Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/01/2018

Về phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng

Tổng hợp

Dự đoán phiên tòa ngày 8/1/2018 : chẳng có ai phải chết cả (VNTB, 07/01/2018)

Chỉ một vài ngày nữa là chúng ta sẽ được coi một phiên tòa lịch sử khi lần đầu tiên có một cựu ủy viên Bộ chính trị T và Cựu bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng bị đưa lên vành móng ngựa.

Người ta nói nhiều về phiên tòa này và cái giá mà các ông quan bị truy tố sẽ phải trả. Nhiều người còn chắc chắn sẽ có án tử hình, tức là sẽ có thuốc độc được xài sau vụ đại án này. Củi sẽ được đưa vào lò của anh Cả Trọng và sẽ phải cháy...

Vậy chúng ta thử xem có án tử thực sự được phát cho 2 kẻ đầu vụ là anh Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh hay không trước khi phiên tòa khai mở nhé.

toa1

Trước hết về ông Đinh La Thăng thì việc Viện kiểm sát đưa cáo trạng thì cũng đã tước đi cơ hội được tiêm thuốc độc của ông Đinh La Thăng mất rồi. Cáo trạng không hề đề cập đến việc tham ô, việc quan trọng bậc nhất trong mọi trường hợp "đả hổ, diệt hổ", hay "Bỏ củi vào lò" mà anh Cả Trọng đã nhiều lần lên tiếng. Nhưng có lẽ khó khăn quá khi phải thẳng tay nên ông Đinh La Thăng chỉ bị truy tố về những tội vớ vẩn như làm thất thoát và gây hậu quả nghiêm trọng khi đầu tư vào ngân hàng Oceanbank 800 tỷ đồng. Một tội danh không thể kết tội tử hình mà chỉ có khung cao nhất là 20 năm.

Còn trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh thì quả là có thể bị kết án tử hình và được tiêm thuốc độc. Cáo trạng truy tố ông Thanh tham ô 14 tỷ đồng. Theo luật thì tham ô 500 triệu là bị tử hình rồi, và với tội tham ô 14 tỷ thì ông Trịnh Xuân Thanh sẽ bị 28 án tử hình. Cộng với một án tử hình nữa vì tội khi đào tẩu ra nước ngoài thì Trịnh Xuân Thanh đã kết hợp với tên Người Buôn Gió chửi bới lãnh đạo và làm lộ bí mật quốc gia. Vậy chi là 29 án tử hình thì Trịnh Xuân Thanh không đủ mạng mà chung nên chết chắc.

Ấy vậy nhưng không phải vậy. Trịnh Xuân Thanh là một sản phẩm sáng tạo của Đảng, nên mặc dù có rắc rối ngoại giao cỡ nào đi nữa thì Việt Nam cũng chấp nhận bắt Thanh về để "đầu thú". Ra tòa, Trịnh Xuân Thanh sẽ bị kết án tử hình nhưng không được hưởng sung sướng là tiêm thuốc độc. Vì chắc chắn phía Đức sẽ nhẩy chổm lên hô hoán rằng không được thi hành án tử với Trịnh Xuân Thanh. Vì nếu thi hành án, Thanh chết thì người chính chủ trong vụ bắt cóc mà phía Đức la lối ầm ĩ bấy lâu nay sẽ biến mất. Không còn Trịnh Xuân Thanh nữa thì cũng tắt đài cái vụ án đang gây sóng "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" và gây kẹt cho phía Đức cho các quan hệ với Việt Nam vì nước Đức không còn nhân chứng để tố cáo Việt Nam bắt cóc nữa. Nên phải để Trịnh Xuân Thanh sống.

Thế là sau phiên tòa, trước sự cuống cuồng của nước Đức, Đảng ta cứ việc ung dung cho củi vào lò rồi lại cho củi ra, lúc dọa giết lúc dọa tha Trịnh Xuân Thanh tùy theo tình hình. Thậm chí có thể bán Trịnh Xuân Thanh cho người Đức. Mà cũng có thể Trịnh Xuân Thanh sau đó sẽ bị chết vì tội rửa bát bẩn ở trong tù chẳng hạn, chớ chắc chắn không phải bị pháp luật trừng trị đâu.

