Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/01/2018

Phan Văn Anh Vũ đã trốn sang Singapore và đang gặp rắc rối

BBC tiếng Việt

Phan Văn Anh Vũ 'xin đi Châu Âu tỵ nạn' (BBC, 01/01/2018)

Luật sư Remy Choo nói với BBC đơn xin tỵ nạn của thân chủ của mình 'đã được nộp cho một nước ở Châu Âu' và đang 'trong quá trình xét duyệt'.

singa1

Ông Phan Văn Anh Vũ hiện đang bị công an Việt Nam truy nã

Trả lời BBC tiếng Việt qua điện thoại vào chiều hôm thứ Hai 01/01, luật sư Remy Choo từ Singapore cũng nói về khả năng cảnh sát phải đưa ông Anh Vũ trình diện thẩm phán nếu quá thời hạn tạm giam.

BBC : Cuộc gặp của ông với gia đình ông Anh Vũ có nội dung gì ? Gia đình ông Anh Vũ trông đợi gì ?

Remy Choo : Tôi chỉ có thể khẳng định tôi đã nói chuyện [gián tiếp] với gia đình ông Anh Vũ. Gia đình ông ấy có nguyện vọng rằng ông Anh Vũ được tự do đi lại. Gia đình ông ấy biết rằng trước đây ông ấy đã đi lại với các giấy tờ mà hiện thời ông ấy đang giữ mà không gặp phải vấn đề gì.

BBC : Ông Anh Vũ bị bắt giữ khi nào và việc tạm giữ này kéo dài tối đa bao lâu theo luật Singapore ?

Remy Choo : Tôi có thể khẳng định lại thông tin tôi đã cung cấp cho BBC và đã đăng tải trên BBC Tiếng Việt rằng Cục quản lý xuất nhập cảnh Singapore tạm giữ ông Vũ vào khoảng 11 giờ sáng ngày 28/12/2017. Ông ấy chỉ bị tạm giữ tối đa 48 tiếng. Nếu cảnh sát muốn giam giữ ông ấy lâu hơn 48 tiếng họ cần đưa ông ấy trình diện trước thẩm phán.

Cho đến thời điểm hiện tại, tôi chỉ có thể nói rằng đơn xin tỵ nạn của ông Vũ đã được nộp cho một nước ở Châu Âu và đang trong quá trình xét duyệt. Cũng cần phải nói rằng tôi chưa thể tiếp cận được [trực tiếp] với ông Vũ cho đến thời điểm này.

BBC : Ông có biết những vụ việc tương tự nào trong quá khứ khi Singapore cho dẫn độ người về Việt Nam ?

Remy Choo : Cho đến thời điểm hiện tại tôi không thể nói có trường hợp nào như vậy. Tôi đang cố gắng tìm hiểu xem lý do tạm giữ ông Anh Vũ là gì ? Hiện giờ tôi còn chưa rõ vì sao ông ấy bị tạm giữ và liệu ông ấy có khả năng bị dẫn độ về nước hay không.

BBC : Theo ông có khả năng một phiên tòa về trường hợp của ông Anh Vũ sẽ diễn ra tại Singapore hay không ?

Remy Choo : Tôi chỉ có thể biết được việc này chừng nào tôi được tiếp xúc với ông Vũ. Hiện nay quá sớm đối với tôi để bình luận về việc này.

Việc tiếp theo chúng tôi hy vọng có thể làm được là nói chuyện với ông Anh Vũ để tìm hiểu xem vì sao ông ấy bị tạm giam. Đến nay cái mà gia đình ông ấy hiểu là giấy tờ đi lại của ông ấy chẳng hề có vấn đề gì cả và do đó ông ấy cần được tự do đi tới bất cứ đâu ông ấy muốn.

*************************

Phan Văn Anh Vũ ‘bị giữ’ ở Singapore (BBC, 01/01/2018)

Phan Văn Anh Vũ, doanh nhân đang bị công an Việt Nam truy nã, đã bị tạm giữ ở Singapore.

Trước đó hôm 21/12, Bộ công an Việt Nam phát lệnh truy nã ông Vũ, một doanh nhân ở Đà Nẵng, bị cho là "không biết đang ở đâu" sau khi có việc khởi tố ông về hành vi "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".

Một luật sư được cho là đại diện cho ông Anh Vũ đã liên lạc với văn phòng BBC tại Singapore sau khi BBC liên lạc để kiểm chứng tin tức.

