Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/01/2018

Nhân quyền Việt Nam trong năm 2017 : tồi tệ

Tổng hợp

Nhân quyền Việt Nam 2017 : "Tồi tệ vì sự chuyên chế hóa của chính quyền" (RFA, 03/01/2018)

Tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm qua bị các tổ chức quốc tế và giới hoạt động cho là xấu đi.Chúng tôi ghi nhận ý kiến của hai nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam về tình hình này.

"Cái nguyên nhân lớn nhất theo tôi là hiện tại, chính quyền Việt Nam đang trở nên chuyên chế hơn rất nhiều, và họ đang phản ứng rất tiêu cực đối với các cá nhân, tổ chức đang cố gắng cổ vũ, phổ biến các giá trị nhân quyền ở Việt Nam".

nq1

Ngày 27/11/2017 phóng viên Nguyễn Văn Hóa bị tòa án nhân dân (Tòa án nhân dân) tỉnh Hà Tĩnh kết án 7 năm tù giam và 3 năm cấm đi khỏi nơi cư trú với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo khoản 1 điều 88, bộ luật Hình sự.  AFP

Nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn, thành viên Ủy ban cứu người vượt biển (BPSOS) từ Thái Lan lý giải về tình trạng nhân quyền ngày càng đi xuống của Việt Nam trong năm 2017.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những người sáng lập Diễn đàn Xã hội dân sự tại Hà Nội đồng ý với nhận định trên và cho rằng đây là 1 năm "chưa từng thấy về vấn đề nhân quyền".

Theo ông sự việc bắt đầu trở nên trầm trọng bắt đầu từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng cộng sản Việt Nam năm 2016 kéo dài đến hết năm 2017.

Chuỗi bắt bớ các nhà hoạt động

Trong năm nay có ít nhất 20 nhà hoạt động ôn hòa bị bắt được truyền thông ghi nhận vì bị cáo buộc các nhóm tội liên quan đến an ninh quốc gia như "Tuyên truyền chống nhà nước" hay "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Khởi đi từ vụ bắt nhà báo độc lập Nguyễn Văn Hóa ngày 11/01/2017 khi anh này đang đưa tin về những cuộc biểu tình của người dân Hà Tĩnh liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra ; cho đến việc cơ quan an ninh Việt Nam bố ráp khắp các miền Bắc - Trung - Nam bắt bớ hàng loạt các thành viên của hội Anh em dân chủ - một tổ chức xã hội dân sự theo đường lối ôn hòa.

Lần đầu tiên các nhà quan sát trông thấy số người đã từng là Tù nhân lương tâm phải vào nhà giam đông đến vậy.

Nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn gọi đây là chuỗi các vụ bắt bớ với chủ đích nhắm vào những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam.

Kết án nặng nề các blogger

Việc kết án nặng nề các blogger trong năm 2017 lại là một vấn đề nổi cộm khiến dư luận quốc tế có quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam dậy sóng.

VIETNAM-RIGHTS-MEDIA-TRIAL

Phiên xét xử blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại Nha Trang, ngày 29 tháng 6 năm 2017. AFP

Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có lẽ là cái tên của nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2017. 

Ngay sau khi Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm vì cáo buộc "Tuyên truyền chống nhà nước" trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra'ad al-Hussein, lập tức lên tiếng "kêu gọi chính phủ Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền, hủy cáo trạng đối với bà Quỳnh và trả tự do cho bà ngay lập tức".

Tuy nhiên, trong một bài viết của thạc sĩ Trương Thanh Hà, công an quận Hải An, thành phố Hải Phòng trên Tạp chí dân chủ và pháp luật - Cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp nêu rõ :

"Đối với các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng do yêu cầu chính trị, đối ngoại hoặc nghiệp vụ thì có thể củng cố, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý đối tượng về các tội khác hoặc xem xét chuyển sang xử lý bằng các hình thức khác, nhưng vẫn phải hoàn thiện hồ sơ vụ án về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHxã hội chủ nghĩa Việt Nam để xử lý khi cần thiết".

