Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/12/2017

Gỡ bỏ ‘nội dung xấu’, Đức ngưng miễn visa, vali tiền

Tổng hợp

Google và Facebook đồng ý gỡ bỏ ‘nội dung xấu’ theo yêu cầu của Việt Nam (RFA, 22/12/2017)

Hai hãng công nghệ hàng đầu thế giới Google và Facebook đã đồng ý hợp tác tích cực với Việt Nam gỡ bỏ hàng ngàn tài khoản có nội dung xấu.

vn1

Hình chụp hôm 20/11/2017 các logo của Google trên màn hình vi tính- AFP

Thông tin trên được bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết hôm nay 22 tháng 12 tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2018 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Trương Minh Tuấn cho biết, Google đã ngăn chận và gỡ bỏ 4500 video có nội dung xấu trên Youtube, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã xóa bỏ 107 tài khoản giả mạo, 394 các trang rao bán, quảng cáo, và 159 tài khoản bị cho là nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống nhà nước.

Cũng theo ông bộ trưởng thông tin và truyền thông, vào năm 2018 Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý thông tin trên mạng, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để xử lý các thông tin mà ông nói là gây ảnh hưởng xấu đến Đảng và Nhà nước.

Trong những cuộc hội thảo về an ninh mạng, chính phủ Việt Nam luôn lên tiếng nói là một trong những nước có nguy cơ nhiễm độc cao trên thế giới, nhiều trang thông tin của chính phủ vẫn thường xuyên bị tấn công.

****************

Đức ngưng miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao Việt Nam (BBC, 22/12/2017)

Chính phủ Đức đã tạm dừng chế độ cho phép quan chức cao cấp Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao nhập cảnh Đức không cần visa, một quan chức trong Bộ Ngoại giao nói với kênh truyền hình Đức Deutsche Welle (DW) hôm 21/12/2017 với điều kiện ẩn danh.

vn2

Tòa đại sứ của Việt Nam tại Berlin, Thủ đô CHLB Đức, là nơi bị nghi là có liên quan tới 'vụ bắt cóc' ông Trịnh Xuân Thanh, theo chính quyền Đức.

Tin này đã được bàn thảo trong cộng đồng Việt Nam tại Berlin từ lâu nay nhưng nay là lần đầu tiên đài phát thanh quốc tế DW của Đức xác nhận.

Quan chức Đức nói với DW cũng cho biết thêm rằng một số quan chức cao cấp của Việt Nam đã bị từ chối nhập cảnh vào Đức trong thời gian qua.

Người này bình luận rằng trước đây quan hệ Đức - Việt đã từng rất 'gần gũi và đáng tin cậy', nhưng nay bị tổn hại nặng nề kể từ 'vụ bắt cóc' ông Trịnh Xuân Thanh.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn khẳng định ông Thanh "tự về nước" để ra đầu thú, theo DW.

Đức đã kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo xét xử công bằng cho ông Trịnh Xuân Thanh và vụ việc phải được giám sát bởi các nhà quan sát quốc tế, vị quan chức ẩn danh nói.

Chính phủ Đức và Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đang theo dõi chặt chẽ các tiến triển của vụ việc và mong đợi những kết quả tích cực và phía Việt Nam biết phải làm gì để hàn gắn hỏng hóc trong quan hệ, quan chức này được Deutsch Welle dẫn lời nói hôm thứ Năm.

Hôm thứ Sáu, 22/12, BBC Việt ngữ đã liên lạc được với một trong các luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức để được biết phản ứng của luật sư này :

"Tất nhiên tôi liên tục giữ liên lạc với chính quyền Đức", Luật sư Petra Isabel Schlagenhauf cho BBC Việt ngữ hay.

"Xin vui lòng thông cảm rằng không thể cung cấp thông tin cụ thể cho công chúng, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng chính phủ Đức đang làm những gì cần làm để tìm một giải pháp cho vụ án của thân chủ của tôi.

