Phiên tòa Trầm Bê lộ ra những lỗ hổng chết người về ‘dòng tiền cho vay’ (Người Việt, 27/01/2018)
"Phần xét hỏi ở phiên tòa đại án Phạm Công Danh-Trầm Bê đang lộ ra những lỗ hổng chết người về ‘dòng tiền cho vay,’ chắc hẳn phần tranh luận sẽ nảy lửa và gay cấn".
Ông Trầm Bê (giữa) được đại diện Ngân Hàng Sacombank xin giảm án. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Luật Sư Phạm Hoài Nam, một trong những người tranh tụng tại phiên tòa này, viết trên trang Facebook cá nhân như vậy, và viết thêm : "Đại án Phạm Công Danh-Trầm Bê sẽ là ‘cuộc chiến’ của nhóm luật sư bào chữa cho các bị cáo và luật sư bảo vệ cho các ngân hàng (BIDV, Sacombank, TP Bank) bên cạnh các cáo buộc của Viện Kiểm Sát".
Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, phiên tòa vụ Trầm Bê bắt đầu từ hôm 8 tháng Giêng, quy tụ đến 70 luật sư tham dự. Tuy nhiên, đến ngày 23 tháng Giêng, phiên tòa mới đến phần tranh luận, dự trù kéo dài khoảng 10 ngày.
Đến nay, Viện Kiểm Sát vẫn bảo lưu đề nghị thu hồi 6.000 tỷ đồng (hơn 264,1 triệu USD) của ba ngân hàng Sacombank, TP Bank và BIDV.
Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh tường thuật phiên tòa hôm 27 tháng Giêng : "Viện Kiểm Sát khẳng định không gây bất lợi cho bị cáo, đều nắm rõ hành vi của các bị cáo trong giai đoạn một, trên cơ sở các hành vi phạm tội của vụ án giai đoạn hai, Viện Kiểm Sát đã xem xét rõ tất cả các vấn đề. Từ đó, Viện Kiểm Sát bảo lưu quan điểm cáo buộc với các bị cáo vì hoàn toàn có cơ sở. Mức án đề nghị với Phạm Công Danh (cựu chủ tịch VNCB, tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và Trầm Bê (cựu phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank) là thỏa đáng".
Khoản tiền thiệt hại của vụ án là hơn 6.000 tỷ đồng được đề nghị thu hồi "vì đó là vật chứng vụ án". Trước đó, đại diện các ngân hàng và những người liên quan đều không đồng ý với quan điểm của Viện Kiểm Sát về trách nhiệm dân sự của họ trong vụ án này.
Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Sacombank "xin tòa giảm án cho bị cáo Trầm Bê và Phan Huy Khang (cựu tổng giám đốc Sacombank) để các bị cáo nhanh được trở về đoàn tụ với gia đình với lý do vô tình vi phạm".
Báo Người Lao Động cùng ngày cho hay, đại diện Viện kiểm sát yêu cầu Hội đồng xét xử kiến nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam "chấn chỉnh các luật sư tham gia phiên tòa vì không tôn trọng các cơ quan tố tụng". Tuy vậy, bài báo không nói rõ tên các luật sư và biểu hiện nào cho thấy họ "không tôn trọng cơ quan tố tụng".
Trước đó, báo Dân Trí tường thuật : "Trong phần tự bào chữa, ông Trầm Bê bật khóc và cho rằng chỉ mong muốn làm những điều có lợi cho xã hội, không muốn làm hại ai cả nên đề nghị xem xét giảm mức án mà Viện Kiểm Sát đã đề nghị". Trong phiên tòa này, ông Trầm Bê đã bị đề nghị mức án 5-6 năm tù, ông Phạm Công Danh bị đề nghị 20 năm tù. (T.K.)
*******************
Cây trái gần bãi xỉ Nhiệt điện Vĩnh Tân chết hàng loạt (Người Việt, 27/01/2018)
Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cây trôm bị chết ở khu vực thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân là do bị ngập úng. Đây là khu vực người dân sống chung với bãi xỉ của nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân.
