'Ma tù' và 'ma tự do' trong quy chiếu nhà hoạt động nhân quyền (VNTB, 17/01/2018)
Họ đấu tranh để phá vỡ cái khung sắt đó, không chỉ cho người thân, bè bạn, mà cả cho thế hệ tương lai. Và họ chấp nhận sự hy sinh trong đấu tranh đó như một sự mặc nhiên nhất về mặt tư tưởng.
Ma tự do hay ma tù ?
Cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Nếu có chết thì là ma tự do, không phải ma tù.
Nhiều người nhận định ông Đinh La Thăng ‘hèn’. Nhưng nếu xét đến tận cùng, thì nó thuộc về bản ngã của một con người, là nhu cầu muốn tìm thấy. những giá trị mà họ nhận ra mình đã mất.
Ba sắc thái hoàn toàn khác nhau dù địa điểm đứng là Tòa án. Sự ủ rũ, yếu đuối của ông Đinh La Thăng (áo đen) và Trịnh Xuân Thanh (áo xanh) đối lập với vẻ hiên ngang, kiên cường của Mẹ Nấm (áo xám)
Tạm rời ông Thăng, chúng ta có thể tìm đến Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), người từng tuyên bố, không hối hận khi lựa chọn con đường khiến cô phải ở tù mất hơn 1 thập niên.
Dễ dàng nhận ra sắc thái ‘hối hận’ giữa một người từng có quyền cao chức, và bên còn lại là sắc thái 'không hối hận' của một nhà hoạt động nhân quyền, đó là một hình ảnh sắc nét mang tính tương phản về thái độ đối với con đường đã chọn.
Mẹ Nấm và những nhà hoạt động khác, mà gần nhất là Nguyễn Văn Oai từng nhiều lần vào tù, ra tội. Nhưng họ vẫn tiếp tục theo đuổi chính cái con đường đã khiến họ mất mát tuổi xuân, gia đình, và những thứ giá trị mà một người bình thường được hưởng.
Họ đánh đổi sự tự do để đổi lấy nhà tù. Đúng hơn, họ chọn là ma tù hơn là ma tự do.
Điều gì đang xảy ra ?
Với những nhà hoạt động, mục tiêu sống của họ chính là tự do, dân chủ, và nhân quyền – thứ mà đối với chế độ hiện thời là sự giam hãm vào một lồng sắt mang tên ‘thể chế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’. Do vậy, đối với họ, tù nào cũng như nhau, giữa tù đời và tù giam nó vẫn có mẫu số chung là 'tước đoạt sự tự do'.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, trong tác phẩm tự kể của mình (Hậu chuyện kể năm 2000 – Thời biến đổi gien) đã chia sẻ. Khi ông ra tù vào tháng 4/1973, và chứng kiến cảnh tượng đời sống nhân dân bị bần cùng hóa, một người tên là Nguyên Bình đã nghiêm mặt bảo ông : ‘Cuộc sống này gần với cuộc sống loài vật. Đâu phải cuộc sống con người’.
Đến nay, ‘cuộc sống loài vật’ dù có sự thay đổi về mặt hình thức, thì bản chất nó vẫn tồn tại như vậy, và chính từ đây, mà ngày càng nhiều từ bỏ đảng cầm quyền, từ bỏ cuộc sống cá nhân, hy sinh cả gia đình và tuổi thanh xuân để đi vào con đường đấu tranh.
Họ đấu tranh để phá vỡ cái khung sắt đó, không chỉ cho người thân, bè bạn, mà cả cho thế hệ tương lai. Và họ chấp nhận sự hy sinh trong đấu tranh đó như một sự mặc nhiên nhất về mặt tư tưởng.
Và họ không sợ giam cầm !
Nếu như họ chết rũ trong tù, thì họ chắc chắn sẽ tin hơn nhiều về những thế hệ đấu tranh nhân quyền tiếp theo nối tiếp con đường của họ, và khi là ‘ma tù’, họ cũng đã trở thành một ‘ma tự do’ trên cơ sở lương tâm về quyền con người.
Tự do đấu tranh, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do lập hội,… Tự do để nói về những vấn đề thuộc về một nhà nước tự xưng ‘của dân, do dân, vì dân’ ; tự do lên tiếng về những cái chết liên quan đến thảm họa môi trường ; tự do phản kháng về những cái chết kỳ dị xảy ra trong đồn công an ; và tự do để biết một giá trị phổ quát của nhân loại là gì.
