Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/02/2018

50 năm thảm sát Mậu Thân Huế : vết thương vẫn chưa lành

Tổng hợp

Thảm sát trong biến cố Mậu Thân là tội ác chiến tranh ? (RFA, 03/02/2018)

Cách đây tròn đúng 50 năm, vào thời điểm Tết Nguyên Đán Mậu Thân, Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoa ký thỏa thuận ngừng bắn 36 giờ đồng hồ để cho dân chúng đón tết cổ truyền. Thế nhưng Quân đội Bắc Việt, dưới danh nghĩa Mặt trận Giải phóng miền Nam đã đồng loạt tấn công vào 41 tỉnh, thành phố, thị trấn và hàng trăm thị xã miền Nam Việt Nam. Thời điểm cuộc tấn công diễn ra vào lúc giao thừa và hàng ngàn người dân bị thiệt mạng, trong đó cuộc thảm sát ở Huế vẫn là vết thương chưa lành. Hôm nay, Hòa Ái hân hạnh được đón tiếp Ký giả Dan Southerland, cựu Tổng Biên tập Đài RFA và Ký giả Bob Kaylor, cả hai vị đều là cựu phóng viên của hãng thông tấn UPI, để được nghe họ chia sẻ nhân dịp đánh dấu 50 năm biến cố lịch sử này.

Nguồn : RFA, 03/02/2018

***************

Thảm sát ở Khe Đá Mài-Huế : Nỗi đau âm ỉ 50 năm (RFA, 02/02/2018)

Trong toàn bộ biến cố Mậu Thân ở Huế, cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài, ở trong rừng Đình Môn Kim Ngọc, nay thuộc xã Dương Hòa, quận Hương Thủy được đánh giá là dã man và thê thảm nhất.

50nam1

Hai bà mẹ bên di ảnh của con trai bị sát hại trong thảm sát tại Khe Đá Mài, tại đám tang ở nghĩa trang Ba Tầng-Huế. Di ảnh của nạn nhân Đỗ Long bên trái (từ trái sang).  Courtesy : Linh mục Phan Văn Lợi cung cấp

Giáo xứ Phủ Cam 50 năm trước

Bà cụ Đỗ Thị Xuân hồi tưởng lại những gì diễn ra với gia đình của bà và của nhiều gia đình khác trong giáo xứ Phủ Cam, ở Huế vào ngày Tết đầu năm Mậu Thân, cách nay 50 năm :

"Đầu năm Tết 1968, khi đó súng bắn dữ quá. Mấy người nói lên nhà thờ là an toàn nhất. Ngày sau đó, gia đình lên nhà thờ. Ở trên đó hai ngày thì phải ! Khi đó, súng bắn hai, ba ngày rồi. Cậu em canh gác bên ngoài vào lúc khuya chạy lại chỗ cha tôi nằm và nói ‘Cha ơi, Việt cộng tràn vô rồi’. Đến khuya thì Việt cộng tràn vô nhà thờ. Trời ơi, họ đi khám xét, rọi đèn pin từng mặt người".

Bà cụ Xuân kể lại tỉ mỉ từng chi tiết như là vụ việc vừa mới xảy ra, bởi vì nỗi ám ảnh kinh hoàng luôn hằn sâu trong ký ức của bà và của người thân trong gia đình về cái chết của cậu em trai út trong cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài.

Bà cụ Xuân cho biết sau khi bộ đội Bắc Việt và Việt cộng nằm vùng kiểm tra mọi người đang trú ẩn ở nhà thờ Phủ Cam, thì phụ nữ và trẻ em được cho về. Người em trai út của bà là Đỗ Long, 16 tuổi bị bắt lại khi đang cùng gia đình trên đường trở về nhà. Người em trai kế Đỗ Thanh, là thanh niên tự vệ trong giáo xứ đã bị mất liên lạc nên không rõ có bị bắt hay không.

"Việt cộng vào trong thành phố, còn xung quanh thì đạn bắn rớt ào ào. Khi đó, họ cho người về nhắn rằng nếu ai có thân nhân bị bắt thì mang đồ ăn cho 3 ngày mang lên cho những người ‘học tập’ ở chùa Từ Đàm. Mẹ tôi nấu cơm bới giống như cục bột, bới hai giỏ vì không biết cậu anh có bị bắt không. Tôi trẻ nên tôi đi mang cơm lên chùa Từ Đàm, để hai giỏ xách, ghi tên Đỗ Long/1 giỏ xách và Đỗ Thanh/1 giỏ xách rồi tôi đi về".

Kể từ khi đặt hai giỏ cơm tại sân chùa Từ Đàm, gia đình của bà cụ Xuân không bao giờ được gặp lại người con, người em Đỗ Long một lần nào nữa.

Cùng hoàn cảnh với gia đình bà cụ Xuân, lúc bấy giờ hàng trăm gia đình giáo dân trong giáo xứ Phủ Cam và rất nhiều gia đình Phật tử tại địa phương cũng không biết số phận của những người đàn ông và các thanh niên trong gia đình mình sẽ như thế nào. Nỗi hoang mang và lo sợ phủ trùm cả đất cố đô kinh thành Huế không chỉ trong 26 ngày đêm dịp Tết Mậu Thân khi quân đội Bắc Việt chiếm đóng, mà còn kéo dài suốt thời gian nửa thế kỷ qua.

Cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài được phơi bày

Hai thanh niên bị bắt trong số hàng trăm người bị đưa đến chùa Từ Đàm, là hai nhân chứng duy nhất còn sống sót, chạy thoát trước khi cuộc thảm sát diễn ra trong ít phút đồng hồ. Họ kể lại hầu hết những người bị bắt là giáo dân giáo xứ Phủ Cam, đều là học sinh, sinh viên, thanh niên hiền lành. Khỏang 20 người bị bắn chết ngay tại chùa Từ Đàm và chôn xác luôn tại đó. Một vài người được cho về để nhắn tin các gia đình mang đồ ăn đến chùa Từ Đàm cho thân nhân trong thời gian ‘học tập’ 3 ngày. Hàng trăm người còn lại được thông báo Cách mạng đưa đi học tập 3 ngày cho thấm nhuần đường lối rồi sẽ cho về. Ngay sau thông báo, từng người bị trói thúc ké bằng dây điện thoại và bị xâu lại thành chùm, gồm 20 người bằng một sợi dây kẽm gai. Tổng cộng có khoảng 25 chùm, tức vào khỏang 500 người.

500 người này bị đẩy ra đường trong đêm tối, bị 30 bộ đội Bắc Việt áp giải. Họ đi trong bóng đêm dưới trời mưa lâm râm, phải qua sông bằng bè lồ ô và có lúc lên đồi, khi lại xuống lũng, qua khe, thỉnh thoảng được soi chiếu bằng những cây đèn pin hay vài ngọn đuốc của các bộ đội. Những người bị bắt cảm nhận được đang đi sâu vào trong rừng, nhưng vì là trong đêm tối nên họ không biết ở khu vực nào.

Một nhân chứng hiện còn sống chính là người nghe lỏm được các bộ đội nói với nhau rằng trong vòng 15 đến 20 phút nữa sẽ thủ tiêu hết những người bị trói. Nhân vật này báo cho người bạn đang bị trói cạnh bên để tìm cách trốn chạy. Trong lúc đi xuống dốc và nghe tiếng nước róc rách gần kề, hai người đã cùng nhau bỏ chạy. Mặc dù có những tiếng súng bắn đuổi theo, nhưng hai người họ may mắn được thoát. Vào đúng khuya mùng 7 rạng sáng mùng 8 Tết Mậu Thân, hai thanh niên này nghe tiếng súng AK nổ vang rền và lựu đạn nổ tới tấp. Một góc rừng rực sáng chen lẫn với những tiếng khóc la khủng khiếp.

Đến tận 20 tháng sau biến cố Mậu Thân, vào tháng 10 năm 1969, tin tức về cuộc thảm sát này mới được phơi bày do tù binh Việt cộng cho biết địa điểm tại Khe Đá Mài, ở trong rừng Đình Môn Kim Ngọc, nay thuộc xã Dương Hòa, quận Hương Thủy. Vào thời điểm đó, công binh mất hai ngày dùng mìn phá ngã các cây cổ thụ để tạo ra khoảng trống đủ lớn cho trực thăng đáp xuống. Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa phụ trách việc bốc các di hài nạn nhân. Bà cụ Đỗ Thị Xuân nhớ lại :

"Ngày đó tôi coi tin tức trên tivi thôi. Họ nhảy dù xuống và vớt lên nào là chuỗi, nào là dây chuyền, qua 2 trận lụt trong 20 tháng làm thịt người bị rã ra, mắc trên cây do nước dâng lên. Còn dưới suối thì họ vớt lên xương cốt, đủ thứ hết".

Bà cụ Xuân cho biết sau đó, bà tìm được cái áo sơ mi của cậu em trai út Đỗ Long mặc vào ngày bị bắt, vì người thân từ Quy Nhơn đã gửi hai xấp vải ra Huế để may cho hai cậu em của bà mặc đón Tết Mậu Thân :

"Tôi lên tìm được cái áo của cậu em tôi. Đem về thì biết em tôi bị đâm từ sau lưng đâm tới với một đường dài khỏang hơn 10 phân. Hiện bây giờ trong nhà còn giữ chiếc này, bỏ trong cái hộp xà cừ".

Ông Võ Văn Bằng, Trưởng ban Cải táng Nạn nhân Cộng sản Tết Mậu Thân, nhân dịp biến cố lịch sử này tròn 40 năm, cũng kể lại với RFA rằng :

"Chúng tôi thấy các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên các thi hài đó còn thấy các dây điện thoại trói lại".

Nỗi ám ảnh dài nửa thế kỷ

Theo truyền khẩu từ các gia đình nạn nhân bị giết hại trong cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài, có khoảng 400 bộ hài cốt được tìm thấy và được đưa về an táng tại nghĩa trang ở núi Ba Tầng (núi Bân). Nghĩa trang xây thành hình bán nguyệt, hai bên có bàn thờ che mái cho tín đồ Phật giáo và Công giáo đến cầu nguyện. Ở giữa phía sau có một bia tưởng niệm. Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, chính quyền mới ở Huế đã dùng mìn để phá trụ bia và hai bàn thờ.

Từ đó cho đến nay, suốt 50 năm qua nghĩa trang bị hoang tàn. Các gia đình có thân nhân bị sát hại ở Khe Đá Mài đến viếng nghĩa trang Ba Tầng hầu như bị chính quyền địa phương làm khó dễ.

Linh mục Phan Văn Lợi, người được gặp gỡ và được nghe nhân chứng còn sống sót trong cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài kể lại tường tận vụ việc, nói với Đài Á Châu Tự Do về nguyện vọng của những gia đình có người thân bị thảm sát tại Khe Đá Mài :

"Những người tôi đã tiếp xúc thì đều mong muốn là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải bày tỏ thái độ nhận lỗi, xám hối vì đã giết những người vô tội. Họ mong muốn nhà cầm quyền phải thừa nhận điều đó một cách chính thức. Thứ hai nữa là ngôi mộ tập thể ở núi Bân, tức là núi Ba Tầng cần phải được chỉnh trang và tôn tạo lại ; bởi vì cho đến bây giờ vẫn để hoang phế cỏ mọc um tùm, thậm chí có những người đến đó còn bị gây khó dễ này nọ. Đó là ước nguyện của những người có thân nhân đã khuất".

Một số các gia đình có thân nhân bị sát hại tại Khe Đá Mài nói riêng và bị mất mạng trong các cuộc thảm sát ở Huế chia sẻ với RFA rằng mỗi năm Tết về, nỗi đau âm ỉ mất mát người thân được truyền lại cho thế hệ con cháu, nhắc nhở hãy tha thứ cho những người Cộng sản một khi họ chân thành hối lỗi và cũng đừng bao giờ quên biến cố lịch sử quan trọng của dân tộc, như bà cụ Xuân khẳng định"Biến cố Mậu Thân là diệt chủng" để những người Việt máu đỏ da vàng không sát hại đồng bào mình một lần nào nữa hết.

Hòa Ái

***********************

Tết Mậu Thân 1968 và văn chương (RFA, 02/02/2018)

Năm mươi năm trôi qua, khoảng thời gian vừa đủ cho một đứa bé ra đời, lớn lên, tập tễnh vào đời, va đập cuộc sống và lần mò bước qua bên kia dốc cuộc đời để chiêm nghiệm về đời người, về nhân tình thế thái. Ấy cũng là khoảng thời gian mà vết đau lịch sử vẫn còn âm ỉ, đúng nửa thế kỉ trước, trong khoảnh khắc giao thừa Tết Mậu Thân, những tiếng súng khai cuộc tổng tiến công từ những người lính Cộng sản Bắc Việt khiến cho người dân miền Nam ngỡ đó là tiếng pháo nổ, để rồi vài mươi giờ sau, một biến cố tan thương khảm dấu vào lịch sử. Và suốt chiều dài nửa thế kỉ, những xác người vẫn còn lẩn khuất đâu đó giữa lòng đất mẹ oan khiên !