Phong trào xã hội đã tiến triển một cách vượt bậc

Dù bức tranh nhân quyền 2017 ở Việt Nam được chính quyền vẽ với những gam màu tối, Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại nhìn thấy những điểm sáng về vấn đề nhân quyền là các phong trào xã hội xuất phát từ những người dân bình thường bức xúc vì quyền lợi thiết thân.

Người dân và các tổ chức xã hội dân sự cần làm gì ?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, trong năm 2018 sắp tới người dân cần tiếp tục các cuộc tranh đấu ôn hòa, đúng pháp luật :

"Và trong 1 cuộc đấu tranh dài và gian khổ như vậy thì tôi nghĩ các nhà hoạt động và người dân rất nên tiếp tục những cuộc đấu tranh của mình, phải rất rất lưu ý rằng đấu tranh bất bạo động, ôn hoà, đúng pháp luật.

Bởi vì cái việc công khai, đúng pháp luật là sức mạnh vô địch của phong trào.

Và nếu mà chúng ta luôn hoạt động một cách ôn hoà, công khai, đúng luật thì lúc đó có thể gây ra những áp lực rất mạnh mẽ nhưng là áp lực của những người lái xe đối với Chính quyền, nhất là bộ Giao thông vận tải, và ở tất cả các lĩnh vực của cuộc sống và không cần phải gây quá căng thẳng làm gì.

Nhưng với số người càng ngày càng đông, càng ngày càng có ý thức về quyền của mình và mình chỉ thực thi quyền của mình 1 cách hợp pháp, những quyền đã được ghi trong hiến pháp hoặc trong luật và phát hiện ra, phản đối những việc làm sai trái của những tổ chức hoặc thế lực nào đấy và như thế thì đấy là 1 cuộc đối thoại rất là sôi động.

Đối thoại không có nghĩa là ngồi vào bàn với nhau mà cuộc đối thoại như của các anh em lái xe với Chính quyền là một cuộc đối thoại rất sôi động và hiệu quả".

Kỳ vọng cho năm 2018

Nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn kỳ vọng rằng trong năm mới vấn đề nhân quyền sẽ được người dân nói đến nhiều hơn :

"Ước nguyện cá nhân của tôi trong năm 2018 này, tôi không tin rằng chính quyền sẽ kết thúc sự đàn áp nhân quyền của họ nhưng tôi hy vọng rằng dưới cái nỗ lực của người dân thì càng ngày càng có nhiều người đề cập đến vấn đề nhân quyền, rằng chính quyền cần tôn trọng các quyền của người dân cũng như người dân cần ý thức bảo vệ quyền của mình thì chính quyền sẽ giảm thiểu sự đàn áp".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng không lạc quan về việc chính quyền sẽ tự phải thay đổi trong năm 2018 :

"Tôi rất có nhiều kỳ vọng về sự cải thiện nhân quyền trong năm mới 2018 cũng như trong tương lai và cải thiện đấy đến từ hoạt động của chính người dân chứ tôi không hề kỳ vọng rằng chính quyền sẽ tự nhận ra và tự tiến hành cải thiện.

Vì chính quyền sẽ chỉ nhượng bộ, tự cải thiện nếu áp lực của người dân lên đến mức mà họ ko thể chịu được nữa. Họ cảm thấy rằng họ phải thay đổi. Hay nói cách khác là lạc quan về phía người dân nếu người dân biết quyền của mình, thực hiện quyền của mình và không đợi ai trao quyền ấy cho mình. Nếu được như thế thì tình hình chắc chắn sẽ được cải thiện !".

*********************

Phú Yên : Ở tù oan 14 tháng vì Tòa định tội sai điều luật (VNTB, 03/01/2018)

Ở tù oan hơn 14 tháng do bị áp dụng sai điều luật, anh Trần Triệu Bảo Hoàn (SN 1987. Địa chỉ : Khu phố 05, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã yêu cầu Tòa án tỉnh Phú Yên bồi thường gần 4 tỷ đồng…

nq3

Người ngồi bên phải là anh Trần Triệu Bảo Hoàn, người ngồi giữa là mẹ của anh Hoàn và người ngồi bên trái là luật sư Võ An Đôn. Ảnh : facebook Đôn An Võ

