Chuyện buồn vui của người dân Việt Nam trong năm 2017 (RFA, 29/12/2017)
Ban Việt ngữ điểm lại những sự kiện tại Việt Nam được dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2017, qua ghi nhận của Diễm Thi, Hòa Ái và Chân Như :
Hàng ngàn người tập trung trước trụ sở UBND huyện Lộc Hà yêu cầu chính quyền giải quyết vụ công an đánh dân. Courtesy : Facebook Bạch Hồng Quyền
Hòa Ái : Kính thưa quý khán thính giả, chúng ta vừa chào đón năm mới 2018 và từ biệt năm cũ 2017 với nhiều cảm xúc buồn vui, hạnh phúc, lo lắng, trông mong những điều tốt đẹp nhất đến với mọi người. Dân chúng tại Việt Nam trải qua 365 ngày trong những nỗi niềm như thế ra sao ? Hãy cùng Ban Việt ngữ chúng tôi điểm lại những câu chuyện được dư luận đặc biệt quan tâm trong năm vừa rồi. Theo ghi nhận của chị Diễm Thi và anh Chân Như thì sự kiện nào đáng chú ý nhất đã xảy ra tại Việt Nam trong những ngày đầu năm 2017 ?
Diễm Thi : Có lẽ chị Hòa Ái, anh Chân Như và quý khán thính giả vẫn còn nhớ đến câu chuyện của hàng ngàn người dân, ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, tập trung biểu tình tại Ủy ban Nhân dân huyện hồi đầu tháng 4, tức là tròn đúng một năm thảm họa môi trường biển do nhà máy Formosa gây ra, để yêu cầu được giải quyết việc đền bù cho họ là nạn nhân của thảm họa này. Một ngày sau đó, đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà hứa hẹn sẽ gửi giấy mời đến dân chúng địa phương để giải quyết các yêu câu của họ đưa ra trong cuộc biểu tình ngày hôm trước. Tuy nhiên, 1 tuần sau nữa, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh quyết định khởi tố vụ án đối với cuộc biểu tình của người dân ở huyện Lộc Hà.
Chân Như : Bên cạnh đó, Chân Như nhớ là cũng có 1 cuộc biểu tình khác tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cũng vào đầu tháng 4 năm ngoái. Hàng trăm người dân mang theo ngư cụ ra chặn Quốc lộ 1A tại khu vực xã Kỳ Nam, đòi bồi thường thiệt hại do thảm họa môi trường Formosa. Cuộc biểu tình này cũng bị khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng.
Hòa Ái : Hòa Ái cũng xin lưu ý, chắc là hai anh chị còn nhớ thời điểm trước khi diễn ra 2 cuộc biểu tình mà chị Diễm Thi và anh Chân Như vừa nhắc đến, là hình ảnh Valentine đỏ tràn ngập trên mạng xã hội. Nhưng cư dân mạng tại Việt Nam chia sẻ ngày Valentine năm 2017 không có màu đỏ của những bông hồng tươi thắm mà nhuộm đỏ bởi máu của đồng bào miền Trung đổ xuống khi đoàn người nạn nhân của thảm họa Fomosa đang trên đường đi khởi kiện tập thể, đã bị lực lượng đông đảo công an ngăn cản. Họ đã sử dụng lựu đạn cay và bạo lực để trấn áp đoàn người đi khiếu kiện này.
Chân Như : Chưa hết nhé, Hòa Ái. Một câu chuyện khác gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, đó là vụ Đồng Tâm. Dân chúng tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, thể hiện sự phản kháng của họ đối với vấn đề cưỡng chế đất đai, đền bù, khiếu kiện, qua việc bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin để yêu cầu được đối thoại với chính quyền thành phố.
Diễm Thi : Đúng rồi Chân Như ! Đây là một vụ việc lần đầu tiên xảy ra kể từ sau ngày 30/4/1975, Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Và ông Chủ tịch thành phố Hà Nội, Tướng Nguyễn Đức Chung đã phải viết tay bản cam kết, hứa hẹn sẽ thanh tra cũng như không khởi tố người dân Đồng Tâm. Nhưng, niềm hy vọng cuối cùng của người dân Đồng Tâm tin cậy vào chính quyền thành phố Hà Nội sẽ giải quyết thỏa đáng những bức xúc của họ hoàn toàn bị tắt ngúm, bởi vì…
Hòa Ái : Vì kết luận thanh tra, có thể nói nôm na rằng phản ảnh của người dân Đông Tâm là không đúng. Khu vực đất đó thuộc về Bộ Quốc Phòng. Các hộ dân đã lấn chiếm, xây dựng những công trình trái phép v.v. Và lời hứa của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội trở thành "lời nói gió bay" do Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án ở Đồng Tâm. Hồi tháng 10, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội và Viện kiểm sát Nhân dân Hà Nội kêu gọi những người dân xã Đồng Tâm, có liên quan vụ ‘bắt giữ người trái luật cũng như hủy hoại công sản’ hồi tháng 4 ra đầu thú.
