Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/01/2018

Môi trường Việt Nam 2017 : ‘Ô nhiễm do công nghiệp và do chính con người’

RFA tiếng Việt

Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) vào cuối tháng 11/2017 loan báo Việt Nam là 1 trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội không ngừng gia tăng mức tồi tệ về ô nhiễm không khí trong những năm gần đây.

moitruong1

Cá chết nổi trắng bờ Hồ Tây, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 3/10/2016 -  AFP

Những nguyên nhân nào đã tác động đến ô nhiễm môi trường Việt Nam trong năm qua ?

Ô nhiễm từ nhà máy công nghiệp

Không thể không nhắc ngay đến thảm hoạ môi trường biển do nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả thải cách đây hơn 1 năm làm cá chết hàng loạt, gây ra những hậu quả nặng nề cho người dân bốn tỉnh miền Trung. Bộ Tài Nguyên - Môi trường đã xếp vụ ô nhiễm biển này là vị trí thứ nhất trong 7 thảm họa môi trường năm 2016 ở Việt Nam.

Khi những thiệt hại nặng nề của vụ ô nhiễm biển vẫn chưa được giải quyết thoả đáng thì ngày 23/6/2017, công luận tiếp tục bức xúc với khi biết tin Bộ Tài Nguyên Môi trường cấp phép số 1517/GP-BTNMT, cho phép Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Sự việc chưa dừng lại ở đây. Năm ngày sau, Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) hay còn gọi là nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân 2 cho biết đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển Bình Thuận 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau khi nạo vét.

Thông tin này gây lo ngại rất lớn cho các chuyên gia môi trường và những người quan tâm đến môi trường biển. Họ lo ngại hệ sinh thái biển của Bình Thuận đang đứng trước nguy cơ bị bức tử bởi những nhà máy nhiệt điện. Bằng nhiều hình thức, từ cá nhân cho đến các diễn đàn xã hội hoặc tổ chức xã hội dân sự đồng loạt lên tiếng kêu gọi dừng ngay dự án nhấn chìm bùn thải.

Trong buổi toạ đàm "Hòn Cau, Biển và Lời nguyền…" tổ chức ở Nha Trang ngày 15 tháng 7, ông Phạm Văn Chi, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, cho biết tình trạng thực tế ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận hiện nay có tới 4 nhà máy điện với tổng công suất là 4,400 MW. Theo ông, các nhà máy điện chạy bằng than chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễm nặng nề cho môi trường biển.

"Chỉ 1 nhà máy ở Khánh Hoà, 2.400MW là chúng tôi đã toát mồ hôi. Mà tôi đang kiến nghị với địa phương, chính phủ, chỉ nên đầu tư tốt nhất là 600 MW, là 1 trong 4 tổ máy. Nhưng mà người ta đã xây dựng hai giai đoạn, giai đoạn đầu là 1.200 MW và giai đoạn 2 là 2.400 MW và hình như đã được phép.

Cái ô nhiễm quan trọng nhất đối với các nhà máy điện chạy bằng than là họ lợi dụng vùng biển của chúng ta để vận chuyển 1 lượng than rất lớn bằng cách nạo vét (nếu như vùng cần nạo vét) để đưa được tàu lớn chở than".

Chuyên gia môi trường Nguyễn Văn Khải phân tích rõ hơn những tác hại nghiêm trọng đến môi trường khi xây dựng và vận hành các nhà máy điện than tại Việt Nam :

"Thí dụ nhà máy nhiệt điện Uông Bí thì chúng ta thấy bụi than như thế nào. Đầu tiên vận chuyển hàng đến là đường xá bẩn thỉu, mưa thì chất độc trong than chảy ngấm vào đất, rồi khi đốt thì những khí trong đó như SO2. NO2, các kim loại nặng như Niken, Crôm sẽ một là bay tản ra vùng chung quanh, hai là tích tụ thành mây để mưa xuống".

Một báo cáo của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard đã ước tính rằng số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than sẽ tăng từ 4.300 ca (năm 2011) lên 15.700 ca vào năm 2030. Nhóm này cũng tính toán nếu cả thảy 41 nhà máy nhiệt điện mà Việt Nam dự tính đều được hoàn tất vào năm 2030 thì số người tử vong sớm có thể tăng lên đến 25.000 người mỗi năm, chưa kể kèm theo đó là chi phí y tế khổng lồ do sự suy giảm sức khoẻ của người dân.

Ô nhiễm từ bụi không khí

Một vấn đề khác làm cho các nhà khoa học lo ngại không kém là kết quả quan trắc bụi mịn ở Việt Nam cho thấy bụi nano có trong không khí. Điều này được các chuyên gia khoa học và môi trường đặc biệt quan tâm vì khả năng gây hại đến sức khỏe của con người.

Giải thích với RFA về tác hại của bụi nano, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, làm việc tại Trung tâm Công nghệ môi trường cho biết :

"Bụi nano là loại bụi rất mịn, kích thước nano mét. Trong bụi nào cũng có kích thước bụi kích thước lớn, kích thước nhỏ, kích thước trung bình, thì nano là bụi có kích thươc siêu nhỏ.

