Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/01/2018

GDP cao nhưng tụt hậu kinh tế, sứ quân sân bay Tân Sơn Nhất

Tổng hợp

GDP : thành tựu hay chỉ tiêu lạc hậu của Việt Nam ? (VNTB, 22/01/2018)

Nhà nước Việt Nam cũng đặt mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 7% trở lên mỗi năm và trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2020.

tuthau1

Có hai sự kiện nhắc đến sự tụt hậu và thành tựu kinh tế Việt Nam thời gian gần đây.

Vào ngày 18/01, ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong một cuộc hội thảo cho biết : Việt Nam có thể vẫn tụt hậu về kinh tế dù đạt thu nhập 12.000 USD năm 2035.

Cụ thể hơn, là GDP bình quân đầu người còn thấp, mặt dù tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% - cao nhất trong vòng 10 năm.

Sự kiện thứ hai liên quan đến đánh giá của Ngân hàng Standard Charterted, theo đó, Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam 2018 tăng 6,8%. Trong khi đó, Hoàng SaBC dự báo năm 2018, GDP Việt Nam giảm nhẹ về 6,5%, CPI tăng nhẹ lên 3,7%, tỷ giá gần như ổn định ở 22.900 USD/VND.

Cả hai sự kiện này đều đề cập đến GDP như là một thành tựu của Việt Nam.

Và Nhà nước Việt Nam cũng đặt mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 7% trở lên mỗi năm và trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2020.

Tuy nhiên, GDP có đáng được coi là 'thành tựu' hay không ?

Trong một bài viết trên Diễn đàn Kinh tế thế giới vào ngày 17/01, cây biên tập của trang The Financial Times - ông David Pilling đã khẳng định, GDP nếu được coi là một chỉ số về thành tựu của một quốc gia là hoàn toàn sai lầm.

Trước hết, GDP được làm thước đo những vật hữu hình như trong ngành sản xuất là chủ yếu, chứ không xác định cho các ngành dịch vụ. Cụ thể, nó chỉ có khả năng định lượng chứ không liên quan đến phản ánh chất lượng. Ví dụ như trong ngành hàng không, dù có nhiều nỗ lực và thành tựu để tăng độ an toàn cho các chuyến bay, nhưng có giá trị vô hình này không liên quan đến GDP. Trong khi đó, nếu có nhiều vụ tại nạn máy bay xảy ra hơn sẽ giúp tăng số lượng lắp đặt máy bay mới, dẫn đến chỉ số GDP gia tăng.

Điều kỳ lạ là ở những nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, 80% là có sự đóng góp của ngành dịch vụ.

Thứ hai, như đề cập phía trên, thì GDP dường như vô hình trong thời đại internet. Đúng hơn là, tất cả những thứ internet mang đến đều đều không mang giá trị gì cho GDP. Ví dụ như kho Wikipedia mang một kho kiến thức khổng lồ cũng hoàn toàn miễn phí.

Một ví dụ khác như trong thời đại công nghệ hiện nay (khi mà mọi thứ đều rẻ và nhanh chóng thuận tiện nhờ internet như mua được các vé máy bay giá rẻ, chọn chỗ online), mọi thứ đều quá thuận tiện nhưng đồng nghĩa GDP sẽ đi xuống.

Như vậy, thành tựu lớn của nhân loại là internet đều không chịu sự tác động của GDP và GDP cũng không chịu sự chi phối của internet. Đôi khi, giá trị phát triển của GDP đồng nghĩa với sự đi xuống của ngành dịch vụ.

Ba là, khi nói đến GDP, trong một thời đại mà nguyên nhân chủ yếu gây ra xáo trộn xã hội lại chính là bất bình đẳng thì chỉ số GDP cũng không thể giải quyết vấn đề 'phân bổ đều' cho mọi người. Khái niệm về Giá trị trung bình đang bị lầm lẫn, bởi nếu nhìn vào vị trí lương ở giữa cái dãy số thì lương đó còn cao hơn nếu lấy trung bình cộng của toàn bộ các mức lương rồi chia. Tăng giá trị GDP trung bình có thể là một bước lùi trong phát triển xã hội (gây ra bất bình) khi 99% người dân không hài lòng với cách 1% người dân đang thành công

