Ông Vũ 'nhôm' là 'sĩ quan tình báo Việt Nam’ ? (BBC, 02/12/2018)
Singapore hôm 2/1 chính thức xác nhận đã bắt giữ doanh nhân Phan Văn Anh Vũ (còn có biệt danh Vũ 'nhôm') vì "vi phạm luật di trú".
Sân bay Changi của Singapore -hình minh họa
Trong lúc đó, một luật sư Singapore nói gia đình ông Anh Vũ cho hay ông "là sĩ quan cao cấp ngành tình báo Việt Nam".
Cũng trong ngày, một luật sư khác của ông Anh Vũ từ Frankfurt nói đã nộp đơn xin Đại Sứ quán Đức tại Singapore cấp visa cho thân chủ mình để "bảo vệ lợi ích của Đức", tuy nhiên đó "không phải là đơn xin tị nạn".
Làm an ninh nên biết vụ Trịnh Xuân Thanh ?
Luật sư người Singapore Remy Choo nói với hãng tin AFP hôm 2/1 rằng ông đã gặp gia đình ông Vũ, và họ xác nhận :
"Ngoài việc là nhà đầu tư bất động sản, ông ấy cũng là sĩ quan cao cấp trong ngành tình báo Việt Nam", luật sư này nói.
Còn bản tin chiều ngày 2/01 đánh đi từ Berlin của hãng Reuters lại dẫn lời luật sư người Đức, ông Victor Pfaff cũng tuyên bố ông Anh Vũ là sĩ quan an ninh cao cấp bên cạnh việc kinh doanh nhà đất.
Luật sư Victor Pfaff nói với Reuters rằng là sĩ quan an ninh, chắc hẳn ông Anh Vũ sẽ biết về vụ Trịnh Xuân Thanh "mất tích" khỏi Berlin.
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty PVC, bị truy tố trong vụ án ngành dầu khí.
Hiện có các câu hỏi trên các trang mạng xã hội về vai trò kép nếu có của 'doanh nhân Vũ 'nhôm' và sĩ quan an ninh Phan Văn Anh Vũ trong các vụ làm ăn.
Các báo Việt Nam, sau khi ông Anh Vũ trốn sang Singapore trước Giáng Sinh 2017, đã đồng loạt chạy các bài mô tả ông là một thế lực ghê gớm ở Đà Nẵng, khuynh đảo cả thị trường bất động sản ở đây.
Các tờ báo do nhà nước Việt Nam kiểm soát cũng đặt ra câu hỏi 'Đằng sau ông Vũ 'nhôm' còn có thế lực nào khác ?'
Luật sư Victor Pfaff cho rằng sĩ quan an ninh Anh Vũ có thể cung cấp thông tin về cáo buộc của Đức nói ông Thanh bị bắt cóc ở Berlin.
Từ Việt Nam, nguồn tin chính thức duy nhất nói ông Phan Văn Anh Vũ làm việc cho Bộ Công an đến từ chính Bí thư Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa.
Tờ Thanh Niên hôm 21/12/2017 trích ông Nghĩa trả lời cử tri nói : "Công an hiện phải trả lời câu hỏi về Vũ 'nhôm'", người mà tân Bí thư Đà Nẵng nói "cũng là thượng tá" trong đoạn ông Nghĩa so sánh vụ việc với một thượng tá khác thuộc Bộ Quốc phòng.
Ông Anh Vũ muốn sang Đức ?
Luật sư người Singapore Remy Choo nói :
"Gia đình thân chủ tôi lo lắng có nguy cơ bị hồi hương".
"Tôi xác nhận ông ấy đã xin tị nạn ở một nước Châu Âu nhưng tôi không thể tiết lộ là nước nào".
Tuy thế, từ Đức, luật sư Victor Pfaff cũng nói ông đã nộp đơn cho nhà chức trách Đức để xin Đại Sứ quán Đức ở Singapore cấp visa cho thân chủ của mình.