Do đó, không giống như ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh,… hay hàng tá những quan chức cấp cao khác một thời hét ra lửa nhưng đến khi đứng trước vòng móng ngựa lại co rúm và khóc lóc ỉ ôi nhằm 'giảm án'. Những nhà đấu tranh như Mẹ Nấm, Nguyễn Quốc Văn Oai, Trần Thị Nga,… lại luôn tỏ ra kiên cường, không run rầy, và đối diện với những bản án tù như một điều tất yếu. Và bản án không chỉ làm nổi bật tính cách đáng trân trọng và nể phục của những nhà đấu tranh nhân quyền ; mà còn làm rõ sự yếu hèn và thô lậu với sự chối bỏ trách nhiệm, trốn trách, diễn bi thương để lấy nước mắt dư luận của những quan chức thời nay.
Năm 2017, năm của sự bắt bớ, giam hãm và đánh đập những nhà đấu tranh dân chủ, những nhà hoạt động nhân quyền. Nhưng đúng như đã đề cập, tù giam không phải là sự lựa chọn, nhưng nó là sự tất yếu mà những nhà đấu tranh đã thừa nhận trước đó. Và trong cái không khi có phần oai bức, nồng nặc sự đe dọa đó, những nhà đấu tranh vẫn ngẩng cao đầu khi bước vào nhà tù nhỏ.
‘Dù hai nhà tù đều giống nhau
Chỉ khác là Nỗi sợ đốn hèn và Bất khuất hiên ngang
Anh hiên ngang chọn vào nhà tù nhỏ
Anh dũng cảm chọn vào nhà tù nhỏ
Xà lim neo sâu vào Đêm trắng
Trả giá Tự do bằng chính đời yên ấm bên ngoài’
(Thơ của Nguyễn Hữu Viện)
Và đó là lý do vì sao Bùi Hằng, một nhà đấu tranh cho sự mở rộng quyền con người ở Viêt Nam khi ra tù vào tháng 2.2017 đã tự hào và khẳng khái tuyên bố rằng : Tôi đã tốt nghiệp khóa đào tạo tranh đấu tại nhà tù của cộng sản.
Ánh Liên
*******************
Ông Thăng xin tại ngoại giữa lúc nhiều người ‘thông cảm’ (VOA, 16/01/2018)
Ông Đinh La Thăng hôm 16/1 kiến nghị tòa cho được tại ngoại, theo tin tức trên báo chí trong nước. Xung quanh thời gian này, xuất hiện nhiều ý kiến "thông cảm" với ông Thăng, kể cả một trang Facebook kêu gọi giảm án cho ông với hàng chục nghìn người ‘thích’.
Ông Đinh La Thăng mới đây xin tòa cho tại ngoại
Tin cho hay ông Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, nói với tòa rằng bản thân ông cũng như các bị cáo khác "không gây nguy hiểm cho xã hội" và "không cần thiết phải bị tạm giam". Ông đã kiến nghị cơ quan tố tụng cho ông được tại ngoại.
Kể từ ngày 8/1 đến nay, ông Thăng bị xét xử về tội "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong thời gian là chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).
Ông đối mặt mức án lên đến 15 năm tù do bị cáo buộc đã gây ra thiệt hại hơn trăm tỷ đồng khi "chỉ định thầu" cho Tổng công ty PVC, một thành viên thuộc PVN, được thực hiện dự án một nhà máy nhiệt điện.
Trong phiên tòa sáng 16/1, ông Thăng khẳng định bản thân "không hưởng lợi gì" từ việc chỉ định thầu.
Báo chí Việt Nam không tường thuật phía tòa án đã đáp lại kiến nghị của bị cáo Đinh La Thăng như thế nào.
Trước đó ít ngày, một trong những người bào chữa cho ông Thăng, luật sư Lê Văn Thiệp, mô tả lại trên Facebook cá nhân rằng hôm 13/1, ông Thăng đã có lời tự bào chữa dài gần 2 tiếng, "lấy đi nước mắt của 95% những người ngồi trong phòng xử án".
Theo vị luật sư, thân chủ của ông đã "xin lỗi nhân dân" song cũng cho rằng đã mắc các sai phạm là do "thiếu hành lang pháp lý" của nhà nước đối với việc thí điểm các tập đoàn.
Bên cạnh đó, cựu chủ tịch PVN cũng viện dẫn hoàn cảnh gia đình và bệnh tật của bản thân để kêu gọi tòa xem xét mức án "phù hợp, nhân văn".
Từ khi phiên tòa mở ra cho đến những ngày gần đây, khá nhiều luật sư, nhà báo và những người tự nhận là "bạn" của ông Thăng đã bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội cho rằng ông là "nạn nhân" của cơ chế.
Diễn biến mới nhất thu hút sự chú ý nhất định là việc ra đời trang Facebook có tên "Cần 10 triệu người dân xin giảm án cho ông Đinh La Thăng" hôm 14/1. Chỉ sau 2 ngày, ở thời điểm tối 16/1, fanpage này đã có hơn 92.000 người "thích" và hơn 94.000 người "theo dõi".
