Luật sư mổ xẻ vụ bắt Vũ ‘nhôm’ (VOA, 05/01/2018)
Giới nghiên cứu luật trong nước và quốc tế tỏ ra khá bất ngờ với quyết định trục xuất ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") về Việt Nam của Singapore, và cho rằng có sự "thỏa thuận" và "áp lực" giữa hai chính phủ.
Mặc dù không loại trừ khả năng ông Phan Văn Anh Vũ bị trả về nước, nhưng Luật sư Nguyễn Khả Thành từ Việt Nam nói ông bất ngờ với diễn tiến mới của vụ Vũ "nhôm".
"Ban đầu tôi cũng hơi bất ngờ vì theo tôi, cũng có những quy định của Singapore, nhưng có lẽ vì tính ngoại giao nên người ta có thể bỏ qua và dẫn độ ông Vũ nhôm về Việt Nam vào chiều nay", Luật sư Thành nói.
Bình luận với VOA tối 4/1, Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada cho rằng do mối quan hệ thân thiết và lợi ích kinh tế, chính trị to lớn giữa Singapore và Việt Nam, nên chính phủ Singapore đã đưa ra một quyết định đi "hơi quá" quy trình pháp lý.
Ông nói : "Quyết định của Singapore là một quyết định chịu áp lực rất lớn từ phía Việt Nam, hoặc là đã có một sự thỏa thuận ngầm nào đó".
Theo phân tích của Luật sư Khanh, phía chính phủ Singapore ngay từ đầu đã tỏ ra hợp tác khi chính quyền Hà Nội thông báo cho Singapore về việc hủy hộ chiếu của ông Vũ.
"Theo khung pháp lý về vấn đề hỗ tương tư pháp giữa các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Singapore và Việt Nam, thì phía Bộ Công an, theo diễn giải của tôi, đã thông qua Bộ Ngoại giao liên lạc với Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội để thông báo về vấn đề này, đó là lý do tại sao một nguồn tin cho biết hộ chiếu ông Vũ dùng để đi vào Singapore đã bị hủy, nhưng trước đó khi ông Vũ đi vào thì nó vẫn có giá trị. Như thế là đã có sự hợp tác giữa phía Việt Nam và Singapore", Luật sư Khanh nói.
Một người theo dõi sát và có nhiều bài phân tích về pháp lý trong vụ Vũ "nhôm", nhà hoạt động-nghiên cứu luật Phạm Lê Vương Các, viết trên Facebook cá nhân rằng:
Dù là quyết định trục xuất, nhưng cách làm của Singapore cho thấy họ đang "dẫn độ" ông Vũ về lại Việt Nam. Điều này là hoàn toàn trái với Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa các quốc gia Asean, theo điểm a khoản 1 điều 2 Hiệp định nêu rõ : "Không áp dụng bắt hoặc giam giữ một người nhằm mục đích dẫn độ người đó."
Các chuyên gia pháp lý đều cho rằng xuyên suốt quá trình từ lúc ông Phan Văn Anh Vũ bị truy nã cho tới ngày bị bắt, mỗi diễn tiến đều chứa đầy những câu hỏi mà người dân không có nhiều hy vọng tìm được câu trả lời công khai. Chẳng hạn tại sao ông Vũ không có mặt tại nhà vào thời điểm công an đến khám xét và bắt giữ, như lời Luật sư Thành, rằng "Thường thường, những vụ này thì họ [Bộ Công an] rất bí mật, nhưng không hiểu sao những người kia lại biết được và trốn đi?".
Tại sao ông Vũ có thể tẩu tán tài sản ra khỏi Việt Nam?
Rồi vì sao ông Vũ đến Singapore cả tuần lễ mà lại không đi tiếp sang quốc gia thứ ba, mà theo lời một luật sư đại diện cho ông nói là Đức ?
Luật sư Khanh cho rằng việc Singapore sát ngày trục xuất mới cho luật sư đại diện gặp ông Vũ, và ngay vào thời điểm chót này, cũng không cho phía luật sư và ông Vũ biết về quyết định trục xuất, theo cho thấy có những vấn đề đằng sau mà có thể công chúng sẽ không bao giờ được biết đến.
