Án chung thân thứ hai cho Trịnh Xuân Thanh (RFA, 05/02/2018)
Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp Dầu khí – PVC, vào sáng 5/2/2018, bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên thêm án tù chung thân về tội tham ô tài sản trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu Khí- PVP Land. Đây là án tù chung thân thứ 2 đối với ông Thanh.
Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) tại tòa án ở Hà Nội hôm 24/1/2018. AP
Trước đó, vào ngày 22/1, ông Thanh đã lãnh án tù chung thân vì tội cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Theo VnExpress, Hội đồng xét xử tại phiên tòa lần này đã tuyên cả 8 người tội tham ô tài sản. Cụ thể là :
Ông Trịnh Xuân Thanh, giữ vai trò chủ mưu bị tù chung thân, phạt bổ sung 50 triệu đồng.
Ông Đinh Mạnh Thắng, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dầu khí Sông Đà – bị tuyên án 9 năm tù. Ông Thắng là em trai ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị vừa bị kết án tù vì tội cố ý làm trái trong phiên tòa trước đó với Trịnh Xuân Thanh.
Sáu người còn lại bị tuyên các mức án từ 6 -16 năm tù.
Bản án nhận định ông Thanh được chia hưởng 14 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land thấp hơn giá trị thực tế.
Ông Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận việc này. Tuy nhiên Hội đồng xét xử cho rằng có đủ cơ sở kết luận về hành vi này.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh đã thu hút sự quan tâm của quốc tế kể từ khi nước Đức tuyên bố ông bị bắt cóc từ một công viên ở Berlin bởi an ninh Việt Nam vào năm ngoái. Chính phủ Đức cho rằng đây là một "vi phạm tai tiếng" về chủ quyền của Đức.
Tuy nhiên, chính phủ Hà Nội phủ nhận cáo buộc, đồng thời cho đăng tải đoạn video ông Thanh ‘về nước đầu thú’ trên Đài truyền hình Quốc gia Việt Nam.
Sự việc ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức ‘về nước đầu thú’ vào cuối tháng 7/2017 không được nhắc đến trong phiên tòa và không được xem xét là tình tiết giảm nhẹ.
Bản tin hãng AFP loan tin cùng ngày nhận định các nhà quan sát cho rằng chính phủ độc đảng tại Việt Nam kết án giới doanh nhân và chính trị bởi lý do đấu đá chính trị cũng như những cam kết chống tham nhũng.
Trịnh Xuân Thanh là một trong những tên tuổi lớn nhất như một phần của cuộc thanh trừng, phản ánh tình trạng tương tự ở nước láng giềng Trung Quốc.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam đứng thứ 113 trong số 176 nước về chỉ số tham nhũng, tệ hơn các nước láng giềng Đông Nam Á là Thái Lan và Philippines.
********************
Vợ con ông Trịnh Xuân Thanh ‘không muốn về Việt Nam’ (VOA, 05/02/2018)
Gia đình của ông Trịnh Xuân Thanh "không có ý định" từ Đức về Việt Nam thăm cựu quan chức dầu khí mới bị Việt Nam kết án tù chung thân lần hai vì không hy vọng vào chính quyền trong nước, theo luật sư.
Ông Trịnh Xuân Thanh lúc còn đang an toàn bên Đức.
Trong phiên tòa thứ hai cũng về tội tham ô thời còn nắm Tổng Công ty cổ phầnn Xây lắp Dầu khí Việt Nam, ông Thanh hôm 5/2 bị kết án tù chung thân.
Về bản án này, nữ luật sư người Đức của cựu quan chức tỉnh Hậu Giang, bà Petra Isabel Schlagenhauf, cho VOA tiếng Việt biết rằng bà vẫn giữ quan điểm như đã nêu đối với một phiên xử khác hồi tháng trước mà ông Thanh cũng bị kết án tù chung thân.
