Lãnh đạo ngành cao su Việt Nam bị khởi tố (BBC, 12/12/2017)
Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Cao su Việt Nam cùng nhiều người bị công an Việt Nam khởi tố trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
Công an nói đây là vụ án gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
Bộ Công an Việt Nam hôm 12/12 ra thông cáo nói đã khởi tố bị can, khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với năm người trong ngành cao su.
Trong đó có ông Lê Quang Thung, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Cao su Việt Nam, bị khởi tố trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Bốn người khác làm việc tại Công ty Cao su Đồng Nai và Phú Riềng, gồm cả ông Nguyễn Thành Châu, nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai và Nguyễn Hồng Phú, nguyên Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng.
Hai người còn lại là nguyên kế toán trưởng hai công ty này.
Thông cáo nói sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn ngày 12/12, công an thực hiện tống đạt Quyết định Khởi tố bị can.
Ông Lê Quang Thung có 17 năm là tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam, nghỉ hưu từ tháng Giêng 2012.
Tháng Tám 2010, ông Thung được Thủ tướng Việt Nam bổ nhiệm từ Quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị, giữ chức Quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên.
********************
Thứ trưởng Bộ Nội vụ ‘đẩy’ trách nhiệm vụ mất hồ sơ Trịnh Xuân Thanh (VOA, 12/12/2017)
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam, ông Nguyễn Duy Thăng, nói ông "không phụ trách" vào thời điểm thất lạc hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh và đề nghị Bộ Công an điều tra, truy tố "vì việc này có liên quan đến nhiều người".
Ảnh ông Trịnh Xuân Thanh trên báo Đức.
Trả lời câu hỏi đã bị "truy" nhiều lần về trách nhiệm trong vụ để mất hồ sơ về ông Trịnh Xuân Thanh, tại cuộc họp báo của Bộ Nội vụ chiều 12/12, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nói ông muốn "trả lời rõ ràng" rằng "Tại thời điểm mất hồ sơ, tôi không phụ trách Vụ chính quyền địa phương".
Ông Thăng cho biết ông đã không phụ trách công việc này từ ngày 15/4, nhưng đến tháng 6 mới phát hiện việc mất hồ sơ.
Nhận định về phát biểu của giới chức Bộ Nội vụ, một chuyên gia về chính sách công của Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nói điều đó cho thấy "sự điều hành của hệ thống này đang có vấn đề".
"Thứ trưởng mà nói như vậy thì quả là ‘vấn đề’ không chỉ trong quản lý hồ sơ, mà còn trong việc phân công trách nhiệm của những người trực tiếp và liên quan. Theo logic quản lý thông thường thì người thủ trưởng cơ quan đó phải chịu trách nhiệm dù trực tiếp có thể là [lỗi] nhân viên dưới quyền".
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nói việc điều tra làm rõ mọi vấn đề liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc thất lạc hồ sơ, là việc làm "cấp bách" nếu muốn xử vụ án Trịnh Xuân Thanh vào thời điểm đầu năm 2018 như tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo ông, việc thất lạc hồ sơ liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh không đơn giản là một vụ thất lạc giấy tờ thông thường.
Tiến sĩ Thọ nói thêm :
"Cần phải làm rõ xem hồ sơ này thất lạc như thế nào và động cơ, nguyên nhân thất lạc là gì thì mới có thể ‘làm hơn’ hiện tượng và những người có liên đới hoặc có ý đồ gì đằng sau việc mất hồ sơ này, chứ không đơn giản là việc mất hồ sơ".
Liên quan đến vụ mất hồ sơ bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, hôm 3/8, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, cho báo chí biết "Bộ Nội vụ nhận được 2 bộ hồ sơ, một bộ có dấu đỏ từ Hậu Giang đề nghị phê chuẩn chức danh phó chủ tịch tỉnh. Văn thư Bộ Nội vụ có đóng dấu ‘công văn đến’ một bản. Bản gốc chúng tôi vẫn còn, bản đóng dấu công văn đến bị thất lạc", trích Vietnamnet.
Cũng trong buổi họp báo ngày 12/12, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết hiện Bộ Nội vụ đang đề nghị Bộ Công an "vào cuộc" điều tra vụ thất lạc bí ẩn này.
Ông nói thêm : "Căn cứ kết quả điều tra của Bộ Công an, nếu thấy vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật, có thể truy tố, vì việc này có liên quan đến nhiều người", theo VnExpress.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh hiện được xem là tâm điểm trong chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong buổi họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương hồi cuối tháng trước, ông Trọng phải "cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử" các vụ án tham nhũng nghiêm trọng. Riêng trong vụ Trịnh Xuân Thanh, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói "trước hết tập trung xét xử công minh" vụ này và "tập trung làm cho bằng được, lần lượt đưa ra xét xử trong năm 2017, tháng 1 và đầu tháng 2/2018".
Ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến thua lỗ khoảng 3.300 tỷ đồng khi giữ chức Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian từ năm 2007 – 2013.
Sau một thời gian trốn ra nước ngoài, được cho là Đức, ông Thanh bỗng tái xuất hiện tại Việt Nam vào cuối tháng 7. Việt Nam nói ông Thanh tự ra đầu thú, trong khi chính quyền Đức cáo buộc tình báo Việt Nam đã "bắt cóc" ông Thanh từ Đức đưa về Việt Nam.
Khánh An
************************
Công an Việt Nam điều tra Khaisilk 'vì buôn hàng giả' (BBC, 12/12/2017)
Bộ Công thương Việt Nam nói kiểm tra một số mẫu của công ty Khaisilk đã cho thấy "không có thành phần silk" trong sản phẩm mang nhãn "100% silk".
Bộ Công thương kết luận sản phẩm Khaisilk "không có thành phần silk"
Trong lúc đó, một luật sư lại cho rằng kết luận này "đôi khi lại là cơ sở pháp lý để mở lối thoát" cho chủ doanh nghiệp.
Hôm 12/12, Bộ Công thương ra thông báo về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại công ty Khải Đức, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Khaisilk.
Văn bản này ghi : "Công ty đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng".
"Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty cho thấy cho kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm ("100% silk")".
Ngoài ra, Bộ Công thương nói công ty Khải Đức :
- có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng
- vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn
- vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa
- che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác
Do vậy, Bộ Công thương "chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự".
Cơ quan chức năng thu giữ sản phẩm tại cửa hàng Khaisilk ở Thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 11/2017
Ý kiến một luật sư
Hôm 12/12, trả lời BBC, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty luật Thế Giới Luật Pháp, nói : "Kết luận thanh tra chỉ mới đề cập về hành vi phạm mà không nói rõ về mức độ vi phạm. Do đó, cũng khó nói trước là có truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân liên quan tại Công ty Khải Đức hay không".
"Trái lại, đứng ở góc độ nào đó, theo tôi kết luận của đoàn thanh tra này đôi khi lại là cơ sở pháp lý để mở lối thoát cho công ty này cũng như những cá nhân liên quan".
"Bởi trước đó, đại diện Công ty Khải Đức cho rằng do quản lý yếu kém nên nhân viên bán hàng đã tự ý mua hàng bên ngoài đưa vào để bán chứ họ không có chủ trương mua hàng Trung Quốc về gắn mác Khaisilk "Made In Vietnam".
"Và nay kết luận thanh tra cũng nói rõ : "Từ năm 2009 đến ngày 15/10/2017, công ty này không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang. Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa : khaisilk, Khaisilk Made In Vietnam, Khaisilk Cách Điệu".
"Vì vậy, có thể nói kết luận của Bộ Công thương gián tiếp chứng minh rằng Công ty Khải Đức đã không nhập hàng Trung Quốc từ năm 2009 nên bê bối hàng giả vừa qua là do nhân viên thực hiện chứ không phải chủ trương của chủ công ty. Với kết luận trên thì doanh nghiệp này cũng có thể phủi trách nhiệm bằng cách cho rằng mình là nạn nhân của các nhà cung cấp trong nước".
Luật sư Sơn phân tích thêm : "Theo kết luận, Công ty Khải Đức có dấu hiệu của việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (sử dụng hóa đơn không do cơ quan thuế phát hành, quản lý ; tên hàng hóa thực tế khác với tên hàng hóa ghi trên hóa đơn), mua bán hàng không có hóa đơn chứng từ (Công ty Khải Đức không chứng minh được số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu kế toán và số liệu thực tế kiểm tra). Do đó, theo tôi, ngoài dấu hiệu của tội buôn bán hàng giả, Công ty Khải Đức còn có dấu hiệu của tội trốn thuế".
"Nếu quy mô bán hàng giả cũng như số tiền thuế trốn được đạt mức mà bộ luật hình sự quy định thì cơ quan điều tra chắc chắn phải khởi tố vụ án về tội buôn bán hàng giả, tội trốn thuế".
"Trong trường hợp đó, nếu cơ quan điều tra xác định được rằng việc mua hàng Trung Quốc về gắn mác Khaisilk là chủ trương của ông Hoàng Khải thì ông này đương nhiên phải bị khởi tố với vai trò là người chủ mưu còn các cá nhân liên quan sẽ bị khởi tố với vai trò là đồng phạm giúp sức". "Trong trường hợp, đây là chủ trương của người quản lý cấp dưới nhưng ông Hoàng Khải biết mà không phản đối thì ông này vẫn bị truy tố với vai trò là đồng phạm".