"Ông ấy có passport của đảo quốc Entiguan, vậy tại sao ông ấy không rời khỏi đảo quốc Singapore, tức là có một vấn đề gì đó mà họ đã cầm chân ông ấy cho tới giờ chót", Luật sư Khanh nhận định.
Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các nhận định trên Facebook cá nhân :
"Việc Vũ ‘nhôm’ bị Singapore trục xuất về lại Việt Nam vào chiều ngày hôm nay 4/1, cho thấy các chuẩn mực pháp lý phải tiếp tục lùi bước trước các thương thảo chính trị, thường xảy ra khá phổ biến tại các quốc gia Asean có nhiều khiếm khuyết về nhân quyền".
Bất kể những dự đoán khác nhau về số phận Vũ "nhôm" sau khi bị bắt về Việt Nam, dư luận các phía đều tỏ ra "vui" với diễn tiến mới này, mặc dù không ít người tiếc nuối những kịch tích chính trị có thể xảy ra nếu như ông Phan Văn Anh Vũ không bị trục xuất theo kiểu "dẫn độ" về nước.
Ông Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi, một cựu sĩ quan tình báo cao cấp được người dân gọi là "mafia Đà Nẵng", bị nhà chức trách Việt Nam truy nã về tội "cố ý làm lộ bí mật nhà nước".
Dư luận cho rằng ông Vũ nắm trong tay nhiều bí mật liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức bị cáo buộc tham nhũng đã trốn sang Đức và bị bắt cóc về Việt Nam vài tháng trước.
Trong tuyên bố ngày 4/1, Bộ Nội vụ Singapore cho biết Cục Quản lý xuất nhập cảnh (ICA) của nước này đã hoàn tất việc điều tra ông Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi, và ông Vũ đã nhận một "cảnh báo nghiêm khắc" thay vì bị truy tố.
ICA cũng đã hủy bỏ tài liệu thông hành của ông Vũ và trục xuất ông ra khỏi Singapore theo Đạo luật Di trú.
Chiều ngày 4/1, Bộ Công an Việt Nam phát đi thông báo chính thức nói đã "tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ".
Khánh An
********************
Tính tiên phong của báo chí qua Vũ 'Nhôm' (VNTB, 04/01/20148)
Nhưng nếu coi Vũ 'Nhôm' là một đối tượng tham nhũng – thì tính tiên phong của báo chí Việt Nam đã thực sự không được phát huy.
Nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Lễ trao giải "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí", trong đó người đứng đầu nhà nước khẳng định việc tổ chức nhằm là nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ sự tham gia của người dân và toàn xã hội, trong đó có vai trò hết sức quan trọng và tiên phong của các cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Nhưng nếu coi Vũ 'Nhôm' là một đối tượng tham nhũng – thì tính tiên phong của báo chí Việt Nam đã thực sự không được phát huy.
Với trình độ nghiệp vụ và cơ sở thiết bị của mình, báo chí Việt Nam có thể làm tốt hơn cả tờ báo Singapore The Straits Times khi phản ánh vấn đề Vũ 'Nhôm' bị tạm giữ tại sân bay.
Một nhân vật được cho là đối tượng điều tra tại Việt Nam được đăng tải trên báo straitstimes.com
Nhưng cũng như nhiều lần khác trước đó, dù phản ánh một người Việt Nam, là đối tượng tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài, nhưng báo chí Việt Nam luôn đi sau một bước.
Khi The Straits Times đưa tin về "một ông trùm bất động sản Việt Nam đã bị bắt giữ tại đảo quốc Singapore vào ngày 1/1/2018, thì mãi 2 ngày sau – 3/1/2018, báo chí Việt Nam mới đồng loạt đưa tin về sự kiện này, với cùng một khuôn mẫu : trích dẫn thông báo của ICA về việc bắt giữ một người Việt có tên Phan Van Anh Vu.
Tính cẩn thận của báo chí ? Nếu có, thì nó đã quá dư thừa trước một nguồn tin nóng này, thể hiện sự đuối hơi, thiếu nhạy bén trước "thời cuộc".
