Lộ thông tin khách hàng đi máy bay ở Việt Nam, lỗi do ai ? (VOA, 15/12/2017)
Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam vừa ra kết luận thanh tra việc lộ thông tin hành khách đi máy bay, chủ yếu là do nhân viên hàng không và các đại lý bán vé máy bay.
Hành khách làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. (VOA/Reasey Poch)
Truyền thông trong nước dẫn lời lãnh đạo Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam nói thông tin hành khách bị lộ là từ cán bộ, nhân viên của hãng hàng không, nhân viên phòng bán vé hoặc nhân viên phục vụ mặt đất.
Hành khách tại sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Tuy nhiên, Báo Tuổi trẻ trích lời ông Lê Đăng Bắc, Chánh Thanh tra Cục Hàng không vào chiều 15/12 cho biết :
"Kết luận thanh tra chỉ đánh giá về chuyên môn, nguy cơ thông tin của hành khách đi máy bay bị lộ. Để điều tra, xác minh cụ thể, xác định trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức có liên quan thì lực lượng công an mới có đủ thẩm quyền".
Ông Bắc cho biết thêm : "Quá trình thanh tra cho thấy các hãng hàng không đều có các giải pháp giám sát chặt chẽ tuy nhiên lộ thông tin vẫn diễn ra. Sau khi có kết luật chúng tôi đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng".
Thanh tra Cục Hàng không nói thông tin của hành khách được chuyển cho các trung tâm môi giới taxi trên mạng internet do doanh nghiệp Việt Nam thiết lập và điều hành.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam phát đi thông cáo thừa nhận thông tin hành khách trong hệ thống đặt giữ chỗ của các hãng hàng không bị lộ gồm các nội dung : tên hành khách, giới tính, lịch bay, hành trình, số hiệu chuyến bay, giờ cất cánh, hạ cánh dự kiến, kể cả số điện thoại liên lạc.
Gần đây thông tin cá nhân của hành khách đi máy bay bị lộ xảy ra thường xuyên hơn. Các hãng taxi nắm trong tay các thông tin về hành trình, kể cả số điện thoại của hành khách để tiếp thị dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ xe taxi đi và đến sân bay Nội Bài, Cam Ranh, Liên Khương.
Nhà chức trách đã nhận được một số thông tin phản ánh của hành khách về việc hãng taxi tiếp thị đón khách khi máy bay của họ vừa hạ cánh xuống sân bay.
Đề cập tới việc bảo mật thông tin hành khách, theo Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines sử dụng hệ thống đặt, giữ chỗ, bán vé do Sabre Airlines Solution của Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, Cục Hàng Không thừa nhận rằng, dù đã có chương trình giám sát người sử dụng, Vietnam Airlines vẫn chưa ngăn ngừa được triệt để nạn lộ thông tin hành khách.
Một máy bay của hãng hàng không VietJet.
Thông báo của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam về việc lộ thông tin hành khách được đưa ra không lâu sau khi hãng Vietnam Airlines được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards – WTA) trao hai giải thưởng "uy tín 2017" vềHãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa và Hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng Phổ thông đặc biệt".
Tháng 7 năm ngoái, một gói dữ liệu được cho là của 400.000 hội viên Bông Sen Vàng (Golden Lotus) của Vietnam Airlines, đi kèm với các thông tin cá nhân cũng bị rò rỉ, sau một sự cố khác khi trang web của hãng này bị thay đổi giao diện.
**********************
Sếp nữ Việt Nam vượt xa tỷ lệ chung Châu Á (VOA, 15/12/2017)
Một phần tư trong số các CEO và thành viên Ban Giám đốc ở Việt Nam là phụ nữ, Bloomberg dẫn một báo cáo gần đây của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) cho biết hôm 14/12.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của VietJet Air, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam.
Với con số này, Việt Nam có tỷ lệ "nữ tướng" vượt xa Malaysia (14%), Singapore (10%) và Indonesia (6%).
"Phụ nữ ở Việt Nam lãnh đạo hoặc sở hữu nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp lớn, tạo ra một hình mẫu về vai trò tích cực, rõ ràng và đa dạng cho phụ nữ", ông Ian Grundy của công ty tuyển dụng Adecco Group AG có trụ sở ở Thụy Sĩ, một nhà cung cấp lao động tạm thời lớn nhất thế giới, nói với Bloomberg.
Vẫn theo phúc trình của BCG khảo sát trên 2.000 nhân viên thì so với Singapore và Malaysia, Việt Nam có nhiều phụ nữ mong muốn được cất nhắc hơn,
Malaysia là nước có tỷ lệ nữ giới cao nhất có ý định giữ nguyên vai trò hiện tại của họ.
Phúc trình này cho rằng những điều cản trở sự đa dạng về giới tính tại các công ty Á châu, kể cả quan niệm sai lầm rằng thúc đẩy vai trò của phụ nữ đi đôi với một cái giá phải trả cho sự công bằng, và tăng trưởng cũng như đà phát triển của công ty, là những ưu tiên cấp bách hơn.
Bloomberg trích dẫn một cuộc khảo sát của Deloitte trên 50 công ty Việt Nam hồi tháng 6 năm nay cho biết 17,6% thành viên hội đồng quản trị là phụ nữ. Con số này gấp đôi tỷ lệ chung của Châu Á là 7,8%, gồm một số quốc gia phát triển như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc bị xếp hạng thấp nhất trong khu vực. Trong báo cáo này, phụ nữ chiếm 13,7% và 10,7% thành viên hội đồng quản trị tại Malaysia và Singapore.
Theo ông Grundy, tại Châu Á, các nước đang phát triển lại vượt trội so với các nước phát triển về vai trò đại diện của phụ nữ trong các hội đồng quản trị. Ông Grundy cho rằng tiến bộ của Việt một phần là do các biện pháp của chính phủ và các doanh nghiệp trong việc duy trì và phát triển tài năng của nữ giới.
Tuy nhiên, ông Grundy cũng lưu ý rằng Đông Nam Á vẫn "lạc hậu" so với Châu Âu và Bắc Mỹ. "Và trên toàn cầu, chúng ta vẫn có một số cách để đạt được sự đa dạng về giới tính tối đa, điều đó có nghĩa là cần phải có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong khu vực".