Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/01/2018

Tai nạn giao thông, Đan viện Thiên An, người Việt ở Campuchia

Tổng hợp

Hơn 8 ngàn người Việt chết vì tai nạn giao thông trong năm qua (RFA, 03/01/2018)

Có hơn 8 ngàn người thiệt mạng và hơn 17 ngàn người bị thương do tai nạn giao thông ở Việt Nam, trong năm 2017. Riêng trong ba ngày nghỉ Tết Dương lịch 2018, có 67 người chết và 74 người bị thương.

vn1

Hình minh họa. Một người lái xe máy UBer (giữa) đang nhìn điện thoại di động khi đợi đền xanh ở Hà Nội. Hình chụp hôm 2/6/2017  - AP

Số liệu vừa nêu được Bộ Công An và Cục Hàng hải Việt Nam công bố tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017.

Theo số liệu được công bố, trong năm 2017, đã có 20.080 vụ giao thông xảy ra trên cả nước và được ghi nhận giảm xuống so với năm 2016 cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở đường bộ, với gần 20 ngàn vụ, do các nguyên nhân như chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng làn đường, không tuân thủ các quy định về biển báo và hiệu lệnh giao thông.

Vào ngày 3 tháng Giêng, tại buổi lễ phát động ra quân Năm An toàn Giao thông 2018, diễn ra ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Trường Hòa Bình cho biết chủ đề của chương trình Năm An toàn Giao thông 2018 là "An toàn giao thông cho trẻ em", với mục tiêu giảm 10% tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em so với năm 2017 và khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng như các trục giao thông chính khắp Việt Nam.

*********************

Đan viện Thiên An phản đối Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên-Huế (RFA, 03/01/2018)

Hôm 31 tháng 12 năm 2017 các Đan sĩ đan viện Thiên An đã gửi thư phản đối đến UBND Thừa Thiên Huế về văn bản có lời lẽ bị cho là vu cáo, nhục mạ Bề Trên Đan viện – Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức.

vn2

Đan viện Thiên An - file photo

Trong thư phản đối, các linh mục đã và đang sống, làm việc chung với Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức cho rằng, việc xây dựng công trình tôn giáo trong nội vi Đan viện – trên khu đất 107 hecta tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An từ những năm 1940 – được thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật.

Các linh mục cũng cho rằng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm thay chức năng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa Án, khi không có bằng chứng mà kết tội Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức có hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng trong thư phản đối các Đan sĩ đan viện Thiên An lên án hành vi lạm quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Đan viện, khi các quan chức Thừa Thiên Huế có lời đề nghị không tiếp tục bổ nhiệm Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức làm Bề trên Đan viện Thiên An và thuyên chuyển Linh mục Antôn ra ngoài địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cuối thư phản đối, các Đan sĩ đan viện Thiên An yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các quan chức UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật ; can thiệp vào công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo ; xúc phạm nhân phẩm của Linh mục Bề Trên Antôn Nguyễn Văn Đức và xúi giục người khác vi phạm pháp luật.

Đan viện Thiên An, ở xã Thủy Bằng, bị chính quyền Thừa Thiên-Huế trưng thu 49 héc-ta đất rừng thông để xây dựng khu du lịch từ năm 1998. Đan viện Thiên An nhận thấy việc thu hồi 49 héc-ta đất có nhiều khuất tất và đã tiến hành khiếu nại, khiếu kiện từ cấp địa phương lên đến trung ương. Nhưng việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài gần 2 thập niên vẫn không được giải quyết.

Trước những dấu hiện cho thấy chính quyền địa phương rắp tâm muốn lấy thêm phần đất còn lại trong tổng thể 107 héc-ta của Đan viện để bán cho doanh nghiệp nước ngoài, Đan viện Thiên An quyết định tranh đấu không để mất phần đất (rừng thông) còn lại nên tức tốc chỉnh trang lại vườn tược, ủi đường, đào mương, xây nhà, phục hồi lại đập nước đã được xây từ năm 1958.

Đan viện Thiên An cũng ba lần cho dựng Thập Tự giá trong khỏang thời gian từ năm 2015 đến năm 2017. Tuy nhiên cả ba lần đều bị công an, an ninh và côn đồ đập phá. Lần đập phá thánh giá và hành hung các tu sĩ của Đan viện Thiên An mới nhất xảy ra trong hai ngày 28 và 29 tháng Sáu 2017.

***********************

Nỗi lo của cộng đồng gốc Việt ở Campuchia (BBC, 03/01/2018)

Sinh sống tại Biển Hồ từ hàng chục năm qua, nhưng nay cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia đang lo sợ phải đối diện với nguy cơ có cuộc sống bấp bênh.

Sau khi chạy nạn Pol Pot, nhiều người quay trở lại vùng Tonle Sap hồi đầu thập niên 1980, nơi họ coi là "quê hương xứ sở" của mình.

Khoảng 80% người gốc Việt không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào được chính phủ Campuchia công nhận.

Gần đây, chính phủ Campuchia thông qua Nghị định 129 theo đó quyết định thu hồi giấy tờ của gần 70 ngàn người gốc Việt, khiến nhiều người lo ngại rằng những người bị thu giấy tờ sẽ rơi vào tình trạng "vô tổ quốc" như phần lớn những người còn lại.

Ngoài nỗi lo bị thu giấy tờ, nhiều người nói cuộc sống và kế sinh nhai hàng ngày của họ cũng bị gây khó dễ bởi chính quyền địa phương và cả bởi Tổng hội người Campuchia gốc Việt, điều mà quan chức Tổng hội bác bỏ.

Quay lại trang chủ
Read 756 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)