Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/02/2018

Luật pháp thiên vị : án phạt quan và dân không giống nhau

RFA tiếng Việt

Từ vụ ông Lê Phước Thanh : ‘Sẽ không còn khái niệm hạ cánh an toàn !’ (RFA, 07/02/2018)

Thêm một trường hợp nguyên bí thư vừa bị Trung ương cộng sản Việt Nam kỷ luật bằng hình thức "cách chức" bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015, đó là ông Lê Phước Thanh, nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

luat1

Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) tại tòa án ở Hà Nội hôm 24/1/2018. AP

Ý nghĩa và tác dụng của những quyết định kỷ luật theo hình thức này được ghi nhận như thế nào trong giai đoạn có rất nhiều ý kiến nói rằng cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay thực chất là ‘đấu đá nội bộ’ ?

Hình thức kỷ luật mới của Đảng

Hình thức kỷ luật bằng cách "cách chức" bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, bí thư Ban cán sự đảng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011 – 2016, không phải là trường hợp đầu tiên.

Vào ngày 2/11/2016, trong cuộc họp cũng do chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã đưa ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Sau đó, tháng Giêng năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết xoá bỏ tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 mà ông Vũ Huy Hoàng từng đảm nhiệm do đã buông lỏng kỷ luật ở Bộ Công Thương, dẫn đến các đơn vị do Bộ này quản lý không thực hiện đúng quy định về tuyển mộ và bổ nhiệm nhân viên.

Khi những sự việc này được truyền thông trong nước loan tin, rất nhiều phản hồi từ người dân đặt câu hỏi : "Cách chức 1 chức vụ không còn đảm đương nữa để làm gì ?" ; hoặc có người ý kiến cho rằng : "Giờ đã nghỉ hưu rồi, cách chức có tác dụng gì đâu, chẳng qua chỉ là một hình thức không hơn không kém !"

Giải thích về điều này, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Trưởng ban Quốc hội cho biết đây là một hình thức mới, xuất hiện trong thời gian vài năm trở lại đây.

"Dĩ nhiên có người thấy lạ, nhưng đó là 1 hình thức kỷ luật mới. Trong tiếp xúc cử tri, các người lãnh đạo cũng giải thích đây là hình thức kỷ luật mới.

Nhưng việc kỷ luật đó là việc của bên Đảng".

Trước đây, nói về quyết định kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá từng trả lời báo trong nước rằng "đây là lần đầu tiên" xảy ra việc cách chức một cán bộ quản lý cấp cao, đứng đầu một bộ khi không còn đương vụ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ kinh tế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng thì có suy luận khác. Ông nhìn sự việc này và đặt tên cho sự việc này là "con mắt khôi hài của nhân gian" :

"Tức là lấy đi một cái mà người ta không có. Và điều này trở nên 1 cái khôi hài trong con mắt của nhân gian. Trong những ngày vừa thì dư luận bàn tán rôm rả sôi nổi về việc này và đúng là phải thấy nó buồn cười. Buồn cười vì Đảng tìm cách lấy đi những gì người ta không còn có nữa".

Không chỉ thế, Luật sư Trần Quốc Thuận có nhấn mạnh thêm về góc độ pháp lý, đó là việc cách chức là giai đoạn đầu của hình thức kỷ luật, sẽ có những xử phạt kế tiếp tuỳ theo mức độ vi phạm.

"Nếu sai phạm nặng hoặc nghiêm trọng và gây thất thoát thì đôi khi cũng có thể dẫn đến bị xử về hình sự".

"Thẩm quyền Đảng" là cách luật sư Trần Quốc Thuận giải thích về quyền lực của cơ quan quyết định áp dụng hình thức kỷ luật cho những vi phạm của Đảng viên. Ví dụ như Đảng viên tham gia xã hội dân sự hay đòi hỏi tam quyền phân lập đều bị cho là những vi phạm.

"Những chuyện đó (vi phạm) ngoài xã hội là chuyện bình thường nhưng trong Đảng thì có những qui định khác, khắc nghiệt hơn. Đảng tự đặt cho mình những quyền có thể không phù hợp với luật khác, nhưng đó là do Đảng tự đặt ra cho mình".

Không còn ‘hạ cánh an toàn’

Cho đến sự việc thứ hai là trường hợp ông Lê Phước Thanh, Ban bí thư áp dụng hình thức kỷ luật tương tự vào báo chí truyền tải thông tin này với ngôn từ tương tự, đó là "cách chức".