Chúng ta hãy chờ xem...

Mai Tú Ân

Nguồn : VNTB, 07/01/2018

********************

Vì sao 2 luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh rút lui trước phiên xử ? (BBC, 07/01/2018)

Một trong hai luật sư rút khỏi vai trò bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh trước phiên tòa hôm 8/1 nói với BBC rằng bà "rất cân nhắc, nhưng một vụ lớn như thế mà luật sư không có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ".

toa2

Phòng xử dự kiến diễn ra phiên tòa xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh hôm 8/1

Ông Thanh, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị, tổng giám đốc PVC bị truy tố về cả hai tội danh : "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Tham ô tài sản", đối mặt với bản án tử hình.

Tin cho hay ban đầu, ông Trịnh Xuân Thanh mời chín luật sư bào chữa, tuy nhiên đến chiều 5/1, hai luật sư thuộc Công ty luật Viên An thông báo đến tòa Hà Nội về việc chấm dứt bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Thanh trong vụ án này.

Hôm 7/1, trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, giám đốc Công ty Luật Viên An, nói : "Cáo trạng và kết luận điều tra vụ án có từ ngày 25/12/1017 nhưng luật sư không được tiếp xúc ngay mà phải mất mấy ngày sau đó khi chuyển sang tòa".

"Rồi phiên xử được ấn định hôm 8/1/2018, trong lúc có ba ngày nghỉ tết Dương lịch".

"Một vụ lớn như thế mà luật sư không có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu nên không thể bảo vệ tốt nhất cho ông Thanh".

'Khó khăn'

"Tôi và một luật sư khác của Công ty Luật Viên An được gia đình ông Thanh mời bào chữa vì tin tưởng chứ không phải do chỉ định".

"Lúc đầu, tôi nhận lời vì nghĩ mình có đủ thời gian, trình độ để giúp ông Thanh và phiên xử không diễn ra nhanh đến thế".

"Tôi rất cân nhắc trước khi rút ra khỏi vụ này, nhưng thời gian nghiên cứu không đủ nên khó có thể giúp bảo vệ tốt nhất cho thân chủ được".

"Tôi nghĩ các luật sư của ông Đinh La Thăng cũng gặp khó khăn này".

Đề cập về việc các luật sư xin hoãn phiên tòa hôm 8/1 mà không được, bà Huyền Trang nói với BBC : "Đề nghị là quyền của luật sư, nhưng người ta còn xét những điều kiện khác nữa và đó là thẩm quyền của tòa án về việc hoãn phiên tòa hay không".

Bà Huyền Trang từ chối trả lời chi tiết với BBC tiếng Việt việc bà nói chỉ được gặp ông Thanh "trong 15 phút tại Trại giam B14 hôm 5/1".

Ngày 5/1, gia đình ông Trịnh Xuân Thanh đã đến Cục Thi hành Án Dân sự Hà Nội tự nguyện nộp 2 tỷ đồng "khắc phục hậu quả".

Truyền thông Việt Nam cho hay, phiên tòa xử ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh dự kiến diễn ra ngày 8/1 tại Tòa án nhân dân Hà Nội với hình thức mới : luật sư được bố trí chỗ ngồi ngang hàng với đại diện Viện Kiểm sát. Các bị cáo có chỗ ngồi riêng, bên dưới luật sư bào chữa và đại diện Viện Kiểm sát. Phòng xử không còn vành móng ngựa, khi trả lời thẩm vấn, các bị cáo sẽ đứng trước bục khai báo hoặc bàn.

Trong một diễn biến khác, Luật sư Petra Schlagenhauf của ông Trịnh Xuân Thanh bị Việt Nam không cho nhập cảnh tại sân bay Nội Bài hôm 4/1, theo báo chí Đức.