"Đây là phiên tòa không công bằng, không có sự độc lập về tư pháp và bản án đã rõ ngay cả trước khi diễn ra phiên xử", bà nói.
Nữ luật sư người Đức này nói thêm rằng "Việt Nam đang tìm cách che giấu việc bắt giữ thân chủ của tôi bằng những phiên tòa dàn dựng và phô diễn, không giống như tại các nước có pháp quyền".
Phía Đức năm ngoái cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" ông Thanh trong khi Việt Nam nói rằng ông "tự thú".
Tuần trước, nói lời cuối cùng trước tòa, ông Thanh cho biết ông có nguyện vọng là sau khi bị kết án, ông "được cho về gần với vợ con", và "nếu có chết thì chết trong vòng tay vợ con".
Hôm 3/2, tờ Đất Việt đăng bài viết nói rằng việc ông Thanh "liên tiếp đề nghị được về Đức gặp vợ con sau khi tuyên án là phi lý và không có cơ sở pháp lý", nhưng việc vợ con ông về thăm là "điều dễ dàng".
Bà Schlagenhauf cho biết rằng bà "vẫn giữ liên lạc" với người nhà của cựu quan chức này ở Đức và họ biết "nguyện vọng" của ông Thanh.
"Gia đình ông ấy biết rằng họ không thể hy vọng gì từ lãnh đạo Việt Nam hiện nay và hy vọng rằng chính phủ Đức cũng như cộng đồng quốc tế có thể giúp đỡ bằng cách nói rõ cho Việt nam rằng điều này không thể chấp nhận được", nữ luật sư nói.
"Một lần nữa, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi ủng hộ mọi hành động của chính phủ Đức nhằm giải quyết vụ việc liên quan tới thân chủ của tôi".
Một nguồn tin chính thống trong Bộ Ngoại giao Đức cho VOA tiếng Việt biết rằng chính quyền Berlin "ghi nhận cả hai phán quyết".
"Chúng tôi biết rằng các luật sư bào chữa cho ông Thanh đã kháng án trong phiên xử đầu tiên. Vì thế, hiện chúng tôi chưa có quyết định cuối cùng", nguồn tin này nói.
"Chúng tôi hoan nghênh việc các quan sát viên quốc tế có thể dự phiên tòa. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng thấy đáng tiếc rằng truyền thông quốc tế không được cho phép vào phiên tòa và luật sư Đức của ông Thanh không được cho nhập cảnh vào Việt Nam dự phiên tòa".
Ngoài ông Thanh, ông Đinh Mạnh Thắng, em trai của ông Đinh La Thăng, hôm 5/2 cũng đã bị kết án 9 năm tù giam trong vụ xử "tham ô tài sản tại Công ty Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land)".
Theo truyền thông trong nước, cả ông Thăng và ông Thanh đều kháng cáo bản án dành cho mình hồi tháng trước.
Viễn Đông
********************
Trịnh Xuân Thanh bị tuyên chung thân lần hai (BBC, 05/02/2018)
Hôm 5/2, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên ông Trịnh Xuân Thanh thêm án chung thân về tội "Tham ô tài sản".
Ông Trịnh Xuân Thanh đã bị tuyên chung thân trong phiên tòa trước
Cũng trong phiên tòa này, ông Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Đinh La Thăng, bị tuyên 9 năm tù với cùng tội danh.
Báo Dân Trí ghi nhận : "Buổi tuyên án diễn ra chậm 40 phút so với dự kiến. Hệ thống âm thanh trong phòng theo dõi phiên xử qua màn hình dành cho báo chí gặp trục trặc. Trong khoảng 10 phút đầu, phóng viên chỉ thấy hình, không có tiếng, sau đó có tiếng nhưng rất nhỏ, phóng viên không nghe được".
Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh tường thuật : "Hội đồng xét xử nhận định rằng các cơ quan tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tài liệu trong hồ sơ vụ án hoàn toàn hợp pháp. Hội đồng xét xử cho rằng việc sửa chữa lời khai của Trịnh Xuân Thanh đã được điều tra viên giải trình, theo đó việc sửa chữa này là theo yêu cầu của chính bị cáo Thanh".