Thậm chí càng "cần thận" hơn khi một trang báo như Báo Đất Việt đưa tiêu đề "Sự thật Vũ nhôm bị giữ ở Singapore", trong đó trcish dẫn lời ông Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, cơ quan này chưa nhận được thông tin Vũ "nhôm" đang bị giữ ở Singapore.
Cơ quan chưa nhận thì báo chí cũng chưa nhận, hoặc cũng có thể cơ quan Công an đang muốn kéo dài thời gian để xử lý kín đáo sự kiện Vũ 'Nhôm', khi mà những tin đồn thổi về những tài liệu có liên quan đến Trịnh Xuân Thanh là một cơ sở khiến Vũ 'Nhôm' tìm kiếm cơ hội tỵ nạn chính trị.
Và dù như thế nào đi chăng nữa, thì ở một góc độ nào đó, cũng cho thấy, báo chí Việt Nam, bằng sự kiểm duyệt và tự kiểm duyệt, đã trở nên dị biệt trong một cuộc chiến thông tin. Cùng với sự bao vây quan điểm "báo chí phải đi sau tuyên bố cơ quan điều tra" lại càng làm cho tính dị biệt về mặt tiên phong của báo chí – vốn là yếu tố sống còn bị triệt tiêu.
Người dân từ đó thiếu tin tưởng vào sự nhạy bén của báo chính thống, tin hơn vào cơ sở phản ánh của báo chí nước ngoài. Và từ nay, luồng thông tin nóng bỏng, mang tính sự kiện thời sự của người Việt, diễn ra trong lãnh thổ Việt Nam lại trở thành nguồn tin săn lùng vô cùng thoải mái của các cơ quan báo chí nước ngoài.
Nếu như ngay cả việc phản ánh tin tức trong nước còn "tụt hậu" thì báo chí Việt Nam sẽ tiên phong như thế nào để phòng chống được tham nhũng ?
Ông Trần Đại Quang, vốn từng là Bộ trưởng Bộ Công an phải hiểu hơn hết cơ chế trói buộc báo chí Việt Nam, bởi không chỉ bị ràng buộc bởi tuyên giáo, mà báo chí Việt Nam cũng phải chịu sự chỉ đạo từ chính cơ quan công an.
Nhà báo Mai Quốc Ấn trong một chia sẻ vào ngày 19/12 đã bức xúc khi, những người làm báo trong một sự kiện cháy xưởng đã buộc phải viết theo chỉ đạo của Công an địa phương là xưởng bị cháy chứ không phải bị đốt, phải làm thế để trả nợ máy bị đốt.
"Viết theo chỉ đạo" mà những nhà báo đau như cắt, không chỉ khiến tin nóng không được đăng, mà phải đảo trắng thành đen. Khi nghiệp vụ và đạo đức chân chính không được khuyến khích, thì cũng từ vòng kim cô này, nảy sinh ra nhiều nhà báo mà ông Trưởng ban tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng phải thừa nhận rằng : nhuận bút không đăng bài nhiều hơn nhuận bút đăng bài.
Đó là cái tệ nạn của xã hội, và góp công lớn của tệ nạn này là sự tha hóa làng báo chí của cơ quan công an cũng như ban tuyên giáo. Bởi chính hai cơ quan này tước đoạt đi tính tiên phong để thay vào đó là tính chỉ đạo, tước đạt tính chủ động để thay vào đó là tính quy trình ; tước đoạt đi tính tư duy của báo chí để thay vào đó là tính luồn cúi,…
Tất cả tạo nên một nền báo chí dúm dó và đầy lỗ hổng ; một nền báo chí thừa đội ngũ và lực lượng nhưng thiếu đạo đức và tính tiên phong.
Nhiều nhà báo vượt khung tiên phong thì bị cơ quan chủ quản tước giấy phép, giam cầm, cấm xuất cảnh. Đó liệu là một sự khích lệ báo chí ? Hay đơn thuần là một thủ tục cho thấy tính đặc trưng báo chí của nhà nước là sự kiềm kẹp và quản chế ?
Và qua vụ Vũ 'Nhôm', cũng phần nào cho thấy cái bi, cái hài của làng báo Việt khi một cổ hai tròng.
