Một số nhà hoạt động và quan sát xã hội dân sự ở Việt Nam nói với BBC họ đang gặp phải một đợt 'theo dõi', 'tấn công mạng' hay 'tai nạn' khó hiểu.
Luật sư Lê Công Định trong một dòng trạng thái đăng hôm 16/12/2017 trên FB cá nhân của ông
Hôm thứ Bảy, 16/12/2017, từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định cho BBC Việt ngữ hay ông bị một nhóm người là an ninh theo dõi, khi ông ra khỏi nhà tới thăm nhà người thân.
Trên trang Facebook cá nhân của mình cùng ngày, Luật sư cho biết :
"Từ sáng đến giờ tôi đi đâu cũng có 3, 4 người theo. Đến nhà thăm mẹ tôi, trông ra đã thấy hai chiếc xe gắn máy nằm trước cửa, phía trên có hai người nằm vắt vẻo nhìn vào lấm lét. Đây là hình nhân viên an ninh vừa chạy theo tôi đến đây.
"Khi thấy tôi ghi hình anh ta yêu cầu tôi bỏ máy xuống. Tôi hỏi vì sao anh ta theo tôi, thì được trả lời rằng : "Tôi theo anh vì mục đích gì cũng phải báo anh biết sao ?" Tôi bảo anh ta không được phép xâm phạm quyền riêng tư của tôi, thì anh ta im lặng và cứ đi theo tôi. Hôm nay là ngày gì vậy ?".
Hôm Chủ nhật, trong một chương trình phỏng vấn cuối tuần của BBC Việt ngữ, blogger Trương Duy Nhất khẳng định một số tài khoản của ông trên Facebook, hay trang blog cá nhân bị tấn công và khóa.
Trước đó, cùng ngày, ông nói với BBC qua điện thoại :
"Tôi không thể vào được các trang FB, YouTube hay blog của tôi. Ai đó đã gửi đi các yêu cầu gọi là 'report' hay báo cáo và các tài khoản của tôi đã bị khóa".
Nhà báo tự do từ Đà Nẵng cũng nói về một điều mà ông mô tả là 'khó hiểu' :
"Nhiều người khác trong giới viết blog hay anh em khác trong giới hoạt động xã hội dân sự cũng nói với tôi là họ cũng bị tương tự, trong cùng một ngày và trong cuối tuần này, thật khó hiểu. Dường như đang có một đợt sóng nhắm vào chúng tôi".
'Rủi ro, nguy hiểm'
Và ông Trương Duy Nhất cũng nói thêm qua điện thoại :
"Và tôi cũng phải nói là các nhà quản trị các trang như Facebook hay YouTube cũng cần phải xem lại, hình như họ không hề thẩm định lại, nhiều người là những người viết blog, các nhà hoạt động rất đứng đắn, đàng hoàng, tử tế, chỉ bày tỏ quan điểm ôn hòa, nhưng khi nhận được report (báo cáo, đề nghị) của ai đó, là các trang đó bị đóng lại ngay, gây ra sự bức xúc của nhiều người".
Cùng ngày 17/11/2017, từ Sài Gòn, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam nói với BBC :
"Ngày hôm nay, tôi đã cảm thấy như bị ai đó theo dõi, không khí rất lạ.
"Sau khi trao đổi điện thoại với một cơ quan truyền thông quốc tế ở hải ngoại, thì trên đường về, tôi suýt bị chết.
"Tôi đã bị ai đó đi xe máy theo từ đằng sau và đâm vào đuôi xe của tôi, đúng hơn là vào bánh sau, và tôi đã ngã tung ra khỏi xe.
"Nếu không có chiếc mũ bảo hiểm mà bây giờ bong, tróc, bẹp, thì hôm nay tôi đã chết. Tôi cũng đã phải băng vết thương của mình, ở bàn tay cũng có vết thương phải băng đây".
Và nhà báo độc lập này nói với BBC :
"Tôi đã nhiều lần bị theo dõi, thậm chí bắt cóc bởi an ninh, có lần xảy ra ở cả nơi tôi đưa đón con đi học, nhưng hôm nay rất khủng khiếp, có thể nói là hoạt động báo chí độc lập, hay lên tiếng cho xã hội dân sự, cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam hiện nay, giới này đang gặp rất nhiều rủi ro và nguy hiểm," TS Phạm Chí Dũng nói.
Trong một diễn biến khác, hôm thứ Bảy, từ Hà Nội, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội gần đây gắn bó với các công tác trợ giúp khắc phục thiên tai, bão lụt, đói nghèo ở cộng đồng cho BBC hay :
"Tôi có theo dõi và được cho biết là sáng ngày 17/12, khi bà con giáo dân ở Giáo xứ Kẻ Gai thuộc Giáo Phận Vinh đang chuẩn bị xây dựng một ngôi nhà thờ thuộc xã Hưng Thịnh để tách họ thì nhà cầm quyền địa phương ở Tỉnh Nghệ An huy động một lực lượng lớn trong đó có các Cảnh sát cơ động, công an cùng nhiều thành viên Hội cờ đỏ đến quấy phá và hành hung người dân," ông Lân Thắng nói với BBC qua điện thoại.