Cáo buộc "tham ô tài sản" xảy ra trong vụ chuyển nhượng cổ phần bất động sản tại dự án Nam Đàn Plaza của Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Cáo trạng nêu ông Thanh và bảy bị cáo "chiếm đoạt 49 tỷ đồng tiền chênh lệch trong thương vụ này".
Riêng ông Thanh bị cáo buộc "tham ô 14 tỷ đồng".
Phản hồi từ luật sư
Trả lời BBC hôm 5/2, Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Hãng Luật Hưng Yên, một trong những người bào chữa cho ông Thanh, nói : "Sáng nay tôi không dự tòa, nhưng nghe các luật sư khác nói lại rằng tòa tuyên không có logic, nghe buồn cười".
"Tại phiên tòa, chúng tôi đặt rất nhiều câu hỏi với Viện Kiểm sát để làm rõ nhưng họ không tranh luận lại".
"Về chuyên môn, chúng tôi không thỏa mãn với cáo buộc ông Thanh là chủ mưu tham mưu vụ án thứ hai này".
"Về tố tụng, vụ án này không đủ điều kiện khởi tố vụ án với ông Thanh về hành vi cách đây tám năm".
"Về nội dung, không có nội dung nào khác ngoài hai lời khai buộc tội ông Thanh mà những lời khai này có trong một phiên tòa khác hồi năm 2017 (không có mặt ông Thanh) nhưng giờ những người khai đó giờ lại phủ nhận".
"Trong vụ án này, ông Thanh chỉ là người quản lý, phát triển bảo toàn vốn theo điều lệ cũng như quy định pháp luật về công ty có sở hữu của Nhà nước".
"Chúng tôi đề nghị Viện Kiểm sát làm rõ việc làm sao ông Thanh có quyền chỉ đạo và chi phối nhưng Viện Kiểm sát đã không thể đưa ra bằng chứng".
"Về lời khai ông Thanh nhận vali 14 tỷ, chúng tôi cho rằng không thể để số tiền này với nhiều mệnh giá trong một vali để vừa trên ngăn hành lý xách tay của máy bay. Rất tiếc Viện Kiểm sát cho rằng không cần thiết để thực nghiệm việc này".
"Hội đồng xét xử đã không đánh giá hết toàn diện các quan điểm mà luật sư đề nghị tranh luận cũng như đưa ra bằng chứng cho thấy ông Thanh không có hành vi tham ô".
"Về cả hai bản án chung thân dành cho ông Thanh trong hai vụ án này, các luật sư chúng tôi cho rằng không có căn cứ để tuyên ông ấy phạm tội".
Đề cập về việc gia đình ông Thanh đã nộp khoản tiền khắc phục 4 tỷ đồng trước khi phiên tòa đầu tiên diễn ra, luật sư Quynh nói : "Ông Thanh đồng ý cho gia đình nộp khoản này nhưng với trách nhiệm là người đứng đầu PVC để xảy ra tình trạng để cấp dưới rút ruột công trình".
"Chứ ông ấy hoàn toàn không nhận tội 'Cố ý làm trái'"
"Khả năng cao là ông Thanh tiếp tục kháng cáo bản án thứ hai này".
"Ông ấy rất quyết liệt, không nhận tội, còn buộc tội thế nào thì đó là quyền của cơ quan tố tụng".
'Yêu cầu đặc biệt'
Trước đó, trả lời BBC, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói : "Chắc chắn hai vụ án hình sự về tội danh "Cố ý làm trái…", "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVN và PVC và vụ "Tham ô tài sản" tại PVP Land có khối lượng hồ sơ rất lớn".
"Tuy nhiên, hai vụ này lại được đưa ra xét xử cách nhau hai ngày là sẽ là áp lực rất lớn đối với bản thân các bị cáo và các luật sư bào chữa cho họ". "Tôi thật sự khâm phục các luật sư nào đã nhận tham gia cả hai vụ án này".
