Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/01/2018

Án phạt vụ PVN, gái gọi Hà Nội, tự do cá nhân

Tổng hợp

Mức án 14 – 15 năm đối với Đinh La Thăng là nhẹ, vừa hay nặng ? (CaliToday, 13/01/2018)

Không khí ban đầu sau khi Viện Kiểm sát tối cao đề nghị mức án 14 – 15 năm đối với cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng là nhiều quan chức bị bất ngờ, có người còn choáng váng và nói "nghe mà xây xẩm cả mặt mày".

Một cựu quan chức ở Sài Gòn tỏ vẻ bàng hoàng : "Mới ngày nào gặp ông Thăng ở đám cưới, cụng ly chúc tụng nhau ào ào. Vậy mà giờ này đã thấy ở trong tù. Thời buổi này không biết đường nào mà tính. Trước người ta nói khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ biết mới sống. Còn bây giờ thì biết nhiều quá cũng chết…".

Trước đó, ngay cả một số luật sư quen bào chữa cho những quan chức dính án cũng cho rằng Tổng bí thư Trọng sẽ "giơ cao đánh khẽ", vì dù gì Đinh La Thăng cũng từng là một ủy viên bộ chính trị và do đó ông Trọng phải giữ được thể diện cho tổ chức siêu bộ này.

Một yếu tố khác để làm căn cứ khi dự đoán mức án đối với Đinh La Thăng là vụ án Năm Cam vào năm 1995. Tại vụ án tuy thể hiện băng nhóm xã hội đen nhưng lại mang tính tài phiệt và can thiệp thẳng vào hệ thống chính trị gây chấn động này, khá nhiều quan chức đã bị "dính sâu". Tuy nhiên, mức án cao nhất về tội nhận hối lộ của gia đình Năm Cam cũng chỉ là 10 năm tù đối với Trần Mai Hạnh – Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Nhà báo Việt nam, 6 năm tù đối với Phạm Sĩ Chiến – Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, 4 năm tù đối với Bùi Quốc Huy – Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh…

So với tội trạng rất rõ ràng của những quan chức trong vụ án Năm Cam, tội "cố ý làm trái…" của Đinh La Thăng được cho là nhẹ hơn. Hơn nữa, "vụ án tham ô, cố ý làm trái gây thiệt hại 119 tỉ đồng cho Tập đoàn dầu khí PVN" mà Hội đồng xét xử dùng để quy tội cho Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đã khiến nhiều dư luận ngạc nhiên vì tính thiếu thuyết phục của con số 119 tỷ đồng này. Một trong những luật sư bào chữa cho vụ án Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh là Nguyễn Văn Quynh đã cho rằng con số 119 tỷ đồng đó chỉ là "lãi suất tưởng tượng", hàm ý Hội đồng xét xử cũng "tưởng tượng" là tội trạng của Thăng và Thanh.

Đó đây trên các diễn đàn mạng xã hội, người ta đã nói đến khái niệm "quan oan" đối với Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, sau phần đề nghị mức án 14 – 15 năm đối với Đinh La Thăng và án chung thân đối với Trịnh Xuân Thanh. Cho dù ai cũng biết tỏng là Thăng và Thanh rất có thể đã "ăn đậm" ở nhiều vụ khác.

dlt1

Bị cáo Đinh La Thăng rời khỏi tòa sau ngày xét xử thứ 4 với nụ cười rất tươi, sau khi đại diện Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội đề nghị mức án 14-15 năm tù. Ảnh : Cafef

Nhưng vào lúc này, bất kể dư luận và phản ứng ra sao, có vẻ tình hình kết án đối với Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh sẽ khó mà thay đổi.

Phía sau các mức án mà Viện Kiểm sát tối cao nêu ra, ai cũng biết đó là "chỉ đạo án" từ cấp Bộ Chính trị, đặc biệt từ Tổng bí thư Trọng.

Với các mức án chỉ đạo trên, một sự thật là ông Trọng đã không chỉ phá vỡ tiền lệ "ủy viên bộ chính trị không thể bị khởi tố và tống giam", mà còn phá vỡ luôn tiền lệ "quan chức ccao cấp không thể bị xử án nặng" trước đây. Chỉ với tội "cố ý làm trái…" mà Đinh La Thăng đã bị đến 14 – 15 năm tù, thử hỏi nếu quan chức nhận hối lộ và tham ô thì thời gian "bóc lịch" sẽ khủng khiếp đến thế nào !