"Tôi đã làm đơn xin Đức chấp nhận", ông Pfaff nói. Ông nói rõ đây chưa phải là đơn xin tị nạn mà là đơn xin cho công dân nước ngoài vào Đức để "bảo vệ lợi ích của Đức".
Bản tin Reuters nói theo luật của Đức, một cá nhân không được phép xin tị nạn khi đang ở ngoài nước Đức.
Bộ Ngoại giao Đức chưa có bình luận.
Dẫn độ hay không ?
Một trạm kiểm tra hội chiếu ở Đông Nam Á - hình minh họa. Tin cho hay ông Phan Văn Anh Vũ bị Singapore giữ trên đường rời sang Malaysia
Singapore không có hiệp định dẫn độ với Việt Nam.
Nhưng giới chức di trú Singapore có quyền cho hồi hương trong một số trường hợp.
Các luật sư của ông Anh Vũ ở Singapore nói rằng đến nay họ chưa hề được tiếp xúc với ông Vũ.
Hôm 2/1, các luật sư này đã nộp đơn cho tòa án Singapore để xin gặp thân chủ.
Giới chức Singapore lần đầu tiên xác nhận với BBC tiếng Việt họ đã 'bắt giữ' ông Phan Văn Anh Vũ vì 'vi phạm Luật Di trú'.
Trong thư hồi âm tối ngày 2/1 giờ Singapore, Cục Di trú Singapore (ICA) chính thức nói với BBC rằng ông Anh Vũ "bị bắt ngày 28/12/2017 vì có vi phạm theo Luật Di trú".
Mạng xã hội nói gì ?
Tin tức về ông Vũ "nhôm" được chia sẻ và bình luận rộng rãi trên mạng xã hội.
Blogger Nguyễn Chí Tuyến bình luận trên Twitter bằng tiếng Anh hôm 2/1 : "Các tờ báo The Straits Times, Reuters, Bangkok Post, Chanel NewsAsia đã đưa tin về vụ doanh nhân đào tẩu Phan Văn Anh Vũ bị bắt ở Singapore nhưng truyền thông nhà nước Việt Nam vẫn im tiếng. Tự do báo chí như vậy đấy !".
Facebooker Phan Trí Đỉnh viết trên trang Facebook cá nhân : "...Theo đánh giá chung, nếu Bộ Ngoại giao Đức không cứu xét đơn tị nạn chính trị của Vũ, không can thiệp bất cứ điều gì, phần việc giải quyết sẽ chỉ thuộc phía Việt Nam và Singapore. Nếu Vũ bị trao trả để dẫn độ về Việt Nam, tội của Vũ sẽ không dừng lại ở "cố ý làm lộ bí mật nhà nước" như đã truy tố ban đầu".
*****************
Ông Vũ ‘nhôm’ muốn ‘tị nạn chính trị ở Đức’ (VOA, 02/01/2018)
Luật sư đại diện của ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm", ở Singapore và Đức cho VOA Việt Ngữ biết như vậy hôm 2/1.
Ông Victor Pfaff, luật sư cho ông Vũ tại Frankfurt, Đức, cho hay đã liên hệ với Đại sứ quán Đức ở Singapore hôm 31/12, ít ngày sau khi người được cho từng làm trong ngành công an Việt Nam "bị bắt" ở quốc gia Đông Nam Á này, và cho tới ngày 2/1, ông vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ cơ quan đại diện ngoại giao cũng như Bộ Ngoại giao Đức.
Theo ông Pfaff, thông qua trung gian, vợ ông Vũ đã đề nghị ông đại diện cho chồng mình.
Còn từ Singapore, luật sư Choo Zheng Xi xác nhận rằng thân chủ của mình muốn "xin tị nạn chính trị" ở Đức.
