Lãnh đạo toàn diện hay bước lùi của dân chủ ? (RFA, 16/12/2017)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo họp Chính phủ : Lãnh đạo toàn diện hay bước lùi của dân chủ ?
Từ trái sang : Chủ tịch nước Trần Đại Quang ; Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc AFP
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ tham dự, phát biểu chỉ đạo cuộc họp trực tuyến của tập thể Chính phủ Việt Nam vào ngày 28 tháng 12 tới đây.
Hoạt động được cho là chưa có tiền lệ từ trước đến nay cho thấy gì về quyền lực của Đảng Cộng sản, là đảng cầm quyền duy nhất hiện nay ở Việt Nam ?
Công khai hóa quyền lực
Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói với báo giới đây là một sự kiện rất quan trọng và chính phủ mong muốn nhận được chỉ đạo của Tổng bí thư để tạo ra sự chuyển biến, thay đổi trong các cơ quan nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Ngay sau khi sự kiện này được truyền thông trong nước loan đi, những người quan tâm tình hình chính trị Việt Nam đều đặt câu hỏi rằng có phải rằng sự tham dự ngày càng sâu rộng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đang thể hiện ở mức rõ nhất ? Một cụm từ xuất hiện nhiều nhất ở phần bình luận trên mạng xã hội về sự việc này là "thâu tóm quyền lực".
Cụ thể, một người có tên Hoà Nguyễn đã viết trên trang mạng của Vnexpress : "Đây là lúc để ông thâu tóm bốn đai vô địch hạng nặng gồm "Tổng bí thư ; Chủ tịch nước ; Thủ tướng ; Chủ tịch quốc hội" Đây mới là tiền lệ chưa từng có ở Việt Nam và trên thế giới. Một kỷ lục".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, từ Hà Nội nhận định với chúng tôi về việc tham dự chỉ đạo của Tổng bí thư trong cuộc họp Chính phủ tháng 12 là một hình thức "công khai quyền lực độc tôn" của Đảng Cộng sản từ trước đến nay.
"Lâu nay về nguyên tắc, Đảng vẫn chỉ đạo Chính phủ làm việc này việc kia. Không có bất cứ việc gì lớn nhỏ không có ý kiến của Đảng mà có thể làm được. Hiện nay, ông ta tiến một bước là công khai hóa việc này".
Mặt khác, cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, thực chất đó cũng là sự bất chấp luật pháp. Lý giải ý kiến này, ông nói rằng quan hệ của Đảng và Nhà nước cũng chỉ mới được xác định trong Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam.
"Không có bất cứ luật nào qui định cho rõ quan hệ ấy nội dung thế nào, phương thức thế nào, nội dung thế nào và đặc biệt là chịu trách nhiệm thế nào về mặt pháp lý".
"Thực chất đây là việc trắng trợn công khai hóa sự toàn trị trực tiếp lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền".
Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ : "Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc theo chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Một bước tiến hay thụt lùi ?
Khi trả lời báo giới trong nước chiều ngày 14 tháng 12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng xác nhận trong một năm qua, Chính phủ đã triển khai thực hiện, cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, đạt được nhiều thành tựu đạt đáng kể.
Ông Mai Tiến Dũng còn nhấn mạnh sự có mặt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong kỳ họp Chính phủ cuối năm sẽ "khắc phục các tồn tại, chẳng hạn như tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên chuyển dưới không chuyển".
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, ông nhìn nhận rằng nếu đánh giá theo đường lối của Đảng thì đó là một bước tiến trong phương thức chỉ đạo. Tuy nhiên, tiếp lời ông cho biết :
"Nhưng chúng tôi cho đấy là một bước thụt lùi của nền dân chủ".
"Sau khi thông qua Điều 4 của Hiến Pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam nên xây dựng một đạo luật để chỉ đạo Điều 4 ấy được thực thi như thế nào. Và ai là lãnh đạo trực tiếp toàn diện nhà nước với xã hội ? Điều 4 qui định Đảng lãnh đạo. Nói như thế thì tôi có thể nhảy vào chỉ đạo nhóm Nguyễn Xuân Phúc được không ? Không có một luật nào qui định cả".
Chính là sự tham dự của Đảng
Liên quan đến đường lối lãnh đạo và cơ cấu bộ máy nhà nước, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam cũng khẳng định cơ cấu ở Việt Nam là Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, từ quân đội, công an đến tư tưởng.