Ngay lập tức, chính phủ Đức lên tiếng về vụ việc và nói họ đã triệu tập Đại sứ Việt Nam đến Bộ Ngoại giao "trong ngày thứ Sáu để nói chuyện".

Văn phòng của luật sư Petra Schlagenhauf nói với truyền thông Đức rằng bà bị buộc quay về khi đã tới sân bay.

Báo Đức, tờ Die Spiegel nói thêm rằng lúc còn ở Hà Nội, bà luật sư thông báo qua điện thoại cho sứ quán Đức về việc bị cấm nhập cảnh.

Bà nói rằng Đại sứ Đức đã nêu vụ việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhưng bà vẫn không được phép vào.

Một người phát ngôn cho Bộ Ngoại giao Đức đã xác nhận với BBC Tiếng Việt hôm thứ Sáu 5/1/2018 về vụ việc xảy ra với bà Petra Schlagenhauf :

"Chúng tôi đã ngay lập tức liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng phía Việt Nam vẫn giữ quyết định đó. Chúng tôi không rõ nguyên do vì sao. Đại sứ Việt Nam đã bị mời đến trụ sở Bộ Ngoại giao Liên bang để nói chuyện về việc này".

**********************

"Không hy vọng phiên tòa xử ông Thanh đúng luật" (BBC, 07/01/2018)

Một luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức nói với BBC rằng việc nhà cầm quyền Việt Nam ngăn chặn bà nhập cảnh nước này hôm 04/01/2018 là một 'hành động bất hợp pháp' và rằng đó là 'bằng chứng' cho thấy thân chủ của bà không có một phiên tòa 'đúng luật' và 'tôn trọng pháp quyền'.

toa3

Bà Petra Isabel Schlagenhauf, Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức

Trả lời BBC tiếng Việt hôm 07/01/2018 sau khi về tới Cộng hòa liên bang  Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf, cho hay :

"Tôi đến sân bay Hà Nội vào ngày 04/01/2018, vào lúc 19h20 theo giờ địa phương.

"Tôi tới bộ phận kiểm soát xuất nhập cảnh, nhận được dấu đóng thị thực cho 15 ngày (theo quy chế hợp lệ với công dân Đức), nhưng khi hộ chiếu của tôi được đặt trên máy tính, tôi được yêu cầu đi tới một quầy xuất nhập cảnh lớn hơn, sau đó mất khoảng 20 phút tới nửa tiếng, tôi nhận thấy rằng sẽ có vấn đề.

"Tôi nhiều lần yêu cầu giải thích, nhưng không nhận được bất cứ giải thích nào từ các viên chức ở đó. Tôi nghe thấy một lời bình luận bằng tiếng Việt "Đây là luật sư của Thanh".

"Trong suốt toàn bộ thời gian này, hộ chiếu của tôi bị giữ lại, và thẻ lên máy bay từ Bangkok đến Hà Nội của tôi cũng thế. Trong lúc chờ đợi, tôi nói chuyện với Đại sứ quán của tôi, để thử xem liệu Đại sứ quán có thể làm được một điều gì đó".

'Vi phạm vào điều nào ?'

Luật sư Petra Schlagenhauf cho hay bà đã được chuyển cho một văn bản từ phía các viên chức Việt Nam tại cửa khẩu ở sân bay, sau khi đã nhiều lần yêu cầu cho biết lý do vì sao không được nhập cảnh, bà cho BBC tiếng Việt biết thêm chi tiết :

"Tôi được trao cho, nhưng chỉ là sau khi tôi yêu cầu, một văn bản (protocol) nói rằng việc nhập cảnh của tôi đã bị từ chối vì "Điều 21" ; tôi đoán rằng đó là theo luật nhập cảnh của Việt Nam.

"Tôi thấy rằng tôi không rơi vào bất kỳ trường hợp nào quy định trong Điều luật đó.

