Trung Quốc giải cứu 17 cô dâu Việt Nam (VOA, 05/02/2018)
17 phụ nữ Việt Nam bị bán tại Trung Quốc đã được giải cứu trong một loạt các cuộc đột kích vào mạng lưới buôn người xuyên biên giới, Đài truyền hình Trung Quốc, CCTV, đưa tin hôm 4/2.
Cảnh sát Trung Quốc đang làm nhiệm vụ, ảnh minh họa.
Có tất cả 60 người, gồm cả những kẻ buôn người và người mua, đã bị bắt trong cuộc đột kích tại 8 tỉnh của Trung Quốc hồi năm ngoái, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 4/2.
Cảnh sát đã mở cuộc điều tra vào tháng Hai năm ngoái khi một đôi nam nữ đi tàu lửa bị phát hiện dùng chứng minh thư giả ở thị trấn biên giới Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam.
Cảnh sát thêm nghi ngờ khi người đàn ông tỏ ra lo lắng và người phụ nữ không thể trả lời các câu hỏi.
Bản tin truyền hình Trung Quốc nói rằng người đàn ông cuối cùng thừa nhận rằng người phụ nữ đi cùng đến từ Việt Nam và họ đã sử dụng chứng minh thư giả cũng như ông ta đã mua người phụ nữ này làm vợ.
Trong số những người bị bắt có hai người môi giới, một phụ nữ Việt Nam và "chồng" của cô, quê ở Hà Nam.
Bản tin cho biết, nhân vật cầm đầu đường dây này là một công dân Việt Nam tên Pham, người quản lý hơn một chục kẻ môi giới mua bán phụ nữ trên khắp Trung Quốc.
Trong những tháng sau đó, cảnh sát đã tiến hành điều tra ở các tỉnh khác nhau, bao gồm tỉnh Giang Tây, An Huy và Hà Nam để giải cứu các nạn nhân và bắt thủ phạm buôn người.
Những phụ nữ trên đã được hồi hương về Việt Nam.
**********************
Các em gái vùng cao bị bán sang Trung Quốc (BBC, 05/02/2018)
Trẻ em gái tại nhiều vùng núi hẻo lánh của Việt Nam đã và đang trở thành nạn nhân của các vụ buôn người.
Trẻ em gái tại nhiều vùng núi hẻo lánh của Việt Nam đã và đang trở thành nạn nhân của các vụ buôn người
Báo cáo của tổ chức Plan International cho hay, nhiều trẻ trong số này chỉ trong độ tuổi từ 13 trở lên, bị lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ của những người đàn ông nghèo.
Các bước thường lặp lại. Trẻ em gái từ các vùng quê nghèo bị bắt cóc, hoặc bị lừa gạt, sau đó bị bán qua biên giới.
"Chỉ riêng năm ngoái thôi, huyện Mường Chà chỗ tôi ở đã có ba vụ trẻ em gái bị đưa sang Trung Quốc", ông Sùng A Chìa, mục sư từ một Hội thánh Tin Lành tại huyện Mường Chà, Điện Biên, nói với BBC qua điện thoại ngày 5/1.
"Bị bắt cóc hay không thì tôi không nghe nói, nhưng bị lừa sang Trung Quốc thì có".
"Ba em này tuổi từ 14 đến 18. Trong đó em 18 tuổi trước đây thường hay nói chuyện điện thoại [với ai đó], rồi bị lừa sang Trung Quốc".
"Sau đó em này có quay về. Chính quyền địa phương có tới hỏi thăm".
"Nhưng hai em kia thì không thấy quay về".
Cũng theo ông Chìa, việc trẻ em gái bị lừa sang Trung Quốc không phải là do đời sống ở bản quá khó khăn.
"Ở đây cũng khó khăn nhưng không phải là quá tệ. Chủ yếu là do các em thiếu hiểu biết, chưa nghe tuyên truyền về việc này bao giờ".
Tỉnh Điện Biên, nơi ông Chìa và gia đình sinh sống, chỉ là một trong những tỉnh miền núi Việt Nam nổi cộm với vấn đề buôn bán phụ nữ qua biên giới nhiều năm qua.
Nơi những trẻ em gái 'mất tích'
Nhiếp ảnh gia Vincent Tremeau đã có chuyến đi thực địa cùng Kirsty Cameron của Tổ chức Plan International đến một làng hẻo lánh gần biên giới Việt Trung, nơi nhiều trẻ em gái 'mất tích'.
"Nhiều trẻ em gái ở vùng núi phía bắc Việt Nam bị bắt cóc và bán sang bên kia biên giới làm vợ đàn ông Trung Quốc", bài báo của Vincent Tremeau viết trên BBC News.
Trong phóng sự ảnh của Vincent, có bà Do 56 tuổi đang ngồi bó gối thẫn thờ trong căn nhà cũ.
Ước muốn duy nhất của người phụ nữ đang mắc bệnh hiểm nghèo này là được gặp con gái lần cuối trước khi chết.
Mi, con gái bà, tên Mi, mất tích hai năm nay.
Mi bị bắt cóc đi đang đi chợ. Gia đình chỉ biết khi cô bé rời chợ thì có hai gã đàn ông bám theo. Dân địa phương nói rằng nhiều khả năng cô bé đã bị gả bán cho đàn ông Trung Quốc.
Gia đình bà Do đã tìm con ở khắp Hà Giang nhưng vô ích.
Chưa dừng lại ở đó, sau Mi, ba bé gái khác trong ngôi làng chỉ vỏn vẹn 50 nhân khẩu này cũng bị bắt cóc.