Chân Như : Nói đến kêu gọi ra đầu thú, chị Hòa Ái và chị Diễm Thi chắc chắn không thể quên được nhân vật Trịnh Xuân Thanh. Ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức cấp cao bị Chính phủ Việt Nam truy nã quốc tế. Tuy nhiên, đùng một cái sau gần 1 năm mất tích, ông Thanh xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia của Việt Nam để đầu thú, trong khi chính quyền Đức lên tiếng cáo buộc cho rằng mật vụ của Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh mang về nước, khi ông Thanh đã nộp dơn xin quy chế tị nạn tại Đức.
Diễm Thi : Đây là một câu chuyện rất ly kỳ. Truyền thông Đức cho rằng vụ bắt cóc này giống như trong phim điệp viên thời Chiến tranh lạnh. Nhưng, tại Việt Nam, dư luận trong nước càng hồi hộp hơn vì công cuộc chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng từ hồi năm 2012 bắt đầu đi vào giai đoạn rốt ráo qua nhân vật Trịnh Xuân Thanh, với lời tuyên bố ví von "lò đã nóng lên rồi, củi tươi cũng phải cháy".
Chân Như : Có lẽ không chỉ câu chuyện của riêng ông Trịnh Xuân Thanh mà còn ông Đinh La Thăng bị bắt và khởi tố trong những ngày cuối cùng của năm 2017 là chưa bao giờ xảy ra đối với vị trí lãnh đạo cấp cao, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc Hội Việt Nam. Không những thế, tiếp theo đó, các quan chức thuộc tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng bị bắt giam và khởi tố. Chân Như nghe được không ít người dân tại Việt Nam cho biết họ theo dõi sát sao chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng có lẽ sẽ còn phát hiện rất nhiều những ‘con hổ" khác.
Diễm Thi : Diễm Thi ghi nhận một số nhà quan sát tình hình Việt Nam và người dân trong nước phần nào tỏ ra lạc quan rằng Đảng và nhà nước chỉnh đốn lại đội ngũ cán bộ quản lý qua các diễn tiến mới nhất trong chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam. Nhưng trái lại, các chính phủ và các tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng cáo buộc nhà cầm quyền Hà Nội trong năm 2017 mạnh tay đàn áp người dân, bắt giữ hàng loạt các nhà hoạt động vì môi trường và xã hội, cũng như tuyên các bản án tù nặng nề đối với những người này, trong đó có Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và bà Trần Thị Nga, các bản án lên đến 10 năm tù giam.
Hòa Ái : Những câu chuyện mà cả ba chúng ta vừa điểm lại trong năm 2017, được dư luận đặc biệt quan tâm hầu như liên quan đến việc bắt bớ và khởi tố, cả quan chức từ cấp cao cho đến những thân phận bé mọn của người dân. Quý khán thính gỉa có nghĩ rằng một đất nước như thế bình yên hay không ? Trong năm qua, chúng tôi đã làm việc và trao đổi với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực về chính trị, kinh tế, ngoại giao…Họ nhận định bức tranh xã hội Việt Nam trong năm 2017 không được sáng sủa cho lắm và những câu chuyện chúng tôi nhắc đến vẫn chưa có hồi kết.
Mong rằng năm mới 2018 đến với những điều tốt đẹp nhất và cầu xin một năm an lành cho người Việt khắp nơi.
********************
Nhìn lại vụ Đồng Tâm : Bài học về sức phản kháng của người dân (RFA, 28/12/2017)
Tức nước vỡ bờ
Vụ việc có thể khái quát như sau : mảnh đất hơn 100 ha tại Đồng Sênh, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội theo chính quyền là đất quốc phòng và đòi thu lại cho Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Trong khi đó người dân lại nói chỉ có một phần đất là của quốc phòng, còn lại là đất nông nghiệp của họ.