Cây trôm thối gốc chết hàng loạt do bãi thải xỉ chặn đường thoát nước. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng Giêng, ông Nguyễn Hữu Phước, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Bình Thuận, thông tin về việc 13 nhà dân ở sống xung quanh bãi xỉ Nhiệt Điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, được Tổng công ty Phát Điện 3 hỗ trợ hơn 120 triệu đồng (hơn 5.283 USD) nhưng được ghi là hỗ trợ do thiên tai, trong khi kết luận là do con người gây ra.
Ông Phước cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cây trôm bị chết ở khu vực thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, là do bị ngập úng, không phải do bị nhiễm mặn.
"Nguyên nhân gây ngập úng cục bộ ở khu vực này ngoài lượng mưa gia tăng đột biến, thì điều kiện tiêu thoát nước ở khu vực kém. Hệ thống cống thoát nước bề mặt ngang qua tuyến đường sắt Bắc-Nam không được duy tu bảo dưỡng tốt, cây cối mọc nhiều phía trước miệng cống làm cản trở dòng chảy, giảm năng lực thoát nước", tin cho hay.
Ngoài ra, theo kết luận của Viện Môi trường và tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia ở Sài Gòn, do chưa có tuyến kênh thoát lũ ở phía Bắc bãi xỉ nên nước mưa từ trên sườn núi cao đổ xuống không có đường tiêu thoát, bị thấm hết xuống đất làm gia tăng dòng chảy ngầm và mực nước ngầm tầng nông.
Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, hồi tháng Hai, 2017, một số nhà dân sinh sống tại khu vực phía Tây Nam bãi thải xỉ nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân, phản ảnh về tình trạng cây trồng lâu năm và hoa màu bị chết, nước giếng nhiễm mặn làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Để xác định nguyên nhân dẫn đến ngập úng, cây chết, nước bị nhiễm mặn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chọn đơn vị độc lập là Viện Môi Trường và Tài Nguyên thuộc Đại học Quốc gia ở Sài Gòn xác định nguyên nhân.
Kết quả khảo sát thực tế kết hợp phân tích bản đồ địa hình đã xác định được khu vực bị ngập úng cục bộ với diện tích khoảng 13,2 hécta. Trong khu vực này, nước thường tồn đọng lại thành từng cụm nhỏ trên bề mặt, mực nước trong các giếng đào đã dâng lên xấp xỉ gần bằng với mặt đất tự nhiên và phần lớn diện tích cây trôm bị thiệt hại đều nằm trong vùng này.
Trong đó đáng chú ý là sự hình thành bãi thải xỉ làm thay đổi địa hình tự nhiên, thay đổi chế độ dòng chảy bề mặt và dòng chảy ngầm ngang qua khu bãi xỉ, dẫn đến sự dồn đọng nước tập trung về khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ và gây ra ngập úng.
Đặc biệt, về nguyên nhân gây nhiễm mặn đất và nguồn nước ở khu vực xung quanh bãi xỉ hoàn toàn không có nguồn gốc nào từ tự nhiên mà đều do tác động của con người.
Qua các kết quả khảo sát và nghiên cứu, Viện Môi Trường và Tài Nguyên kết luận : "Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cây trôm bị chết là do bị ngập úng (dấu hiệu phổ biến là rễ cây bị hư thối), không phải do bị nhiễm mặn".
Từ kết quả công bố này, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận đề nghị Tổng công ty Phát Điện 3 thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng ngập úng, ngăn ngừa việc nhiễm mặn nước dưới đất, nước mặt trong khu vực, xác định mức độ thiệt hại của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Sau đó ủy ban tỉnh Bình Thuận buộc Tổng công ty Phát Điện 3 phải hỗ trợ khắc phục thiên tai cho người dân. (Tr.N)
*****************
Mỹ cử đại diện đến Việt Nam bàn chi tiết bán võ khí ? (Người Việt, 27/01/2018)
Một viên chức cấp cao Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, bà Tina Kaidanow, phó phụ tá ngoại trưởng về quan hệ chính trị-quốc phòng Mỹ, đến Việt Nam đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng song phương từ 28 tháng Giêng đến 4 tháng Hai.
Đại sứ Tina Kaidanow. (Hình : Jim Watson/AFP/Getty Images)
Thông cáo báo chí của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết : "Đại sứ Kaidanow sẽ dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tham dự cuộc đối thoại lần thứ chín về chính trị, an ninh và quốc phòng. Các cuộc họp này sẽ cổ võ hơn nữa mối quan hệ song phương ngày càng phát triển mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Đồng thời phản ảnh sự cam kết chung để bảo đảm khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và an toàn".
