Tòa Bạch Ốc nhắm xóa sổ diện bảo lãnh thân nhân (VOA, 15/12/2017)
Chính quyền : Đề nghị-Chuẩn bị-Hành động
Tòa Bạch Ốc đang tiến hành chiến dịch vận động công luận chống lại chính sách cho phép bảo lãnh thân nhân sang Mỹ định cư trước khi tiến hành ‘cú đẩy toàn lực’ vào năm sau hướng tới một thể thức di trú dựa vào năng lực xứng đáng.
Người biểu tình chống lại các đề nghị cải tổ di trú của Tổng thống Trump.
Trước vụ tấn công khủng bố đầu tuần này tại New York do một di dân gốc Bangladesh thực hiện, chính quyền của Tổng thống Trump đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc vận động này bằng cách thu thập dữ liệu để củng cố lập luận rằng hệ thống di trú hiện hành không những có nhiều kẽ hở, mà còn nguy hiểm và gây hại cho người lao động Mỹ.
Tuần này, các giới chức Tòa Bạch Ốc cho AP biết dữ liệu cho thấy cần phải thay đổi hệ thống di trú ngay lập tức.
Vấn đề di trú dự kiến sẽ được nhấn mạnh trong bài phát biểu về Tình trạng Liên bang của Tổng thống vào ngày 30/1 tới đây.
Tòa Bạch Ốc cũng lên kế hoạch cho các bài diễn văn khác của Tổng thống và thúc đẩy nhấn mạnh vấn đề này trên mạng lưới truyền thông bảo thủ.
Chính quyền Trump bắt đầu chiến dịch này từ thứ năm, đăng lên truyền thông xã hội, nhấn mạnh các số liệu như dữ kiện Bộ An ninh Nội địa cho thấy gần 9,3 triệu trong số gần 13 triệu di dân tới Mỹ từ 2005 tới 2016 là diện bảo lãnh thân nhân. Trong thập niên qua, cứ 15 di dân chỉ có 1 người nhập cư Mỹ nhờ kỹ năng.
Lực lượng thực thi di trú Mỹ bắt một di dân bất hợp pháp ở Los Angeles.
Trong khuôn khổ chiến dịch thu hút đồng thuận từ công chúng, sắp tới, hành pháp Mỹ dự định sẽ công bố báo cáo nêu bật số di dân phạm tội tại Mỹ đang bị giam giữ trong các nhà tù, đánh giá những hồ sơ tòa án tồn đọng về di trú và những trì trệ trong tiến trình xét duyệt các đơn xin tị nạn, cùng phúc trình về điều mà chính quyền Trump gọi là sự liên hệ giữa di dân và khủng bố.
Những người chỉ trích từng chất vấn về việc trước đây chính quyền dựa vào những số liệu đôi khi gây ngộ nhận.
Đề nghị gạt bỏ chương trình di trú diện bảo lãnh thân nhân là một thay đổi quan trọng nhất đối với hệ thống di trú Mỹ trong 30 năm nay.
Đề nghị này có thể xóa bỏ các diện bảo lãnh ‘ăn theo’ như anh chị em, ba mẹ, hay con cái trên 21 tuổi, luật sư Khanh Phạm từ Texas, người có chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực di trú, cho VOA Việt ngữ biết.
Thay vào đó, dân nhập cư Mỹ được đánh giá, tuyển chọn theo một hệ thống thang điểm dựa trên khả năng học vấn và chuyên môn. Bbiện pháp này ngày càng được các nước ứng dụng nhiều hơn, kể cả Anh quốc.
Công luận : Ủng hộ vs Phản đối
Công chúng Mỹ hiện chia rẽ sâu sắc về các kiểu cải cách mà Tổng thống Trump đang cổ súy.
Cuộc thăm dò của đại học Quinnipiac hồi tháng 8 cho thấy 48% cử tri phản đối đề xuất mà Tổng thống Trump ủng hộ : cắt giảm số di dân bất hợp pháp trong tương lai xuống còn phân nửa và ưu tiên cho các di dân có kỹ năng nghề nghiệp hơn là những người có bà con thân nhân ở Mỹ. 44% những người được hỏi ủng hộ ý kiến này.
Tòa Bạch Ốc hy vọng Quốc hội bắt tay vào vấn đề di trú vào đầu năm 2018.
