Công an yêu cầu tháo dỡ hang đá Giáng sinh ở Nghệ An ? (VOA, 15/12/2017)
Một linh mục ở Nghệ An cho VOA biết hơn một chục cán bộ, công an địa phương đã đến nhà thờ giáo xứ Đông Kiều, yêu cầu giáo dân tháo dỡ hang đá Giáng sinh, viện lý do nơi trang trí nằm trên phần đất "đang có tranh chấp".
Chính quyền địa phương yêu cầu giáo dân tháo dỡ hang đá Giáng sinh tại giáo xứ Đông Kiều. (Ảnh : Facebook Thanh niên Công giáo)
Linh mục Đặng Hữu Nam thuộc giáo phận Vinh tối ngày 15/12 cho biết vào buổi chiều cùng ngày, chính quyền xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, do ông chủ tịch xã dẫn đầu, đã đến trước khuôn viên nhà thờ giáo xứ Đông Kiều, nơi nhiều người đang dựng hang đá đón Giáng sinh, yêu cầu phải dừng việc trang trí.
Linh mục và giáo dân tại giáo xứ Đông Kiều (Photo : Facebook Thanh nien Cong giao)
Trang Thanh niên Công giáo cho biết giáo dân và Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Đông Kiều đã từ chối yêu cầu này bởi vì "hang đá được làm trên đất đã được người dân hiến tặng cho giáo xứ".
Trong một video lưu truyền trên mạng xã hội, một người mặc sắc phục an ninh nói ông sẽ cử cán bộ tới trực tại các chốt ở khu vực quanh nhà thờ giáo xứ Đông Kiều trong những ngày tới để "đảm bảo an ninh trật tự".
Trang Thanh niên Công giáo còn cho biết hiện nay giáo dân đã lập hàng rào để bảo vệ dân làng và giáo xứ vì họ sợ "côn đồ và Hội Cờ Đỏ sẽ vào làng quậy phá".
"Hội Cờ Đỏ" ở Nghệ An, tháng 10/2017.
Trang này dẫn lời linh mục Antôn Nguyễn Văn Thanh phát biểu trong một buổi lễ vào tối ngày 14/12 nói : "Giáng Sinh không chỉ của người Công Giáo mà là tất cả mọi người, thế nhưng chính quyền huyện Diễn Châu lại ngăn cấm Giáo xứ Đông Kiều dựng hang đá làm bằng những cái bạt theo kiểu tạm bợ, và trang trí những bóng đèn cho đẹp mà vẫn cho côn đồ đến…"
Linh mục Nam cho biết trước đó, vào sáng ngày 13/12, chính quyền xã Diễn Mỹ cũng đã yêu cầu nhà thời tháo dỡ hang đá nội trong 24 tiếng đồng hồ.
**********************
Ít nhất ba luật sư sẽ bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh (VOA, 15/12/2017)
Luật sư Lê Văn Thiệp, thành viên của Đoàn Luật sư Hà Nội, cùng ít nhất hai luật sư khác sẽ bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí PVC, trong một phiên tòa dự kiến diễn ra vào tháng 1/2018.
Truyền thông trong nước trích lời luật sư Thiệp, Văn phòng Luật sư Toàn cầu, hôm 15/12 nói rằng ông đã được cấp chứng nhận bào chữa cho ông Thanh vào ngày 8/12.
"Trong quá trình làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Thanh tôi được cơ quan an ninh điều tra tạo điều kiện thuận lợi", ông Thiệp nói báo Tuổi Trẻ Online.
Ông nói các giấy tờ thủ tục đều được thực hiện trước hạn, theo trang mạng Zing cho biết. Luật sư Thiệp nói ông đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa theo đơn mời của ông Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó, vào ngày 9/8, báo Tuổi trẻ nói Cơ quan An ninh điều tra đã cấp giấy chứng nhận cho 2 luật sư thuộc Văn Phòng Luật sư Nguyễn Chiến để tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trịnh Xuân Thanh từ giai đoạn hỏi cung.
Hôm 17/10, nữ luật sư người Đức Petra Schlagenhauf cho VOA biết là một luật sư cộng sự của bà ở Việt Nam đã vào trại giam tiếp xúc với ông Thanh trước đó vài ngày và cho biết "tình hình sức khỏe của ông Thanh bình thường".
Nữ luật sư này còn nói thân chủ của bà "bị chính quyền Việt Nam thẩm vấn", tại một nhà tù ở Hà Nội.
Chính quyền Việt Nam nói ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch tỉnh Hậu Giang, được xác định là người chịu trách nhiệm chính về các vi phạm và thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng ở Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong giai đoạn từ 2011- 2013, đã ra "đầu thú" tại Hà Nội vào cuối tháng 7/2017, sau khi bị truy nã quốc tế từ tháng 9/2016 về "tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự".
Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết sẽ xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh vào tháng 1/2018.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, hôm 25/11 đã yêu cầu "khẩn trương" đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh" ra xét xử.
Ông Trịnh Xuân Thanh ra "đầu thú" tại Hà Nội, VTV đưa tin vào đầu tháng 8/2017.
Bộ Ngoại giao Đức trước đó ra thông báo nói Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh hôm 23/7 tại Berlin và yêu cầu cho phép ông trở lại Đức "ngay lập tức" để nhà chức trách Đức xem xét việc dẫn độ theo yêu cầu của Việt Nam, cũng như xem xét đơn xin tị nạn ở Đức của ông Thanh.
Nhưng sau đó phía Đức dường như đã thay đổi yêu cầu Hà Nội "trả" ông Trịnh Xuân Thanh.
Tuyên bố bằng tiếng Anh hôm 22/9, thông báo về việc Đức tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như trục xuất nhân viên ngoại giao thứ hai của Hà Nội, có đoạn viết :
"Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, kể cả phiên xử ông ấy phải được tiến hành theo pháp quyền, và phải mở cửa cho các quan sát viên quốc tế".