Cảnh sát cơ động được người dân thả ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP
Vào tháng 4 cơ quan chức năng nói mời đại diên người dân đến để đo đất ; nhưng sau đó xảy ra việc bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm và gây thương tích cho một cụ già trong quá trình bắt giữ. Bức xúc trước cách hành xử của phía lực lượng chức năng mà người dân cho là bất chấp luật pháp, phi nhân ; người dân Đồng Tâm đã trả đũa bằng cách giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin từ ngày 15 đến ngày 22 tháng tư.
Đích thân ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà Nội phải về tận thôn Hoành để đối thoại với người dân và viết một bản cam kết trong đó có một nội dung là sẽ không khởi tố người dân Đồng Tâm.
Vụ việc gây xáo động dư luận một thời gian dài trước khi cơ quan chức năng công bố kết luận thanh tra chính thức khu đất tranh chấp với nội dung là khu đất đó là đất quốc phòng.
Bản kết luận tiếp tục khiến người dân phẫn nộ và yêu cầu thanh tra lại. Cho đến tận bây giờ, những căng thẳng giữa hai bên vẫn chưa nguôi ngoai, dân thì không chấp nhận kết luận thanh tra, còn cơ quan chức năng coi kết luận đó là văn bản chính thức, đất là của quốc phòng không còn gì chối cãi.
Sau khi kết luận thanh tra đất được công bố, công an Hà Nội liên tục có các động thái khiến nhiều người dân Đồng Tâm càng thêm bức xúc chẳng hạn như gửi giấy triệu tập đến cả trăm người dân, và thậm chí là kêu gọi họ ra đầu thú.
Tòa án Hà Nội cũng đã từng xét xử những quan chức và cựu quan chức có sai phạm liên quan đến đất đai ở Đồng Tâm, nhưng người dân Đồng Tâm nói với RFA rằng đó chỉ là một chiêu thức xoa dịu dư luận bởi vì những quan chức này không hề liên quan đến khu đất đang tranh chấp, mà là một khu đất khác.
Quyết định khởi tố vụ việc bắt giữ người trái phép và phá hoại tài sản ở xã Đồng Tâm mà phía công an đưa ra cũng khiến không chỉ người dân Đồng Tâm mà nhiều người quan tâm theo dõi cho rằng đó là một sự bội ước, thất hứa từ phía chính quyền, mà đại diện là ông chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Anh Trịnh Bá Phương, cũng là một người đang khiếu kiện đất đai tại Dương Nội, quận Hà Đông, nhận định cuộc khủng hoảng Đồng Tâm là một minh chứng cho sức trỗi dậy của người dân khi quyền lợi chính đáng của họ bị xâm phạm một cách trắng trợn :
Vụ việc Đồng Tâm cũng là một bài học cho nhà cầm quyền Hà Nội khi mà hàng loạt cảnh sát cơ động, công an bị bắt giữ, đó là một bài học cho thấy sự phẫn nộ của người dân đã lên đến đỉnh điểm. Trong tương lai sẽ còn xảy ra nhiều vụ Đồng Tâm nữa, những người dân Việt Nam phải chịu ảnh hưởng bởi chính sách thu hồi đất, cướp đoạt đất đai của Nhà nước Cộng sản lên đến cả chục triệu người.
Tháng trước, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Đồng Tâm bà Nguyễn Thị Lan đã bị bãi nhiệm với lý do là không làm tròn trách nhiệm của một người đứng đầu. Khi buổi bãi nhiệm diễn ra, hàng trăm người dân đã đứng ở bên ngoài trụ sở để "đón bà Lan về với dân" vì họ cho rằng bà là một người luôn đứng ra bảo vệ người dân giữa những căng thẳng xảy ra bấy lâu nay.
Còn đối với luật sư Hà Huy Sơn, người từng bào chữa nhiều vụ kiện tụng đất đai cho dân oan, thì vụ Đồng Tâm cho thấy một phần lỗi rất lớn của cơ quan chức năng :
Người dân thì không hiểu biết gì nhiều. Người ta chỉ thấy ai có cương vị, chức vụ, quyền hạn mà không cần biết họ là bên tư pháp hay hành pháp và người ta coi đó là tiếng nói của pháp luật.
Trong sự việc này có sự bất nhất từ khi ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung về tuyên bố rằng không khởi tố người dân thì dân hiểu rằng không có chuyện gì nữa. Nhưng nay cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát lại chiếu theo quy định của pháp luật lại khởi tố vụ án.