VOA Việt Ngữ đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Đức, nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Ông Choo cho biết rằng ông Vũ bị bắt ngày 28/12 tại phi trường ở Singapore lúc chuẩn bị đi Malaysia. Khi được hỏi lý do vì sao ông Vũ bị bắt ông, luật sư này nói : "Chúng tôi hiện không rõ. Chúng tôi chỉ biết là có một số vấn đề gì đó về hộ chiếu. Nhưng chúng tôi không thực sự rõ các vấn đề đó là gì".
Ông cho hay thêm rằng ông chưa thể gặp ông Vũ nên "đã viết thư lên chính quyền xem cơ quan nào đang giữ ông ấy" để "yêu cầu được gặp".
"Chúng tôi hiện không rõ là ông ấy ra sao nữa. Chúng tôi đang tìm cách xác minh và làm rõ mọi chuyện", ông Choo nói.
Hôm 1/1, ông Chia Hui Keng, Giám đốc Bộ phận Truyền thông của Cơ quan Nhập cư và Cửa khẩu Singapore, cho VOA Việt Ngữ biết sẽ "tìm hiểu vụ bắt giữ" và báo lại, nhưng tới 7 giờ tối ngày 2/1 (giờ địa phương), vẫn chưa cung cấp thông tin vụ việc.
Theo luật sư Choo, thông qua trung gian, gia đình ông Vũ đã đề nghị ông bảo vệ cho ông Vũ, và mong muốn của người thân của nhân vật được coi là "đại gia bất động sản" này là "ông ấy tự do đi lại như trước vì ông ấy trước đây không vấp phải vấn đề gì".
Khi được hỏi về nhận định lý do vì sao người thân của ông Vũ lại chọn mình, ông Choo nói ông không muốn lên tiếng thay họ, nhưng nói tiếp rằng "công ty của chúng tôi đã xử lý một số vụ liên quan tới luật lệ quốc tế".
Theo báo chí Singapore, ông Choo từng nhận được giải thưởng cho nỗ lực pháp lý về nhân quyền của Hội Luật gia Quốc tế. Khi được hỏi liệu nó có đóng vai trò nào đó dẫn tới sự lựa chọn của gia đình ông Vũ, luật sư này nói rằng "hiện tôi tiếp cận vấn đề theo khía cạnh luật pháp", và rằng "quá sớm để đánh giá xem còn có câu hỏi nào khác" trong vụ này.
https://av.voanews.com/Videoroot/Pangeavideo/2017/12/2/28/28c49404-afb8-41fd-b1f8-e4496b277dff_manifest.mpd
Về mức độ phức tạp của vụ việc liên quan tới thân chủ người Việt, ông Choo thở dài : "Tôi nghĩ vụ này sẽ tiến triển khá phức tạp vì còn liên quan tới một số các vấn đề pháp lý khác, nhưng hy vọng chúng tôi có thể giúp ông ấy đi tới nơi ông ấy muốn".
Liên quan tới khả năng ông Vũ bị dẫn độ về Việt Nam, ông nói "không muốn phán đoán về vấn đề này", nhưng ông nói rằng "trước đây từng có các trường hợp mà người ta bị đưa trả về nước vì các tội liên quan tới nhập cảnh dù không có hiệp định dẫn độ với Singapore".
Hôm 20/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ về tội "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước". Hiện chưa rõ các bí mật đó là gì.
Sau khi xác định ông Vũ không có mặt ở nơi cư trú ở Đà Nẵng, cựu công an viên này đã bị truy nã.
Việc ông Vũ được cho là xin tị nạn chính trị ở Đức trong khi bỏ trốn gợi lại vụ liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh.
https://av.voanews.com/Videoroot/Pangeavideo/2017/11/8/84/84f13b38-c665-4fc0-9d8a-754790e64370_manifest.mpd
Năm ngoái, cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này được cho là đã "ra đầu thú", nhưng Đức cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" ông tại thủ đô Berlin, gây căng thẳng quan hệ song phương.
Tin cho hay, vụ việc liên quan tới ông Thanh dự kiến sẽ được đưa ra xét xử trong tháng này.