Một trang Facebook kêu gọi ủng hộ giảm án cho ông Đinh La Thăng xuất hiện hôm 14/1/2018
Nhà hoạt động vì dân chủ Phạm Đoan Trang đã dành thời gian tìm hiểu thông tin của người quản lý hay thường gọi là admin của fanpage, cũng như các nội dung thảo luận. Bà nói với VOA suy đoán của bà rằng admin là người "trẻ", "có lẽ không học cao lắm" và "không suy nghĩ duy lý".
Theo bà, nên xem fanpage như một biểu hiện về quyền bày tỏ ý kiến :
"Nhiều người có thể than phiền là có hiện tượng là đám đông ở Việt Nam thì ngu dốt hay gì đấy. Facebook kiểu như vậy thì đông người like, đông người hưởng ứng, nhưng những người đó lại không có ảnh hưởng lắm. Facebook page này cũng là thể hiện tự do ngôn luận thôi".
Ông Hoàng Dũng, người tích cực cổ súy cho sự tiến bộ ở Việt Nam, nhận xét với VOA rằng cần thận trọng khi nhìn vào các con số đó vì chúng có thể là "ảo" nhờ việc "mua like, mua follow". Mặc dù vậy, ông Dũng cho rằng đây là "hiện tượng thú vị".
Ông lý giải việc có đông người tỏ ý đứng về phía ông Đinh La Thăng :
"Ngay kể cả những người tạm coi là rất hiểu biết về vấn đề, người ta vẫn có quan điểm là ‘làm được thì ăn được’. Thế thì chính những quan điểm như vậy từ những người nhận thức tốt, thì tôi cho rằng những người nhận thức thấp hơn một chút thì người ta ủng hộ ông Đinh La Thăng cũng không có gì lạ lắm".
Nhìn ở một góc độ khác, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang lưu ý đến khía cạnh "con người" trong thái độ thiện cảm của nhiều người dành cho bị cáo Đinh La Thăng :
"Cách đây 2, 3 năm, khi ông Đinh La Thăng nổi lên, nói chung ông ấy tạo luồng không khí mới trong nền chính trị vốn đã già cỗi, bưng bít và lạc hậu, thủ cựu. Tôi nghĩ họ không ủng hộ tham nhũng hẳn đâu, mà có những người ủng hộ vì đơn giản họ thích con người đó, thích cá nhân Đinh La Thăng. Họ thấy thà rằng tham nhũng cũng được nhưng ông ấy còn ‘đáng yêu’ hơn cái kiểu trong sạch, thanh liêm như kiểu Nguyễn Phú Trọng".
Với diễn biến dù chỉ là trên mạng xã hội như vậy, bà Trang bình luận đây là một "kết cục buồn cười" khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng muốn thể hiện sự kiên quyết chống tham nhũng, nhưng người bị đem ra xét xử là ông Đinh La Thăng lại được nhiều người dân "ủng hộ, ca ngợi".
Trước những luồng ý kiến theo chiều hướng "vận động" giảm tội cho ông Thăng, báo Giáo dục Việt Nam sáng ngày 16/1 đăng một bài dài với tít "Thôi đừng bênh vực ông Đinh La Thăng nữa !"
Bài báo trích lời Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói rằng "Không thể nào lấy cái tình, cái lý để lấn át luật pháp được"
Vị đại biểu cho rằng cần tách bạch giữa công và tội của bất cứ ai, không thể "lấy cái công để lấp đi cái tội".
Ông Hòa nói việc ông Đinh La Thăng để xảy ra thất thoát lớn tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là một hậu quả "rất nghiêm trọng" và ông Thăng phải chịu trách nhiệm về điều đó.
Người cũng giữ cương vị Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu với Báo Giáo dục Việt Nam rằng "Trong vụ việc này, không có chuyện thích thì xử nặng hay xử nhẹ cho ông Thăng được. Bởi lẽ, việc xử lý hành vi vi phạm của đối tượng phải căn cứ vào các điều luật cụ thể, để có khung hình phạt xứng đáng, chứ không thể xử lý hành vi vi phạm theo cảm tính".
Theo ông Hòa, "dư luận cả nước" rất trông chờ cơ quan có thẩm quyền sẽ "xử lý nghiêm" ông Thăng và những đối tượng có liên quan.
**********************
Tha La Thăng hay không tha ? (Hiệu Minh Blog, 16/01/2018)
Tin anh Thăng khóc trước tòa được tiếp nhận nhiều chiều, người thông cảm, người lên án, người thở dài chả biết thế nào mà lần.