"Thông thường, chúng ta ít thấy các vụ án lớn được xếp lịch xét xử cận với nhau vậy. Rõ ràng đã có những yêu cầu đặc biệt tác động đối với lịch xét xử".
Hôm 2/2, ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đã làm đơn kháng cáo bản án trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVN và PVC.
Truyền thông Việt Nam ghi nhận, hầu hết các bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường mà bản án ngày 22/1 đã tuyên. Riêng ông Trịnh Xuân Thanh "kháng cáo kêu oan".
"Bị cáo Thanh đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại về cả trách nhiệm hình sự và dân sự. Ông Trịnh Xuân Thanh cho rằng, bản thân không tham gia vào các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản như bản án sơ thẩm đã tuyên", VietnamNet tường thuật.
*********************
Trịnh Xuân Thanh lãnh thêm án chung thân thứ hai (Người Việt, 04/02/2018)
Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) bị kết án thêm bản án chung thân thứ hai từ số tiền "tham ô" khi bán tài sản của công ty con PVP Land.
Ông Trịnh Xuân Thanh tại một phiên xử ở tòa án thành phố Hà Nội. (Hình : Tuổi Trẻ)
Trịnh Xuân Thanh, 50 tuổi, bị cáo buộc nhận 14 tỷ đồng (hơn 616.376 USD) là tiền được chia trong số tiền nhóm người mánh mung bán rẻ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần bất động sản Điện Lực Dầu Khí Việt Nam (PVP Land), công ty con của PVC .
Người đóng vai trò chuyển tiền phù phép làm giá cho ông Thanh là Đinh Mạnh Thắng, em ruột ông cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng.
Phiên tòa diễn ra từ ngày 25 tháng Giêng 2018 vừa kết thúc, chấm dứt một vụ án sôi nổi mà nhân vật chính Trịnh Xuân Thanh đã làm quan hệ bang giao giữa Đảng cộng sản Việt Nam và nước Đức trở nên căng thẳng. Ông Thanh bị tình báo Đảng cộng sản Việt Nam bắt cóc khi bị lừa đến một công viên ở Berlin đưa về Việt Nam trị tội sau khi bỏ trốn khoảng đầu tháng 9 năm 2016.
Ông Thanh bị Viện kiểm sát cáo buộc "suy thoái đạo đức", "đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến số tiền đặc biệt lớn (hơn 87 tỷ) của Nhà nước, làm cho dự án Nam Đàn Plaza – một dự án có giá trị kinh tế rất lớn – bị đình trệ, không triển khai được từ năm 2010 đến nay".
Hậu quả của hành vi của ông Thanh bị tòa cáo buộc "không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động rất xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, gây bức xúc trong dư luận". Ông cũng bị tố "chưa thật thành khẩn khai báo, chỉ khai nhận một phần hành vi phạm tội".
Cáo trạng nói việc chuyển nhượng giá thấp nhằm lấy tiền hối lộ từ kẻ mua để chia nhau giữa các bị cáo từ dự án xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp Nam Đàn Plaza ở đường Phạm Hùng, tổng cộng 49 tỷ đồng. Trong đó, ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tham ô 14 tỷ đồng, ông Đinh Mạnh Thắng hưởng 5 tỷ ; ông Đào Duy Phong hưởng 8 tỷ ; ông Nguyễn Ngọc Sinh hưởng 2 tỷ ; ông Hùng 20 tỷ.
Các lời khai chi tiết về cách thức chuyển số tiền 14 tỉ đồng "lại quả" từ phi vụ trên cho ông Thanh, mà ông ta phủ nhận, cho người ta thấy đám quan chức đảng viên của chế độ ăn hối lộ hay xà xẻo của công một cách trắng trợn.