Có ý kiến khá tích cực về vấn đề này, từ Sài Gòn, ông chia sẻ với chúng tôi việc "Tổng bí thư đến dự họp là không có vấn đề gì" :
"Vì trong Hiến pháp qui định ông Chủ tịch nước được dự tất cả phiên họp của Chính phủ cũng như Thường vụ Quốc hội. Tổng bí thư ở Việt Nam chưa là Chủ tịch nước nhưng Đảng lãnh đạo toàn diện và trực tiếp thì việc tham dự là không có vấn đề gì".
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng mọi người bình luận khá nhiều về điều này chỉ vì "đây là điều chưa từng có tiền lệ trước nay".
Phân tích rõ hơn, ông nói tiếp :
"Tất cả những người trong Chính phủ từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng thì hầu hết là Bộ Chính trị. Còn các Bộ trưởng đều là Uỷ viên Trung ương. Đảng chủ trì bên Bộ Chính trị thì qua bên Chính phủ chủ trì tôi cho là bình thường".
Khác với ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng việc tham dự và chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một bước tiến nhằm tránh bệnh quan liêu.
"Cái đó cũng tốt thôi. Đảng mà không nghe trực tiếp tin tức, thảo luận thì đôi khi lại đâm ra bệnh quan liêu. Đảng sợ nhất là quan liêu và sai lầm đường lối. Tôi nghĩ cái đó không vấn đề gì. Suy cho cùng thì kỳ họp Chính phủ cũng là triển khai những nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương hoặc nghị quyết của Bộ Chính trị, rồi triển khai dưới dạng nhà nước".
Trong hoạt động của các cơ quan nhà nước lập pháp, hành pháp, tư pháp ở Việt Nam từ trước đến nay, Tổng bí thư chỉ từng xuất hiện tại các kỳ họp của Quốc hội với tư cách chủ yếu là Đại biểu Quốc hội. Như thế, nếu ông Nguyễn Phú Trọng có mặt và chỉ đạo hội nghị của Chính phủ vào ngày 28 tháng 12, thì đây là điều chưa từng có tiền lệ.
Với những diễn tiến hiện nay ở Việt Nam, thì đây là dấu hiệu của một bước tiến nhằm tránh bệnh quan liêu như nhận xét của của Luật sư Trần Quốc Thuận hay bước thụt lùi của dân chủ theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai ? Chính trường Việt Nam vẫn đang chờ câu trả lời. Và người hiện đang nắm giữ câu trả lời không ai khác hơn là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
*******************
'Hồ sơ Trịnh Xuân Thanh ở Đức không đổi' (BBC, 15/12/2017)
Ông Trịnh Xuân Thanh chính thức có luật sư bào chữa trước khi phiên tòa xét xử ông được mở trong thời gian tới, tin cho hay.
Bộ ngoại giao Đức khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin
Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf nói với BBC rằng theo thông tin bà có được, cho đến ngày 8/12 mới chỉ có một luật sư tại Việt Nam được tiếp xúc với ông Thanh.
Hôm 15/12, bà nói với BBC người đó không phải là ông Lê Văn Thiệp, người mới nhất vừa được cấp giấy chứng nhận bào chữa hôm 8/12.
Bà cho biết hiện bà đang chờ được cập nhật về tình hình thân chủ mình cũng như về các luật sư sẽ bảo vệ ông Thanh trong phiên tòa sắp tới.
Sau khi làm các thủ tục bào chữa, ông Thiệp nói ông đã tiếp xúc với thân chủ, và rằng ông Trịnh Xuân Thanh trong trạng thái 'tinh thần tốt', sức khỏe 'bình thường', VietnamNet đưa tin.
Trước đó, Luật sư Trần Hồng Phúc và hai người từ Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Chiến cũng đã được cấp giấy tương tự, báo Dân trí nói.
Như vậy, cho đến nay, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Thanh đều thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội.
Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf
'Phiên tòa của Việt Nam không làm thay đổi tình hình ở Đức'
Bà Schlagenhauf nói rằng bất kể việc ông Trịnh Xuân Thanh có bị đưa ra xét xử tại Việt Nam trong thời gian tới hay không, thì điều đó cũng không làm thay đổi địa vị pháp lý của ông tại Đức, cũng như quan hệ luật sư-thân chủ giữa bà và ông Thanh.
Tin tức từ Việt Nam hôm 4/12 cho hay vụ án "Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm tham ô tài sản" sẽ được đưa ra xét xử vào quý đầu năm 2018.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng là Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào tháng 12/2007, rồi Chủ tịch PVC từ tháng 2/2009.