Cũng rõ là Tổng bí thư Trọng đã như thể "lột xác" kể từ tháng Mười Một năm 2017, đặc biệt sau cuộc gặp với Tập Cận Bình của Trung Quốc vào ngày 12/11/2017. Gần một tháng sau cuộc gặp vừa lộ diện vừa cực kỳ bí mật đó, cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng đã bị còng tay. Và đúng hai tháng sau cuộc gặp đó, Đinh La Thăng đã phải đối diện với một mức án nặng chưa từng có đối với một quan chức cấp cao.

"Quy trình" đối với Đinh La Thăng lại như rập khuôn cách thức mà Tập Cận Bình đã xử Bạc Hy Lai – ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư Trùng Khánh – vào năm 2012 và 2013. Trước đó, Bạc Hy Lai đã trở thành một ngôi sao chính trị trên chính trường Trung Quốc.

Bạc Hy Lai đã bị cách chức, sau đó bị khởi tố và bắt giam, cuối cùng đã phải nhận án chung thân.

Còn sắp tới, Đinh La Thăng còn phải kinh qua ít nhất một vụ án nữa : vụ 800 tỷ đồng của PVN gửi vào Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm mà số tiền này đã không cánh mà bay. Khả năng phiên tòa xử vụ án này sẽ được mở ngay sau vụ 119 tỷ đồng. Nếu bị phát hiện có tham nhũng đối với số tiền 800 tỷ đồng trên, Đinh La Thăng sẽ có thể phải nhận một mức án nặng hơn cả 14- 15 năm của tội "cố ý làm trái…", để cộng dồn hai mức án này thì tổng mức án sẽ khó mà dưới 30 năm tù, thậm chí Đinh La Thăng còn có thể phải nhận án chung thân như Bạc Hy Lai.

Thiền Lâm

*************************

Chuyện về 2 con đường ở Hà Nội : Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng (VNTB, 13/01/2018)

Trong khi con đường Nguyễn Chí Thanh bị tước danh hiệu, thì đường Trần Duy Hưng lại giữ vững danh hiệu – và có lẽ nó sẽ kéo dài đến vài năm, vài chục năm gắn liền với cụm từ ‘gái gọi Trần Duy Hưng’.

dlt4

Gái gọi 'Trần Duy Hưng' - 'đặc sản Hà Nội'

Mỗi con đường ở Việt Nam thường đặt cho một người có công với quốc gia, chế độ. Đường rộng hay hẹp, chính hay phụ thường gắn liền với tính phụ thuộc của chính thể quốc gia đó.

Như Nguyễn Huệ, từ thời Việt Nam Cộng Hòa cho đến Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều được đặt trên những tuyến đường chính gắn liền với tòa làm việc của cấp thành phố.

Tại Hà Nội, có hai con đường nổi tiếng đến mức hầu như ai đến Hà Nội cũng từng phải đi qua một lần. Đó là đường Nguyễn Chí Thanh và đường Trần Duy Hưng.

Cả hai con đường tiếp giáp với nhau, và cùng nằm trong địa phận quận Đống Đa (Hà Nội).

Nếu con đường mang tên tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam nổi danh thời chiến được mệnh danh là con đường đẹp nhất Hà Nội vào năm 2001-2002 và tắc nhất vào thời điểm những năm trở lại đây ; thì đường mang tên Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên và lâu nhất Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Trần Duy Hưng lại là nơi cung cấp gái gọi nổi tiếng nhất Hà Nội cho đến tận bây giờ.

Cả hai con đường không hẹn mà gặp ở chữ ‘đẹp’, dù hàm ý chứa đựng là khác nhau.

Nếu một bên ‘đẹp’ về kiến trúc, thì bên kia ‘đẹp’ mang tính chất ô uế hơn nhiều.

Nhưng vào những ngày đầu tiên của năm 2018 đã có một sự chuyển động lạ. Đó là con đường đẹp nhất Việt Nam sẽ bị ‘tước danh hiệu’ vì thành phố sẽ ‘cắt xén’ dải phân cách có bề ngang 20m để ‘chống ùn tắc giao thông’. Không ai có thể nghĩ rằng, con đường rộng và đẹp này sẽ có một thời điểm mất danh hiệu như vậy, nhiều người hiểu rằng, tắc đến từ lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến đường càng ngày càng nhiều, nhưng nhiều người khác hiểu hơn rằng, một trong những nguyên do là ngày càng nhiều tòa chung cư ‘chọc trời’ thi nhau mọc lên bên tuyến đường này.