"Sau đó, tôi được đưa trở lại chiếc phi cơ mà đã bị chậm giờ một chút vì lý do này. Hộ chiếu của tôi đã được trao cho cơ trưởng của phi cơ (Thái Lan).

"Trên máy bay, tôi nhận được thông báo từ Đại sứ quán rằng Đại sứ Đức đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và được nghe rằng việc nhập cảnh của tôi không được phép cho tới tận ngày hôm sau.

"Rõ ràng, hành động bất hợp pháp này từ nhà cầm quyền Việt Nam một lần nữa là bằng chứng cho tôi thấy rằng không có một phiên tòa xét xử thân chủ của tôi mà được tiến hành theo đúng luật và tôn trọng pháp quyền", Luật sư người Đức đưa ra bình luận trên quan điểm riêng của bà với BBC Tiếng Việt.

Liên quan đến diễn biến trên, một người phát ngôn cho Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Sáu 5/01/2018 đã xác nhận với BBC Tiếng Việt về vụ việc xảy ra với bà Petra Schlagenhauf :

"Chúng tôi đã ngay lập tức liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng phía Việt Nam vẫn giữ quyết định đó. Chúng tôi không rõ nguyên do vì sao. Đại sứ Việt Nam đã bị mời đến trụ sở Bộ Ngoại giao Liên bang để nói chuyện về việc này".

Được biết, các công dân Đức theo quy định hiện hành của Việt Nam, được phép vào nước này với thời hạn không quá 15 ngày "không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh", miễn là "đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật".

BBC chưa có dịp liên hệ với các cơ quan hữu trách của Việt Nam trong dịp cuối tuần để tìm hiểu quan điểm và phản ứng của phía Việt Nam về vụ việc. Tuy nhiên, theo Điều 21 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, có 9 trường hợp giới chức "chưa cho nhập cảnh".

Nếu bà luật sư người Đức bị từ chối theo Điều 21 nêu trên, thì lý do duy nhất có thể khả dĩ áp dụng là theo nội dung khoản 9, "vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội".

Người có thẩm quyền ra quyết định "chưa cho nhập cảnh" đối với trường hợp trên cũng như gỡ bỏ quyết định đó phải là Bộ trưởng Công an hoặc Bộ trưởng Quốc phòng, luật hiện hành quy định.

Luật nhập cảnh, xuất cảnh hiện hành nói trên ở Điều 21 qui định 9 khoản như sau với những trường hợp chưa cho nhập cảnh :

1. Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này ;

2. Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng ;

3. Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú ;

4. Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng ;

5. Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực ;

6. Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực ;

7. Vì lý do phòng, chống dịch bệnh ;

8. Vì lý do thiên tai ; và

9. Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

'Có thể tiên đoán được'

Bình luận với BBC tiếng Việt trong một phỏng vấn cuối tuần này về diễn biến vừa xảy ra với luật sư Schlagenhauf ở Việt Nam, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà phân tích chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học George Mason nói :

"Đây cũng là tình trạng bình thường, nên nhớ nhiều vụ xử của Việt Nam, họ xử kín không cho báo chí vào, thành ra vụ bà Schlagenhauf sang, họ chặn lại thì có thể tiên đoán được, không có gì là rắc rối, khó hiểu cả, tại vì họ sợ bà sang sẽ làm ồn ào ;

"Bà có thể làm rùm beng lên, làm cho người ta khó xử, họ sẽ bị phản tuyên truyền về vụ xử này, thành ra bà bị cho về, có thế thôi", nhà nghiên cứu nói với BBC từ Hoa Kỳ.

Còn theo nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp, thì một trong các lý do mà do đó, Luật sư người Đức không được phép nhập cảnh vào Việt Nam là vì Việt Nam chưa cho phép luật sư người nước ngoài tham gia quá trình tố tụng ở nư này, ông nói :

"Cho đến hiện nay người ta không cho phép một pháp nhân nước ngoài tham gia vào quá trình tố tụng ở Việt Nam.

