Bộ Chính trị siết lại quy định phong tướng (BBC, 02/01/2017)
Việc phong tướng, và bổ nhiệm cán bộ cấp cao, dường như được Đảng Cộng sản Việt Nam siết chặt lại với một quy định mới nhất.
Quy định số 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký hôm 19/12/2017.
Đáng chú ý, quy định mới ghi rõ với việc phong, thăng quân hàm Đại tướng, Thượng tướng, Đô đốc Hải quân, phải xin chủ trương của Bộ Chính trị trước khi làm quy trình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời và một số sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con số tướng thời chiến ở Bắc Việt Nam ít hơn nhiều so với thời bình.
Quy định 105 liệt kê một loạt chức danh cán bộ do Bộ Chính trị quyết định, ví dụ Ủy viên Bộ Chính trị ; Ủy viên Ban Bí thư ; Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng.
Ngoài ra còn có Phó Chủ tịch nước ; Phó Chủ tịch Quốc hội ; Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng…
Bộ Chính trị cũng quyết định nhân sự cao cấp của quân đội, công an, gồm Ủy viên Quân ủy trung ương, ủy viên Đảng ủy Công an trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội.
Trước đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2014 chỉ ghi : "Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ; phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, Chuẩn Đô đốc, Phó Đô đốc, Đô đốc Hải quân".
Năm 2007, Quyết định 68 của Bộ Chính trị khóa X - bị quy định 105 thay thế - chỉ ghi chung chung là đối với nhân sự phong, thăng hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang, Ban Tổ chức trung ương gửi xin ý kiến của Ban cán sự đảng Chính phủ.
Trên có Bộ Chính trị, dưới có Ban Bí thư
Thấp hơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, theo quy định 105, sẽ quyết định các chức danh thấp hơn, gồm cả cấp Thứ trưởng ngành quân đội, công an.
Ban Bí thư cũng xem xét, quyết định việc phong hoặc thăng quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng…
Hồi 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam còn ghi : "Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức" các cấp như Thứ trưởng ; Phó Tổng Tham mưu trưởng…
Về hưu vẫn do Bộ Chính trị quản lý
Quy định 105 nêu rõ các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì khi đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu vẫn phải được Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho ý kiến trong nhiều vấn đề.
Những cán bộ trong diện này gồm cả những người từng là ủy viên Bộ Chính trị.
Những người này phải xin ý kiến trong những việc như tham gia ứng cử quốc hội, lập hội.
Muốn tiếp khách và trả lời đài báo nước ngoài, nhận giải thưởng của nước ngoài, những người này - kể cả cựu ủy viên Bộ Chính trị - cũng phải xin phép.
Dường như họ không phải xin phép nếu tự túc đi nước ngoài vì quy định 105 chỉ ghi trường hợp "đi nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước".
Tiêu chuẩn sức khỏe
Theo quy định 105, những cán bộ "sức khỏe không đảm bảo, uy tín giảm sút…" thì có thể bị thay thế, không chờ hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm.
Điều kiện xem xét, bổ nhiệm lại có ghi họ phải đủ sức khỏe để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ cũ.
Có vẻ như quy định 105 đã nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư đối với chủ trương, chính sách về cán bộ và công tác cán bộ.
*****************
Xử vụ nổ súng tranh chấp đất ở Đắk Nông (RFA, 02/01/2017)
Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông sáng ngày 2/1/2018 tiến hành phiên tòa xét xử những người bị cáo buộc liên quan vụ nổ súng tranh chấp đất ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức vào tháng 10 năm 2016, khiến 3 người chết và hơn 10 người khác bị thương.
Hiện trường vụ bắn vào đoàn cưỡng chế ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Dak Nong hôm 23/10/2016. Courtesy chinhphu.vn
Các bị cáo bị cáo buộc các tội giết người, che giấu tội phạm và cố ý làm hư hỏng tài sản.
Theo cáo trạng, các bị cáo gồm : Đặng Văn Hiến, sinh năm 1977, Hà Văn Trường, sinh năm 1985, Ninh Viết Bình, sinh năm 1982 bị truy tố tội giết người. Bị cáo Đoàn Văn Diện sinh năm 1980 bị truy tố tội che dấu tội phạm.
Ngoài ra, bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu, sinh năm 1962 và Phạm Công Thiện sinh năm 1977 bị truy tố tội huỷ hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản.
Vụ tranh chấp đất dẫn đến nổ súng năm 2016 diễn ra giữa công ty TNHH Thương mại – đầu tư Long Sơn do ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu làm Phó giám đốc, ông Phạm Công Thiện là trưởng quản lý công ty và các hộ dân trồng điều, cà phê, cao su ở địa phương.