Viễn Đông
***************
Truyền thông nói gì vụ Phan Văn Anh Vũ ? (BBC, 02/01/2017)
Hãng tin Anh Reuters hôm 2/1 đăng bài viết có tựa đề "Gia đình lo sợ cho doanh nhân Việt Nam đào tẩu bị bắt giữ tại Singapore".
Ông Anh Vũ, 42 tuổi, đã bị giữ tại Singapore hôm thứ Năm 28/12 tại cửa khẩu Tuas khi ông đang tìm cách sang Malaysia, Reuters dẫn lời ông Remy Choo, luật sư được gia đình ông Vũ thuê đại diện cho ông ở Singapore.
Luật sư Remy Choo, người cho tới giờ vẫn chưa liên hệ được với thân chủ của mình, được Reuters dẫn lời : "Gia đình của thân chủ lo ngại có rủi ro nhãn tiền nếu ông Anh Vũ về Việt Nam".
Trang Straits Times bản tiếng Anh của Singapore hôm 1/1 cũng có bài trích lại tin của BBC về vụ một luật sư đang làm việc để đại diện cho ông Phan Văn Anh Vũ.
Trước đó, hôm 31/12/2017, trang web của Đài Châu Á Tự do (RFA) bản tiếng Việt có bài blog nói vụ 'Vũ Nhôm' chạy khỏi Việt Nam và cho rằng vụ việc liên quan đến đấu đá chính trị và làm ăn nội bộ ở Việt Nam.
Theo Reuters, mặc dù Singapore không có hiệp ước dẫn độ với Việt Nam, cơ quan xuất nhập cảnh của nước này có quyền trả người về nước theo những hoàn cảnh đặc biệt, theo Luật Di trú của Singapore.
Một luật sư khác cũng được gia đình thuê cho ông Vũ, ông Foo Chow Ming, cho Reuters biết ông đang xin phép được tiếp cận với ông Vũ, hiện đang bị tạm giam.
"Hàng chục quan chức và doanh nhân Việt Nam đã bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng đang có đà từ sau khi cơ quan an ninh có vai trò lớn hơn trong Đảng Cộng sản cầm quyền năm từ 2016", Reuters viết.
"Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam được thế giới chú ý đến hồi năm ngoái khi Đức cáo buộc Việt Nam đã bắt cóc một cựu lãnh đạo ngành dầu khí để đưa ông ta về nước xét xử".
Tờ Taz.de của Đức hôm 1/1/2018 cũng có bài "Nhân viên an ninh bị bắt giữ tại Singapore", trong đó có đoạn :
"Trong lá thư được cho là của Luật sư Singapore có viết rằng ông ta (luật sư) đã đặt đơn xin tị nạn cho ông Vũ ở Đại sứ quán một nước thuộc EU nằm tại Singapore. Thế nhưng : đơn xin tị nạn chỉ có thể được tự đặt trực tiếp tại các nước người xin tị nạn muốn đến, không phải tại các cơ quan đại diện của các nước đó ở nước ngoài".
Điều này đúng với Luật Di trú của Đức, có quy định không thể nộp đơn tỵ nạn vào Đức khi đang ở bên ngoài lãnh thổ Đức :
"Muốn đặt đơn xin tị nạn tại Đức, bạn phải có mặt tại Đức. Đơn tị nạn không thể đặt tại cơ quan đại diện của Đức ở nước ngoài. Bạn phải trực tiếp tới nộp đơn".
Điều đáng chú ý là trang Taz.de kết nối hai vụ Trịnh Xuân Thanh và vụ Phan Văn Anh Vũ trong bài của họ.
Bộ Công an 'chưa có thông tin'
Trong khi đó, báo Đất Việt, trong bài "Sự thật Vũ nhôm bị giữ ở Singapore" hôm 2/1, dẫn lời Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an : "Bộ Công an chưa nhận được thông tin này".
