Xử án theo Luật hay theo… Nghị quyết của Đảng ? (VNTB, 30/01/2018)
Tính đến thời điểm hiện nay, ở vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh, phía công tố đã căn cứ theo Nghị quyết của Đảng để luận tội.
Cụm từ mang tính chất chính trị được áp dụng cáo trạng như vậy là vi Hiến
Trong cáo trạng và lời luận tội của Viện kiểm sát đã dùng cụm từ "lợi ích nhóm" trong vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh - cụm từ này không quy định trong Bộ Luật hình sự (Bộ Luật hình sự) năm 1999 và Bộ Luật hình sự năm 2015 (phiên bản sửa đổi 2017).
Luật sư Phạm Công Hùng – cựu thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tham gia bào chữa cho một bị cáo trong vụ án này cho biết : "Phiên tòa kết thúc phần tranh luận nhưng vẫn còn ngổn ngang những ý kiến khác nhau, trong đó sự khác biệt lớn nhất giữa luật sư và Kiểm sát viên trong vụ án này, đó là : Kiểm sát viên đưa thêm tình tiết "lợi ích nhóm" vào bản luận tội đối với các bị cáo bị truy tố về tội : "cố ý làm trái...".
Ảnh minh họa
Tôi không nhất trí, nên đã tranh luận với Kiểm sát viên rằng : Bộ Luật hình sự khẳng định chỉ những hành vi quy định trong Bộ Luật hình sự mới bị coi là tội phạm, và chỉ những tình tiết tăng nặng quy định trong Bộ Luật hình sự mới được áp dụng để xem xét tăng nặng hình phạt đối với bị cáo. Theo đó cụm từ "lợi ích nhóm" không quy định trong Bộ Luật hình sự, nên Kiểm sát viên đưa thêm vào bản luận tội... là không hợp pháp và gây bất lợi cho các bị cáo !".
Áp dụng tình tiết "Lợi ích nhóm" như vậy là việc công nhiên hạn chế quyền con người, trái nguyên tắc Hiến định.
(Điều 14 Hiến pháp 2013 :
1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng).
Tình tiết "lợi ích nhóm" có thể là trường hợp phạm tội có tổ chức giữa những người có chức vụ, có quyền hạn trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng, cố ý làm trái trong lĩnh vực kinh tế, và cũng có trường hợp không trực tiếp tham gia, nhưng vì lợi ích nhóm nên vẫn gây thiệt hại cho Nhà nước, cho xã hội về mọi mặt.
Nói như luật sư Nguyễn Hồng Hà, tất cả chỉ mới dừng lại là vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng Đảng. Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa được luật hóa nên không thể tùy tiện trong văn bản, quyết định tố tụng khi giải quyết vụ án cụ thể. Đây còn là nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Văn kiện Đảng không phải là Luật pháp
Trên thực tế cụm từ "lợi ích nhóm" được sử dụng trong các văn kiện của Đảng. Trong các bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 3 (tháng 10/2011), Hội nghị lần thứ 4 (tháng 12/2011), Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần sử dụng cụm từ "lợi ích nhóm".
Tuy nhiên về lý thuyết, văn kiện Đảng không phải là quy định pháp luật, người dân và các viên chức không có trách nhiệm bắt buộc phải làm theo. Các nội dung trong văn kiện Đảng, trong phát ngôn của Tổng bí thư không mang giá trị pháp lý điều chỉnh các hành vi dân sự, hình sự của công dân.
Như vậy, nếu ông Tổng bí thư kiên quyết "nhất thể hóa", thì cũng không thể nóng vội trong những cáo buộc kiểu "lợi ích nhóm" từ văn kiện Đảng. Để đảm bảo cho công tác phòng, chống và xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế có tính chất "lợi ích nhóm", từ hoạt động thực tiễn, Quốc hội có trách nhiệm bổ sung tình tiết này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Trong thời gian tình tiết "lợi ích nhóm" chưa được luật hóa, các cơ quan tiến hành tố tụng không sử dụng, hoặc cần hạn chế việc những cụm từ mang tính chất chính trị thể hiện trong văn bản, quyết định tố tụng, trong lời luận tội…
Giả dụ như chấp nhận cụm từ "lợi ích nhóm" như cáo buộc trong vụ án liên quan ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh. Câu hỏi tiếp theo : những nhóm đó bao gồm các cá nhân nào ? Lời khai của ông Đinh La Thăng ở hôm xét xử sơ thẩm về "chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ", thì tại sao chủ tọa phiên tòa không yêu cầu ông Tổng bí thư – người đứng đầu Bộ Chính trị hầu tòa để đối chất, vì rất có khả năng ông Tổng bí thư nằm trong nhóm lợi ích như công tố cáo buộc ?
Thảo Vy
**************
Bộ Công an đang làm rõ lợi ích nhóm tại các dự án BOT (RFA, 29/01/2018)
Bộ Công an Việt Nam đang làm rõ những tiêu cực, sai phạm và dấu hiệu lợi ích nhóm liên quan đến các dự án BT (Xây dựng- Chuyển giao) và BOT (Xây dựng-Vận hành- Chuyển giao) trong ngành giao thông.
Cảnh sát được huy động trong ngày 30/11 tại trạm BOT Cai Lậy Courtesy FB Bạn Hữu Đường Xa
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công an ông Lê Qúy Vương đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ của hai Ban Chỉ đạo 138 (tức Ban chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm) và Ban chỉ đạo 389 (phụ trách lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), diễn ra ngày 29 tháng 1.