Bốn là, người ta cho rằng GDP càng cao thì càng tốt. Nhưng thực tế không hoàn toàn luôn đúng khi ngành tài chính dù càng lớn mạnh nhưng kết cục thường rơi vào khủng hoảng mang tính chu kỳ. Ví dụ như dịch vụ y tế của Mỹ càng phát triển, nhưng các khoản chi phí dành cho y tế càng vượt ngoài tầm kiểm soát

Vậy ý nghĩa của GDP là gì ? Bản chất nó chỉ là thước đo cho các giao dịch tiền. Ví dụ như bao gồm cả giao dịch heroin, mại dâm ở Châu Âu. Tuy nhiên các công tác tình nguyện, các công tác thiện nguyện, chăm sóc người cao tuổi lại không được tính vào GDP. Vì thế, GDP đi ngược lại các chuẩn mực và ưu tiên của xã hội.

Ở các nước đang phát triển, các ngành phi chính thức trên thực tế còn không mảy may ảnh hưởng gì đến sự thay đổi GDP. Ngược lại ở rất nhiều nơi khác trên thế giới, ngành kinh tế phi chính thức đóng góp phần lớn vào nền kinh tế quốc gia. Thậm chí từ trên vũ trụ, nhìn xuống trái đất vào ban đêm, người ta dễ dàng nhận ra quốc gia nào thực sự phát triển thông qua ánh đèn phát sáng (gắn với ngành dịch vụ về đêm), New York - thành phố không bao giờ ngủ đương nhiên sẽ phát triển hơn Triều Tiên - quốc gia biến mất về đêm.

Trở về với nền kinh tế Việt Nam, trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới trong một bài phỏng vấn với Giáo sư Thayer cũng đã đề cập vấn đề lớn nhất của Việt Nam là cải cách kinh tế. Theo đó, các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã đặt ưu tiên cho cải cách kinh tế. Họ đã đặt mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 7% trở lên mỗi năm và trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2020.

Như vậy, GDP vẫn được coi là chiếc đũa thần để chứng minh khả năng dẫn dắt xã hội của Đảng, trong khi cần phải xem xét tính chất bền vững xã hội là một yếu tố cần thiết để giữ vững hình ảnh một Đảng cầm quyền 'biết cách hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới'.

Trong khi đó, để thực sự đổi mới toàn diện về kinh tế, thì gốc gác phải bắt đầu từ thay đổi tư duy trong giới chức, trong đó - nên coi chỉ số GDP như là chỉ số lạc hậu hơn là một thành tựu của một quốc gia.

Ánh Liên

*******************

Tân Sơn Nhất vẫn kẹt cứng vì nhóm lợi ích không chịu nhúc nhích ! (CaliToday, 21/01/2018)

Cận tết nguyên đán 2018, khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tiếp tục tắc nghẽn và bản thân sân bay này chưa nhận được thêm một mét vuông "bồi thường" nào từ sân golf Tân Sơn Nhất chiếm dụng đến 157 ha.

tuthau2

Các dịp tết nguyên đán luôn là lúc khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất trở nên kinh hoàng với nạn kẹt xe có khi kéo dài đến nửa ngày trời. Ảnh : Duy Trần

Thế còn 14 dự án "giải cứu" sân bay Tân Sơn Nhất hiện ra sao ?

Chỉ có ba cầu vượt đã cơ bản hoàn thành, trong lúc còn bốn dự án dang dở và bảy công trình chưa xác định thời điểm khởi công. Mọi chuyện đều chậm chạp như rùa bò.

Tình trạng trên xảy ra rất "đúng quy trình", bất chấp hai kỳ họp tháng 5 – 6 năm 2017 và tháng 10 – 11 của Quốc hội Việt Nam mà trong đó nhiều đại biểu phải "la làng", yêu cầu phải cải thiện ngay lập tức nạn ùn ứ cả dưới đất lẫn trên trời. Cũng bất chấp công luận và dư luận phẫn nộ phản ứng đối với nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất được xem là "thuộc quân đội" hoặc ‘thân quân đội" đã cố tình chây ì không chịu giao trả đất cho sân bay dân dụng.

Trong thực tế, sân bay dân dụng Tân Sơn Nhất đã bị nhóm lợi ích bắt làm "con tin".

Lý do là… 3 ngàn tỷ đồng.