Yêu cầu bồi thường gần 4 tỷ đồng vì bị Tòa định tội sai

Căn cứ vào những thông tin từ trang Facebook Đôn An Võ được cho là của luật sư Võ An Đôn, người bào chữa pháp lý cho anh Trần Triệu Bảo Hoàn cũng như căn cứ vào Quyết định Giám đốc thẩm số : 16/2016/HS-GĐT của Ủy ban thẩm phán –Toà án cấp cao tại Đà Nẵng ký ngày 20/06/2016 thì vụ án của anh Hoàn được Việt Nam Thời Báo (VNTB) hiểu như sau :

Năm 1999, ông Trần Giang Nam và ông Dương Văn Hoài cùng mua 4,5ha đất trồng cà phê tại thôn Chư Sai, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Đến năm 2004, phát hiện ông Trần Văn Miên lấn chiếm đất trồng mì và cà phê nên ông Nam và ông Hoài làm đơn gửi cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết.

Khoảng 08 giờ ngày 24/04/2012, ông Nam và vợ là bà Trần Thị Ánh Tuyết cùng với ông Hoài và vợ của ông Hoài là bà Trần Thị Ánh Thủy thuê thêm 03 người là các ông Dương Văn Nghĩa, Dương Văn Quang và Trần Đình Đăng từ Tuy Hòa lên huyện Sông Hinh, sau đó rủ thêm ông Nguyễn Tiến Thông rồi tất cả cùng nhau đi lên rẫy. Khi đến rẫy, thấy ông Miên đang cắt cỏ, ông Nam hỏi ông Miên về việc lấn chiếm đất rồi hai bên cãi nhau, ông Miên dùng lưỡi liềm đe dọa và đuổi đánh ông Nam. Lúc này ông Hoài cùng những người khác đang phá cà phê của ông Miên, thấy ông Nam bị đe dọa nên ông Hoài đã dùng rựa tấn công lại và chém trúng vào tay của ông Miên. Sau đó, ông Hoài và những người khác đã ôm vặt ông Miên ngã xuống đất. Đang làm rẫy cách đó không xa, anh Trần Triệu Bảo Hoàn nghe tiếng kêu cứu của cha là ông Miên nên đã đem rựa chạy đến chém trúng ông Hoài. Ông Hoài dùng rựa chống trả lại, cùng lúc này ông Đăng cũng dùng rựa và gốc cây cà phê tấn công, gây thương tích đối với anh Hoàn.

Tại Bản giám định pháp y số 393/PY-2012 ngày 19/12/2012, Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Phú Yên kết luận thương tích của ông Miên : gãy đốt 1 ngón IV bàn tay trái, gay co rút ngón IV bàn tay trái ; nạn nhân bị tác động bởi vật có cạnh sắc gây thương tích toàn bộ 06% (vĩnh viễn 04%, tạm thời 02%).

Tại Bản giám định pháp y 237/PY-2012 ngày 22/07/2013, Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Phú Yên kết luận đối với thương tích của anh Hoàn bị tác động bởi vậy tày+ vật có cạnh gây thương tích toàn bộ là 02% vĩnh viễn ; các chấn thương ở hai cánh tay và mạn sườn phải do vật tài gây ra không để lại dấu vết nên không đánh giá tỉ lệ.

Tại Bản giám định 392/PY-2012 ngày 20/12/2012, Trung tâm Pháp y thuộc sở Y tế tỉnh Phú Yên kết luận thương tích của ông Hoài ; vết thương phức tạp bàn tay trái ; gẫy hở đốt gần ngón III và xương bàn IV, mất da ngón II, vết thương ngón 01 đứt gân gấp, gân duỗi ngón II, IV di chứng cứng khớp ; nạn nhân bị tác động bởi vật có cạnh sắc gây nên ; tỉ lệ thương tích toàn bộ 22%(vĩnh viễn 20%, tạm thời 02%). Tại Bản giám định pháp y số 421/PY-2013 ngày 27/11/2013 (giám định lại), Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Phú Yên kết luận thương tích của ông Hoài ; mặt sau trong đốt 2,3 ngón II bàn tay trái lại co kéo diện (3*0,8)cm ; từ mu đốt bàn ngón IV xuống đến đốt 02 ngón III để lại sẹo co kéo phẫu thuật + sẹo vết thương diện (9/*0,3)cm ; lòng bàn tay đốt bàn ngón IV xuống mặt ngoài đốt 2 ngón III để lại sẹo co kéo diện (8*0,3) cm ; nạn nhân bị tác động bởi vật có cạnh sắc gây thương tích toàn bộ 25% (vĩnh viên 20%, tạm thời 05%)