Hôm 20/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ về tội "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước".
Sau khi phát hiện ông Phan Văn Anh Vũ không có mặt tại nhà riêng ở số 82 Trần Quốc Toản, (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), Bộ Công an đã quyết định truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ.
Tin ông Vũ bị bắt ở Singapore cũng gây xôn xao trên mạng xã hội Việt Nam trong mấy ngày qua.
Nhà báo Trương Huy San viết hôm 31/12 trên trang Facebook cá nhân :
"Tôi không nghĩ Vũ Nhôm nắm giữ "bí mật quốc gia" ; có chăng, anh ấy chỉ nm "bí mật của những người đã và đang nắm quyền cao chức trọng đối với quốc gia" ; "bỏ trốn" chưa hẳn là kịch bản tự nguyện của anh Phan Văn Anh Vũ".
Bình luận về dòng trạng thái này, facebooker có tên Trần như Vân đặt câu hỏi : "tội làm lộ bí mật quốc gia chớ không phải tội tham ô để nước khác không trả về ? Để dân không thể biết ai thật sự tham ô ? Chế độ do những kẻ tham ô xây dựng nên không bao giờ tốt, hy vọng vào họ chỉ để thất vọng mà thôi !".
********************
Vũ ‘nhôm’ tìm đường sang Đức (RFA, 02/01/2018)
Ông Phan Văn Anh vũ, một đại gia địa ốc và cũng là một thượng tá an ninh Việt Nam, bỏ trốn và hiện đang bị tạm giữ tại Singapore, muốn xin tị nạn tại Đức. Các luật sư đại diện của ông tại Singapore và Đức cho Reuters biết như vừa nêu vào ngày thứ ba 2 tháng giêng.
Hình ông Phan Văn Anh Vũ - Photo : RFA
Ông Phan Văn Anh Vũ bị giữ lại Singapore từ hôm 28/12 vừa qua khi ông đang tìm cách qua Malaysia.
Luật sư Remy Choo, người được gia đình ông Vũ liên lạc mời tham gia vụ việc ông này, chỉ cho biết ông Vũ muốn xin tị nạn tại Đức nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Còn ông Victor Pfaff, luật sư của ông Vũ ở Đức thì nói đã liên hệ với Đại sứ quán Đức ở Singapore hôm 31/12 nhưng tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ cơ quan đại diện ngoại giao này.
Một luật sư khác của ông Vũ là luật sư Foo Cheow Ming xác nhận việc ông Anh Vũ bị bắt ở Singapore nhưng ông cũng chưa được phép gặp thân chủ của ông.
Trong khi đó luật sư Schlagenhauf, người đại diện cho một vụ khác là trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, nói với Đài Á Châu Tự Do là thường một người muốn xin tỵ nạn tại Đức phải nội đơn khi ở trên đất nước này. Ngoại lệ theo luật di trú của Đức chỉ có thể áp dụng trong trường hợp có chứng thực liên quan nhân quyền.
Bộ Công an Việt Nam hôm 22/12 đã phát lệnh truy nã ông Phan Văn Anh Vũ, rồi sau đó khởi tố bị can về tội "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước". Phía Bộ Công an cũng công bố quyết định truy nã ông Vũ do ông không có mặt khi công an tiến hành khám xét nhà riêng của ông.
Còn vào tháng 7 vừa qua, một quan chức cao cấp của Việt Nam bỏ trốn tại Đức là ông Trịnh Xuân Thanh được phía Đức cho là bị mật vụ Việt Nam bắt cóc đưa về nước. Hành động đó khiến quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam bị tổn hại nghiêm trọng. Bộ Ngoại Giao Đức ra thông cáo cho biết Đức tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Trong khi đó chính phủ Hà Nội nói ông Trịnh Xuân Thanh tự ý về Việt Nam đầu thú.
Theo AFP, cách thức tiêu diệt các quan chức tham nhũng mà chính quyền Việt Nam đang thực hiện giống cách thức của Trung Quốc.