Không đồng tình với cách gọi này, nhà báo tự do Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng cho rằng theo ông, đây là cách dùng từ sai.

"Tôi nghĩ nếu gọi đúng thì dùng từ là tước hàm. Đối với ông Lê Phước Thanh là tước hàm Bí thư, hoặc như ông Vũ Huy Hoàng trước đây là tước hàm Bộ trưởng".

Bên cạnh đó thì nhà báo Trương Duy Nhất cũng có cùng nhận định với Luật sư Trần Quốc Thuận khi cho hình thức kỷ luật này chỉ xuất hiện gần đây. Nhưng, bằng cách phân tích cụ thể và thực tế hơn, nhà báo Trương Duy Nhất chia sẻ về tính chất của việc "tước hàm" chức vụ của 1 người đã từng có trong quá khứ.

"Tức là bây giờ anh không còn những bổng lộc, định xuất mà anh đương nhiên được hưởng ở những cái hàm đó khi anh về hưu rồi nhưng anh vẫn được. Là tước đi mọi những quyền lợi về tiền bạc, về danh dự, danh xưng mà trước đây anh được hưởng trên cương vị đó".

Trước đây, khi ông Vũ Huy Hoàng bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016, ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phiên họp chất vấn đại biểu sau đó thừa nhận rằng có rất nhiều khó khăn.

Tương tự, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá trả lời báo trong nước rằng cách xử lý như thế đối với ông Vũ Huy Hoàng là "nhằm thực hiện ý nguyện của nhân dân, là xử lý nghiêm những sai phạm không có vùng cấm, không từ ai, khi có vi phạm phải bị xử lý, cả khi đương chức cũng như khi đã về hưu".

Đây cũng chính là ghi nhận của nhà báo Trương Duy Nhất khi đánh giá về hình thức kỷ luật này. Theo ông, nó vẫn có những tác động tích cực.

"Nó sẽ tạo ra 1 tiền lệ là không có khái niệm hạ cánh an toàn nữa".

Nhà báo Trương Duy Nhất cho rằng với cái mà dư luận hay gọi là đấu đá trong nội bộ Cộng sản, hoặc có thể gọi là đấu tranh chống tham nhũng, thì đối với những nhân vật đã nghỉ hưu rồi, họ từng được coi như hạ cánh an toàn. Nhưng bây giờ thì không. Và theo ông, điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

"Anh có nghỉ hưu bao nhiêu năm chăng nữa nhưng nếu phát hiện ra trong giai đoạn trước đây anh có tham nhũng, tham ô, sai phạm trong nhiệm kỳ đó thì vẫn bị xét xử chứ không an toàn được".

Vừa qua, nguyên bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cựu ủy viên Bộ Chính Trị, ông Đinh La Thăng bị đưa ra tòa xét xử và bị tuyên án 13 năm tù giam. Đây cũng được cho là 1 án phạt chưa có tiền lệ đối với 1 cựu ủy viên Bộ Chính trị. Do đó, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất cho rằng ông dự đoán sẽ còn nhiều trường hợp ‘tước hàm’ diễn ra và khẳng định từ đây, khái niệm ‘hạ cánh an toàn’ sẽ khó mà tồn tại.

**********************

Án tù và mức gây hại : tỉ lệ thuận hay tỉ lệ nghịch ? (RFA, 07/02/2018)

Thời gian gần đây, Việt Nam liên tục có những phiên tòa hình sự mà cơ quan tố tụng cho là có tính chất nghiêm trọng gây hậu quả nghiêm trọng đến xã hội.

Trong một số vụ đối tượng bị cáo và tội danh đưa ra trong những phiên tòa đó tuy khác nhau nhưng mức án cuối cùng không cách biệt nhiều, từ 10 đến 14 năm tù giam.

Có sự khác biệt gì giữa những thiệt hại gây ra bởi các tội danh đó và sai phạm thực tế của các đối tượng bị cáo được ghi nhận ra sao ?

luat2

Nhà hoạt động Hoàng Bình (trái) nhận mức án 14 năm tù giam do vi phạm Điều 257, 258 và Đinh La Thăng (phải) nhận án 13 năm tù giam vì tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" - AP

Đối tượng bị xâm phạm

Thời gian qua, truyền thông xã hội và báo giới loan tải khá nhiều và đầy đủ về các đối tượng bị cáo, cũng như những sai phạm mà họ bị cáo buộc trước toà. Điều này giúp nhận ra một số bị cáo không những khác nhau về địa vị xã hội mà những sai phạm của họ cũng mang tính chất khác nhau.