Sau khi ra khỏi Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh trốn lánh tại nước Đức. Ông ta đã gửi thư bỏ đảng Đảng cộng sản Việt Nam và nhất là nói "không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng" nữa.
Qua blogger Người Buôn Gió, ông Trịnh Xuân Thanh từng hứa hẹn công bố các tài liệu động trời về tham nhũng tại ngành dầu khí Việt Nam, gồm cả chuyện bán lậu dầu thô ngay tại nơi khai thác. Số tiền quan chức bỏ túi chia nhau lên hàng tỉ đô la.
Tuy nhiên, qua các phiên tòa của hai vụ án, người ta không thấy ông Trịnh Xuân Thanh đem những chuyện đó ra nói. Những gì người thấy chỉ là những lời ông phủ nhận tội danh tham nhũng.
Thậm chí, ông Trịnh Xuân Thanh còn "khóc nấc" trước tòa và xin lỗi ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "Bị cáo rất ân hận, rất hối hận. Cháu muốn gửi lời xin lỗi bác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất mong bác tha thứ cho cháu cũng như người con, người cháu trong gia đình, tạo điều kiện để cháu được gặp bố mẹ, vợ con". Báo Thanh Niên tường thuật phiên tòa ngày 17/1/2018.
Ngoài ông Trịnh Xuân Thanh, 7 đồng phạm khác trong vụ án cũng bị tù về tội tham ô như sau :
– Đinh Mạnh Thắng – nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà bị 9 năm tù về tội tham ô tài sản ;
– Đào Duy Phong – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVPLand bị 16 năm tù ;
– Nguyễn Ngọc Sinh – nguyên tổng giám đốc PVP Land bị 13 năm tù ;
– Lê Hòa Bình – chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Minh Ngân bị 8 năm tù, tổng hợp với bản án lừa đảo trước đó là chung thân, bản án chung cho ông Bình vẫn chỉ là tù chung thân ;
– Nguyễn Thị Kim Thoa – nguyên kế toán trưởng công ty Minh Ngân và công ty xây dựng 1/5 : từ 8-9 năm tù, tổng hợp với bản án lừa đảo trước đó là chung thân, cộng chung vẫn chỉ là tù chung thân ;
– Huỳnh Nguyễn Quốc Duy – kinh doanh tự do : 10 năm tù. (TN)
*********************
Vì sao Trịnh Xuân Thanh lại xin sang Đức thăm vợ con ? (BBC, 04/02/2018)
Ông Trịnh Xuân Thanh lại một lần nữa xin sang Đức thăm gia đình trong một phiên xét xử tại Hà Nội hôm 3/2.
Ông Trịnh Xuân Thanh nghe tuyên án tại TAND Thành phố Hà Nội hôm 22/1
Tại phiên tòa xét xử ông Thanh và đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản, ông Trịnh Xuân Thanh được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói : "Cũng như bản án trước, sau khi bản án có hiệu lực, bị cáo muốn sang Đức thăm vợ con, nếu có chết thì cũng trong vòng tay vợ con".
Bình luận với BBC về yêu cầu này của ông Thanh, nhà báo Lê Mạnh Hùng từ Berlin cho rằng những lời cuối tưởng như "ngây thơ" của ông Thanh lại là "một thông điệp tương đối khéo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi tới hai địa chỉ : gia đình và nước Đức".
"Những lời nói của ông Trịnh Xuân Thanh về vụ này, đứng về phía hội đồng xét xử, về phía những người đang quyết tâm chống tham nhũng hay những ai theo dõi truyền thông trong nước, thì có thể nghĩ là hơi ngây thơ. Không ai lại có thể cho phép những kẻ bị tuyên án tử hình và tù chung thân lại được ra nước ngoài tụ họp với gia đình rồi được chết trong vòng tay của những người thân".
"Còn đứng về phía khác, cá nhân tôi đánh giá đây là một thông điệp tương đối khéo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi tới hai địa chỉ", ông Lê Mạnh Hùng nói.
