Một người làm về bảo tồn động vật cho BBC biết rằng quy trình cấp phép để khai thác và mua bán vây cá mập ở Chile rất ngặt nghèo.
Vây cá mập khô được bán ở nhiều nước Châu Á với quảng cáo về tác dụng thần kỳ đối với sức khỏe - Ảnh chỉ có tính chất minh họa
Bà Nguyễn Trang, nhà bảo tồn động vật hoang dã bị buôn bán trái phép, đồng thời hiện là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Anh Quốc về bảo tồn động vật, trao đổi với BBC ngày 24/1 :
"Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, tôi đã gửi email cho Sea Shepherd Chile [một tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn động vật biển thành lập tại Anh Quốc, có văn phòng tại Chile] về các điều luật liên quan đến cá mập".
"Trong email phản hồi, Sea Shepherd cho hay vây cá mập được mua bán hợp pháp tại Chile phải có giấy phép do Cục Thủy sản Chile cấp.
"Nghĩa là nếu phía Việt Nam cho rằng vây cá mập phơi trên mái Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile được mua tại chợ địa phương, họ cần đưa ra được giấy phép này để chứng minh".
Bà Nguyễn Trang giải thích : "Điều này là vì Chile có luật cấm đánh bắt cá mập chỉ để lấy vây (nghĩa là đánh bắt cá mập chỉ để chặt lấy vây, đa phần khi cá còn sống, rồi vứt xác xuống biển), tuy nhiên nước này cũng cho phép đánh bắt cá mập một cách bền vững".
"Tuy nhiên quy trình lấy giấy phép rất ngặt nghèo".
"Tức là ngư dân chỉ được phép đánh bắt với số lượng cho phép những loài cá mập không có trong sách đỏ trong vùng biển nước này. Ngoài ra, ngư dân phải đem cá mập bắt được lên cảng trong tình trạng còn nguyên cơ thể, vây, nội tạng. Cục Thủy sản Chile sau khi kiểm tra đủ điều kiện mới cấp giấy phép để hợp pháp việc lấy vây hoặc mua bán các vật phẩm từ con cá mập này".
"Những giấy phép này ghi lại nhận dạng cụ thể của từng vây (giống vân tay để định dạng nhân thân), do đó có thể sử dụng để đối chiếu vây được cấp phép hợp pháp với vây do mua bán hay tàng trữ trái phép".
'Chưa có luật bảo vệ cá mập tại Việt Nam'
Nhiều nước đã có luật cấm khai thác vây cá mập - ảnh chỉ có tính chất minh họa
Ở góc độ bảo tồn, bà Trang cho hay 'rất bất ngờ, buồn và bất bình' về sự việc.
"Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học và bảo tồn trên thế giới đã kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ cá mập khỏi nạn tuyệt chủng do hành vi săn bắt và lấy vây", chuyên gia bảo tồn nói với BBC.
"Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống nạn tiêu thụ và buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép. Năm 2016, Hoàng tử Anh William sang Việt Nam để thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ chống lại nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã".
"Vụ việc phơi vây cá mập tại Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile có thể làm tiêu tan những nỗ lực nói trên".
Bà Trang cũng cho biết ở góc độ luật pháp, "Hiện tại trên thế giới chỉ có khoảng 30 nước có luật bảo vệ cá mập (cấp độ quốc gia)".
"Việt Nam chưa có luật nào về bảo vệ cá mập hay buôn bán, khai thác vây cá mập".
Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về buôn bán các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã đang bị nguy cấp (CITES) từ năm 1994", theo trang tin chính thức của CITES.
Cụ thể, cá mập lần đầu tiên được đưa vào phụ lục II của CITES từ năm 2003. "Các loài trong phụ lục II không bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng cần kiểm soát việc buôn bán để tránh ảnh hưởng tới sự sống còn của chúng", theo quy định trong công ước.
Năm 2016, có thêm 12 loài cá mập được đưa vào Phụ lục II của CITES.
"Mặc dù các loài thủy sản bị khai thác thương mại đã được đưa vào các Phụ lục CITES trong những năm qua, nhưng các danh sách gần đây đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho các bên tham gia trong việc bảo đảm rằng việc kinh doanh là hợp pháp, bền vững và có thể truy xuất nguồn gốc", thông tin từ website của CITES cho hay.
Theo bà Trang, "trường hợp nhân viên Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile mang vây cá mập ra khỏi Chile mà không có giấy phép của CITES thì phải chịu trách nhiệm theo điều khoản CITES".
'Tác dụng bồi bổ, chữa bệnh' ?
Một website quảng cáo bán vây cá mập tại Việt Nam
Chợ vi cá mập online tại Việt Nam có vẻ khá 'sầm uất' và không khó để đặt mua. Giá giao động từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng một kilogram vi cá mập tùy loại, từ 'còn nguyên vây', 'khô', 'tươi', đến ruốc vi cá.
BBC gọi điện đến số điện thoại trên website của một công ty ghi có trụ sở chính tại Phú Yên chiều 24/1 thì được nhân viên ở đây cho biết giá một kilogram vi cá mập khô làm sạch 'loại trung bình' là 25 triệu đồng.
Nhân viên cũng cho biết đây là 'vi cá mập Việt Nam.'
Vi cá mập cũng được quảng cáo tại nhiều website là "có đến 89% chất đạm, 01% đường bột, 0.22% lượng chất béo và cung cấp 384 calo ngoài ra còn có thêm chất khoáng trong 100g vi cá mập khô" và "có thể chữa các bệnh xương khớp, mắt, bồi bổ cơ thể".
Thậm chí còn có nơi quảng cáo vi và sụn cá mập như thần dược chữa ung thư.
Vi cá mập phơi ở Aceh, Indonesia hồi 2006 - hình chỉ có tính minh họa
Về khía cạnh sức khỏe, bà Trang cho biết "Hội nghiên cứu ung thư ở Vương Quốc Anh đã công bố nghiên cứu cho hay chúng không hề có khả năng chữa hay ngăn chặn ung thư".
"Cũng không có bằng chứng khoa học nào khẳng định ăn thịt, xương, sụn hay vây cá mập tốt cho sức khỏe".
"Thậm chí, có nghiên cứu cho thấy cá mập, cá voi, cá heo và nhiều loài động vật biển khác nữa có nồng độ thủy ngân trong cơ thể rất cao. Con người nếu ăn phải thực phẩm có nồng độ thủy ngân cao có thể nguy hại tới sức khỏe".
Twitter của Cơ quan ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản quốc gia Chile đăng hình cuộc gặp với đoàn Việt Nam
Website chính của Tổ chức Cancer Research UK nêu rõ : "Một số người sử dụng sụn cá mập như một liệu pháp thay thế để điều trị ung thư. Điều này có nghĩa là họ sử dụng nó thay vì các biện pháp điều trị ung thư thông thường như hóa trị hoặc xạ trị".
"Việc này có thể rất có hại cho sức khoẻ của bạn và chúng tôi không khuyên bạn làm điều này".
Trong diễn biến liên quan, trang Twitter của Cơ quan ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản quốc gia Chile (Sernapesca) đăng hình hôm 23/1 cho hay bộ ngoại giao Chile đã gặp phái đoàn Việt Nam để bàn về vụ vây cá mập.