Ánh Liên
****************
Ông Phan Văn Anh Vũ bị Singapore trục xuất về Việt Nam (RFA, 04/01/2018)
Ông Phan Văn Anh Vũ, biệt danh Vũ ‘nhôm’, đang bị Bộ Công An Hà Nội giam giữ, sau khi Singapore trục xuất ông này về Việt Nam vào chiều ngày 4 tháng Giêng.
Hình Phan Văn Anh Vũ - Ảnh tư liệu
Bộ Công An Việt Nam ra thông cáo cho biết đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành công tác điều tra theo qui định của pháp luật. Ông này bị đưa về nước trên chuyến bay của Hãng Hàng Không Quốc Gia Việt Nam-VietnamAirlines, và chiếc máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài lúc sau 15 :30 phút.
Phía Singapore nói rằng ông Phan Văn Anh Vũ vi phạm Luật Di Trú của nước này và đã bắt giữ ông Vũ vào cuối tháng 12 vừa qua khi đương sự đang tìm cách sang Malaysia.
Truyền thông trong nước dẫn lời Bộ Nội Vụ Singapore rằng ông Phan Văn Anh Vũ từng ra vào tiểu quốc này bằng hai hộ chiếu Việt Nam khác nhau ; trong đó có một hộ chiếu không đúng nhân dạng. Ông này còn sở hữu thêm một hộ chiếu thứ ba.
Theo Thông báo của Bộ Nội Vụ Singapore mà một số cơ quan truyền thông trong nước có được thì trong lần nhập cảnh mới nhất vào Singapore, ông Phan Văn Anh Vũ đã khai báo sai sự thật với Cục Xuất Nhập Cảnh & Cửa Khẩu Singapore (ICA). Tình trạng này cũng như các lần trước khi ông này vào Singapore.
Phía Singapore hoàn tất điều tra về ông này và áp dụng hình thức ‘cảnh cáo nghiêm khắc’ thay vì ‘truy tố’ đương sự. Ngoài ra Cục Xuất Nhập Cảnh & Cửa Khẩu Singapore đã hủy ‘visit pass’ của ông Phan Văn Anh Vũ, đồng thời trục xuất ông khỏi Singapore theo qui định trong Luật Di Trú nước này.
Một chi tiết khác được cho biết là ông Phan Văn Anh Vũ bị truy nã theo Cảnh báo đỏ của Interpol do chính phủ Việt Nam ban hành.
Ông Phan Văn Anh Vũ, biệt danh Vũ ‘nhôm’, là một đại gia bất động sản và cũng là một thượng tá an ninh Việt Nam. Vào ngày 21 tháng 12, ông bị khởi tố về tội ‘Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước Việt Nam’ theo điều 263 Bộ Luật Hình sự năm 1999.
Sang ngày 22 tháng 12 năm 2017, ông Vũ bị Chính phủ Hà Nội phát lệnh truy nã. Đến ngày 28 tháng 12, tờ Strait Times loan tin ông bị bắt tại Singapore khi đang tìm đường sang Malaysia.
Ông Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi, ngụ tại thành phố Đà Nẵng, là Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 ; Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 ; Chủ tịch Hội Đồng Thành viên The Sunrise Bay Đà Nẵng. Ngoài ra, ông này còn sở hữu cổ phẩn trong nhiều dự án khác tại Việt Nam.
Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 là công ty mua nhiều nhà công sản hóa giá nhất ở Đà Nẵng trong thời gian qua. Bản thân ông Vũ ‘nhôm’ là chủ sở hữu của nhiều lô đất được gọi là vàng tại trung tâm thành phố Đà Nẵng.
Vừa qua nguyên bí thư thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh, người bị kỷ luật cách chức có liên quan đến việc nhận nhà của Vũ ‘nhôm’.
****************
Bộ Công an đã 'tiếp nhận' Vũ 'nhôm' (VOA, 04/01/2018)
Bộ Công an Việt Nam chiều 4/1 phát đi thông báo chính thức cho biết đã "tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ" [còn gọi là Vũ "nhôm"].
Ông Phan Văn Anh Vũ (mặc áo trắng) tại một sự kiện ở Đà Nẵng.