50nam2

Huế, 50 năm sau cuộc chiến - TTVN

Cuộc chiến Mậu Thân 1968 đã đi vào văn chương như một vết đau khôn nguôi, những tác phẩm văn chương như Dải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, hồi ký Không Biên Giới của Nguyễn Thị Thanh Sung, Bài Ca Viết Cho Những Xác Người và hát Trên Những Xác Người của Trịnh Công Sơn, Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy của Trầm Tử Thiêng, Chuyện Một Đêm của Anh Bằng, Dáng Đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân…

Có thể nói số lượng tác phẩm văn chương cả hai phía Nam và Bắc vĩ tuyến 17 viết về chiến trận Mậu Thân 1968 không hề nhỏ, trong đó, có một số tác phẩm của các nghệ sĩ miền Nam Cộng Hòa đã thành bất hủ, sự hiện hữu của tác phẩm như một chứng tích tâm hồn về một cuộc binh biến đau thương. Và nỗi đau này đã vượt thời gian, thấm đẫm tâm hồn những thế hệ sau.

Nhắc về tác phẩm văn chương trong cuộc binh biến Mậu Thân 1968, nhạc sĩ Đynh Trầm Ca, người đoạt giải Kim Khánh những năm đầu thập niên 1960 với ca khúc Ru Con Tình Cũ, chia sẻ : "Mậu Thân, sau cái thảm họa đó thì những tác phẩm nó ra đời và gây sự xúc động lớn, như Dải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, như âm nhạc thì có Trầm Tử Thiêng – chuyện một chiếc cầu đã gãy... Họ không lên án hay gì cả nhưng các tác phẩm này gây xúc động, bởi vì các tác phẩm này đánh đúng vào thời điểm đó, cái thật của cuộc chiến đó. Sau Mậu Thân thì các tác phẩm văn học miền Nam xoay quanh cuộc chiến này như một sự tưởng niệm"....

Nhạc sĩ Đynh Trầm Ca chia sẻ thêm là hiện tại, trí nhớ của ông không còn được minh mẫn như trước đây vài năm bởi chứng tia biến não. Nhưng những cảm xúc, những nỗi đau mất mát trong chiến rtanh thì không bao giờ nguôi trong tâm hồn một nghệ sĩ. Nhắc về chiến tranh, giọng ông trở nên xúc động bồi hồi, ông nhắc tên những tác phẩm văn chương như đang gọi tên những người bạn thiết đã lâu ngày không gặp.

Có thể nói rằng tác phẩm viết về chiến cuộc Mậu Thân 1968 gồm nhiều thể loại, nhưng có hai góc nhìn riêng biệt, góc nhìn của các nghệ sĩ phiá Nam vĩ tuyến 17 thiên về nỗi đau, nỗi mất mát, xuyên suốt tác phẩm văn chương, thi ca của miền Nam Việt Nam là nỗi đau, cái nhìn nhân ái và những trăn trở nhân sinh về kiếp người, về chiến tranh cũng như những di họa của nó.

Ngược lại, các tác phẩm văn chương nghệ thuật của các nghệ sĩ Bắc vĩ tuyến 17 mang đậm tính chất anh hùng ca, mỗi ca từ, câu văn, cú pháp trong mỗi tác phẩm như những phát súng xung trận, nhuốm màu khói lửa, tiếng hô xung phong và hò reo chiến thắng.

Nhà văn, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, người vừa từ bỏ chức danh Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, nhận xét : "Cuộc chiến Mậu Thân hình như chỉ có một cuộc chiến tiêu biểu của ông Xuân Thiều, đại tá quân đội. Ngay cả Đất Trắng của Nguyễn Trọng Oánh, viết những năm 1978, 1979 cuốn này nói về một cấp chỉ huy,cấp chính ủy của phía Bắc chịu không nổi gian khổ đã ra đầu hàng phía Nam...Có thể đây là lần đầu tiên văn học miền Bắc nói đến chuyện đầu hàng trong chiến tranh"...