Luật sư cũng nói thêm : "Chắc chắn là trong vụ này, quản lý thị trường cũng phải có trách nhiệm rồi. Tuy nhiên, tùy theo hậu quả thì mới có thể đặt vấn đề hình sự hay không".
***********************
Ba cán bộ môi trường bị bắt liên quan đến Formosa Hà Tĩnh (VOA, 12/12/2017)
Công an Việt Nam bắt ba cán bộ môi trường ở Hà Nội vì gian dối trong xử lý rác tại nhà máy Formosa, cho rằng họ làm hồ sơ khống để thu lợi.
Nhà máy Formosa Hà Tĩnh.
Truyền thông Việt Nam hôm 12/12 loan tin Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 3 người nguyên là cán bộ của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 (URENCO 10), gồm ông Ngô Xuân Hiếu, nguyên Giám đốc, ông Bùi Trí Bình, nguyên Phó giám đốc và ông Tống Ngọc Thanh, nguyên cán bộ phòng kinh doanh, về hành vi lập khống giấy tờ, thủ tục xử lý rác thải tại Formosa Hà Tĩnh.
Tuần hành vì môi trường ở Nghệ An
Báo Công an Nhân dân nói một đại lý ở Hà Tĩnh đã ký hợp đồng với công ty Formosa để thu gom, xử lí rác thải. Sau đó, đại lí này ký hợp đồng với số cán bộ trên của URENCO 10 thuê xử lí rác thải của Formosa.
Tuy nhiên, khi vận chuyển rác ra Hà Nội, nhóm cán bộ trên không đưa rác về công ty để xử lý mà lập chứng từ khống gây thiệt hại hàng tỷ đồng rồi đưa ra ngoài xử lý nhằm thu lợi, báo Công an Nhân dân cho biết thêm.
Báo Dân trí nói cơ quan công an xác định từ 2013 - 2015, nhóm cán bộ trên ký các hợp đồng thu gom, xử lý ba bên, nhưng hoàn thiện hồ sơ khống, thu về không xử lý ở công ty mục đích để thu lời.
Nhà hoạt động vì môi trường Nguyễn Thiện Nhân ở Bình Dương nói với VOA rằng việc bắt ba cán bộ này cho thấy có bàn tay của Formosa cấu kết với các viên chức nhà nước trong việc che đậy thảm họa môi trường :
"Đây chỉ là những cán bộ thuôc công ty bên ngoài Formosa, nhưng họ cấu kết với Formosa để xử lý chất thải, nhưng thực tế là họ không xử lý, mà chỉ hợp thức hóa giấy tờ cho cái gọi là xử lý đó. Mặt khác, họ còn rút tiền từ ngân sách nhà nước qua việc xuất hóa đơn khống. Tôi nghĩ chắc chắn công ty Formosa có nhúng tay vào việc này và cần thiết phải điều tra luôn cả công ty Formosa để làm rõ và xử lý triệt để".
Thảm họa biển miền trung xảy ra hồi năm ngoái khi nhà máy thép của hãng Formosa của Đài Loan đặt ở Hà Tĩnh gặp sự cố khi vận hành thử, xả thải độc hại trái phép làm cá chết hàng loạt ở tỉnh này và 3 tỉnh khác.
Ônh Nhân nói qua đó cho thấy có hành vi gian lận trong việc Formosa xử lý chất thải :
"Thường chính quyền rất ngại đụng đến Formosa một cách trực tiếp và chỉ đụng đến các cán bộ kinh tế liên quan mà thôi. Trên giác độ quan sát của người dân thì chúng ta thấy rõ rằng đây là một hành vi gian lận để chôn giấu chất thải của nhà máy Formosa mà không xử lý".
Tháng 6/2016, Formosa đã nhận trách nhiệm về vụ này và chấp nhận bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam.
Một cuộc biểu tình ở Đài Loan phản đối nhà máy Formosa xả thải không xử lý.
Từ đó đến nay, nhà chức trách Việt Nam đã phát tiền đền bù cho những người bị ảnh hưởng nhưng nhiều người vẫn chỉ trích rằng số tiền đền bù và sự minh bạch của chính phủ về vụ ô nhiễm còn chưa thỏa đáng.
Trong năm qua, nhiều nhà hoạt động vì môi trường khi lên tiếng về thảm họa Formosa đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam, kết án tù, quy tội "truyên truyền chống phá nhà nước" hay "lật đổ chính quyền".
Vào tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thi hành kỷ luật bốn người liên quan tới Formosa, trong đó có ông Võ Kim Cự, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, người có liên quan đến quá trình cấp phép đầu tư cho Formosa ở Hà Tĩnh. Sau đó, ông Cự xin thôi làm đại biểu Quốc Hội khóa 14 "vì lý do sức khỏe," và từ tháng 10, ông đã thôi chức Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam.