Hồng Kông thuê phi cơ charter trục xuất 68 người Việt nhập cư lậu (RFI, 01/01/2017)
Cơ quan di trú Hồng Kông mới đây đã thuê bao một chiếc máy bay charter để trục xuất 68 người Việt Nam về nước. Vụ việc xẩy ra hôm 28/12/2017, nhưng hai ngày sau mới được nhật báo Hồng Kông The South China Morning Post tiết lộ.
Người nhập cư Việt Nam bất hợp pháp vào Hồng Kông bị áp tải lên máy bay về nước. Ảnh chụp màn hình tờ SCMP
Theo nhật báo, chiếc máy bay thuê bao của Vietnam Airlines đã chở 68 người, trong đó có 38 phụ nữ, về Hà Nội. Trong số này, ngoại trừ ba em bé dưới 2 tuổi, những người còn lại ở độ tuổi từ 18 đến 64. Tờ báo cho biết là những người này đã không chứng minh được lý do xin tị nạn và đã đến Hồng Kông một cách bất hợp pháp.
Họ đã ở Hồng Kông khoảng 10 tháng, một nửa trong số này đã nộp đơn xin quy chế tị nạn, nhưng không được chấp thuận. Sở Di Trú Hồng Kông khẳng định rằng tất cả những người này đều tình nguyện hồi hương.
Vẫn theo SCMP, ông William Fung Pak-ho, phụ tá giám đốc Sở Di Trú Hồng Kông, cho biết là chính quyền đặc khu sắp tới đây sẽ xem xét việc thuê bao máy bay để chở di dân bất hợp pháp không tình nguyện rời lãnh thổ này trong tương lai.
Trước đây, Hồng Kông đã từng trục xuất nhiều người, nhưng một cách lẻ tẻ, thường vài người một lần, dùng các chuyến bay thương mại, và trong một số trường hợp có nhân viên di trú đi theo. Phương cách trục xuất dùng phi cơ thuê bao, tức là charter, được coi là sẽ giúp Hồng Kông giải quyết nhanh chóng các trường hợp tồn đọng.
Từ năm 2015, số di dân xin quy chế tị nạn ngày càng nhiều. Vào lúc cao điểm, không kể các sự kiện bên Trung Quốc, mỗi tháng, có 480 người xin quy chế tị nạn, trong nửa đầu năm 2015, so với 120 trường hợp mỗi tháng trong thời gian từ 2010 đến 2013. Trong số này, đông nhất là người Việt Nam.
Từ năm 2014 đến tháng 11/2017, theo số liệu chính thức, trong số 15.268 người xin quy chế tị nạn, có 3913 trường hợp là người Việt Nam – tương đương 26%. Cũng trong thời điểm này, trong số 8 861 người vào Hồng Kông bất hợp pháp, có 5.104 trường hợp là người Việt Nam – tương đương 57,6%.
Theo nhân vật này, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận việc bị trực xuất : "Trong năm nay (2017), chúng tôi thực hiện bảy vụ trục xuất. Có một số người cũng chống đối, và phải mất hai hoặc ba lần thực hiện chúng tôi mới trục xuất được họ… Một số người la hét, phản đối dữ dội, làm cho hãng hàng không phải đưa họ ra khỏi máy bay".
Trọng Nghĩa
*****************
Hồng Kông trục xuất 68 người Việt Nam về nước (Người Việt, 30/12/2017)
Cơ quan di trú Hồng Kông vừa thuê một chiếc máy bay chở 68 người Việt Nam về nước hôm Thứ Năm.
Nhân viên di trú Hồng Kông giám sát 68 người Việt Nam lên máy bay về nước. (Hình : Sở Di Trú Hồng Kông)
Theo nhật báo The South China Morning Post, đây là những người không chứng minh được lý do xin tị nạn và những người đến Hồng Kông một cách bất hợp pháp.
Phương cách trục xuất này được coi là sẽ giúp Hồng Kông giải quyết nhanh chóng các trường hợp còn kẹt ở đây.
Trước đây, chỉ có một vài người bị trục xuất một lần, thường bay trên các chuyến bay bình thường, và có một số trường hợp có nhân viên di trú đi theo.
Hôm Thứ Năm, chiếc máy bay thuê bao của Vietnam Airlines chở 30 người nam giới và 38 người nữ giới, và đã hạ cánh xuống phi trường Nội Bài, Hà Nội, lúc 5 giờ 15 chiều cùng ngày.
Trong số 68 người này, ngoại trừ ba em bé dưới 2 tuổi, 65 người còn lại có tuổi từ 18 đến 64.
Những người này trung bình đã ở Hồng Kông trong 10 tháng.
Một nửa trong số này nộp đơn xin quy chế tị nạn, nhưng không thành công.
Sở Di Trú Hồng Kông nói rằng những di dân bất hợp pháp trong nhóm này tình nguyện trở về Việt Nam.
Hôm Thứ Sáu, ông William Fung Pak-ho, phụ tá giám đốc Sở Di Trú Hồng Kông, nói rằng ý tưởng thuê bao nguyên chuyến bay chở người bị trục xuất đã có từ lâu, nhưng rất khó thực hiện.