3 ngàn tỷ đồng là con số mà giới chủ đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất đã công bố và "ra giá" theo cách "muốn lấy lại 157 ha đất sân golf Tân Sơn Nhất thì phải bồi thường 3 ngàn tỷ đồng". Sau đó, cả giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng từ Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đến Thứ trưởng Trần Đơn, cùng những nhân vật bị cho là "có cổ phần" trong sân golf Tân Sơn Nhất, trong các chuyến thị sát sân bay Tân Sơn Nhất và trong các cuộc làm việc với chính phủ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, đã gián tiếp xác nhận và ủng hộ ý tưởng "bồi thường" vô lối đó.

Rất rõ, sân golf Tân Sơn Nhất đã trở thành "kẻ tống tiền", còn ngân sách quốc gia và tiền thuế của dân tạo ra ngân sách lại bị biến thành một thứ "con tin".

Tình thế cấp bách đang đặt ra hai khả năng : ngân sách quốc gia có phải bồi thường hay là không.

Về mặt pháp luật, cần nhắc lại một kết luận của Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật quốc hội Nguyễn Đức Kiên : hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất là vô hiệu. Theo đó, có thể cho rằng phát ngôn của Thứ trưởng Đơn đã vô trách nhiệm và sai luật. Hợp đồng đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường gì cả.

Nhưng nếu chính phủ vẫn "quyết liệt" trích ngân sách ra để bồi thường cho nhóm lợi ích sân golf mà không thèm hỏi ý kiến dân, quan chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm về 3.000 tỷ đồng bồi thường trái pháp luật ấy ?

Có lẽ bởi lý do quá nguy hiểm trên, cho tới giờ vẫn không một nhân vật nào của chính phủ và bộ ngành dám đứng ra "nhận trách nhiệm" để quyết định có bồi thường hay không.

Vào những ngày đầu năm 2018, Văn phòng Chính phủ lại có thêm một động tác "câu giờ" khi "thông báo kết luận" của một quan chức cấp chính phủ về vụ sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu "rà soát quy hoạch, xây dựng phương án mở rộng xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Cảng hàng không, các Quy hoạch liên quan tại khu vực Cảng hàng không – Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất". Cũng theo đó, "Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các Quy hoạch, đánh giá hiện trạng sử dụng đất cho quốc phòng như sân Golf, các đơn vị quân sự hiện hữu và đất cho ngành hàng không lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Cảng hàng không. Đồng thời, đề xuất phương án sử dụng đất ở cả phía Bắc và phía Nam để phục vụ cho phát triển Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…".

Văn bản thông báo trên có thể được xem là nằm trong một chuỗi văn bản của Chính phủ đôn đốc "cả hệ thống chính trị vào cuộc" để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất kể từ giữa năm 2017 đến nay, nhưng điều quái lạ là hiệu lực điều hành của "chính phủ kiến tạo" đã hiệu quả đến mức không có bất kỳ một động tác nào được triển khai, còn nhóm lợi ích mà trong đó chắc hẳn không thể thiếu thành phần then chốt là Bộ Giao thông vận tải, cho dù bộ này vừa có bộ trưởng mới thay cho nhân vật "không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc" (tức về phía sân golf) – cựu bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, nay là bí thư thành ủy Đà Nẵng – đã chẳng có bất kỳ nhúc nhích nào.

Người dân hoàn toàn có thể đặt một dấu hỏi lớn : vì sao "chính phủ kiến tạo" của Thủ tướng Phúc lại không thể "quyết liệt" giải tỏa sân golf Tân Sơn Nhất với hành vi chiếm dụng đất nhiều năm đã quá rõ ràng, mà lại để sân bay Tân Sơn Nhất bị biến thành một thứ "kiến tạo con tin", trong lúc mới đây Nguyễn Xuân Phúc, trong một công điện đầy "sắc máu", vừa chỉ đạo Bộ Công an phải thật nhanh chóng xử lý "các đối tượng gây rối", theo cách muốn gán ghép cả những lái xe phải đối nạn lạm dụng thu phí vô tội vạ ở các trạng BOT thành "thế lực phản động", và tóm lại ông Phúc đã như thể quay ngoắt sang việc bảo vệ cho nhóm lợi ích BOT chứ không phải "trở về với nhân dân" ?

Thiền Lâm 

Quay lại trang chủ
Read 534 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)