Nhưng có một thực tế là cho dù những tác phẩm của các nghệ sĩ phía Bắc vĩ tuyến 17 cho dù mang tính xung trận, mang hơi hướm tuyên truyền nhưng vẫn không giấu được giọt nước mắt trong sâu thẳm tâm hồn của người nghệ sĩ. Cuộc chiến tử sinh, một chiến cuộc đã lấy đi quá nhiều sinh mạng đồng đội của họ, cho dù đứng trên biên kiến nào thì nỗi đau, nỗi mất mát vẫn là điều không thể giấu được.

Điều này trở nên rõ ràng hơn trong tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh của nhà văn Bảo Ninh. Bảo Ninh không viết về cuộc chiến Mậu Thân 1968, ông viết về nỗi đau chung của chiến tranh, trong đó có cả bóng dáng của chiến dịch Mậu Thân và chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân 1975. Với ông, chiến tranh là một nỗi buồn, và nỗi buồn này đeo đăng suốt một thế hệ, nhiều thế hệ mà chiến tranh đã để lại vết tích trên thân thể lịch sử của nó.

Cuộc chiến trong mắt Bảo Ninh là một ván bài mà ở đó, tất cả đều thua, không hề có người thắng cuộc, kẻ thắng cuộc ẩn danh duy nhất mà ông tiết lộ có lẽ là hố chôn bộ bài cũng như nỗi ám thị thắng thua trên mặt quân bài. Và chiến tranh đã lấy đi cái đẹp, lấy đi tuổi xuân, lấy đi tính nhân văn của con người một cách không thương tiếc.

Với nhà văn từng sống, trải nghiệm tuổi thơ chiến tranh ở Sài Gòn như nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông chia sẻ : "Cho mình xem thử tác phẩm văn chương về Mậu Thân 1968 ? Mình chưa thấy ! Nếu như nói về chiến tranh, nói về Mậu Thân thì mình đọc những tác phẩm văn học miền Nam, đó là những tác phẩm mô tả nỗi bi thương, nỗi mất mát của chiến tranh chứ không phải là tụng ca hay nói về chiến thắng. Mình không thấy gì ngoài nỗi mất mát"...

Một cuộc chiến đã đi qua 50 năm, đúng nửa thế kỉ, nhưng cái chết, nỗi đau vẫn như vừa sơ sinh, tiếng khóc và trận gió oan hồn trong cuộc chiến vẫn còn phảng phất đâu đó trong gió tháng Chạp.

Nói cho cùng, chiến tranh là một thứ gì đó làm người ta mất mát quá nhiều và nó chỉ xứng đáng để hồi tưởng, để nhớ, để tưởng niệm và kính cẩn nghiêng mình với sự mất mát, với cái chết, với vết thương dân tộc. Chiến tranh hoàn toàn không xứng đáng để ngợi ca cho dù đứng trên biên kiến nào. Những hành động ngợi ca chiến tranh, ngợi ca sự mất mát không thể ngồi chung với văn minh nhân loại.

Bài viết ngắn ngủi này xin được xem như một sự tưởng tiếc, nghiêng mình kính cẩn trước các oan hồn Việt Nam đã ngã xuống và vĩnh viễn im hơi lặng tiếng trong chiến cuộc Mậu Thân 1968. Bài viết như một nén tâm nhang của thế hệ hậu chiến tranh viết về mối cảm hoài trong một buổi chiều cuối năm, nghĩ về quê hương, đất nước !

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

*********************

Những ca khúc về Mậu Thân 68 : Tính nhân bản của người miền Nam (RFA, 02/02/2018)

Bên cạnh những nhân chứng còn sống, bên cạnh những lời ghi chép để lại trong lịch sử vẫn chưa đầy đủ, thì âm nhạc là nơi lưu giữ, là 1 thực thể hiển hiện rõ nhất sự thật về biến cố Mậu Thân 1968.

50nam3

Bìa nhạc ca khúc Cơn mê chiều của nhạc sĩ Minh Khôi. Nguồn : Internet

Nhìn ở 1 góc độ nào đó, 5 ca khúc : "Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy" ; "Những con đường trắng" của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng ; "Hát Trên Những Xác Người" hay còn gọi "Bài Ca Cho Những Xác Người" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ; Cơn Mê Chiều của nhạc sĩ Minh Khôi là 5 trang sử nhạc ghi lại một cuộc thảm sát dân tộc chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng người dân Việt Nam.

