Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/01/2018

Ô nhiễm môi trường đe dọa sự sống ở Việt Nam

RFA tiếng Việt

Nhà máy Nghi Sơn lùi ngày thử nghiệm (RFA, 19/01/2018)

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở tỉnh Thanh Hóa chưa chạy thử được trong quý I năm nay như dự kiến ​​bởi do một số lỗi kỹ thuật

onhiem1

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa. Courtesy of Vietnamnet

Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin từ báo trong nước cho biết là vụ chạy thử nghiệm có thể được lùi sang quý II hoặc thậm chí quý III, và nói thêm rằng việc xây dựng nhà máy lọc dầu hiện đã hoàn thành 96,6%.

Dự án này do Công ty Liên doanh TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn làm chủ đầu tư, bao gồm các bên tham gia là Tập đoàn Dầu khí Quốc tế Kuwait và công ty Idemitsu Kosan của Nhật Bản mỗi bên nắm giữ 35,1% cổ phần, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sở hữu 25,1%, và Mitsui Chemicals (Nhật) sở hữu 4,7%.

Dự án triển khai thực hiện từ năm 2008 với tổng mức đầu tư 9,2 tỷ USD ; quy mô đầu tư là 670 ha trên bờ, 590 ha mặt nước ; sản lượng khoảng 200.000 thùng dầu thô/ngày.

Tháng 5 năm 2017, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã từng lùi ngày vận hành sang đầu năm 2018, trong khi kế hoạch ban đầu là quý III năm 2017. Lý do đưa ra đại để là máy móc chưa được hoàn thành để sẵn sàng hoạt động.

****************

Cá chết hàng loạt do vỡ bể chứa nước thải nhà máy (RFA, 18/01/2018)

Cá chết hàng loạt trên suối Nậm Núa, từ xã Núa Ngam đến xã Sam Mứn, thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Lý do được địa phương kết luận là do nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp (bản Ten Núa, xã Núa Ngam) bị vỡ bể chứa nước thải gây ra tình trạng này.

onhiem2

Ảnh chụp của báo Lao Động cho thấy bể chứa chất thải của nhà máy chế biến tinh bột sắn bị vỡ do quá tải.  Courtesy of laodong.vn

Vụ việc xảy ra từ tối 15/1. Người dân địa phương thông báo cho chính quyền vào sáng 16/1 và cho biết họ đã phải thức suốt đêm để vớt cá chết.

Theo Chủ tịch UBND xã Núa Ngam, ông Lường Văn Sơn, sự việc xảy ra gây thiệt hại khoảng gần tấn cá của người dân vùng này. Cho đến nay vẫn chưa xác định trong nước thải có chất độc hại gì đã gây ra tình trạng cá chết. Ông lo ngại nước thải này sẽ tiếp tục ảnh hưởng làm chết khoảng 40 chục hecta lúa, gia súc gia cầm và nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng bị thiệt hại.

Cũng theo ông Sơn, địa phương từng nhận được phản ánh của các em học sinh trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Núa Ngam về tình trạng nguồn nước của suối Nậm Núa có mùi khó chịu.

Suối Nậm Núa là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, nuôi trồng thủy sản cho gần 10 ngàn hộ dân vùng hạ lưu.

****************

Ô nhiễm và phát triển kinh tế năm 2017 (RFA, 17/01/2018)

Nền kinh tế sau thảm họa

Một trong những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2017 là hậu quả do thảm họa môi trường biển do Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra từ tháng 4/2016.

onhiem2

Nhà máy thép Formosa tại Hà Tĩnh, ngày 4 tháng 12 năm 2015.  AFP

Thảm họa Formosa đã đánh động toàn bộ nền kinh tế, đến mức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải tuyên bố không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thừa nhận quan tâm của Chính phủ Việt Nam, cũng như doanh nghiệp và xã hội tới môi trường trong năm 2017 đã tăng lên đáng kể.

"Năm vừa qua, Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng tuyên bố là đưa vào mũi nhọn, tập trung để kiểm soát một số dự án lớn như Formosa, hoặc là Lee&Man, hoặc một số dự án có nguy cơ gây thảm họa môi trường cao. Thế nhưng mà đưa vào để làm mũi nhọn, để tập trung kiểm soát thì cũng là tốt thôi, nhưng mà kiểm soát như thế nào, và minh bạch hóa hoạt động kiểm soát của mình như thế nào, cũng như minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp như thế nào. Thì đây là điều cần phải thúc đẩy nhiều hơn".

Thống kê từ cơ quan chức năng Việt Nam cho thấy Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trong năm 2017 đã sản xuất được hơn 1 triệu tấn thép cuộn cán tấm cao cấp – loại hàng mà Việt Nam phải nhập khẩu trước đó và đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Quý 3 và 4. Dự kiến trong năm 2018, sản lượng của Formosa đạt hơn 5 triệu tấn thép.

Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Bộ Tài nguyên – Môi trường không nên nhập nhằng hai vấn đề : (1) khắc phục 52/53 lỗi vi phạm, chi trả tiền hỗ trợ cho người dân ; và (2) khắc phục hậu quả thảm họa đã gây ra đối với môi trường, người dân và nền kinh tế biển. Bởi theo bà, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, việc khắc phục hậu quả cho môi trường biển phải mất hàng chục năm.

"Bởi vì cái giá của 1 triệu tấn thép đó, cái đóng góp một chút ít vào tăng trưởng GDP, hoặc tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam đó không bõ gì so với cái thảm họa mà họ gây ra, họ làm mất mát đi, gây suy giảm đi kinh tế của bốn tỉnh Bắc Trung Bộ, cũng như ảnh hưởng đến ngành thủy sản, nông sản và đời sống người dân vùng đó".

