngàn cho 1 chiếc 4 chỗ thì bây giờ thu 10 ngàn ở ngoài đường quốc lộ như phí tu sửa, còn ai sử dụng thêm đường tránh thì trả 15 ngàn".

Thực tế ở Việt Nam cho thấy rằng, hiện tại, để mua 1 viên kẹo, người dân phải mất ít nhất 500 đồng.

Cát Linh

Quay lại trang chủ
Read 766 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)