"Từ phía tôi, tôi đang hỗ trợ những gì mà chính quyền Đức đang làm trong vấn đề này. Điều mà bài báo trên kênh truyền hình Deutsche Welle nói là đúng. Tôi chắc chắn là vẫn giữ liên lạc thường xuyên với đội ngũ bảo vệ pháp lý tại Việt Nam. Nhưng xin thông cảm rằng tôi không thể đưa ra thêm chi tiết trong tình hình hiện nay", Luật sư Schlagenhauf cho biết.

'Không đếm tiền'

Hôm 22/12, nhiều báo chính thống của nhà nước ở Việt Nam đồng loạt đưa tin về vụ án với ông Trịnh Xuân Thanh và cho hay ông Trịnh Xuân Thanh 'từng có tiền án, tiền sự', theo lý lịch bị can tại kết luận điều tra của Cơ quan Điều tra của Bộ Công An, công bố hôm thứ Sáu.

Theo các báo này, ông Thanh từng 'vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải' và 'cố gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe' nhưng báo không cung cấp thông tin vụ việc xảy ra khi nào, ở đâu.

Vẫn theo bản kết luận điều tra này, ông Trịnh Xuân Thanh cũng bị khởi tố hôm 9/12 về tội 'tham ô tài sản'. Kết luận điều tra cũng nêu rõ việc ông Đinh Mạnh Thắng, em ruột cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, đã "đưa cho Trịnh Xuân Thanh một vali tiền".

Theo các báo từ Việt Nam, 'ông Thanh khai' ông Thắng cho lái xe 'mang vali' đến tận nhà riêng, tuy nhiên khi mở ra 'thấy tiền' thì ông Thanh 'không đếm nên không rõ bao nhiêu'.

Đây là các thông tin từ phía báo chí chính thống của Việt Nam được đưa ra trong quá trình ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đang bị điều tra và truy tố, hoặc thi hành án, cùng với nhiều bị can, bị cáo khác, BBC chưa có dịp kiểm chứng các thông tin trên, cũng như chưa có điều kiện liên lạc với các luật sư tại Việt Nam mà chính quyền đồng ý cho bảo vệ quyền lợi của ông Thanh trong vụ án.

Quan hệ tiếp tục xuống dốc

Về quan hệ với Đức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng lên tiếng "lấy làm tiếc về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8 về vụ Trịnh Xuân Thanh".

Bà Lê Thị Thu Hằng cũng được báo Việt Nam trong tháng 8 trích lời nói "Việt Nam luôn coi trọng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức".

Tuy thế, trả lời BBC hôm 21/12 từ Berlin, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng vẫn bình luận rằng vụ Trịnh Xuân Thanh là vấn đề nghiêm trọng nhất trong quan hệ Đức - Việt năm 2017.

Ông nói : "Hệ lụy của vụ này thể hiện rất nhiều mặt và mức độ nặng nhẹ tùy theo người Việt Nam ở vị trí nào, xuất xứ ra đi của họ ra sao.

"Có thể lấy vài ví dụ, ở tầm vĩ mô, do việc nước Đức đã xóa bỏ quy chế trong hợp tác với Việt Nam, nó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án, chương trình lớn viện trợ, hợp tác về mặt kinh tế, quân sự, văn hóa đối với Việt Nam.

"Những người nào có quan tâm hay có liên quan những dự án đó, đương nhiên công việc của họ bị ảnh hưởng và tôi cũng được một số bạn bè chia sẻ là họ cũng cảm thấy lo ngại nếu những công việc đó bị dậm chân tại chỗ thì các công việc và thu nhập của họ cũng bị ảnh hưởng.

"Thứ hai, đối với chính sách với Việt Nam trong việc xuất nhập cảnh thì chắc chắn phía Đức cũng làm chặt chẽ hơn, nó cũng gây ra nhiều trở ngại, nhiều người lo lắng ở chỗ tới đây việc đoàn tụ gia đình, thăm thân hay đón đưa những người từ Việt Nam sang đây công tác, du học hay thăm thân ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.