Theo Giáo sư Nguyễn Mại – cựu Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư, kể từ sau thảm họa Formosa, dự án sản xuất thép tại Ninh Thuận gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới chuyên gia, bởi điều kiện tự nhiên không thuận lợi và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn.

"May mắn, tôi cũng phải nói thẳng, rất cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe ý kiến chuyên gia cho nên dừng việc đầu tư 4 tỷ USD vào Ninh Thuận để làm thép của ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Tôn Hoa Sen".

Sự vội vã của điện lực Việt Nam

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, trong năm 2017, Việt Nam đón nhận 23 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó, chỉ tính riêng ba dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than đã chiếm 7 tỷ USD. Giáo sư Mại quan ngại và phản đối 3 dự án này bởi khả năng gây ô nhiễm cao và không phù hợp với xu thế phát triển năng lượng sạch, tăng trưởng "xanh".

Theo tổng sơ đồ quy hoạch điện 7 được Chính phủ Việt Nam thông qua, đến năm 2030 nhiệt điện than sẽ chiếm 64% tổng sản lượng điện cả nước với hàng chục nhà máy mới sẽ được xây dựng. Giáo sư Mại cho rằng, tiếp tục cấp phép đầu tư cho nhiệt điện than là "tự sát".

"Nếu như mà có 64% điện than mà như EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) công bố, thì chúng ta phải nhập 50 triệu tấn than/ năm. Mà 50 triệu tấn than/năm thì phải làm một cảng (nước sâu) riêng than và không biết điều gì sẽ xảy ra đối với đất nước chúng ta về thảm họa môi trường, khí thải nhà kính. Vì vậy, cho nên câu chuyện 3 nhà máy BOT về điện than là câu chuyện đại sự. Tôi hy vọng rằng là Chính phủ sẽ xem lại một cách thận trọng hơn. Nếu đã quyết 3 nhà máy này rồi, thì năm 2018 trở đi nên cân nhắc không nên cho làm".

onhiem3

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. RFA

Giáo sư Nguyễn Mại và Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đều nhấn mạnh đến xu thế sản xuất năng lượng tái tạo – tức là điện gió, điện mặt trời với công nghệ tiến nhanh, giá thành ngày càng rẻ. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành một nghị định về năng lượng tái tạo, nâng giá mua điện mặt trời lên 0.935 cent/kw và buộc EVN phải mua toàn bộ, vô điều kiện điện "sạch".

"Riêng trong mấy năm gần đây thôi, kể từ chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ, khi ông Trump mới lên nhậm chức đến giờ, thì cũng đã có hàng loạt những dự án của các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản cam kết đầu tư vào Việt Nam về làm, phát triển các lĩnh vực về điện sử dụng năng lượng tái tạo rồi. Thì tại sao Việt Nam không tận dụng cái nguồn đầu tư của hơn 100 dự án đã đăng ký làm như vậy, mà phải đi vội vã làm cái tổng sơ đồ điện 7 của tập đoàn điện làm gì ?"

Ngoài hai ngành sản xuất gang thép và nhiệt điện than, giới chuyên gia kinh tế còn khuyến nghị dừng cấp phép mới cho các dự án sản xuất xi măng và lọc hóa dầu vì môi trường. Theo Giáo sư Mại giải thích, hiện tổng sản lượng xi măng đạt 100 triệu tấn/năm, trong đó nhu cầu trong nước là 65 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn,

"Chúng tôi cho rằng là, chúng ta không phải là nước có dồi dào dầu thô, vì vậy chúng ta chỉ nên có lọc hóa dầu đủ để cung cấp xăng dầu trong nước thôi. Hiện nay, theo tôi tính là tất cả các dự án lọc hóa dầu hiện nay mà làm, thì đã gần 50 triệu tấn/năm công suất lọc hóa dầu rồi, vượt quá nhu cầu cho đến năm 2030".

Bên cạnh việc phải phát triển, ứng dụng những công nghệ tân tiến, thân thiện với môi trường và tăng cường vai trò giám sát của nhà nước, người dân cần quan tâm, lên tiếng cho vấn đề môi trường tại cộng đồng dân cư và xa hơn là cả nước.

Theo bà Phạm Chi Lan, nhà nước cần để người dân giám sát nhiều hơn trong việc bảo vệ môi trường.

"Thực sự đã có khá nhiều những vụ việc người dân chủ động thể hiện phản ứng của mình. Và từ phản ứng chủ động của người dân muốn bảo vệ môi trường cho khu vực mình sống hoặc vùng biển của mình, thì mới dẫn tiếp đến cảnh báo đối với nhà nước, hoặc các đơn vị liên quan quan tâm nhiều hơn. Ví dụ như việc chôn lấp bùn ở Nhiệt điện Vĩnh Tân chẳng hạn. Chất thải mà đưa ra, chôn xuống biển mà coi như đấy là an toàn, thì đó là cách làm rất là tệ. Nhưng cũng may là người dân tỉnh ngộ, người ta thấy được, và người ta có phản ứng kịp thời, để cho nhà nước cũng phải có phản ứng theo".

Còn Giáo sư Nguyễn Mại nhấn mạnh vai trò của cộng đồng dân cư trong nền kinh tế thị trường. Những vấn nạn về tham nhũng, lạm quyền, lãng phí và ô nhiễm môi trường là do ý kiến, phản ứng của cộng đồng dân cư không được quan tâm đúng mức. Nếu không phát huy vai trò của cộng đồng thì không thể giải quyết các nan đề này.

Phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 582 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)