Đinh La Thăng mong được ăn Tết với người thân trước khi chấp hành án
Gỡ tội
Chiều qua đi lấy hàng không được, buồn nẫu người vì chờ đợi, nhưng gặp một bác gái rất vui. Bác có nhà cho thuê, đủ tiền cho con cháu đi học nước ngoài, nhưng đi xe bus thường xuyên.
Làm cái vé tháng 100.000 VND bác có thể đi ngày 3-4 lần, cứ chỗ nào trong biên giới Hà Nội thì giá cao nhất chỉ 9.000 VND, đi Hòa Bình, Sóc Sơn, Xuân Mai, về thăm đồng bào dân tộc cũng dưới 10.000 VND, xe có điều hòa, ghế sạch sẽ, sướng như tiên.
Nhóm về hưu rủ nhau đi chơi quanh Hà Nội bằng xe bus chả thiếu chỗ nào. Thăm thắng cảnh chán, các bác rủ nhau lên sân bay Nội Bài. Xe bus đi Nội Bài thuộc loại đẹp nhất, sạch và có wifi, dùng smartphone vào Facebook, lướt nét, chát với con tận bên Mỹ, xem được máy bay chở Vũ "nhôm" đang trên trời thông qua GPS định vị toàn cầu.
Về mùa Hè các bác làm cái vải nhựa như đi tập Yoga lên sảnh quốc tế như là khách đi máy bay nhưng không có vé. Tha thẩn với cơm nắm, muối vừng, và chai nước lavie no cả ngày, chiều tối mới bắt xe 90 về Hà Nội. Nghỉ ngơi có điều hòa mát lạnh, đi vệ sinh sạch ơi là sạch.
Rồi các cụ cũng tìm ra anh Thăng là người xây sân bay. Trông rõ là hiền, nói năng lưu loát, làm đâu được đấy. Sân bay nối đường Võ Nguyên Giáp 6-7 làn xe lên Nội Bài, qua cầu Nhật Tân đến Võ Chí Công mà không có anh Thăng, có mà đến mồng thất mới xong. Giỏi thế mà bắt tù, cái nước mình luật lệ chả ra làm sao.
Buộc tội
Nghe các cụ khen anh Thăng mình cứ ớ ra vì sáng gặp một anh thì "dư luận viên" lại khác. Làm kinh doanh và giỏi kỹ thuật, anh lạ gì mấy vụ "trảm tướng" của anh A#.
Một vị giám đốc phụ công trình ngàn tỷ chi đó nhưng bị chậm do đợi xi măng có pha chống thấm phải đủ thời gian, nhưng anh Thăng tới thăm thấy tiến độ rùa, thế là trảm. Oan hơn Thị Kính.
Một ông khác ở xí nghiệp Ethanol gì đó trên Phú Thọ cũng "dính chấu" dù công trình sắp kết thúc nhưng cái bồn xử lý nước thải phải đợi kiểm tra thật kỹ mới cho chạy. Thế mà anh A# cho là chậm tiến độ, trảm liền không nói nhiều.
Nhiều ông bị oan do anh Thăng "trảm" nhầm, anh không tiện kể hết.
Nhớ lời cụ Bửu từng nói, nước mình có nhiều người thông minh nhưng không được học hành, có người học đủ trình độ để phá, và có người học hành giỏi thì tròn như viên bi. Anh bảo, anh Đinh La Thăng thuộc loại thứ 2, học đủ trình để phá, nên mới ra nông nỗi này.
Rồi anh còn triết lý, công việc của lớp anh Thăng thuộc típ 3D (không phải 3X) : đó là Dangerous (Nguy hiểm), Difficult (Khó) and Dirty (Bẩn).
Nguy hiểm nên giờ vào tù, khó là làm kiểu gì cũng bị chửi, bẩn là phải bẩn mới được việc.
Chỉ trong một ngày mà nghe hai người nói ngược hẳn nhau thì trên mạng 5 người 10 ý là phải. Ai khóc cứ khóc, ai chửi cứ chửi, ai thở dài cứ thở dài.
Dù các cụ lên ngồi mát điều hòa trên sân bay Nội Bài ủng hộ thì tòa cũng không thể tha anh Thăng. Ở nước mình đã bắt là phải có tội. Chưa giết người thì cứ tra vài cú là nhận hết.
Nhóm bị trảm và ghét cay đắng nốt A# có lên tiếng thì số năm tù của anh Thăng cũng bấy nhiêu nhưng thế nào cũng được ân xá và chết trong tự do.
Có khi lúc đó anh Đinh La Thăng còn đủ sức đi xe bus lên Nội Bài ngồi ghế ở phòng đợi cho mát về mùa Hè như các cụ về hưu rỗi việc và nghĩ, ừ quá khứ A# thật 3D.