Trước đó vài giờ, Bộ Nội vụ Singapore (MHA) nói trùm bất động sản Việt Nam Phan Van Anh Vu đã bị trục xuất xuất khỏi Singapore.
Luật sư Choo Zheng Xi, người đại diện cho ông Vũ ở Singapore, nói với The Straits Times rằng ông Vũ đã rời khỏi Singapore vào khoảng gần 2 giờ chiều, trên một chuyến bay về Việt Nam.
Máy bay chở ông Vũ đến sân bay Nội Bài vào lúc 3 :40 chiều cùng ngày, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ.
Trong tuyên bố ngày 4/1, Bộ Nội vụ Singapore cho biết Cục Quản lý xuất nhập cảnh (ICA) của nước này đã hoàn tất việc điều tra ông Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi, và ông Vũ đã nhận một "cảnh báo nghiêm khắc" thay vì bị truy tố.
ICA cũng đã hủy bỏ tài liệu thông hành của ông Vũ và trục xuất ông ra khỏi Singapore theo Đạo luật Di trú.
Trong thư trả lời The Straits Times, ICA cho biết ông Vũ đã vào Singapore bằng một hộ chiếu Việt Nam không mang tên mình. Nhưng ông Vũ cũng có một hộ chiếu khác mang tên ông.
Chính quyền Việt Nam đã thông báo với Singapore rằng hộ chiếu của ông Phan Văn Anh Vũ là hộ chiếu giả, dẫn đến việc bắt giữ ông vào ngày 28/12.
Ông Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi, một cựu sĩ quan tình báo cao cấp ở Việt Nam được người dân gọi là "mafia Đà Nẵng", đã trốn khỏi Việt Nam trước khi Bộ Công an có lệnh truy nã ông hồi tháng trước về tội "cố ý tiết lộ bí mật nhà nước".
ICA cho biết ông Vũ "khai báo sai sự thật khi ông vào Singapore", dẫn đến việc bị truy nã theo Cảnh báo đỏ của Interpol do cơ quan chức năng Việt Nam ban hành.
Cơ quan này cho biết thêm rằng lời các giấy tờ mà Luật sư Choo Zheng Xi thay mặt ông Vũ nộp lên tòa án Singapore không hạn chế quyền hạn của ICA.
"Tôi thất vọng cho những nỗ lực của mình, khách hàng của tôi đã bị trục xuất mà tôi không được biết hay có cơ hội để phản đối các cáo buộc", Luật sư Choo nói với The Straits Times.
Ông Choo cho biết thêm rằng "Tôi đã gửi ICA một lá thư vào lúc 1 giờ 10 phút, yêu cầu cho ông ta không bị trục xuất trong khi chúng tôi xem xét các tài liệu được cho là cơ sở cho lệnh trục xuất khách hàng của chúng tôi".
Vẫn theo The Straits Times, Luật sư Choo cũng đã yêu cầu nhà chức trách Singapore không trục xuất ông Vũ trong lúc các giấy tờ nộp ở tòa án đang được xử lý.
Vũ "nhôm" được xem là người nắm trong tay nhiều bí mật liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức bị cáo buộc tham nhũng đã trốn sang Đức và bị bắt cóc về Việt Nam vài tháng trước.
*********************
Luật sư Đức : Vũ ‘Nhôm’ đã có thể là nhân chứng cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (VOA, 04/01/2018)
Điều mà luật sư người Đức của Trịnh Xuân Thanh mong chờ đã không thành sự thực.
Vụ đào thoát của Phan Văn Anh Vũ - tức Vũ 'nhôm' đã không thể trở thành vụ Trịnh Xuân Thanh thứ 2 sau khi ông bị Công an Việt Nam đưa về từ Singapore hôm 4/1. (Photo VnExpress)
Chỉ 4 ngày trước khi phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và hơn 20 quan chức cấp cao của tập đoàn dầu khí PetroVietnam, Phan Văn Anh Vũ – người muốn sang Đức để tiết lộ thông tin về vụ bắt cóc ông Thanh – đã bị đưa về Việt Nam.
Ông Vũ có thể là một nhân chứng then chốt cho cuộc điều tra về vụ bắt cóc thân chủ của tôi Trịnh Xuân Thanh.