Thế nhưng, phải đến gần 10 năm sau, những ca khúc ấy mới có cơ hội thực hiện vai trò lịch sử của nó. Vì sao ?

Không có oán hận

Trong những tư liệu nói về Mậu Thân, người ta hay dùng những danh từ như thảm sát, biến cố, thảm kịch, tang tóc…để chuyển tải tính chất của 1 cuộc chiến.

Thậm chí, người ta còn hình tượng hóa sự kiện này như 1 cuộc tương tàn giữa anh em trong 1 nhà. Có người đã viết về Mậu Thân thế này :

"Trong vụ thảm sát Mậu Thân, ngoài nỗi đau đớn cho dân tộc trong một cuộc nồi da xáo thịt tàn độc, còn có một nỗi đau lớn hơn, là vai trò một số trí thức Việt Nam trong cuộc thảm sát này".

Nhưng âm nhạc thì không.

"Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn

Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng

Chiều nay không có em, xác phơi trên mái lầu

Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình

Đường nội thành đền xưa ai tàn phá ?

Cầu Tràng Tiền bạc màu loang giòng máu

Hương Giang ơi thuyền neo bến không người qua đò

Một lần thôi nhưng còn mãi ...

Và chiều nay không có em, đường phố cũ chân mềm"Cơn mê chiều của nhạc sĩ Nguyễn Minh Khôi có lẽ là chứng cứ trọn vẹn nhất về sự mất mát của Huế. Thêm vào đó là tiếng hát ma mị của danh ca Thái Thanh, thì Cơn mê chiều chính là oan hồn của hàng trăm xác người sau cuộc thảm sát ở Khe Đá Mài, thuộc xã Dương Hòa, quận Hương Thủy.

Tất cả những gì đẹp nhất, thơ mộng nhất của Huế được tác giả mang hết vào ca khúc. Không có tiếng súng. Không có tiếng thét. Không có lời ai oán. Chỉ có "Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình"

Hoặc là lời trách buồn bã của người mẹ đất thần kinh đối với đứa con của mình "nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng"

Trong 1 tư liệu phân tích về ca khúc này, bút danh Hoàng Hạc có viết rằng :

"Giống như những đứa con lớn lên trong một gia đình nghèo, có bà mẹ bịnh tật, có người cha say rượu hay đánh đập con cái và một bầy em còn nhỏ dại. Thay vì khuyên răn người cha, săn sóc người mẹ, che chở cho đám em khờ, các anh lại bỏ đi, và chẳng những đã bỏ đi mà còn dắt kẻ gian về đốt phá nhà mình".

Và đâu đó, vẫn là tính nhân bản của tầng lớp văn sĩ xưa, lấy ngọn đuốc soi sáng mong làm tan đi tội ác.

"Tôi là người trong đêm, mang ngon đuốc về nội thành

Xin là người soi đường đi xóa hết đau thương"...

"Từ tiếng trách nghẹn người anh em miền Bắc, sao nỡ cắt đứt nhịp cầu tình nghĩa, qua "Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy" ; Đến đau đớn tột cùng để phải cười điên, hát dại, qua "Hát Trên Những Xác Người", "Bài Ca Cho Những Xác Người" ; Từ sự chua xót khi một thành phố thanh bình bỗng chốc hóa thành một thành phố của sự tang tóc, qua "Những Con Đường Trắng" ; Đến những bước chân lê thẩn thờ mê dại, nghẹn ngào trước thảm cảnh người thân về giết người thân, qua "Cơn Mê Chiều".

Tất cả 5 bài hát đã nói lên mọi khía cạnh của sự đau đớn mà người dân xứ Huế đã phải gánh chịu. Nhưng, hoàn toàn không có bất cứ một lời lên án, nguyền rủa hay đòi trả thù rửa hận nào.

Ngạc nhiên thay !

Ngạc nhiên để phải suy gẫm, mới thấy tính nhân bản của người dân miền Nam, của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cao đẹp quá !".

Đó là chia sẻ của một độc giả tên Hoàng Trọng Thắng khi nói về 5 ca khúc chứng nhân lịch sử của Mậu Thân 1968.