"Nói nôm na là không có chuyện thầy cãi nước ngoài được cho vào Việt Nam để cãi cho thân chủ người Việt Nam được.

"Thậm chí vào Việt Nam để cãi cho công dân của họ ở Việt Nam cũng không được", nhà nghiên cứu đưa ra bình luận hôm 06/01/2017 với BBC tiếng Việt từ quan điểm riêng.

***********************

Trịnh Xuân Thanh nộp tiền ‘khắc phục hậu quả’ trước phiên xử 8 tháng Giêng (Người Việt, 06/01/2018)

Trước phiên tòa sẽ diễn ra ngày 8 tháng Giêng, mẹ ruột ông Trịnh Xuân Thanh đến nộp 2 tỷ đồng (gần 88.000 USD) tại Cục Thi Hành Án Dân Sự thành phố Hà Nội nhằm "khắc phục hậu quả", theo báo Tiền Phong.

toa4

Ông Trịnh Xuân Thanh. (Hình : Tuổi Trẻ)

Tờ báo cho biết thêm : "Ngày 4 tháng Giêng, mẹ ông Thanh vào trại tạm giam thăm ông Thanh, tại đây ông Thanh nói với mẹ mình là với trách nhiệm là người đứng đầu doanh nghiệp ở cương vị chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) lúc đó, ông Thanh đã đồng ý và đề nghị gia đình tự nguyện tạm thời khắc phục số tiền nhà nước bị chiếm đoạt xảy ra tại PVC".

Trong phiên tòa mở ngày 8 tháng Giêng và dự kiến kéo dài đến ngày 21 tháng Giêng tới đây, ông Thanh bị truy tố cả hai tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".

Trong một diễn biến khác, báo Zing cho biết hai trong số các luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh "xin rút trước ngày xét xử".

Báo này dẫn lời một trong hai người, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang giải thích bà và đồng nghiệp rút khỏi danh sách bào chữa do "thời gian tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ tài liệu quá ngắn, không bảo đảm để bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh tốt nhất". Luật sư này nói rằng "Từ hôm tiếp cận hồ sơ đến khi xét xử, các luật sư chỉ có 12 ngày tính cả cuối tuần và ngày nghỉ lễ".

Báo VnExpress tường thuật, phiên tòa xử ông Thanh và ông Đinh La Thăng cũng như các đồng phạm khác "là trường hợp đầu tiên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội không có vành móng ngựa do Hội Đồng Xét Xử áp dụng thông tư mới".

"Các bị cáo sẽ có chỗ ngồi riêng, bên dưới luật sư bào chữa và đại diện cơ quan công tố. Trong khi trả lời thẩm vấn, các bị cáo sẽ đứng trước bục hoặc bàn. Những người tham gia tố tụng khác có thể đứng tại chỗ để khai báo. Về mặt nội dung, tòa sẽ phát huy hơn quyền tranh tụng tại phiên xử, bảo đảm quyền con người tốt hơn cho các bị cáo", báo này viết.

Cũng liên quan phiên tòa diễn ra ngày 8 tháng Giêng, tờ Die Spiegel của Đức cho hay luật sư Petra Schlagenhauf của ông Trịnh Xuân Thanh bị nhà cầm quyền Việt Nam "không cho nhập cảnh tại phi trường Nội Bài hôm 4 tháng Giêng".

Bà Schlagenhauf được hiểu là muốn đến Hà Nội với tư cách quan sát viên của phiên tòa. Và dù Bộ Ngoại Giao Đức đã can thiệp nhưng phía Việt Nam vẫn giữ nguyên quyết định cấm nhập cảnh đối với nữ luật sư từng lo hồ sơ tị nạn cho ông Thanh tại Đức trước khi vụ bắt cóc xảy ra.

Trang tin DW.com ghi nhận Việt Nam "không cho phép phóng viên nước ngoài dự phiên tòa". (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 680 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)