BBC chưa có điều kiện kiểm chứng các thông tin trên trong dịp cuối tuần này, nhất là từ phía các tổ chức, cơ quan thuộc chính quyền địa phương mà các nhà hoạt động trực tiếp, hoặc gián tiếp đề cập.
'Một năm đen tối'
Tuy nhiên, cũng hôm 16/12, ngay trước một chương trình phỏng vấn cuối tuần từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định chia sẻ với BBC :
"Tôi có thể nói năm 2017 là một năm rất đen tối với nhân quyền ở Việt Nam, giới hoạt động, bất đồng, đối lập bị đàn áp, bắt bớ, đe dọa rất nhiều, nhiều bản án bị xử rất bất công và nặng nề".
Về triển vọng của năm mới 2018, nhà hoạt động này nói :
"Với những gì đã xảy ra trong năm nay, năm 2018, tôi không thấy sẽ có sự khả quan, hay tiến bộ gì hơn. Tôi chỉ khuyên và hy vọng nhà cầm quyền Việt Nam hãy thôi coi các tổ chức xã hội dân sự, giới bất đồng như những thế lực thù địch, mà ngược lại nên coi đó là những tiếng nói xây dựng," ông nói với BBC Tiếng Việt.
Mới đây, hôm 10/12, nhân ngày Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhiều báo đài thuộc các cơ quan truyền thông chính thức của Nhà nước Việt Nam, đã lên tiếng cho rằng Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ và được quốc tế, khu vực thừa nhận.
15 vụ bắt giữ tù nhân chính trị và lương tâm mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho là cần phải được chú ý ở Việt Nam
Truyền thông nhà nước nhấn mạnh qua các cuộc kiểm định phổ quát định kỳ về nhân quyền, quốc tế thừa nhận Việt Nam đã hoàn thành và cải thiện nhiều chỉ tiêu về quyền con người đã cam kết, báo chí nhà nước cũng cho hay thành tích nhân quyền của Việt Nam thể hiện qua việc nước này giành được ghế trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, thành tích còn được khẳng định qua phiên bản Hiến pháp gần nhất sửa đổi đã đưa vào nhiều điều khoản bảo vệ nhân quyền, cũng như liên tục tăng cường chất lượng sống của người dân, đảm bảo nhiều quyền tự do của công dân từ tự do tôn giáo, tín ngưỡng, cho tới các quyền của người đồng tính, chuyển giới, hay quyền của giới khuyết tật v.v...
Trước đó và trong nhiều năm qua, truyền thông chính thống liên tục nêu quan điểm của đảng và nhà nước Việt Nam khẳng định Việt Nam không có cái gọi là 'tù nhân chính trị' và 'tù nhân lương tâm', mà chỉ có những người vi phạm pháp luật đã bị xét xử theo luật pháp của Việt Nam.
**********************
Tình hình sức khỏe của ông Trần Anh Kim chuyển biến rất xấu (VNTB, 17/12/2017)
Trưa hôm nay 17/12, bà Nguyễn Thị Thơm gọi điện cho biết bà vừa vào trại giam thăm ông Trần Anh Kim và đang ngoài cổng trại giam. Bà Thơm thông báo tình hình sức khỏe của ông Trần Anh Kim rất xấu. Ông bị viêm tiền liệt tuyến, đến giờ sưng to, ngoài khả năng điều trị của bệnh xá trại giam nhưng chưa được đưa đi chữa trị lên tuyến trên (bệnh viện tỉnh). Lý do là đề nghị đưa đi chữa bệnh của ông Kim lên giám thị trại giam, trại giam còn phải chờ ý kiến cấp trên.
Bà Thơm nói ông Kim có nhiều chứng bệnh. Ngoài viêm tiền liệt tuyến, ông đang bị chứng đau đầu hành hạ do bị sọ não. Đây là hậu quả của những năm tháng ông Kim tham gia chiến đấu chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.
Ông Trần Anh Kim và ông Lê Thanh Tùng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 16/12/2016. Ảnh Vietnamnet
Trước đó, tối hôm qua, 16/12, bà Lê Thị Minh Hà sau khi đi thăm chồng là Nguyễn Hữu Vinh - Anh Ba Sàm về cũng cho tôi biết về tình trạng sức khỏe của ông Kim hiện nay. Thông tin do ông Vinh báo cho bà Hà. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Vinh tỏ ra rất lo ngại về tình trạng sức khỏe của ông Trần Anh Kim, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất xấu.
Ông Nguyễn Hữu Vinh và ông Trần Anh Kim đều đang bị giam ở Trại giam số 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Việc đi lại thăm nuôi của gia đình rất khó khăn. Bà Thơm không đi được ô tô vì say xe, chỉ có thể đi bằng phương tiện duy nhất là xe ôm vì bà không thể đi xe máy một mình.
Ông Trần Anh Kim từng bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam vì bị cáo buộc tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Ông ra tù ngày 7/1/2015 Ngày 21/9/2015, ông bị bắt lại, bị cáo buộc cũng tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền sau đó bị kết án 13 năm tù và 4 năm quản chế. Người cùng vụ án với ông là Lê Thanh Tùng bị kết án 12 năm và cũng 4 năm quản chế. Tuy nhiên luật sư và giới hoạt động dân chủ đều cho rằng hai ông không phạm tội.