"Thứ ba, mối liên hệ giữa người Đức với người Việt ở Berlin cũng vậy, người ta cũng thận trọng hơn vì dẫu sao người ta cũng e ngại liệu những quan hệ đó cũng có thể động chạm đến an ninh của Đức

"Và những mối quan hệ đặc biệt với cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở đây như Tòa Đại sứ hay các cán bộ ngoại giao, dường như ai cũng bắt buộc phải có cái nhìn lại, nhận xét lại", nhà báo Lê Mạnh Hùng nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 22/12 từ Berlin.

************************

Trịnh Xuân Thanh 'nhận vali tiền và từng có tiền án' (BBC, 22/12/2017)

vn3

Cơ quan điều tra cho hay ông Trịnh Xuân Thanh nhận của em trai ông Đinh La Thăng va li chứa 14 tỷ đồng

Cũng theo báo này, ông Thanh từng vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải và cố gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nhưng báo không cung cấp thông tin vụ việc xảy ra khi nào, ở đâu.

Tội 'tham ô tài sản'

Theo bản kết luận điều tra này, ông Trịnh Xuân Thanh cũng bị khởi tố hôm 9/12 về tội Tham ô tài sản.

Kết luận điều tra cũng nêu rõ việc ông Đinh Mạnh Thắng, em ruột ông Đinh La Thăng, đã "đưa cho Trịnh Xuân Thanh một vali tiền".

Ông Thanh khai ông Thắng cho lái xe mang vali đến tận nhà riêng, tuy nhiên khi mở ra 'thấy tiền' thì ông Thanh 'không đếm nên không rõ bao nhiêu'.

Kết luận điều tra cho rằng đây là số 'tiền chênh lệch' cho việc Trịnh Xuân Thanh, khi đó là Chủ tịch PVC, 'nhận lời giúp' phê duyệt phương án cho thoái vốn Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) thuộc dự án Nam Đàn Plaza, thuộc Tổng Cty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Truyền thông Việt Nam cũng cho hay, thương vụ chuyển nhượng trên, ông Thanh được chia 14 tỉ đồng, Đinh Mạnh Thắng 5 tỉ đồng.

Báo Tiền Phong cho biết Đinh Mạnh Thắng được đánh giá đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Ngược lại, Trịnh Xuân Thanh khai rằng không hưởng lợi, không biết tiền chênh lệch giá.

Theo báo Tuổi Trẻ, Trịnh Xuân Thanh khai đã trả lại tiền cho Đinh Mạnh Thắng tại văn phòng PVC.

Đã hoàn tất điều tra

Cơ quan điều tra cho hay họ đã có đủ căn cứ kết luận Đinh Mạnh Thắng đã thông báo cho Trịnh Xuân Thanh giá chuyển nhượng cổ phần tương ứng 52 triệu đồng/m2 tại dự án Nam Đàn Plaza. Biết vậy nhưng Thanh vẫn ký văn bản đồng ý việc chuyển nhượng với giá thấp hơn, 34 triệu đồng/m2, để hưởng chênh lệch.

Ngày 21/12, truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Tổng Cty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Đinh Mạnh Thắng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà cùng 6 bị can khác về tội tham ô tài sản.

BBC chưa có điều kiện kiểm chứng với luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh về các cáo buộc nhắm vào ông trong vụ án được giới quan sát nước ngoài cho là "có cả mục tiêu chính trị nội bộ".

Tin mới nhất từ trang web của Đài Deutsche Welle, Đức cho hay chính phủ nước này "vẫn tiếp tục chờ tin tức" về vụ ông Trịnh Xuân Thanh.

Đức nói ông Thanh "bị bắt cóc" khi đã xin tỵ nạn tại Berlin và chuyển về Hà Nội để đem ra xét xử, trong khi nhà chức trách Việt Nam cho là ông Trịnh Xuân Thanh "tự về".

Vụ việc đã gây ra khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa Berlin và Hà Nội, khiến Đức tạm ngưng quan hệ "đối tác chiến lược" với Việt Nam.

Quay lại trang chủ
Read 611 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)