Trong chuyến đi Việt Nam kéo dài một tuần lễ của bà Kaidanow, theo thông cáo, sẽ gồm nhiều đề tài và lãnh vực được thảo luận từ an ninh quốc phòng, rà phá bom mìn đến tẩy rửa chất khai quang và thăm viếng cả chiếc tàu cảnh sát biển lớn nhất của Việt Nam do Hoa Kỳ cung cấp.
Bản thông cáo báo chí nói tóm tắt các đề tài được thảo luận gồm "hợp tác anh ninh và mua bán võ khí, an ninh đường biển, chương trình bảo vệ hòa bình Liên Hiệp Quốc, chống khủng bố và các vấn đề nhân đạo".
Chuyến đến Việt Nam của Đại sứ Tina Kaidanow diễn ra chỉ ba ngày sau khi Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis rời Hà Nội, trong đó, hai bên đã lập chương trình cho hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson đến cảng Đà Nẵng thăm viếng vào tháng Ba tới đây. Đây là một dấu hiệu của mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai nước tiến thêm một bước.
Hồi tháng Mười Một, 2017, Tổng thống Donald Trump đã công khai "chào hàng" các loại võ khí tối tân của Mỹ khi ông gặp Chủ tịch nước cộng sản Việt Nam Trần Đại Quang. Trước đó, khi thăm viếng Việt Nam, tổng thống tiền nhiệm Barack Obama đã gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt nam, một điều Hà Nội từng lặp đi lặp lại đòi hỏi những năm trước đó trong các cuộc thăm viếng, gặp mặt cấp cao song phương.
Lính cộng sản Việt Nam lên tàu tuần tra lớp Hamilton được Mỹ chuyển giao cho Cảnh Sát Biển Việt Nam. (Hình : US Embassy)
Nhưng đến nay, các tin tức chính thức chưa cho thấy có dấu hiệu gì Hà Nội đã đề nghị mua gì của Mỹ dù người ta biết họ cần rất nhiều và cần đủ thứ trong nhu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước một nước Trung Quốc ngày càng lộ rõ bản chất bá quyền trành trướng.
Chi tiết nội dung cuộc họp của ông Mattis với Tướng Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng Quốc Phòng cộng sản Việt Nam, tại Hà Nội ngày 25 tháng Giêng không được tiết lộ ngoài chuyện thăm viếng của mẫu hạm Vinson. Tương tự, người ta cũng không tin nội dung cuộc họp của Đại sứ Tina Kaidanow với phía Hà Nội được tiết lộ gì đáng kể. Hà Nội có thói quen giấu kín các thỏa thuận về mua bán võ khí.
Nhiều nhà bình luận thời sự từng cho rằng Hà Nội rất muốn mua một số máy bay tuần tra biển săn ngầm Orion P-3, radar phòng vệ bờ biển của Mỹ từ lâu. Các cuộc họp theo nhau diễn ra có thể liên quan đến các vấn đề này. Mới tuần trước, người ta thấy có tin Mỹ muốn bán lại cả trăm chiếc trực thăng tấn công Supra Cobra AH-1W để thay thế bằng những chiếc AH-1Z Viper tối tân hơn. Hà Nội cũng có nhu cầu yểm trợ tác chiến từ trên không cho lực lượng "lính thủy đánh bộ" hiện còn thiếu.
Ngày 13 tháng Tư, 2016, một phái đoàn gồm sáu sĩ quan Hải Quân cấp cao và một nhân viên dân sự của Việt Nam đã đến căn cứ của Mỹ tại Kaneohe Bay, Hawaii, nơi đồn trú của phi đội tuần tra biển có tên là Ðội Tuần Tra Kiếm Sĩ Vàng 47 (Golden Swordmen of Patrol Squadron (VP) 47).
Phái đoàn của Việt Nam đã quan sát và nghe thuyết trình về chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion để hiểu nhiều hơn về nhiệm vụ và các khả năng của loại máy bay tầm xa này, theo bản tin của Hải Quân Hoa Kỳ. (TN)