Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/01/2018

Báo độc lập, tài sản của đại gia cảng Quy Nhơn, xăng dầu hút tiền bán xăng lẻ

Tổng hợp

Khó khăn của các tòa soạn báo độc lập (VNTB, 27/01/2018)

Vào thời buổi mà số lượng hiện tượng, kéo theo là số lượng thông tin đang tăng lên theo cấp số nhân thì đòi hỏi số lượng phóng viên của một tòa soạn báo độc lập cũng phải tăng lên, ít nhất là theo cấp số cộng.

kho

Ảnh minh họa

Thiếu kinh phí

Một tổ chức ở Pháp có phân ban báo chí, họ cử một người về Việt Nam ăn chầu nằm chực tại nước ta suốt 4 tháng trời chỉ để viết một bài báo có chất lượng. Chi phí nuôi người phóng viên này trong suốt 4 tháng đó đủ để nuôi cả một tòa soạn báo độc lập của Việt Nam trong thời gian tròn một tháng. 

Ví dụ trên cho thấy rằng, khi đã hành nghề báo chí ở trình độ chuyên nghiệp thì chi phí làm tin cũng phải tương xứng. Mỗi một người dân bình thường viết một đoạn bình phẩm, thể hiện quan điểm cá nhân của người đó thôi thì cũng có thể coi là một mẩu tin mang chút hơi hướng báo chí. Nhưng để có được một bài bình luận súc tích và khách quan thì phải đầu tư rất nhiều thời gian và công của. Chẳng hạn, một người theo dõi tình hình nền y tế Việt Nam suốt 1 năm, chỉ viết một bài duy nhất trong cả năm đó thì vẫn được tính là phóng viên của báo Nhân Dân. Cụ thể hơn, báo Nhân Dân bao cấp chi phí để cho người đó trong một năm chỉ để viết cho được 1 bài báo họ đặt hàng, và anh này được tính vào biên chế của tòa soạn báo này. Đương nhiên, do được thai nghén trong một thời gian dài như vậy, chất lượng bài báo kia hẳn phải rất cao, rất công phu, bao quát được tình hình cả một lĩnh vực rộng lớn. 

Tiền đâu mà tòa soạn như báo Nhân Dân chi mạnh tay đến như vậy ? Xin thưa tiền đó lấy từ ngân sách, từ tiền mồ hôi đóng thuế của dân. 

Trong chế độ một đảng không có đối trọng như Việt Nam hiện nay, nhóm nhỏ lãnh đạo đảng muốn lấy bao nhiêu tiền thuế của dân để chi riêng cho tờ báo thể hiện tiếng nói của họ cũng được. Thử đặt câu hỏi nữa : các tòa soạn báo độc lập có làm được như thế không, có đủ tài chính để phân công cho một phóng viên "quan sát hiện trường" lâu ngày để có được chỉ một bài báo công phu hay không ? Hẳn là không, chưa có một tòa soạn độc lập trong nước nào giàu như vậy. Tài chính của các tòa soạn độc lập không phải bắt cái vòi vào ngân khố ra để xài như báo Nhân Dân. Dù có được thân hữu tài trợ thì cũng không đủ kinh phí để bảo đảm có bài bình luận chuyên sâu, bài bao quát trong từng lĩnh vực.

Thiếu nhân lực

Hiện tại, tất cả các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đều thiếu người viết tin , bài. Các tòa soạn báo độc lập cũng vậy, thiếu nhân lực là tình trạng phổ biến. Khi bỗng dưng một hiện tượng xảy ra trong xã hội thì trong tổng số phóng viên sẵn có của một tòa soạn độc lập, chỉ một tỉ lệ nhỏ số phóng viên là có chuyên môn (hoặc hiểu biết tương đương) để viết bài phân tích hiện tượng đó. Và trong số những phóng viên có chuyên môn trong lĩnh vực trùng với hiện tượng thuộc về, không phải ai cũng có thời gian rảnh rỗi hoặc hứng thú đúng vào lúc hiện tượng xảy ra. Mà, yêu cầu của độc giả thì phải có bài ngay để họ đọc khi tin còn đang sốt dẻo. Chính vì vậy, có người ví "sự sống" của một nhà báo chỉ vẻn vẹn có... 24g. Tòa soạn phải sở hữu được người phóng viên nhanh nhất để bài báo của họ sẽ được nhiều người đọc sớm nhất. 

Vào thời buổi mà số lượng hiện tượng, kéo theo là số lượng thông tin đang tăng lên theo cấp số nhân thì đòi hỏi số lượng phóng viên của một tòa soạn báo độc lập cũng phải tăng lên, ít nhất là theo cấp số cộng.