Cuộc sống ở tại cộng đồng này kỳ khó khăn. Một thủ đoạn bọn buôn người sử dụng là bỏ ra hàng tháng để tìm hiểu một cô gái, giả làm bạn hoặc bạn trai, trước khi nói với họ rằng họ có thể giúp họ kiếm được việc làm ở Trung Quốc.
Với niềm tin rằng tiền lương cao hơn và cuộc sống tốt hơn ở đó, nhiều cô gái cho đây là cơ hội để giúp đỡ gia đình nên sẵn sàng đi với họ, cho đến khi nhận ra bị lừa ở bên kia biên giới.
Dinh (18 tuổi) 18 tuổi cũng bị bắt cóc. Khi cô 15 tuổi, cô cùng bạn là Lia được cho đi nhờ về nhà để khỏi phải đi bộ đường xa. Tuy nhiên, các cô gái nhanh chóng nhận ra rừng họ bị đưa đi sai đường.
Cô bị đưa đến Trung Quốc, bị nhốt trong một căn nhà và chụp hình cho người mua. Mặc dù Dinh đã bỏ trốn sau tám tháng, Lia vẫn chưa trở lại.
Dinh trốn thoát sau khi bị bán qua biên giới, nhưng Lia vẫn chưa thấy trở về
'Nỗi mất mát mơ hồ'
Các gia đình có người mất tích chịu cái gọi là "sự mất mát mơ hồ" - một thuật ngữ do nhà tâm lý học Pauline Boss đặt ra và được miêu tả là một trong những cảm giác đau đớn nhất bởi vì có rất ít khả năng có một 'cái kết' cho tình trạng này, theo bài báo của Vincent Tremeau.
Những người bị ảnh hưởng trải qua một loạt các cảm xúc mãnh liệt và liên tục biến động : đau khổ, bối rối, đau đớn, tuyệt vọng, buồn bã, thất vọng, bất lực, hy vọng.
Những cảm xúc này - kết hợp với sự chờ đợi tin tức không hồi kết - có thể tàn phá sức lực và khiến những người ở lại suy nhược.
Thường xuyên tìm kiếm câu trả lời, nhưng không chắc chắn về nơi ở và số phận của người mất tích, gia đình không thể thương tiếc sự mất mát của họ theo cách mà một người nào đó có thể chịu đựng được một sự mất mát.
Trong khi đó, nhiều trẻ em gái, trong đó nhiều em mới 13 tuổi, tiếp tục là nạn nhân của bọn buôn người, bị bắt cóc, đưa sang Trung Quốc để bán 'làm vợ'.
Theo Tổ chức Plan International về quyền trẻ em, kiểu hôn nhân cưỡng bức này dù tăng chậm nhưng đều đặn trong thập kỷ qua.
Chính phủ Việt Nam ước tính có khoảng 300 vụ buôn người chỉ trong vòng ba tháng đầu năm 2017.
Trong khi đó, tổ chức Child Helpline nhận được gần 8.000 cuộc gọi liên quan đến các vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em gái qua biên giới trong suốt ba năm qua.
Chỉ còn lại các bức ảnh Mi treo trên tường nhà
Cần phối hợp giữa hai chính phủ
"Hiện giờ không có cơ quan nào có thể nêu được hàng năm ở Việt Nam có bao nhiêu người bị buôn bán sang biên giới, bao nhiêu người đi qua biên giới để làm ăn để chủ ra xu thế là nó tăng vọt hay không", bà Bà Khuất Thu Hồng, chuyên gia về bình đẳng giới nói với BBC từ Hà Nội ngày 5/2.
"Tuy nhiên, qua các thông tin từ báo đài, tôi được biết kẻ buôn người nay đã lợi dụng công nghệ thông tin như Facebook, Zalo để lừa gạt, bán trẻ em gái qua biên giới".
"Có một thực tế là điều kiện ở các khu vực miền núi phía Bắc đặc biệt khó khăn so với các khu vực khác".
"Trẻ em gái phải bỏ học sớm do điều kiện tiếp cận với trường sở hạn chế, nhận thức về học hành cho trẻ em cũng hạn chế, rồi do phong tục tập quán như kết hôn sớm cũng ảnh hưởng đến việc học hành của các em. Nhiều em còn không nói được tiếng Kinh".
"Như vậy có thể giả định là việc tiếp cận thông tin của các em cũng hạn chế, dễ khiến bị người ta lừa gạt rằng qua biên giới cuộc sống sẽ tốt hơn, thu nhập tốt". "Trong bối cảnh đó, những giải pháp cơ bản nhất để nâng cao nhận thức cho đối tượng này là hỗ trợ để trẻ được đi học".
"Trường sở có chương trình truyền thông bằng tiếng dân tộc để họ nắm được thông tin càn thiết, tránh được cạm bẫy".
"Nâng cao sinh kế để họ yên tâm ở lại quê hương làm việc".
"Thật ra thì rất khó để nói làm thế nào giữ chân được họ. Vì thu nhập thế nào là cao rất khó để nói. Người ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn đi tìm kiếm những chỗ có thu nhập cao hơn".
"Về lâu dài thì tôi nghĩ chính phủ hai nước [Việt Nam - Trung Quốc] nên có chương trình phối hợp để hỗ trợ, cùng nhau giải quyết vấn đề này. Cần làm sao để có sự hợp tác tốt hơn giữa lực lượng biên phòng hai bên tại các vùng biên giới".