Ngọn đồi cao mênh mông lồng lộng những xác người. Con đường thênh thang phủ đầy những đoàn người dắt díu nhau chạy trốn. Bãi Dâu lởm chởm những hố hầm chôn vùi người đã chết…

"Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn…".

Đứng trước khung cảnh đó, người ta có thể khóc đến điên dại mà cũng có thể cười đến hóa rồ.

Thế nhưng, bức tranh về thảm kịch của một miền đất nước và của cả một dân tộc được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ lên năm 1968, ngay khi ông từ Huế về lại Sài Gòn, hoàn toàn không có sự kêu gào căm phẫn.

Có chăng, là tiếng vỗ tay, vỗ tay trong thù hận, vỗ tay cho ăn năn.

"Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người

Tôi đã thấy, tôi đã thấy,

Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.

Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh

Chị vỗ tay hoan hô hòa bình

Người vỗ tay cho thêm thù hận

Người vỗ tay xa dần ăn năn".

Cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng khi khóc cho nỗi đau thương của Huế, cũng chỉ là nhắc nhớ sự ngọt ngào muôn thưở của Huế.

"Ngày xưa Huế có con đường trắng

Ơi con đường trắng

Áo trắng đơn sơ,

Áo trắng ngây thơ,

Áo trắng như mơ,

Áo trắng học trò"

Hay mượn hình ảnh sụp đổ của cây cầu Tràng Tiền 12 nhịp để nói lên nỗi đau đớn của ông.

"Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui

Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi.

Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi

Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài"

Không nghĩ nhiều về chiến tranh

Một vị bác sĩ hiện sinh sống ở Sài Gòn, (xin được dấu tên) nhớ lại thời gian ấy, khi ông còn là 1 cậu bé, những ca khúc đó chưa được phổ biến nhiều, đặc biệt là với người dân miền Nam.

"Cái tâm thế hồi đó rất lạ. Người ta không than khóc về chiến tranh nhiều. Xã hội đủ thanh bình, đô thị Việt Nam đủ thanh bình để người ta không nhắc đến chiến tranh.

Khoảng năm 70, 72, người ta vẫn không hát những ca khúc đó nhiều, trừ những sinh hoạt của những sinh siên tranh đấu, nhưng cũng không nhiều. Đa số là những ca khúc Du ca, Nhi đồng ca, Bình ca của Phạm Duy, người ta hát về mơ ước 1 quê hương thanh bình, thanh niên đi xây dựng quê hương".

Theo vị bác sĩ này, mãi cho đến sau năm 1975, thì những đau thương mất mát của Huế nói riêng và của cả dân tộc nói chung trong những ca khúc về Mậu Thân mới thực sự được trưng bày.

"Khi người ta ý thức, căm hận đến tận xương tủy đó là tội ác. Người ta nghe lại với lòng căm phẫn. Trước đó, dân miền Nam không được giáo dục với lòng căm phẫn. Xã hội hồi xưa rất lạ. Gần như chiến tranh ít chạm đến đô thị. Dân miền Nam ít nói về chiến tranh. Người ta không bị ám ảnh lắm".

Cho dù chủ nghĩa hiện thực có hiện diện trong 5 ca khúc tiêu biểu về Mậu Thân, nhưng bàng bạc trong đó vẫn là sự lãng mạn, hào hoa, mưu cầu cái đẹp thanh bình của 1 tầng lớp văn sĩ xưa.

Vị bác sĩ không nêu tên trong này có nói rằng "sẽ không có ca khúc nào có thể diễn tả hết được sự kinh hoàng của nó"

"Chỉ là 1 mô tả phơn phớt thôi. Hàng ngàn hài cốt bới lên, cột chùm với nhau bằng dây thép, dây kẽm gai cột vô xương cánh tay, không có ca khúc nào tả được".

Sứ mệnh của âm nhạc là thế. Cho dù các nhạc sĩ không chọn chủ nghĩa hiện thực để đưa vào tác phẩm thì 5 ca khúc tiêu biểu này sẽ mãi mãi là chứng nhân của lịch sử. Và thảm sát Mậu Thân 1968, dù có thêm bao nhiêu lần 50 năm nữa thì nỗi đau của người dân đất thần kinh và của cả dân tộc Việt Nam vẫn mãi còn đó mỗi khi nhắc lại.

Quay lại trang chủ
Read 568 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)