Trong "vụ án Trịnh Xuân Thanh", hàng loạt các quan chức và cựu quan chức của PVC hoặc có liên quan tới PVC đã bị bắt và bị khởi tố bị can.
Mới đây nhất, hôm 8/12, ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, bị khởi tố và tạm giam do 'liên quan tới hai vụ án nghiêm trọng', trang Thông tin Chính phủ nói, trong đó có vụ tham ô tài sản tại PVC.
Tin tức nói ông Đinh La Thăng đã mời Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cùng một luật sư khác chưa được nêu tên, bảo vệ quyền lợi cho mình.
**************
Việt Nam : Diễn biến nhân sự cấp cao cuối năm (BBC, 15/12/2017)
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam xác nhận ông Đinh Thế Huynh tiếp tục chữa bệnh, với việc không phụ trách Hội đồng Lý luận trung ương.
Ông Đinh Thế Huynh vẫn đang 'điều trị bệnh'
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sẽ phụ trách cơ quan này trong thời gian ông Huynh "nghỉ công tác để chữa bệnh".
Nhân vật số 5 tạm vắng
Lễ công bố quyết định của Bộ Chính trị diễn ra hôm 14/12.
Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương.
Xét về thứ bậc của Đảng, chức Thường trực Ban Bí thư đứng số 5 trong hàng ngũ Đảng.
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư trung ương Đảng, là Phó Chủ tịch cơ quan này.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, sinh năm 1957, thuộc số các chính khách được Đảng tín nhiệm, khi ông được vào Ban Bí thư trung ương Đảng ở Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XII vừa qua.
Hồi tháng Tám, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng đã tham gia Thường trực Ban Bí thư, tạm thay ông Huynh.
Đà Nẵng 'lấn cấn' chức chủ tịch ?
Thành phố miền Trung Đà Nẵng trở thành "điểm nóng chính trị" tại Việt Nam năm 2017.
Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10 đã cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, đưa ông này ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ông Nguyễn Xuân Anh bị Đảng đưa ra khỏi Ban Chấp hành trung ương Đảng
Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa được Đảng Cộng sản phân công về lãnh đạo đảng bộ Đà Nẵng.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị Đảng cảnh cáo nhưng giữ nguyên chức vụ.
Tuy nhiên, dường như uy tín của ông Thơ tại Đà Nẵng đang lung lay.
Hôm 13/12, tại buổi tiếp xúc cử tri, một số người dân kiến nghị Bí thư Trương Quang Nghĩa giải thích về quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Huỳnh Đức Thơ, theo báo chí Việt Nam.
Cử tri Nguyễn Kim Tuấn được dẫn lời nói "nhiều cán bộ hưu trí không bằng lòng" khi ông Huỳnh Đức Thơ chỉ bị cảnh cáo.
Ông Trương Quang Nghĩa trả lời cử tri : "Chính phủ đã đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo với ông Thơ. Bước tiếp theo như thế nào tùy theo uy tín và những sai phạm của ông Thơ có phải cách chức hay không, có đủ uy tín để làm nữa hay không".
Vị tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết Hội đồng nhân dân thành phố này đã bãi nhiệm ông Nguyễn Xuân Anh nhưng vẫn chưa có ai thay.
"Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố nhất trí 100% đề nghị bầu ông Nguyễn Nho Trung làm Chủ tịch nhưng anh Trung chưa đủ điều kiện", ông Nghĩa nói.
Ông Nho Trung thuộc Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhưng tổ chức này lại đang nằm trong thời gian bị kỷ luật cảnh cáo sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhắc lại Bộ Công an đang điều tra, làm rõ 9 dự án và 31 nhà công sản mà chính quyền đã bán cho các tập thể, cá nhân.
Những vấn đề liên quan đến bán đảo Sơn Trà và dự án Đa Phước vừa bắt đầu được thanh tra toàn diện và dự kiến sẽ kết luận tháng Ba 2018, theo ông Nghĩa.
Vị tân Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh nhu cầu ổn định.
"Trước hết là phải ổn định tình hình kinh tế, xã hội và Đà Nẵng không được phép đứng lại, phải tiếp tục ổn định để phát triển", ông Nghĩa nói.
Cũng liên quan đến nhân sự cao cấp trong Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Gia Túc, Phó bí thư thành ủy Cần Thơ vừa được điều động, phân công giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Đảng.