Trong khi con đường Nguyễn Chí Thanh bị tước danh hiệu, thì đường Trần Duy Hưng lại giữ vững danh hiệu – và có lẽ nó sẽ kéo dài đến vài năm, vài chục năm gắn liền với cụm từ ‘thiên đường gái gọi’.

Một bên bị tước, một bên ‘xuất sắc’ giữ bằng được danh hiệu. Cả hai tưởng chừng như đối nghịch nhưng thực ra đều gặp nhau ở nguyên nhân gốc : trình quản lý yếu kém.

Đặt giả định rằng công tác quản lý không yếu kém, thì sẽ không có quá nhiều tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại mọc lên án ngữ đường Nguyễn Chí Thanh, Đê La Thanh, Huỳnh Thúc Kháng,…Và đường mang tên vị tướng này sẽ không phải bị xén dải phân cách vào đầu năm 2018.

Và nếu quản lý không yếu kém, thì đường Trần Duy Hưng sẽ không phải là nơi trú ấn hàng trăm ngàn cô gái phục vụ nhu cầu sex đến mức công khai như hiện nay. Đến mức, ai tình cờ đi ngang con đường này từ lúc 22h đêm trở đi, sẽ có những thanh niên với chiếc xe cà tàng không mũ bảo hiểm với gọi : ‘chơi gái không anh’.

dlt5

Xe cơ giới vẫn ngày đêm đào xới để cắt xén dải phân cách trên con đường từng được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam - Nguyễn Chí Thanh.

Sự yếu kém trong quản lý, hay đúng hơn là thả nổi về mặt quản lý nhà nước của các cơ quan ban ngành có trách nhiệm đã biến sự vinh danh về mặt lý thuyết trở thành một sự yếu kém, xen lẫn ô nhục.

Có lẽ, đến khi sống lại, ông Nguyễn Chí Thanh hay Trần Duy Hưng sẽ không hiểu hậu thế đã ứng xử tệ hại với mình như thế nào qua cách thức thả nổi quản lý như thế. Và liệu một ai đó trong gia đình những người được đặt tên đường có cảm thế buồn khi con đường từng ‘đẹp nhất Việt Nam’ nay đã trở thành dĩ vãng – thay vào đó là con đường ‘tắc nghẽn’ đầy kinh hoàng trên bản đồ giao thông, hay tên của cha ông họ bị ới lên trong đêm gắn liền với giải quyết nhu cầu sinh lý như thế ?.

Hà Nội – cái nôi của quốc gia, đáng lẽ ra sẽ là một nơi tốt hoặc đi đầu về mọi mặt, đặc biệt quản lý, nhưng giờ đây, lại là nơi thể hiện đầy đủ sự chắp vá, yếu kém, và có phần thả nổi về mặt quản lý giao thông, hạ tầng, lẫn con người xã hội.

Liệu đó có phải là đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến ? Hay từ lâu, cái ‘văn hiến’ đã bị thay thế bằng một sự ‘chộp giật’ trên nền tảng ‘giật chột’ ?

Ánh Liên

******************

Khi an ninh quốc gia mâu thuẫn với tự do cá nhân (VNTB, 13/01/2018)

Mỗi cá nhân trong xã hội đều muốn thông tin của mình chưa trong các thiết bị và các tài khoản internet được an toàn, tất nhiên kể cả dân thường lẫn những người có xu hướng đối lập. Trong khi đó, chính phủ thì luôn muốn kiểm soát những tư tưởng đối lập trong xã hội, nhân danh an ninh quốc gia. Chính vì vậy giữa người dân và chính phủ luôn luôn có những mâu thuẫn.