Về giải pháp, liệu vấn đề thứ hai liệu có thể quy về vấn đề thứ nhất được hay không ? Nghĩa là, liệu cứ có tài chính dồi dào thì ta sẽ có được nhân lực dồi dào chăng ? Không hề đơn giản như vậy. Hội đồng của một tòa soạn có thể xoay sở được một số tiền trong một thời gian ngắn, nhưng không phải lúc nào cũng sắp xếp được một phóng viên có trình độ cơ bản và dám đi đến hiện trường để đưa tin, vì như thế rủi ro cho an nguy của người phóng viên. 

Bởi vậy, người ta chen chúc và chạy chọt vào làm cho báo nhà nước, báo quốc doanh thì nhiều, nhưng chẳng có mấy gia đình khuyến khích con em mình làm một phóng viên báo độc lập, báo lề dân. Kể cả phóng viên viết bài này cũng không nằm trong ngoại lệ.

Kiều Phong

*******************

Ông chủ của cảng Đình Vũ và cảng Quy Nhơn giàu đến mức nào ? (VNTB, 27/01/2018)

Đây là một bài viết với nguồn dữ liệu được tác giả thực hiện vào tháng 3/2016 và "bị gác" không được duyệt đăng, vì lúc ấy Hợp Thành vẫn còn là ẩn số dè dặt. Nay thì Hợp Thành vẫn… bí ẩn. Báo chí đang đăng về chuyện đòi lại Cảng Quy Nhơn, mà quên mất rằng Hợp Thành cũng là ông chủ của cảng Đình Vũ – một cảng biển mà dân trong ngành đều hiểu rất rõ rằng chống lưng phía sau khi ấy là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và bộ trưởng Đinh La Thăng.

daigia1

Khách sạn Daewoo Hà Nội

Đại gia khoáng sản Hợp Thành dần "bành trướng thế lực" ra ngoài phạm vi ngành khai khoáng, khi liên tiếp có những thương vụ đầu tư "khủng" vào các lĩnh vực khác nhau, từ việc thâu tóm khách sạn Daewoo cho đến việc góp vốn với cảng Vinalines Đình Vũ.

Đại gia triệu đô

Khách sạn Daewoo có địa chỉ tại số 360 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội. Ban đầu, 70% số vốn của khách sạn nổi tiếng bậc nhất Thủ đô thuộc sở hữu của tập đoàn Daewoo E&C Hàn Quốc, và 30% còn lại là của Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Hanel. Năm 2012, khi tập đoàn Daewoo E&C quyết định thoái vốn, Hanel đã được ưu tiên mua lại 70% cổ phần của đối tác Hàn Quốc và trở thành công ty mẹ nắm giữ 100% khách sạn Daewoo.

Giá trị thương vụ này được đồn đoán không dưới 70 triệu USD. Tuy nhiên, ngay sau khi mua lại thì toàn bộ số cổ phần này được chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty cổ phần Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành và Công ty cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1. Hanel vẫn giữ lại 30% "cổ phần gốc" của mình trong khách sạn này.

daigia2

Khách sạn Daewoo Hà Nội "về tay" đại gia khoáng sản Hợp Thành. Ảnh : Internet

Nguồn tin riêng của người viết cho hay, Hanel đã bán 70% cổ phần của tổ hợp này cho phía Hợp Thành với giá 94 triệu USD tương đương mức giá đã mua lại của phía Daewoo E&C, cộng thêm một khoản chênh lệch là 8 triệu USD, được thanh toán thành 2 lần, mỗi lần 4 triệu USD. Một thương vụ đầu tư ngoài ngành đáng chú ý khác của đại gia mỏ sắt Hợp Thành là việc góp 24,27% vốn điều lệ (tương đương 4,8539 triệu cổ phần) vào cảng Vinalines Đình Vũ.

Ông chủ mới của Đình Vũ

Công ty cổ phần cảng Vinalines Đình Vũ có số vốn điều lệ 200 tỷ đồng được thành lập năm 2011, trên cơ sở tiếp nhận chuyển giao từ Vinashin để triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp tại cụm công nghiệp Đình Vũ. Ngoài công ty mẹ là Vinalines (nắm giữ 51% vốn điều lệ) và khoáng sản Hợp Thành, hai cổ đông lớn khác của cảng Đình Vũ là bà Nguyễn Thị Thanh Nga và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Lộc Việt, mỗi bên sở hữu 10% vốn điều lệ ; phần vốn còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông nhỏ lẻ khác.

daigia3

Lễ động thổ Vinalines Đình Vũ vào năm 2015.

Thời điểm đó, chỉ đạo của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bộ trưởng Đinh La Thăng, Vinalines phải gấp rút hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại cảng Đình Vũ.