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2014/HSST ngày 28/03/2014, Tòa án huyện Sông Hinh áp dụng khoản 2 Điều 104 ; các điểm đ, p khoản 1 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt anh Trần Triệu Bảo Hoàn 01 năm 06 tháng tù giam về tội "cố ý gây thương tích"

Ngày 03/04/2014, anh Trần Triệu Bảo Hoàn kháng cáo kêu oan.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 94/2014/HSPT ngày 11/08/2014, Tòa án tỉnh Phú Yên không chấp nhận kháng cáo của anh Trần Triệu Bảo Hoàn, giữa nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

Tại Kháng nghị số 05/2015/KN-HS ngày 29/12/2015, Chánh án tòa án cấp cao tại Đà Nẵng để nghị Ủy ban thẩm phán Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm số 94/2014/HSPT ngày 11/08/2014 của Tòa án tỉnh Phú Yên và bản án hình sự sơ thẩm số 11/2014 HSST ngày 28/03/2014 của Tòa án huyện Sông Hinh để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa Giám đốc thẩm, Đại diện viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng để nghị Ủy ban thẩm phán Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng xét thấy hành vi phạm tội của anh Hoàn xuất phát từ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của ông Hoài trước đó. Rõ ràng lúc này anh Hoàn đang bị kích động mạnh về tinh thần, vì nhìn thấy cha ruột đang bị nhiều người vây quanh và đè đánh gây thương tích. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án anh Hoàn về tội"Cố ý gây thương tích" theo khoản 02 Điều 104 Bộ luật hình sự là chưa đủ căn cứ vững chắc. Hành vi của anh Hoàn có dấu hiệu phạm tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" theo Điều 105 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, ông Hoài chỉ bị thương tật với tỷ lệ 25%, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Hoàn về tội danh này thì hành vi của anh Hoàn chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Mặt khác, Bản giám định pháp y số 421/PY-2013 ngày 27/11/2013 kết luận ông Hoài bị tổn thương 25% sức khỏe nhưng bản giám định pháp y này lại căn cứ vào bản tiêu chuẩn thương tật tại Thông tư liên tịch số 12 ngày 26/07/1995 của Bộ Y tế và Bộ Lao động Thương binh xã hội đã hết hiệu lực từ ngày 15/11/2013 để giám định thương tật là không đúng. Do đó, cần phải giám định lại tỷ lệ thương tật của ông Hoài theo đúngg quy định của pháp luật. Vì lẽ này, Căn cứ khoản 3 Điều 285, Điều 287 và Điều 289 Bộ Luật tố tụng hình sự Quyết định Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 94/2014/HSPT và Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2014/HSST, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cấp cao tại Đà Nẵng để điều tra lại.

Ngày 05/10/2017, Cơ quan điều tra Công an huyện Sông Hinh ra Quyết định Đình chỉ điều tra bị can là anh Hoàn không cấu thành tội phạm.

Ngày 12/12/2017, Tòa án tỉnh Phú yên ra thông báo số : 01/TL-TNBTCNN về việc thụ lý Đơn yêu cầu bồi thường

Tổng cộng số tiền anh Hoàn bồi thường là 3.907.233.000 đồng (Ba tỷ chín trăm lẻ bảy triệu hai trăm ba mươi ba ngàn đồng.

Theo đơn đề nghị của Luật sư Võ An Đôn gửi Viện kiểm sát tối cao về việc xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục Giám đốc thẩm vì các lẽ :

- Việc định tội danh không đúng

- Vụ án bỏ lọt nhiều người phạm tội

- Tỷ lệ thương tích của bị cáo là anh Hoàn và người bị hại là ông Hoài không đúng thực tế bởi vì theo luật sư Đôn, thương tích trên người của anh Hoàn nặng hơn so với ông Hoài nhưng khi Giám định pháp y thì tỷ lệ thương tích của ông Hoài cao hơn anh Hoàn rất nhiều.