Các quốc gia cộng sản còn lại trên thế giới, tiêu biểu như Trung Quốc và Việt Nam kiểm soát nghiêm ngặt tự do điện tử của công dân. Cả thế giới lên án công an, mật vụ của hai chế độ này xâm nhập trái phép vào tài khoản điện tử Internet của công dân, tịch thu thiết bị kỹ thuật số của công dân bất hợp pháp. Nhưng cho đến khi biết được kể cả Hoa Kỳ- xứ sở dân chủ cũng có chuyện chính phủ xâm nhập vào tài khoản của dân thường thì cách lý luận chung lại phải thay đổi lần nữa. Nếu chính phủ xâm nhập tài khoản công dân một cách lặng lẽ thì đó coi như đột nhập tư gia bất hợp pháp. Còn nếu chính phủ không xâm nhập vào tài khoản của công dân thì tất cả người dân sẽ đều vui mừng, nhưng còn băng nhóm khủng bố thì sao ? Các nhóm khủng bố cũng rất vui mừng nếu thấy chính phủ ngồi yên cho công dân muốn làm gì thì làm.

dlt6

Ảnh minh họa

Câu chuyện cạnh tranh giữa NSA và EFF là ví dụ tường minh cho thấy mâu thuẫn không thể cứu vãn được giữa hai quyền lợi trên. Tổng thống Hoa Kỳ thành lập cơ quan NSA để bí mật giải mã tất cả những cuộc điện đàm, nhắn tin mà họ nghi ngờ là có hành vi trái pháp luật. Đến khi NSA bị phát giác là theo dõi và nghe lén quá nhiều người, và không ít người trong số đó có vai vế quan trọng trong xã hội Mỹ thì làn sóng chống tổ chức này dâng cao. Phản đối NSA cũng là phản đối ngành tình báo, cho rằng nhà nước Mỹ trở lại làm nhà nước cảnh sát. EFF – Electronic Frontier Foundation – là tổ chức Biên giới điện tử bảo vệ cho tự do cá nhân. Tổ chức này khui ra hàng trăm ngàn vụ việc theo dõi con người trái phép, cổ vũ cho sự ra đời của những phần mềm/ứng dụng nghe gọi bí mật, làm sụp đổ có khi là cả thế giới tình báo, không chỉ ngành tình báo của Hoa Kỳ mà có khi cả khối tình báo Tây phương. Chẳng hạn, Anh quốc bắt được tên khủng bố nhưng không thể biết được Whatsapp trong Smartphone của tên khủng bố có những gì, đã gửi những gì, cho ai. Mà việc cấm những ứng dụng như Whatsapp để cấm người không đàng hoàng dùng là không thể, vì đã quá nhiều người đàng hoàng dùng ứng dụng này, lại có chứng nhận an toàn của những hãng như Apple nữa. Cả cơ quan nghe lén của chính phủ lẫn cơ quan chống nghe lén của dân thường đều đã có những thành tựu mà bên kia đều không thể đột nhập, và các tổ chức khủng bố thì ngư ông đắc lợi, thừa hưởng thành tựu của cả dân thường lẫn chính phủ. Bất kỳ thành tựu gì mà người ta có thì chẳng mấy chốc cũng có trên bàn làm việc những tổ chức khủng bố.

dlt7

Ảnh minh họa

Một chút tinh vi về kỹ thuật thôi đã gây mâu thuẫn như vậy, nếu một chút tinh vi về luật pháp thì sao ? Ví dụ có thực sau sẽ trả lời cho câu hỏi đó : Có một nam thanh niên ở Hà Nội sinh hoạt trong một đoàn thể tôn giáo chưa có giấy phép, bị công an giải đi về đồn. Công an đòi thanh niên đó mở điện thoại ra để khám xét. Người thanh niên đó trả lời :

Nếu anh mở ra mà có gì phạm pháp thì cho anh bắt. Còn nếu không có gì phạm pháp thì anh chết với tôi nhé ?

Ông cảnh sát ngẩn người ra, không biết trả lời thế nào ngay lúc đó, vì ông này cũng là người và cũng sợ chết. Ông cảnh sát đành phải trả điện thoại cho người thanh niên và không dám hỏi thêm câu nào nữa. Đưa cớ an ninh quốc gia ra để xâm nhập vào tài sản của người khác, dù là thiết bị cứng hay tài khoản ảo thì cũng đã là vi phạm tự do cá nhân. Người thanh niên đó biết rõ sức mạnh của các giá trị nhân quyền, cho nên mới bảo vệ được tự do thông tin của mình.

Kiều Phong

Quay lại trang chủ
Read 732 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)