Trong khi đó, nguyên đại biểu Quốc Hội Lê Như Tiến, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh Thiếu Niên và Nhi Đồng, vào ngày 2 tháng giêng lên tiếng chỉ trích sơ hở trong quá trình tố tụng tại Việt Nam.
Theo ông Lê Như Tiến do không có biện pháp ngăn chặn kịp thời nên khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì bị can đã ‘cao xa, bay chạy, tài sản lên đến hằng nghìn tỷ cũng đã kịp tẩu tán bằng nhiều cách thức.
Ông Lê Như Tiến nói rằng tài sản tham nhũng mà có đâu phải chỉ bằng cây kim, sợi chỉ mà không biết. Vấn đề có làm quyết liệt hay không mà thôi.
************************
Cơ hội tị nạn của Vũ "nhôm" ? (VNTB, 02/01/2018)
Thời gian ngắn vừa qua, ghi nhận một xu hướng rõ rệt của các quan chức Việt Nam khi bị "ngã ngựa" là kiếm đường tẩu ra nước ngoài, lợi dụng các cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc tế và hệ thống xét xử thiếu chuẩn mực pháp quyền tại Việt Nam để kiếm một suất "tỵ nạn chính trị" nhằm tránh bị trừng phạt.
Phạm Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm"
Thông tin báo chí quốc tế loan tải, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") trong hành trình đào tẩu đang bị tạm giữ ở Singapore, đã thuê luật sư làm hồ sơ xin tỵ nạn chính trị ở một quốc gia Châu Âu và chống lại việc bị dẫn độ về Việt Nam.
Cơ hội xin được tỵ nạn chính trị của Vũ "nhôm" có thật sự khả quan hay không khi đối chiếu với cách vận hành của hệ thống pháp luật và chính trị bảo vệ cho người tìm kiếm tỵ nạn ?
Có thể nói, tình trạng pháp lý của Vũ "nhôm" hiện tại là khá bi đát, ông ta chưa được cơ quan Cao ủy tỵ nạn cấp quy chế "người tỵ nạn" để được Liên Hợp Quốc bảo vệ theo Công ước về vi thế của người tỵ nạn 1951. Ông ta cũng đang ở một quốc gia ngoài Châu Âu, ngay cả khi một quốc gia Châu Âu nào muốn rước Vũ về cũng không phải là điều đơn giản vì Singapore-nơi đang tạm giữ Vũ không dễ dàng để Vũ rời khỏi Singapore trước áp lực đòi dẫn độ ở Việt Nam.
Vũ "nhôm" không phải là một người có cống hiến xuất chúng cho nhân loại, hay chịu cảnh đày ải cuộc đời như "đoạn trường tân thanh" để làm lay động sự quan tâm của Cao ủy tỵ nạn Liên hợp Quốc, các quốc gia Châu Âu, hay các tổ chức nhân quyền Phi chính phủ để họ lên chiến dịch "giải cứu Vũ nhôm". Tất cả họ dễ dàng "dị ứng" khi nhìn thấy các bằng chứng rõ ràng được phát tán trên mạng về việc Vũ đã có thành tích vơ vét công sản quốc gia và lũng đoạn kinh tế ở Đà Nẵng.
Con đường xin tỵ nạn và đến định cư ở một quốc gia ở Châu âu, bằng con đường pháp luật về bảo vệ người tỵ nạn xem ra có vẻ là ngõ cụt đối với Vũ, vì Vũ khó lòng đáp ứng được tiêu chuẩn là "người tỵ nạn" theo Công ước về vị thế người tỵ nạn 1951.
Theo nhóm luật sư của Vũ cho biết, hồ sơ xin tỵ nạn của Vũ đang nhắm đến nước Đức, với lý do đưa ra Vũ sẽ hợp tác phục vụ cho công tác điều tra của nước Đức về vụ án Trịnh Xuân Thanh. Có thể nói đây là khe cửa nhiệm mầu duy nhất để biến Vũ nhôm thành một người "rất đặc biệt" đối với phía Đức để phía Đức quan tâm và can thiệp.