Bụi kích thước càng nhỏ thì càng dễ vào cơ thể và hệ hô hấp của con người. Bụi nhỏ có thể vào sâu cơ thể con người, còn bụi to thì khi thở vào có thể lông mũi, dịch nhầy, nước bọt giữ lại. Bụi siêu nhỏ không được giữ lại bên ngoài hệ hô hấp mà nó đi thẳng vào phổi, cho nên gây độc cho con người hơn. Bụi càng nhỏ thì mức độ độc hại càng lớn cho sức khỏe con người".

Trong vòng nửa đầu năm 2017, Hà Nội đã trải qua những đợt ô nhiễm bụi trong không khí ở mức cao kéo dài khoảng 3 ngày. Trong đó, có 2 đợt ô nhiễm trầm trọng nhất, với nồng độ bụi PM 2.5 trong không khí cao hơn 100 microgam trên 1 mét khối. Thuật ngữ "bụi PM 2.5" này chỉ những hạt bụi siêu mịn, có đường kính chỉ bằng 2,5 micromet, rất nguy hiểm vì có thể đi sâu vào phế nang gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.

‘Ô nhiễm do chính con người’

Tất cả những tác động có thể kể ở trên, Chuyên gia môi trường Nguyễn Văn Khải thì ông cho rằng chưa phải là cái đau khổ nhất cho xã hội và môi trường Việt Nam. Đối với ông, cái khốn khổ nhất của người Việt Nam chính là "không có quyền lên tiếng". Ông nói :

"Cái đau khổ nhất của người Việt Nam hiện nay, xét về mặt môi trường, xét về chất lượng sống là không được phản đối việc gây ô nhiễm cho mình. Cái nguy hiểm nhất, cái khổ nhất của người Việt Nam không phải là những điều mà mạng hay báo chí quốc doanh nói, mà cái khốn khổ nhất là không được bảo vệ môi trường trong sạch cho mình".

Ông nhấn mạnh tất cả người Việt Nam trong nước không được phản đối những hành động, ngay cả những hiện tượng cho thấy sự nguy hiểm cho sức khoẻ của mình và cho môi trường của mình. Ông nêu ra lý do :

"Bởi vì, nó là do chính quyền gây ra, nó do doanh nghiệp gây ra, mà doanh nghiệp thì được sự hỗ trợ của chính quyền. Và do sự vô ý thức, do sự ích kỷ, cá nhân của những người sống xung quanh".

Theo ông, nói đến môi trường, khoan hãy nói đến những nhà máy than, nhà máy nhiệt điện, mà hãy nhìn vào thực tế và sát với đời sống hàng ngày của con người hơn, để thấy rằng ý thức sống đang chính là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường.

"Cứ bước ra ngoài ngõ, người ta vức rác, đủ thứ bệnh. Thật vô cùng xấu xa khi người ta nghĩ rằng môi trường Hà Nội bẩn là do xe cộ, chỉ cần mỗi việc đơn giản là tùy tiện thải mọi thức ra phố. Ô tô chở than, chở đá, nước sông thối…tất cả những cái đó không ai được phản đối".

Vào tháng 6 năm 2017, Tổ chức phi chính phủ GreenID cho biết tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã vượt ngưỡng trung bình năm theo quy chuẩn của Việt Nam.

Khắc phục

Vào giữa tháng 4/2017, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh khẳng định với báo trong nước : "Nếu Việt Nam chỉ cố gắng phấn đấu tăng trưởng cao mà không tính đến thay đổi cấu trúc trong nội tại mỗi ngành và cơ cấu ngành trong tổng giá trị gia tăng, thì đến năm 2035, Việt Nam sẽ vào top 10 thế giới về ô nhiễm".

Trả lời RFA, giáo sư Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam, tổ trưởng Bộ môn Cơ sở Kỹ thuật Thủy Lợi thuộc Khoa Xây dựng Thủy Lợi- Thủy điện, trường Đại học Bách Khoa- Đại học Đà Nẵng đưa ra những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm do công nghiệp.

"Phải nâng cao trình độ hiểu biết dân trí lên. Sau đó các xã hội dân sự phải phát huy mạnh mẽ, áp lực lên chính quyền để phải đầu tư những nhà máy công nghệ hiện đại dẫn đến giảm những vấn đề ô nhiễm. Xưa nay họ nhập nhựng thiết bị, nhà máy cổ lỗ sĩ có khí phát thải vượt ngưỡng cho phép ô nhiễm môi trường".

Giáo sư Nguyễn Thế Hùng tin tưởng rằng khi dân trí, hiểu biết của con người phát triển thì họ sẽ thấy rõ hơn sự nguy hiểm và tác hại của ô nhiễm môi trường đối với đời sống của con người và xã hội.

Tuy nhiên, mặc dù ông hy vọng từ năm 2018 trở đi, không khí môi trường Việt Nam sẽ tốt hơn khi dân trí của con người và xã hội ngày một cao hơn, nhưng ông không thể dự đoán được khi nào Việt Nam sẽ thoát khỏi vị trí thứ 10 về ô nhiễm không khí trên thế giới.

Quay lại trang chủ
Read 829 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)