Cảng Vinalines Đình Vũ nằm ở vị trí đắc địa về giao thông thuộc Khu công nghiệp Đình Vũ được đầu tư theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn I xây dựng 2 bến cho tàu trọng tải 20.000 DWT cùng hệ thống kho chứa hàng, công nghệ làm hàng container với tổng số vốn khoảng 1.309 tỷ đồng. Nếu đầu tư đủ 3 bến, công suất của cảng đạt khoảng 5,5 triệu tấn/năm vào năm 2020 trong khi tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại nhóm cảng Đình Vũ lên tới 31 triệu tấn/năm.

Ông chủ Cảng Quy Nhơn

Từ "bàn đạp" cảng Đình Vũ, đại gia khoáng sản Hợp Thành nhanh chóng là ông chủ mới của cảng Quy Nhơn, khi đã mua lại toàn bộ cổ phần của Tổng công ty hàng hải Việt Nam tại Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn.

Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 10 năm 2013. Trong đó, Tổng công ty hàng hải Việt Nam và Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành là các cổ đông đồng sáng lập. Trong đó, Tổng công ty hàng hải Việt Nam nắm giữ hơn 75% vốn điều lệ, tương đương với 30.312.262 cổ phần cảng Quy Nhơn.

Theo chỉ đạo của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bộ trưởng Đinh La Thăng về việc thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn, Tổng công ty hàng hải Việt Nam đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Tổng công ty tại cảng Quy Nhơn cho cổ đông sáng lập còn lại của Cảng Quy Nhơn là Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành.

Hợp Thành "khủng" cỡ nào ?

Trong danh sách khối tài sản "khủng" của đại gia khoáng sản Hợp Thành, không chỉ có Daewoo cũng như cảng Đình Vũ, cảng Quy Nhơn.

Thương vụ 94 triệu đô (tương đương hơn 2 nghìn tỷ đồng) mua lại 70% cổ phần của khách sạn Daewoo khiến nhiều người "choáng ngợp". Đây cũng được coi là thương vụ có giá trị cao nhất của đại gia Hợp Thành, trong khá nhiều "tài sản" có giá trị hàng trăm tỷ đồng khác. Ngoài trở thành ông chủ mới của khách sạn Daewoo, Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Hợp Thành còn là chủ sở hữu của một loạt bất động sản, công ty khai thác khoáng sản,...

daigia4

Dự án Đầu tư xây dựng Tổ hợp kinh doanh phát triển công nghệ tin học MITEC

Thời điểm tháng 3-2016, có thể kể một số tài sản có giá trị của đại gia "khoáng sản" này : Tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du, 9 tầng, trên diện tích đất gần 600 m2, với tổng mức đầu tư khoảng 290 tỷ đồng. Một dự án "khủng" khác của Hợp Thành là Dự án Đầu tư xây dựng Tổ hợp kinh doanh phát triển công nghệ tin học MITEC, nằm tại khu vực Cầu Giấy, trên diện tích 1,01 ha ; tổng mức đầu tư khoảng 850 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà máy chế biến quặng sắt Bình Định 400.000 tấn/năm tại Bình Định đang được triển khai với tổng mức đầu tư 686 tỷ đồng. Trong danh sách danh mục đầu tư của công ty này còn có nhà máy tuyển Quặng sắt Vũ Quang tại Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 181 tỷ đồng.

Khi ấy, doanh thu hàng năm của Hợp Thành Groups được thông báo là trên 10 ngàn tỷ đồng, có 20 đơn vị thành viên và liên kết với hơn 3.000 cán bộ và công nhân đang làm việc. 

Tiếp tục có nguồn tin thế lực chống lưng phía sau cho Hợp Thành là một nguyên phó thủ tướng, người từng được cho là có câu nói nổi tiếng : "Thà là sống nghèo nhưng công bằng và yên bình còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn" trong buổi làm việc với huyện Ba Vì sáng 23/2/2016.

Phóng viên

*******************

Xăng dầu 'móc túi' người dân hơn 3.300 tỷ (VietnamNet, 28/01/2018)

Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng từ việc cơ quan nhà nước không kịp thời lấp lỗ hổng chênh lệch thuế xăng dầu nhập khẩu. Sau khi vấn đề được phát hiện, Bộ Tài chính đã có động thái thay đổi cách tính thuế với xăng dầu nhập khẩu nhưng chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.

Lỗ hổng thuế, nghìn tỷ chảy vào túi doanh nghiệp

Đầu năm 2016, VietnamNet đã phát hiện và đăng tải loạt bài về việc "Lỗ hổng thuế, doanh nghiệp xăng dầu đút túi ngàn tỷ".

Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu dầu diesel, dầu madut,... có thể hướng mức thuế nhập khẩu 0-5% nhưng người tiêu dùng vẫn phải chịu giá đã đánh thuế 10% để mua các mặt hàng này. Mức chênh lệch này có thế mang lại nguồn lợi hàng tỷ đồng cho các DN xăng dầu.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố báo cáo kiểm toán chuyên đề về xăng dầu, trong đó có nhắc đến khoản lợi mà các DN xăng dầu hưởng được từ mức chênh lệch này.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2015 và 5 kỳ điều hành đầu tiên năm 2016, liên bộ Công Thương - Tài chính áp dụng thuế MFN trong điều hành là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn tới giá cơ sở tăng lên, tạo nên một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối.

Theo tính toán, nhờ chênh lệch này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán đã hưởng lợi khoảng hơn 3.300 tỷ đồng.

daigia5

Giá xăng dầu từng bị tính không chính xác.

Vì thế, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phải thay đổi cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, từ kỳ điều hành 21/3/2016, giá cơ sở được áp dụng thuế bình quân gia quyền, tuy có hợp lý hơn, nhưng Kiểm toán Nhà nước cho rằng giải pháp này chỉ mang tính tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề vì vẫn phát sinh chênh lệch thuế nhập khẩu giữa xây dựng và thực tế. Tại 10 thương nhân đầu mối, trong năm 2016 vẫn chênh lệch hơn 1.400 tỷ đồng.

Qua kiểm toán sổ sách thực tế cho thấy, doanh nghiệp (DN) đầu mối được hưởng thuế ATIGA sẽ được lợi từ 5-25% đối với dầu DO năm 2015 ; 0,6-10% đối với dầu DO năm 2016, cao hơn 5,74-10% đối với xăng.

Đây là nhân tố tác động chính làm giá cơ sở thực tế tại đơn vị thấp hơn so với giá cơ sở do liên bộ điều hành, khiến DN tăng thêm lợi nhuận khoảng 4.800 tỷ đồng, trong đó, thặng dư cao nhất tại Petrolimex với khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Việc áp dụng thuế bình quân gia quyền cũng được Kiểm toán Nhà nước cho là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc, cũng như tính minh bạch, rõ ràng trong quy định. Để việc xây dựng giá cơ sở được bình đẳng, hợp lý thì việc quy định tỷ lệ thuế nhập khẩu về một mức phù hợp là rất cần thiết, để khắc phục tồn tại trong xác định giá cơ sở và góp phần vào việc chống trốn lậu thuế.

Kiểm toán Nhà nước cũng kết luận, liên bộ xác định chưa chính xác về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, khiến chênh lệch thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT tại 4 kỳ điều hành (tháng 7, 8/2016) là hơn 216 tỷ đồng. Cơ quan điều hành cũng xác định chưa hợp lý về tỷ giá tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, dẫn đến tính thiếu 214 tỷ đồng qua 17 kỳ điều hành tại 10 DN đầu mối.

Nộp thiếu thuế bảo vệ môi trường

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện số thuế bảo vệ môi trường các đơn vị phải nộp tăng thêm là hơn 170 tỷ đồng.

Lý do là kê khai thuế bảo vệ môi trường chưa phù hợp về thời điểm tính thuế và mức thuế áp dụng trong giai đoạn nhà nước điều chỉnh tăng mức thuế.

Giai đoạn 1/1/2015 đến 30/4/2016, các đơn vị đầu mối nộp thuế bảo vệ môi trường với mức 1.000 đồng/lít xăng khoáng ; 500 đồng/lít dầu diezel ; 300 đồng/lít dầu mazut,... Nhưng thực tế là từ 1/5/2015, mức thuế bảo vệ môi trường đã tăng lên thành 3.000 đồng/lít với xăng ; 1.500 đồng/lít với dầu diezel ; 900 đồng với dầu mazut.

Song, các đơn vị đầu mối được kiểm toán lại còn tình trạng thực hiện kê khai thuế bảo vệ môi trường theo thời điểm phát hành hóa đơn và áp dụng mức thuế cũ (trước 1/5/2015) nhưng hàng lại được giao, chuyển quyền sở hữu, rủi ro sau khi mức thuế mới có hiệu lực thi hành (1/5/2015).

Điều này là chưa đảm bảo phù hợp về thời điểm tính thuế và mức thuế áp dụng. Qua kiểm toán xác định lại thời điểm tính thuế đối với những lô hàng này là từ ngày 1/5/2015 và mức thuế áp dụng được thực hiện theo Nghị quyết 888a/UBTVQH13, dẫn đến điều chỉnh tăng số thuế bảo vệ môi trường phải nộp qua kiểm toán là hơn 142 tỷ đồng.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị các đơn vị tổ chức kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến sai sót, tồn tại trong việc kê khai thuế bảo vệ môi trường chưa phù hợp về thời điểm tính thuế và mức thuế áp dụng trong giai đoạn nhà nước điều chỉnh tăng mức thuế, phải nộp bổ sung qua kiểm toán là hơn 142 tỷ đồng.

Hà Duy

Quay lại trang chủ
Read 610 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)