Nói thẳng ra là phía Vũ "nhôm" đang đề xuất cho một sự "đổi chác" với phía Đức. Vũ sẽ hợp tác điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh và cung cấp thông tin tình báo mà Vũ đang nắm giữ, phía Đức có thể cấp quy chế tỵ nạn tạm thời cho Vũ đến nước Đức để khai thác các thông tin mà Vũ đang có.
Hiện vẫn chưa biết phía Đức quan tâm đến đề xuất của Vũ ở mức độ nào, nhưng cửa ải khó qua nhất mà Vũ phải vượt qua là cánh cửa Singapore. Trong cuộc chiến pháp lý và chính trị tay 3 giữa Việt Nam-Singapore-và Quốc gia muốn tiếp nhận Vũ, Vũ vẫn không có đồng minh tiếp sức, dò đường chỉ lối cho mình trong hành trình nguy cấp ấy, ngoài mấy vị luật sư mà Vũ phải trả tiền.
Bài học rút ra dành cho các quan chức đương thời, đừng bao giờ biến mình thành kẻ thù của xã hội dân sự và nhân quyền, nếu muốn dành cửa hậu tìm đường thoát thân. ?
Phạm Lê Vương Các
********************
Singapore xác nhận bắt giữ ông Vũ ‘nhôm’ (VOA, 02/01/2018)
Singapore hôm 2/1 chính thức xác nhận với VOA tiếng Việt về vụ bắt giữ ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm", tại quốc gia Đông Nam Á này.
Một hành khách tại sân bay Changi ở Singapore.
Phát ngôn viên của Cơ quan Nhập cư và Cửa khẩu Singapore (ICA) nói : "[Ông] Phan Văn Anh Vũ bị bắt hôm 28 tháng 12 năm 2017 vì vi phạm Luật Nhập cư [Singapore]".
Thông cáo ngắn gọn của của ICA không cho biết thêm bất kỳ chi tiết nào khác.
Trước đó, các luật sư của ông Vũ ở Singapore và Đức cho VOA Việt Ngữ biết về vụ bắt giữ "liên quan tới hộ chiếu" này.
Hiện chưa rõ Singapore sẽ xử lý ra sao vụ ông Vũ, giữa lúc có nhận định rằng ông có thể bị đưa về Việt Nam.
Singapore hiện không có hiệp định dẫn độ với Hà Nội, nhưng cơ quan di trú của nước này có quyền trục xuất trong một số tình huống nhất định, theo Luật Nhập cư của Singapore.
Phía Việt Nam chưa có bất kỳ thông báo chính thức nào về việc Singapore chặn bắt "đại gia bất động sản" này.
Trong một bài viết hôm 2/1, tờ Giáo dục Việt Nam dẫn lời một số luật sư trong nước cho rằng ông Vũ "chỉ còn duy nhất một con đường là đầu thú để hưởng khoan hồng".
Tờ báo này cũng viết về sự "xuất hiện một số thông tin chưa được kiểm chứng cho rằng ông Vũ "nhôm" đang bị giữ ở Singapore vì có vi phạm về quy định xuất nhập cảnh".
Trong khi đó, tờ Đất Việt dẫn lời Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho hay rằng cơ quan này "chưa nhận được thông tin Vũ "nhôm" đang bị giữ ở Singapore".
Ông Vũ bị truy tố hôm 20/12 về tội "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", nhưng đã bỏ trốn.
Đúng ngày ông này bị bắt ở Singapore, hôm 28/12, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng, nơi cư trú của ông Vũ, đã "kiến nghị thủ tướng, Bộ Công an, thanh tra chính phủ tăng cường chỉ đạo khẩn trương việc truy nã", theo báo chí trong nước.
Viễn Đông