Luật sư Remy Choo nói Cục quản lý xuất nhập cảnh Singapore giữ thân chủ của ông vì hộ chiếu của ông [Anh Vũ] đã bị nhà chức trách Việt Nam hủy khi ông bỏ trốn.

Luật sư này cho biết gia đình của ông Anh Vũ 'cũng đang ở Singapore và lo lắng về số phận của họ'.

Vào hôm 31/12/2017 BBC được cho hay một luật sư khác cũng là người Singapore đã yêu cầu giới chức cho tiếp xúc với ông Anh Vũ.

Tuy nhiên, khi BBC liên lạc, luật sư này xin từ chối bình luận, cũng không xác nhận tin đồn.

singa2

Sân bay Changi của Singapore

Blogger Bùi Thanh Hiếu hôm 31/12/2017 đăng bài trên mạng nói rằng ông Phan Văn Anh Vũ đang bị giới chức Singapore tạm giữ.

Bùi Thanh Hiếu (còn được biết với bút danh Người Buôn Gió, hiện được cho cư trú tại Đức) nói với BBC rằng ông Vũ sang Singapore ngày 21/12, rồi định xuất cảnh sang Malaysia ngày 28/12, nhưng bị Singapore chặn và tạm giữ kể từ hôm đó.

Theo nguồn này, hộ chiếu Việt Nam của ông Vũ đã bị phía Việt Nam hủy, đồng nghĩa việc ông không thể dùng giấy tờ này để ra khỏi Singapore.

"Khi ra, Singapore người ta bảo hộ chiếu này bị hủy rồi, nên ông bị giữ lại, chờ họ làm việc với Việt Nam", ông Hiếu nói.

Việc tạm giữ được cho là diễn ra khoảng lúc 11 giờ sáng ngày 28/12.

Ông Bùi Thanh Hiếu nói với BBC rằng ông có thông tin vì "được gia đình ông Vũ liên lạc" sau việc tạm giữ.

BBC không liên lạc được với gia đình ông Vũ để xác nhận.

Cục quản lý Xuất nhập cảnh Singapore (ICA), quản lý việc nhập cảnh và đăng ký giấy tờ ở Singapore, chưa hồi âm thư đề nghị bình luận của BBC.

Cho đến lúc này, không có tường thuật nào trên truyền thông chính thống tại Việt Nam về tin đồn ông Vũ bị tạm giữ ở Singapore.

Cơ quan An ninh điều tra (Bộ công an) ra Quyết định truy nã ông Anh Vũ sau quyết định khởi tố bị can về hành vi "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".

Kể từ khi có lệnh truy nã, ông Anh Vũ, còn được biết với biệt danh Vũ 'nhôm', không đưa ra tuyên bố nào với công luận.

Hôm 29/12 trên trang Vietnam News, là tờ báo tiếng Anh quốc gia của Thông tấn xã Việt Nam, có bài nói "Chủ nghĩa tư bản thân hữu phá vỡ ước vọng xã hội chủ nghĩa".

Bài này nhắc các cáo buộc nhắm vào ông Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975), gọi vụ này là "lời cảnh tỉnh" cho vấn đề mà báo gọi là "chủ nghĩa tư bản thân hữu".

Dẫn độ trong ASEAN

Truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin trong chuyến thăm Singapore tháng 11/2017, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam 'đề nghị việc sớm đàm phán, tiến tới ký kết các Hiệp định dẫn độ song phương'.

Trang web Bộ Tư pháp Việt Nam hồi tháng 5/2017 nói các nước thành viên ASEAN đã phê chuẩn Hiệp định Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự và Việt Nam mong muốn có cơ sở pháp lý để thực hiện dẫn độ giữa các nước ASEAN với hình thức song phương hoặc đa phương.

Bài báo mô tả việc xây dựng Hiệp định mẫu song phương ASEAN về hợp tác trong lĩnh vực dẫn độ là vấn đề phức tạp nên mỗi nước sẽ có quy định pháp luật khác nhau và các phương thức áp dụng cũng khác nhau.

Việt Nam vào thời điểm đó nói đã ký Hiệp định dẫn độ với Campuchia và Indonesia ; chuẩn bị đàm phán Hiệp định về dẫn độ với Lào và đang trao đổi với Thái Lan về chủ trương đàm phán Hiệp định song phương về dẫn độ.

Hiến chương ASEAN qui định về các nguyên tắc cơ bản bao gồm việc "không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau".

Quay lại trang chủ
Read 643 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)