Sự việc dẫn đến hành vi nổ súng của ông Đặng Văn Hiến khiến 3 người tử vong tại chỗ và 13 người khác bị thương.
Vụ việc tại Dak Nong là một trong những trường hợp mà người dân cho rằng họ bị lấy đất một cách phi pháp, bồi thường quá thấp so với giá thị trường. Từ đó dẫn đến biện pháp phản kháng gây đổ máu, và thậm chí chết người.
*******************
Hơn 36 ngàn máy tính Việt Nam nhiễm mã độc đào Bitcoin (RFA, 02/01/2017)
Hơn 36 ngàn máy tính tại Việt Nam bị nhiễm mã độc đào tiền ảo, tính đến ngày 2 tháng Giêng năm 2018. Số liệu vừa nêu được hệ thống giám sát virus của Công ty Bkav ghi nhận được.
Các máy ATM cho đồng Bitcoin ở Hong Kong hôm 18/12/2017 - AFP
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách lãnh vực chống mã độc của Bkav cho biết mã độc đào tiền ảo lây qua Facebook Messenger, kể từ ngày 19 tháng 12 năm 2017, nhằm chiếm quyền điều khiển máy tính của nạn nhân để đào tiền ảo, khiến cho máy tính bị chậm và không sử dụng được.
Ông Vũ Ngọc Sơn còn cho biết cứ mỗi 10 phút thì hacker gia tăng các biến thể virus mã độc đào tiền ảo. Tính đến thời điểm chiều ngày 21 tháng 12 năm 2017, đã có hơn 500 biến thể loại mã độc này được tung lên mạng và tiếp tục gia tăng.
Biến thể virus mã độc đào tiền ảo mới nhất còn được kèm vào các nội dung đăng tải của Nhóm (Group) qua các video liên quan đến khiêu dâm cùng lời mời gọi như "woow hot video" hay "sex_video"…
Phó Chủ tịch phụ trách lãnh vực chống mã độc của Bkav nhấn mạnh mã độc đào tiền ảo còn có chức năng lấy cắp mật khẩu Facebook của nạn nhân và có xu hướng tiếp tục bùng nổ trong năm 2018 qua Facebook, email, USB và lỗ hổng của hệ điều hành.
****************
Áp thấp nhiệt đới hướng đến miền nam Việt Nam (RFA, 02/01/2018)
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn Việt Nam cho biết vào lúc 14g30 phút chiều ngày 2 tháng giêng, một áp thấp nhiệt đới đang di chuyển vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão.
Hình ảnh lũ lụt ở Kabacan, thuộc Mindanao, miền Nam Philippines do áp thấp nhiệt đới Tembin gây ra hôm 23/12/2017 - AFP
Theo Trung tâm Dự Báo Khí tượng Thủy văn Việt Nam thì vào lúc 13 giờ ngày 2 tháng giêng, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách miền trung đảo Palawan của Philippines chừng 240 kilomet về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 đến cấp 7 ; tức từ 40 đến 60 kilomet một giờ, giật cấp 9.
Trong 12 đến 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây- Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30-35 kilomet. Vào trưa ngày 3 tháng giêng, áp thấp nhiệt đới có xu hướng mạnh lên thành bão. Lúc đó vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa chừng 110 kilomet về phía Nam- Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão ở cấp 8 (từ 60-75 kiloemt/giờ), giật cấp 9.
Vào sáng ngày 2/1, Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai ra công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố cần thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền trên biển biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới, để di chuyển tới vùng an toàn.
Thiệt hại do áp thấp nhiệt đới ở Philippines
Trong khi đó, tại Philippines, có ít nhất hai người thiệt mạng và hằng ngàn người phải đi sơ tán tránh gió lớn và nước lụt khi áp thấp nhiệt đới gây ảnh hưởng tại miền trung nước này trong ngày thứ ba 2 tháng giêng.
Hãng AFP loan tin hai nạn nhân thiệt mạng là cư dân đảo Cebu. Còn Cơ quan Khí tượng Philippines cho biết đến chiều áp thấp nhiệt đới trực tiếp ảnh hưởng đến đảo Palawan.
Đảo này là nơi phải chịu thiệt hại nhân mạng do trận bão Tembin gây nên vừa qua với 37 nạn nhân chết và 60 người mất tích.
Ngoài ra Mindanao ở miền nam Phillippines là nơi có số nạn nhân thiệt mạng do bão Tembin lên đến 240 người. Ngay trước đó, bão Kai-Tak cũng làm cho 47 người chết tại Philippines.
Hằng năm trung bình có 20 trận bão lớn thổi qua Philippines.