Ngoài vấn đề về BOT giao thông, ông Vương còn cho biết năm 2017 có tổng cộng gần 53 ngàn vụ phạm pháp hình sự, điển hình là tội phạm xâm phạm trật tự xã hội và tội phạm núp bóng doanh nghiệp.
Ông Vương cũng đề cập đến tội phạm về kinh tế và tham nhũng trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài chính, đất đai,…
Bên cạnh đó bộ Công an còn đưa ra cảnh báo về tội phạm công nghệ cao, tức là sử dụng công nghệ hiện đại thực hiện hành vi phạm pháp, chẳng hạn như trộm cắp thông tin tài khoản ngân hàng, đánh bạc qua mạng, tin tặc tấn công virus,…
Cả hai ban chỉ đạo 138 và 389 đều do ông Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm trưởng ban.
***************
Hơn 19 ngàn người thiếu đói trong tháng đầu năm (RFA, 29/01/2018)
Trong công bố mới nhất do Tổng cục thống kê vừa ban hành ngày 29/1, cả nước hiện có 19.700 người dân thiếu đói trong tháng Một. Đăk Lăk là địa phương có nhiều hộ thiếu đói nhất với 2100 hộ, tương ứng với 5300 nhân khẩu, tiếp theo là Lạng Sơn 1400 hộ tương ứng 5000 nhân khẩu, Gia Lai 966 hộ tương ứng với 4300 nhân khẩu thiếu đói.
Một người đàn ông vô gia cư làm nghề sửa xe trên hè phố đang nghỉ trưa ở Hà nội hôm 11/4/2016 - AFP
Để khắc phục tình trạng thiếu đói trên, các cấp ngành và địa phương cần huy động khoảng 135 ngàn tấn gạo.
Ngày 22 tháng Giêng, Chính phủ đã có quyết định về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho một số địa phương trong dịp Tết nguyên đán sắp tới. Dự kiến 2800 tấn gạo sẽ được cấp miễn phí để cứu đói cho bà con tại các tỉnh Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai và Tuyên Quang.
Hiện các tỉnh Phú Yên, Thanh Hoá, Đăk Lắk, Đăk Nông, Hà Giang cũng đang đề xuất xin hỗ trợ gạo cứu đói.
*******************
Lái xe ôm hành hung du khách Úc ở Hội An (VOA, 29/01/2018)
Công an thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đang điều tra vụ một du khách Úc bị hành hung đến mức phải khâu một số nơi trên cơ thể, và đã xác định được một số nghi phạm.
Một du khách Úc cáo buộc bị các lái xe ôm địa phương đánh bị thương ở Hội An, Quảng Nam, 25/1/2018
Các báo Việt Nam hôm 29/1 dẫn lời các quan chức Hội An, gồm ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch, và Đại tá Đinh Xuân Nghĩ, trưởng công an, cho hay nạn nhân tên là Margan, và vụ việc xảy ra lúc nửa đêm 24/1.
Hai quan chức này nói một số lái xe ôm đã được triệu tập để lấy lời khai, một người thừa nhận đã "ném ghế nhựa" làm anh Margan bị thương.
Đại tá Nghĩ cho biết thêm thông tin ban đầu thu thập được từ lời khai của các xe ôm, trong khi công an chưa gặp được du khách người Úc. Theo vị trưởng công an Hội An, anh Margan vẫn chưa lên công an để trình báo.
Vẫn theo các báo Việt Nam, mẹ của Margan đã gửi thư đến ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư Thành ủy Hội An, nói về vụ con trai bà bị đánh.
Thư viết Margan đã được khoảng 15 thanh niên người Việt mời đi xe ôm, họ có hành vi "cướp tiền" của Margan, sau đó ít phút, họ "tấn công" anh và nhóm bạn của anh. Vụ hành hung đã khiến Margan phải khâu 11 mũi trên vùng đầu và hai nơi khác trên người.
Mẹ của Margan viết trong email bày tỏ "bức xúc" và nói rằng đây là một việc "không thể chấp nhận được".
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hội An, cho báo chí biết hai mẹ con anh Margan đã rời Hội An cách đây 2 hôm. Ông Sơn cũng nói chính quyền đã liên lạc lại qua email để "động viên, chia sẻ" với Margan và gia đình về vụ việc vừa xảy ra. Phó chủ tịch Nguyễn Văn Sơn khẳng định sau khi công an có kết luận, nhà chức trách Hội An "sẽ có lời xin lỗi chính thức" đến nạn nhân và gia đình.
Về phía công an, Đại tá Nghĩ cho hay họ "đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật". Ông nói thêm là chính quyền thành phố "nhất quyết sẽ xử nghiêm, không để sự việc này ảnh hưởng tới thành phố Hội An".
Nguyên bí thư Thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự, nói với một phóng viên của báo Tuổi Trẻ rằng sự việc du khách Úc bị đánh là "rất đáng buồn và hoàn toàn không một người Hội An nào mong muốn".
Trong những năm qua, đã xảy ra nhiều vụ người nước ngoài bị hành hung ở Việt Nam. Vụ việc gây chú ý nhiều nhất là đại sứ du lịch Việt Nam, đạo diễn Mỹ Jordan Vogt-Roberts, bị đánh tại một quán bar ở thành phố HCM hồi tháng 9 năm ngoái.
Mỗi khi một vụ việc như vậy xảy ra, công chúng thường bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội, nói rằng điều đó làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt của cộng đồng quốc tế và tác động đến ngành du lịch Việt Nam.
Hồi cuối năm 2017, một báo cáo của Tổng cục Du lịch nói có đến 80% du khách nước ngoài không quay lại Việt Nam vì nhiều lý do.
(Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Người Lao Động)