Cũng theo chia sẻ từ trang Facebook Đôn An Võ thì anh Hoàn là người đầu tiên ở Việt Nam được bồi thường oan sai do việc định tội danh không đúng. Một điều đáng nói nữa mà VNTB nhận thấy vụ án này tuy được báo chí nhà nước Việt Nam đăng tải khá nhiều nhưng lại ít nhắc đến tên luật sư Võ An Đôn, người giúp đỡ bào chữa thành công cho anh Hoàn nếu không muốn nói là không có, có chăng vì hiện tại luật sư Đôn đã bị Liên đoàn luật sư tỉnh Phú yên rút thẻ hành nghề luật sư do những hoạt động cá nhân và xã hội.

Hàn Giang

********************

Công an Hà Nội : Tìm thấy thi thể Chủ tịch huyện Quốc Oai trong tình trạng treo cổ (Dân Trí, 03/01/2018)

Ông Nguyễn Hồng Lâm – Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai (Hà Nội), được xác định tử vong trong tình trạng treo cổ tại nhà riêng của ông này ở ngõ 297 đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

nq4

Ông Nguyễn Hồng Lâm, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai. Ảnh : giadinh.net

Chiều 3/1/2018, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã có thông báo chinh thức về sự việc ông Nguyễn Hồng Lâm – Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai – mất tích nhiều ngày.

Theo đó, ngày 29/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã có Thông báo truy tìm số 01/TB-PC45 (Đ9) về việc truy tìm ông Nguyễn Hồng Lâm (SN 1964, ngụ xã Nghĩa Hưng, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội). Ông Lâm là Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, mất liên lạc từ đêm 25/12/2017.

Qua điều tra, xác minh, truy tìm, đến 14h ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã phát hiện ông Lâm tại ngôi nhà thứ ba (chưa đánh số nhà) thuộc ngõ 297 đường Hoàng Mai, tổ 41, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội ; đã tử vong trong tình trạng treo cổ.

Đây là nhà riêng của ông Lâm. Thời điểm phát hiện sự việc, lực lượng công an đã phải phá khóa cửa xếp bằng sắt của ngôi nhà để vào trong.

Ngay trong chiều 3/1, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan khám nghiệm hiện trường, Kỹ thuật hình sự phối hợp với Viện Kiểm sát khẩn trương khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của ông Nguyễn Hồng Lâm.

Trước đó như đã đưa tin, theo xác minh của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an thành phố Hà Nội : Khoảng 21h ngày 25/12/2017, ông Nguyễn Hồng Lâm điều khiển xe ô tô Camry màu đen, mang biển kiểm soát 29A – 313.93 đi khỏi trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai.

Khoảng 21h36, ông Lâm đến gửi xe ô tô tại địa chỉ 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội (bãi gửi xe ô tô qua đêm tại khu vực bãi đất trống thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ). Sau đó, ông Lâm đi bộ ra ngõ 115 Trần Duy Hưng.

Đến khoảng 21h53, ông Lâm di chuyển về khu vực hồ Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội. Từ đó đến nay, gia đình và cơ quan không liên lạc được với ông Lâm, cũng chưa xác định ông Nguyễn Hồng Lâm đi đâu, làm gì.

Thông tin liên quan từ Bí thư Huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Văn Thọ cho biết, trước khi "mất tích", những vấn đề liên quan đến ông Nguyễn Hồng Lâm đều tốt và không có biểu hiện bất thường. Ngày 26/12/2017, Huyện ủy Quốc Oai có một cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Lâm xin nghỉ cuộc họp này chứ không có đơn xin nghỉ dài ngày. Tuy nhiên, sau đó, ông Lâm không đến cơ quan, lãnh đạo huyện Quốc Oai tìm cách liên lạc nhưng điện thoại của ông Lâm trong tình trạng liên tục tắt máy.

Tiến Nguyên – Quang Phong

Quay lại trang chủ
Read 599 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)