"Chúng tôi phải giải quyết vấn đề căn cước cho họ, phối hợp với chính phủ Việt Nam trong việc tiếp nhận lại họ, và giải quyết vấn đề an ninh do các hãng hàng không nêu ra", ông Fung nói.
Ông nói thêm rằng, Hồng Kông cũng sẽ xem xét việc thuê bao máy bay để chở di dân bất hợp pháp không tình nguyện rời lãnh thổ này trong tương lai.
Theo ông Fung, trước đó, kế hoạch thực hiện việc trục xuất hôm Thứ Năm cũng được Bộ Tư Pháp xem xét.
"Trong năm nay, chúng tôi thực hiện bảy vụ trục xuất. Có một số người cũng chống đối, và phải mất hai hoặc ba lần thực hiện chúng tôi mới trục xuất được họ", ông Fung nói. "Một số người la hét, phản đối dữ dội, làm cho hãng hàng không phải đưa họ ra khỏi máy bay".
Bắt đầu từ năm 2015, ngày càng có nhiều di dân xin quy chế tị nạn, theo báo SCMP.
Vào lúc cao điểm, không kể các sự kiện bên Trung Quốc, mỗi tháng, có 480 người xin quy chế tị nạn, trong nửa đầu năm 2015, so với 120 trường hợp mỗi tháng trong thời gian từ 2010 đến 2013.
Trong số này, đông nhất là người Việt Nam, vẫn theo SCMP.
Từ năm 2014 đến Tháng Mười Một năm nay, theo dữ kiện chính thức, trong số 15,268 người xin quy chế tị nạn, có 3,913 trường hợp là người Việt Nam – tương đương 26%.
Cũng trong thời điểm này, trong số 8,861 người vào Hồng Kông bất hợp pháp, có 5,104 trường hợp là người Việt Nam – tương đương 57.6%. (Đ.D.)
********************
Việt Nam nhập cà phê từ Trung Quốc (Người Việt, 29/12/2017)
Là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ sau Brazil, tuy nhiên lượng cà phê Việt Nam nhập khẩu lại đang tăng mạnh, phần lớn dưới dạng rang xay, pha sẵn.
Cây cà phê Tây Nguyên. (Hình : Thanh Niên)
Theo báo Thanh Niên, số liệu từ Cục Xúc Tiến Thương Mại – Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam đang tăng nhập cà phê từ các thị trường Mỹ, Brazil và Trung Quốc.
Niên vụ 2016-2017, Việt Nam nhập khẩu từ các thị trường này khoảng 1 triệu bao, dự báo niên vụ tới (2017-2018) nhập gần 1.06 triệu bao (ước trên 63,600 tấn cà phê nhân).
Nguyên nhân nhập khẩu cà phê này được cơ quan quản lý xuất khẩu và các chuyên gia cà phê giải thích là do nhiều chuỗi cà phê "Tây" du nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều.
Đáng lưu ý, cách đây 5-7 năm, khi hàng loạt chuỗi cà phê ngoại du nhập vào, Việt Nam phần lớn nhập khẩu cà phê từ Mỹ và một số nước Châu Âu. Tại thời điểm đó, Trung Quốc đang nhập cà phê thô từ các nước Châu Á, trong đó từ Việt Nam chiếm đến 92%.
Ông Andrew Nguyễn, người đưa thương hiệu cà phê chuỗi The Coffee Bean & Tea Leaf về Việt Nam xác nhận công ty phải nhập toàn bộ nguyên liệu cà phê từ nước ngoài cho dù đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, một quốc gia đang xuất khẩu cà phê vào hàng đầu thế giới.
Lý do được giải thích là do "gu" cà phê Việt không hợp với cà phê Tây vốn nhẹ hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa được nhiều chuyên gia thương mại cảnh báo từ lâu là Việt Nam không có một nền công nghiệp rang xay phối trộn cà phê chuyên nghiệp hợp "gu" toàn cầu. Còn Trung Quốc từ 5 đến 10 năm trước ngoài việc tăng nhập cà phê thô, phát triển mạnh vùng nguyên liệu ở tỉnh Vân Nam, họ đã đầu tư nhiều cho công nghệ chế biến, rang xay cà phê.
Đến bây giờ, sau thời gian xuất thô miệt mài cho Trung Quốc, Việt Nam nay chính thức tăng nhập cà phê rang xay từ quốc gia này. Hiện Trung Quốc đang là "cái nôi" chế biến, rang xay cà phê cho các chuỗi cà phê lớn trên thế giới.
"Trong khi Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ trong phát triển công nghệ rang xay để tăng giá trị gia tăng hạt cà phê, thì Trung Quốc đã tiến một bước tiến lớn. Có thể trong tương lai gần, quốc gia này tiến lên vị trí ‘top’ xuất khẩu cà phê của thế giới", một chuyên gia cảnh báo, đồng thời làm phép tính so sánh : giá cà phê thô chỉ 3 USD/kg, nhưng nếu qua khâu chế biến, bán ra khoảng 50 USD đến 70 USD/kg là chuyện bình thường. (TS)