Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/12/2017

Giáng sinh nơi một vùng cao

RFA tiếng Việt

Mong ước giáng sinh

Thị trấn Lạc Dương, cách huyện Lâm Hà 35km về hướng Đông. Đây là nơi có đỉnh Langbiang được nhiều người biết đến. Đây cũng là địa bàn cư ngụ của nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số Kơ Ho. Nay một số người Kinh cũng đến để tìm kế sinh nhai tại đó.

vungcao1

Các em thiếu nhi dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. RFA

Như bao nhiêu người có niềm tin vào Chúa Giê Su xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, thì dịp lễ Giáng Sinh là kỳ lễ trọng. Họ chuẩn bị đón lễ về mặt tâm hồn cho đến hình thức bên ngoài.

"Làm hang đá rồi trang trí cây thông, rồi dọn nhà dọn cửa đến đêm 24 thì gia đình sum họp lại, đi lễ, lễ xong rồi mới sum họp.25 thì đi lễ rồi anh chị em đi chúc nhau.

Chúc Giáng Sinh, rồi chúc làm ăn, chúc sức khỏe… giống như bọn anh chúc Tết á ! như vậy có nghĩa là chúc mừng Giáng Sinh. Rồi xin Chúa ban bình an xuống mọi người, rồi làm ăn phát đạt".

Đó là ước nguyện của những người dân mà cuộc sống vẫn còn có nhiều khó khăn, dù rằng so với trước đây thì có đỡ hơn.

"Ở đây sống thì bình thường như mọi khi áo quần ngày xưa thời bao cấp thì nghèo thật, nhưng mà từ năm 90 đổ xuống đến 2000 mấy thì bà con nơi đây cũng khá giả chút. Không như ngày xưa đâu. Cơm ăn cũng 3 bữa. Ngày xưa thì khổ lắm".

Một người Kinh từ miền xuôi lên định cư tại Lạc Dương thừa nhận đời sống kinh tế của người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao này vẫn còn khó khăn lắm.

Dịp Giáng Sinh đến có nhiều nhà sửa soạn, trang trí mừng lễ nhưng cũng có những người vẫn miệt mài lo kiếm ăn trong thời tiết giá lạnh.

"Lạnh thì mình vẫn phải mặc áo lạnh, công việc thì mình vẫn phải làm".

Chúng tôi thắc mắc khi thấy trời lạnh lẽo mà hai ông bà người Kơ Ho chúng tôi ghé thăm không ai mặc áo ấm, trong khi những ngày gần đây, nhiệt độ ban đêm có lúc xuống khoảng 9oC. Bà buồn rầu nói :

"Không có hết, cái đó thì không có hết. Không có tiền mua. Có tiền một ít ít thì lo cơm cháo con ăn thôi. Buổi đêm cũng áo này, đi làm cũng áo này".

Hai vợ chồng già ngồi với nhau bên bếp lửa, vừa nấu cơm vừa sưởi ấm. Ông đang khui hộp cá chuẩn bị cho bữa tối, nấu xong nồi cơm này, sẽ đặt ấm nước để pha gói mì tôm. Như vậy là có một bữa ăn. Kể về cái giá lạnh khi sống trong cảnh thiếu thốn, ông cho biết :

"Ban ngày thì còn đỡ, nhưng chưa được nóng lắm. Nhưng mà nhất là ban đêm, ối giời ơi ! Đắp mền có thế nào cũng không được".

Độ tuổi già yếu, hai ông bà không còn sức để đi làm thuê như ngày xưa nữa. Lại thêm các khoản nợ vay nhà nước, thế nên hoàn cảnh càng thêm khó khăn.

"Con còn khỏe thì đi làm thuê, mình thì nó yếu sức rồi ở nhà thôi. Thu nhập thì năm nay lại không có cà phê, bây giờ còn nợ của nhà nước thì lấy đâu trả. Chỉ có trồng ít đậu chỉ có nuôi con học thôi, con này đi học lớp 8 cũng không có tiền, đóng nhà trường thì cũng không có tiền luôn".

Từ trước kia, người đồng bào ở Kơ Ho ở Langbiang chủ yếu sinh sống bằng các nghành nghề liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp.

"Mưu sinh bằng nghề rừng nè, nếu bây giờ có miếng đất thì… ngày xưa ở đây bà con cũng làm ruộng bây giờ cho họ thuê hết rồi còn gì. Bao nhiêu dãy ở dưới giàn bông đó, đó toàn là ruộng của bà con dân tộc mà bây giờ họ cho thuê hay họ bán gì đó cho nên mất dần mất dần".

Trong những năm trở lại đây đã có ít nhiều thay đổi, những mảnh đất khai hoang xưa kia nay bán lại cho người Kinh để người Kinh trồng hoa. Họ dùng những số tiền bán đất đó để xây dựng nhà cửa vì họ trồng rau bị thua lỗ thường xuyên. Những mảnh đất cứ bán dần, như gia đình ông này còn lại một mảnh vườn nhỏ để trồng cà phê.

"Một số gia đình đó họ phải bán đất bán đai thì họ muốn thay đổi cuộc sống người ta xây nhà xây cửa gì đó tùy loại. Nhưng mà làm rau thì ít lắm. Bị lỗ nhiều nên bà con khó làm. Đa số người không làm (thì) trồng cà phê không. Trồng cà phê thì không gặp giá nữa".

Theo như ông cho biết, mỗi năm thu chỉ khoảng 2 đến 3 tạ cà phê. Một sản lượng như thế là quá ít để cho cả gia đình ông có thể sống tốt. Ông nhớ lại ngày xưa khi gia đình ông còn trồng lúa, và cứ mỗi mùa Giáng Sinh cũng là thời điêm thu hoạch :

"Đón Noel là thường thường như ngày xưa thì mùa gặt mừng lúa, cắt về nhà thì người ta vừa làm lễ mừng lúa về nhà cũng kèm với đón mừng Chúa Giáng Sinh".

Nhưng có vẻ như năm nay Giáng Sinh kém đi phần rộn ràng trong gia đình. Lúa không còn trồng, cà phê thì thưa thớt chưa thể thu hoạch. Cũng bởi vậy mà những mong ước của người dân nơi đây cũng không gì khác hơn :

"Làm ăn càng ngày càng lên, ao ước nói chung của cả làng người ta muốn vươn lên chứ không phải đi xuống".

Gia đình nghèo thì những đứa trẻ nghèo cũng không được khá hơn gì. Một cái áo khoác mỏng manh, một chiếc quần tây rách tả tơi và nhàu bẩn làm sao có thể chống chọi với giá lạnh. Ước mơ trong mùa Noel này đơn giản chỉ là một cái áo ấm thật dày và những bữa cơm ngon miệng nhưng với những gia đình như thế vẫn chỉ là ước mong.

Phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 1342 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)