Petra Schlagenhauf, luật sư làm hồ sơ xin tị nạn cho Trịnh Xuân Thanh
Hai ngày trước khi ông Vũ bị đưa về Việt Nam theo công bố của Bộ Công an, tuần báo Tấm Gương (Der Spiegel) của Đức đưa tin "một sĩ quan tình báo Việt Nam đã đệ đơn xin xuất cảnh sang Đức". Tờ báo này cho biết một luật sư của ông Vũ "hứa hẹn rằng thân chủ của ông có thể cung cấp những thông tin quý giá về vụ bắt cóc ngoạn mục Trịnh Xuân Thanh".
Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7 nhưng Hà Nội tuyên bố ông Thanh về đầu thú với công an hôm 31/7.
Trả lời VOA, Luật sư người Đức của ông Thanh, Petra Schlagenhauf, cho biết bà đã hy vọng rằng "ông Vũ có thể là một nhân chứng then chốt cho cuộc điều tra về vụ bắt cóc thân chủ của tôi Trịnh Xuân Thanh".
Thân chủ của bà Schlagenhauf, cựu quan chức ngành dầu khí bị cáo buộc làm thất thoát 3.300 tỷ đồng, sẽ ra tòa cùng cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng và những lãnh đạo khác của PetroVietnam vào ngày 8/1. Theo bà Schalenghauf, "án tử hình là rõ ràng đối với ông Thanh".
Theo Asia Times trích dẫn các nguồn thông tin từ Việt Nam, ông Vũ mang theo nhiều tài liệu mật khi chạy chốn sang Singapore để đưa cho cảnh sát Đức về những mệnh lệnh trong đó có bằng chứng của người chủ mưu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ông Vũ sẵn sàng làm nhân chứng ở Đức, theo ghi nhận của Asia Times.
Luật sư Schlagenhauf tin rằng lệnh bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được đưa ra từ "một cấp rất cao của chính phủ Việt Nam".
Vụ truy nã và bắt giữ Vũ ‘Nhôm’ một thượng tá Tổng cục an ninh của Bộ Công An với tội danh làm lộ bí bật nhà nước, cũng như Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, nằm trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người từng tuyên bố đây cũng là chiến dịch để chỉnh đốn Đảng.
Nhận định về các cáo buộc mà ông Vũ sẽ phải đối mặt ở Việt Nam, luật sư Lê Khả Thành cho VOA biết ông Vũ có thể sẽ có thêm cáo trạng tham nhũng và giống với vụ ông Trịnh Xuân Thanh là khi ra tòa sẽ bị 2 tội.
Tuy nhiên nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng đây là một cuộc thanh trừng trong nội bộ Đảng của TBT Trọng, theo Asia Times.
Trang tin tức tiếng Anh có trụ sở ở Hong Kong nhận định rằng nếu Vũ ‘Nhôm’ có thông tin đặc biệt cho thấy ông Trọng có liên quan đến việc điều hành vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thì người đứng đầu Đảng Cộng sản có thể đối mặt với những chế tài của Đức. Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều những biện pháp trừng phạt hơn, như các chế tài về thương mại, từ phía Đức và châu Âu, theo các nhà phân tích.
Theo nhận định của văn phòng luật sư Đức ở Singapore được Der Spiegel trích dẫn, với cáo buộc làm lộ bí mật nhà nước, ông Vũ có thể đối mặt với án tử hình.
Khi Vũ 'nhôm' còn đang trên đường lẩn trốn, nhiều người theo dõi chính trường Việt Nam nhận định vụ tẩu thoát của Phan Văn Anh Vũ giống với vụ Trịnh Xuân Thanh. Nhưng giờ đây, theo nhận định của nhà báo Phạm Chí Dũng, Vũ "Nhôm" đã không thể trở thành "Trịnh Xuân Thanh thứ hai".
Bộ Công An công bố hôm 4/1 họ đã bắt được Vũ 'nhôm', tên thường được biết tới của trùm bất động sản 42 tuổi, ngay sau khi Bộ Nội vụ Singapore thông báo đã trục xuất ông Vũ ra khỏi nước này vì dùng hộ chiếu giả.