'Tình cảm cao nhất dành cho gia đình'
Theo truyền thông trong nước, khi các bị cáo được phép nói lời sau cùng tại phiên tòa hôm 3/2, ông Thanh nói những ngày trong trại tạm giam ông nhiều đêm mất ngủ vì 'nhớ vợ, nhớ con, nhớ bạn bè'.
"Bị cáo vẫn tin tưởng vào cuộc sống, tin tưởng vào xã hội, tin tưởng Hội đồng xét xử. Bị cáo muốn cám ơn tất cả những người dân, những người bạn mới, cám ơn các luật sư và cả những người công an dẫn đoàn đưa bị cáo đi xét xử... Một lần nữa cám ơn những người quan tâm đến bị cáo trong quá trình xét xử...
Cũng như bản án trước, sau khi bản án có hiệu lực, bị cáo muốn sang Đức thăm vợ con, nếu có chết thì cũng trong vòng tay vợ con", ông Thanh được tờ Dân Trí dẫn lời.
Từ Berlin, nhà báo Lê Mạnh Hùng bình luận với BBC :
"Trong vụ ông Thanh bị bắt cóc, người ta đã nói rất nhiều về chuyện ông đã gặp người tình cũ. Thậm chí những lời bình luận tương đối ác còn cho rằng ông 'chết vì phụ nữ'. Vì vậy có lẽ ông muốn khẳng định một điều là đến cuối đời tình cảm cao nhất mà ông dành cho chính là gia đình".
'Mong sự ủng hộ của nước Đức'
Nhà báo Lê Mạnh Hùng tiếp lời : "Địa chỉ thứ hai ông muốn nhắm tới theo tôi chính là nước Đức. Từ đầu tới giờ chúng ta chỉ theo dõi cái tuyên bố duy nhất của ông trên truyền hình, mà có bình luận cho là bị cưỡng ép, rằng ông tự nguyện về nước để đầu thú. Từ đó đến nay chúng ta chưa hề thấy một tuyên bố thứ hai của ông Thanh".
"Và tại phiên tòa chưa chắc ông Thanh đã có đủ can đảm và điều kiện để nói lên những suy nghĩ của mình".
"Thành ra đây cũng là một thông điệp của ông gửi tới nước Đức để cầu mong sự ủng hộ của nước Đức rằng trước sau ông cũng muốn trở lại Đức, nơi mà ông đã xin tỵ nạn chính trị để sum họp gia đình".
"Đành rằng cơ hội đó rất là mỏng manh nhưng tôi nghĩ rằng ông Thanh đã cố tận dụng cơ hội để nói ra điều đó".
Trả lời BBC về khả năng ông Thanh được nước Đức trợ giúp, nhà báo Lê Mạnh Hùng cho rằng ông Thanh không phải là người ngây thơ và rất "dày dặn khôn ngoan trong nhiều việc".
"Nếu Đức hiểu đúng cái tạm gọi là lập trường của ông Thanh trong sự việc này, đây cũng là một căn cứ để phía Đức có thể mặc cả hay thương lượng gì đó với phía Việt Nam".
"Đành rằng nước Đức không thể làm cái chuyện bỗng dưng đưa ông Thanh trở lại Đức được".
"Còn Việt Nam chấp nhận được đến đâu và chiều theo ý muốn của phía Đức về vụ ông Thanh như thế nào thì có lẽ chúng ta phải đợi xem giữa hai nước có tiếp xúc và đàm phán với nhau ra sao".
Đây không phải là lần đầu ông Thanh xin được quay lại Đức sau khi vụ án kết thúc. Hôm 17/1, tại phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo khác trong vụ án PVC, ông Thanh cũng đề nghị được "cho sang bên đó để có điều kiện chăm sóc con".
Ông Trịnh Xuân Thanh nhận án tù chung thân trong vụ PVC. Tòa sẽ tuyên án ông và các bị cáo khác trong vụ án thứ hai về tội tham ô sáng ngày 5/2.