Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/12/2017

Quốc Hội Liên Hiệp Châu Âu lên án đàn áp nhân quyền tại Việt Nam

RFA tiếng Việt

Phản ứng về nghị quyết của Quốc Hội Liên Hiệp Châu Âu lên án đàn áp nhân quyền tại Việt Nam

Một bản nghị quyết lên án hành động đàn áp quyền tự do thông tin của nhà cầm quyền Việt Nam vừa được Quốc hội Liên minh Châu Âu biểu quyết thông qua hôm 14 tháng 12. Quốc hội Châu Âu kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Văn Hóa và các nhà báo công dân, cũng như ngưng các hành động trấn áp nhắm vào các nhà bảo vệ nhân quyền.

nhanquyen1

Phòng họp của Hội Đồng Liên Hiệp Châu Âu tại Brussels vào ngày 14 tháng 12 năm 2017. AFP

Một bước tiến tích cực

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các nhà hoạt động trong và ngoài nước về phản ứng của họ trước bước tiến mới này.

Ông Ngô Duy Quyền thuộc Hội Bầu Bí Tương Thân ở Hà Nội chia sẻ :

"Đây là một điều khá đặc biệt. Ở vị thế đối tác của một quốc gia thì có lẽ đây là lần biểu thị có thái độ có tính cách cao nhất phản đối phiên tòa bất công. Điều này chứng tỏ rằng dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn kể cả dối trá để bưng bít che đậy thảm họa Formosa nhưng có lẽ họ đã không thành công".

Nhà hoạt động này nói rằng ngay từ khi thảm họa môi trường biển Miền Trung xảy ra vào tháng 4 năm 2016, toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam đã được huy động để thực hiện điều ông Quyền gọi là "bịt miệng những nỗ lực minh bạch hóa thông tin". Và các phóng viên, nhà báo là đối tượng bị đàn áp mạnh tay nhất. Trường hợp blogger Nguyễn Văn Hóa là một điển hình.

Bà Julie Majerczak, người đứng đầu Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới văn phòng ở Brussels, Thụy Sỹ cũng bày tỏ sự tán đồng với nghị quyết mới của Liên Hiệp Châu Âu.

Bà nói : "Chúng tôi hoan nghênh hành động này của các nghị sĩ quốc hội.Trong năm qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã hình sự hóa cách hệ có hệ thống những ai thực hành quyền tự do thông tin. Ít nhất 25 blogger đã bị bắt hoặc trục xuất khỏi đất nước họ".

Một người bạn của Nguyễn Văn Hóa và cũng là một phóng viên tự do hiện đang sống tại Hà Tĩnh, anh Nguyễn Hồng Ân tỏ ra ấm lòng về nghị quyết này.

Nguyễn Hồng Ân bày tỏ :

"Cảm nhận của tôi là một người bạn của Hóa thì tôi ủng hộ quốc hội Châu Âu đã nói lên tiếng nói và ra nghị quyết này. Hiện tại Hóa đang ở trong tù mà nghe tin này thì chắc chắn sẽ nỗ lực hơn để vượt qua những thử thách mà nhà cầm quyền Việt Nam đặc biệt là Hà Tĩnh đã kết án 7 năm tù giam đối với nhà hoạt động trẻ Nguyễn Văn Hóa".

Không lừa được Liên Hiệp Châu Âu

Trong các vụ án mang tính chính trị, báo chí Việt Nam thường đồng loạt đưa tin rằng phiên tòa diễn ra đúng trình tự thủ tục tố tụng, đúng người đúng tội.

Nhà hoạt động Ngô Duy Quyền cũng mô tả những điều mà ông gọi là "thủ đoạn" đối với phóng viên Nguyễn Văn Hóa cũng là tình trạng tương tự của các nhà đấu tranh khác. Qua bản nghị quyết thấy rằng Liên Hiệp Châu Âu nay không còn "mơ hồ" về Việt Nam nữa, nhà hoạt động này suy nghĩ.

"Nhiều khi người ở trong nước còn bất ngờ với những chiêu trò, những thủ đoạn của cộng sản, thì người ở nước ngoài đôi khi họ bị cộng sản Việt Nam qua mặt lần này đến lần khác. Sau khi mà có sự kiện không chỉ là sự kiện Formosa, mà sự kiện gần đây nhất là việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở bên Đức càng làm cho cái nhìn về bản chất của cái nhà nước này càng ngày càng rõ hơn nữa".

Từ Paris, Pháp - ông Trần Đức Tuấn Sơn, một thành viên trong đoàn vận động Quốc hội Liên Âu thông qua nghị quyết, cho biết chính phiên tòa bất ngờ xử Nguyễn Văn Hóa càng làm cho các dân biểu Châu Âu nhanh chóng có phản ứng.

"Trước khi các dân biểu họ đệ nạp nghị quyết này thì họ cũng đã biết khá nhiều về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Nhưng mà việc anh Hóa nhận 7 năm tù là quá bất công, thành ra họ đẩy mạnh hơn nữa cái nghị quyết. Kết quả là ngày hôm qua nghị quyết được quốc hội Âu Châu chấp thuận và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cấp bách cho anh Hóa và kêu gọi ngưng ngay đàn áp tự do ngôn luận và những người tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam", anh Tuấn Sơn chia sẻ.

Hiện 15/12 Quốc Hội Châu Âu có 751 dân biểu và 8 liên đảng. Các dân biểu không được sắp xếp theo quốc gia mà theo quan điểm chính trị. Nghị quyết này được sự bảo trợ và thúc đẩy của 6 liên đảng lớn nhất trong Quốc Hội Châu Âu.

Để có được sự bảo trợ của 6 liên đảng trên là thành quả của những cuộc vận động liên tục từ cuối tháng 10 tới nay trong chiến dịch "Stop The Crack down Vietnam" – "Ngưng Ngay Đàn Áp" do Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) và Luật Sư Vì Luật Sư (Lawyer For Lawyer) cùng với Đảng Việt Tân và vài NGOs khác khởi xướng.

Còn nhiều việc phải làm

Nghị quyết được thông qua sau Đối thoại Nhân Quyền Châu Âu – Việt Nam hôm 02 tháng 12 vừa qua. Cũng đồng thời xuất hiện ở những giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định Thương mại Tự do giữa Châu Âu và Việt Nam (EVFTA).

Ở buổi làm việc với đại sứ Bruno Angele, Trưởng Phái Đoàn Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 21 tháng 11 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Đại diện Chính phủ Việt Nam đề nghị không nên đưa nhân quyền vào nội dung chỉnh sửa của EVFTA.

Bàn về điều này anh Trần Đức Tuấn Sơn cho rằng Việt Nam "dù là một thể chế độc tài nhưng vẫn sợ mang tiếng xấu". Để khỏi bất lợi cho mình, Việt Nam đã đề nghị loại bỏ nhân quyền ra khỏi nội dung hiệp định quan trọng này.

Anh Tuấn Sơn tin rằng : "bên phía Việt Nam có thể đòi hỏi một số điều nhưng không có nghĩa là bên phía Châu Âu phải hoàn toàn chấp nhận những điều đó".

Dù vậy, vẫn theo lời anh Tuấn Sơn : "Xác suất mang nhân quyền vào hiệp định này là không cao. Nhưng không vì vậy mà chúng ta bỏ rơi. Chúng ta có thể vận động các dân biểu Châu Âu trước khi phê chuẩn hiệp định này có thể nêu lên vấn đề nhân quyền".

Anh cũng cho biết nghị quyết của Quốc Hội Châu Âu không mang tính chế tài ràng buộc. Tuy vậy, việc bị điểm mặt trong danh sách những quốc gia có thành tích nhân quyền tồi tệ thì chẳng chính quyền nào mơ ước cả.

Sự kiện Quốc Hội Châu Âu ra nghị quyết về trường hợp của phóng viên Nguyễn Văn Hóa là một minh chứng rằng các nhà hoạt động vẫn còn có những kênh khác để tác động lên chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam và cũng còn nhiều việc ở phía trước để làm.

Tiến Thiện

*****************

Nghị Viện Châu Âu : Việt Nam phải trả tự do cho blogger Nguyễn Văn Hóa (RFI, 15/12/2017)

Trong một nghị quyết công bố ngày 14/12/2017, Nghị Viện Châu Âu kêu gọi chính quyền Việt Nam "thả tức khắc và vô điều kiện" blogger Nguyễn Văn Hóa, bị kết án 7 năm tù hồi tháng 11 vì tố cáo thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra ở bốn tỉnh miền trung.

eu1

Người dân Việt Nam biểu tình tại Hà Nội ngày 01/05/2016 chống nhà máy Đài Loan Formosa gây ô nhiễm. Ảnh tư liệu.HOANG DINH NAM / AFP

Theo nội dung nghị quyết của các nghị sĩ Châu Âu, thanh niên 22 tuổi này đã bị lãnh án nặng nề chỉ vì "sử dụng quyền tự do thông tin", thông báo trên trang blog cá nhân tình trạng ô nhiễm chất độc do tập đoàn Formosa của Đài Loan xả thải xuống biển Hà Tĩnh vào năm 2016. Thế nhưng, chính quyền Việt Nam kết tội Nguyễn Văn Hóa "tuyên truyền chống nhà nước Xã hội chủ nghĩa".

Nghị quyết không dừng lại ở trường hợp một blogger, mà còn kêu gọi Việt Nam trả tự do cho 25 nhà hoạt động khác đang bị cầm tù vì sử dụng quyền tự do thông tin, như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Việt Nam còn được yêu cầu hủy bỏ điều 79 và 88 của bộ Luật Hình sự, vẫn được dùng để trấn áp các tiếng nói đối lập song song với các thủ đoạn sách nhiễu tinh thần, hành hung thể xác để gây áp lực lên "luật sư, chủ doanh nghiệp, chủ nhà cho thuê và thân nhân của các nhà hoạt động nhân quyền".

Nghị Viện Châu Âu khuyến cáo Hà Nội không nên sử dụng "an ninh quốc gia" như cái cớ để đàn áp nhân quyền và tự do ngôn luận.

Theo AFP, từ năm 2016, với ban lãnh đạo mới tại Việt Nam, những tiếng nói đối lập bị truy bức nhiều hơn.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 653 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)