Tôi cho rằng trách nhiệm cuối cùng vẫn là cơ quan Đảng. Tại vì trong hiến pháp điều 4 nói rằng Đảng lãnh đạo tất cả mà lại để cho cơ quan hành pháp là ông Chung nói như vậy, còn cơ quan tư pháp lại nói khác đi.
Đầu tháng 11 vừa qua, trong một bài phát biểu trước Quốc hội và ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Dương Trung Quốc, tỉnh Đồng Nai đã nêu lên những nguyên nhân khiến vụ việc ở Đồng Tâm chưa thể kết thúc cũng như những bài học cho giới lãnh đạo qua sự việc này. Bài phát biểu của ông đã thu hút nhiều sự quan tâm và đồng tình của người dân, chúng tôi xin trích một đoạn như sau :
Chúng ta đã khởi tố những người dân Đồng Tâm vi phạm nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân bất hợp pháp hoàn toàn vẫn đứng ngoài pháp luật.
Tôi cho rằng chúng ta phải rút ra bài học để Đồng Tâm không còn là một vụ việc tiêu cực mà góp phần làm những việc tương tự không còn lặp lại nữa.
Câu chuyện Đồng Tâm rồi đi về đâu ?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người từng đưa ra nhiều hiến sách để cải thiện luật đất đai hiện hành ở Việt Nam nói rằng chừng nào Việt Nam còn chưa hạn chế quyền của Nhà nước trong việc thu hồi đất thì những sự việc đáng tiếc như Đồng Tâm sẽ còn diễn ra :
Riêng cá nhân tôi rất muốn gỡ bỏ điều trong luật hiện nay nói là nhà nước, trong những lý do thu hồi đất, thì có lý do là những dự án phát triển kinh tế xã hội khác, vì cái đó nó quá rộng, không làm rõ các dữ liệu khác nhau nên dẫn tới tình trạng thu hồi đất thuần nông của dân rồi giao cho một ông doanh nghiệp khác để làm. Người dân được đền bù một thì đối với ông doanh nghiệp giá đất sau đó có thể lên đến cả trăm lần. Từ đó gây nên những chuyện khiếu kiện đất đai tràn lan ở Việt Nam. Chuyện đất đai trở thành một trong những điều bất công nhất ở Việt Nam hiện nay".
Luật sư Hà Huy Sơn cũng cho rằng cuộc khủng hoảng Đồng Tâm chỉ là một ví dụ về hậu quả của luật đất đai hiện tại :
Tôi nghĩ Đồng Tâm cũng như chuyện của cả nước thu nhỏ lại thôi. Luật đất đai hiện hành là một bất công lớn ảnh hưởng đến người nông dân. Cho nên, chuyện lòng dân không yên cũng là tất nhiên thôi.
Một báo cáo nghiên cứu của hai Tổ chức tư vấn TMP Systems và Rights and Resources Initiative, trụ sở tại Anh Quốc, vừa được công bố cho thấy khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là điểm nóng về tranh chấp đất đai trên thế giới.
Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường hồi tháng 7 vừa qua cho biết trong tổng số hơn 1.500 lượt đơn khiếu nại trong nửa đầu năm 2017, có đến hơn 95% liên quan đến vấn đề đất đai.
Khi được hỏi rằng luật đất đai ở Việt Nam chưa có dấu hiệu sẽ được thay đổi, vậy thì câu chuyện Đồng Tâm rồi sẽ đi về đâu, anh Trịnh Bá Phương, người cũng đang hợp tác chặt chẽ với nhiều người dân Đồng Tâm đấu tranh đòi lại đất, đưa ra dự đoán :
Người dân vẫn đang cương quyết giữ mảnh đất của mình. Trong tương lại tôi cũng chưa biết kết quả sẽ đi đến đâu nhưng tôi tin rằng người dân Đồng Tâm sẽ có thể bảo vệ được mảnh đất của mình và phía nhà cầm quyền sẽ phải nhượng bộ trước tinh thần của người dân Đồng Tâm.
Trong một cuộc trao đổi gần đây giữa RFA và cụ Lê Đình Kình, một trong 4 người dân Đồng Tâm bị bắt giữ hồi tháng 4, cụ Kình đã khẳng định rằng dân Đồng Tâm sẽ quyết tâm bảo vệ đất đai đến cùng cho thế hệ mai sau, dù có phải đổ máu đi chăng nữa.
Nguồn : RFA tiếng Việt, 28/12/2017