Ông Trump đã đề ra những tiêu chí tổng quát về những gì ông trông đợi trong dự luật cải cách di trú để đổi lấy việc cấp quy chế hợp pháp cho hơn 700 ngàn di dân được cha mẹ mang sang Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ. Các nội dung ông Trump mong muốn cải cách bao gồm xây tường biên giới chặn di dân lậu, tăng cường thực thi luật nghiêm hơn, và tiến tới hệ thống di trú dựa trên thang điểm xứng đáng.
Người biểu tình chống lại các biện pháp liên bang nhắm vào các thành phố 'chứa chấp' di dân bất hợp pháp.
Liên đoàn Cải cách Di trú Mỹ, FAIR, tổ chức vận động hạ bớt tỷ lệ dân nhập cư, vừa khởi sự chiến dịch vận động trên truyền thông cảnh báo về điều mà họ gọi là mối nguy của chương trình nhập cư theo diện bảo lãnh thân nhân và chương trình xổ số visa định cư Mỹ. Trong 1 tháng rưỡi qua, tổ chức này đã chi gần 1 triệu đô la cho chiến dịch vận động của mình.
Tuy nhiên, ông Guillermo Cantor, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Di trú Mỹ, cho rằng chính quyền Trump phớt lờ những lợi ích của hệ thống di dân theo diện bảo lãnh thân nhân.
Ông nói nghiên cứu cho thấy các thân nhân được bảo lãnh mang tới Mỹ kỹ năng, sự hỗ trợ cùng các lợi ích khác chẳng hạn như phụ giúp trông trẻ.
"Xã hội này được thành lập trên các giá trị gia đình", ông Cantor lập luận rằng chuyện đoàn tụ với cha mẹ, anh chị em, đối với nhiều người đã trở thành thường trú nhân hay công dân Mỹ, là hết sức hệ trọng.
Luật sư Khanh Phạm nói dù những đề nghị của ông Trump chưa thành luật nhưng các nỗ lực vận động giới lập pháp chớ xóa bỏ chương trình định cư ‘ăn theo’ nên bắt đầu từ bây giờ, từ cách gửi gắm nguyện vọng qua những tiếng nói đại diện cho dân tại Quốc hội, vốn là cách vận hành lâu nay của hệ thống dân chủ Mỹ.
Trà Mi
***********************
Indonesia trục xuất người Việt xin tị nạn (VOA, 15/12/2017)
Binh sĩ Indonesia canh giữ nhóm một nhóm ngư dân Việt đánh cá lậu ở biển Natuna. Nhóm 4 người bị trục xuất ngày 13/12 nói họ đang trên đường đi sang Úc.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Indonesia vừa trục xuất 4 người xin tị nạn Việt Nam hôm 13/12, bất chấp phản kháng của một nhóm bênh vực nhân quyền rằng những người này đang phải đối mặt với nguy cơ bị bức hại tại quê nhà.
Phát ngôn viên của Cơ quan Nhập cư thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia xác nhận với báo Jakarta Globe rằng 4 người Việt Nam xin tị nạn đã bị trục xuất vào chiều thứ Tư (13/12).
Chính phủ Indonesia đã sắp xếp và chi trả tất cả mọi chi phí để đưa họ về Việt Nam.
Trước đó một ngày, trong thư ngỏ gửi Tổng thống Joko Widodo, Mạng lưới quyền Người tị nạn Châu Á-Thái Bình Dương (APRRN) yêu cầu Tổng thống Indonesia bảo vệ những người xin tị nạn và chặn các cơ quan di trú trục xuất họ về Việt Nam.
Điều phối viên Chương trình của APRRN Evan Jones trích dẫn báo cáo năm 2017 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói tình trạng bức hại các nhà hoạt động chính trị ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Nhưng ông không giải thích với Jakarta Globe về lý do vì sao những người Việt bị trục xuất lại xin tị nạn ở Indonesia.
Theo lời phát ngôn viên Agung, một đơn vị tuần duyên Indonesia đã cứu được chiếc tàu chở 40 người đàn ông và phụ nữ nước ngoài trong vùng biển ngoài khơi Nusa Tenggara hồi cuối tháng 10. Những người trên thuyền nói họ đang trên đường tới Úc.
Cảnh sát Indonesia đã giao các thành viên trên tàu cho cơ quan nhập cư.
Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đã giúp cho 36 người trên tàu trở về nhà bằng tiền của họ.
Phát ngôn viên Agung nói :
"Chúng tôi quyết định trục xuất bốn người này vì dựa trên cuộc điều tra của chúng tôi, họ là những người nhập cư bất hợp pháp chứ không phải là những người xin tị nạn thực sự".
Indonesia chưa ký kết Công ước năm 1951 của UNHCR liên quan đến tình trạng người tị nạn.