Cuối tháng 11/2017, ở phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa giữ nguyên bản án sơ thẩm 10 năm tù giam cho blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh theo cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước", theo Điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam.

Đây là bản án mà các luật sư bào chữa cho blogger Mẹ Nấm nhận định là "nặng hơn cả bản án giết người".

Gần đây nhất là bản án 14 năm tù giam đối với nhà hoạt động môi trường, phó chủ tịch của phong trào Lao Động Việt Hoàng Bình với tội danh "chống người thi hành công vụ" và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 257 và 258 Bộ Luật hình sự Việt Nam.

Với mức án này, nhà hoạt động Hoàng Bình sẽ có thời gian chịu án lâu hơn ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn dầu khí Việt Nam PViệt Nam, cựu Ủy viên bộ chính trị, người bị Tòa Nhân dân Hà Nội tuyên án 13 năm tù giam vì tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

"Công lý là thế đấy ?"

Ngay khi bản án dành cho nhà hoạt động Hoàng Bình được công bố, Luật sư Nguyễn Phương Đông đã thốt lên :

"Từ lúc Bạch Hồng Quyền bị truy nã là giới đấu tranh và cả hắn đều biết rõ mình sắp bị bắt. Thay vì chọn con đường đi tỵ nạn chính trị thì hắn lại chọn ở lại quê hương. Và giờ đây phải lãnh cái án 14 năm nặng nề (cao hơn cả Đinh La Thăng khi tham nhũng hàng nghìn tỷ - án 13 năm).

Cũng dựa trên khía cạnh luật pháp, nhưng luật sư Đặng Đình Mạnh phân tích sâu hơn về thiệt hại do các sai phạm của hai nhóm đối tượng bị cáo, và mức độ vi phạm thực tế của các bị cáo đã bị cáo buộc trước toà.

Trước tiên, ông khẳng định có sự khác biệt rất rõ ràng khi nói về đối tượng bị xâm phạm của tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội danh theo Điều 257, 258 Bộ Luật hình sự Việt Nam.

"Nó có sự khác biệt rõ ràng. Một tội xâm phạm vào quy định của quản lý kinh tế của nhà nước. Những sai phạm như vậy nó làm thiệt hại tài sản của nhà nước, mà cũng chính là tài sản của nhân dân.

Còn đằng kia, nhà nước cho rằng những đối tượng đó là tội phạm, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Vì vậy nó sẽ có sự khác biệt nhau về đối tượng bị xâm phạm".

Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, những người bị nhà nước cho là tội phạm ‘tuyên truyền chống Nhà nước’, ‘âm mưu lật đổ’…luôn có quan điểm trái ngược với những cáo buộc mà họ bị kết tội. Họ cho rằng họ đang thực hiện quyền căn bản của công dân do Hiến pháp quy định.

"Nhưng đối với chính quyền, họ cho rằng những xâm phạm về lợi dụng tự do dân chủ, ảnh hưởng đến sự quản lý của nhà nước về chính trị, xã hội thì họ coi đó là nghiêm trọng, và họ xếp ngang với những tội danh về quản lý kinh tế.

Do vậy nó đưa đến hậu quả mà mình thấy trước mắt là hình phạt nó tương đương nhau".

Khi phiên tòa phúc thẩm xét xử Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh kết thúc với y án 10 năm tù giam, Luật sư Nguyễn Khả Thành có chia sẻ về quan điểm của ông đối với tội danh của blogger này :

"Lập luận của chúng tôi là Như Quỳnh không phạm tội, hậu quả gây ra cũng không có gì nghiêm trọng".

Diễn tiến của các phiên tòa xét xử vụ án mang tính chất kinh tế, hình sự của Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, hoặc những vụ án chính trị như của Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Bình, Nguyễn Hoàng Phúc đều được truyền thông thế giới theo dõi rất kỹ và tường thuật chi tiết.

Tờ The Guardian vào ngày 6/2/2018, tức ngày tuyên án nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, bình luận về mức án 14 năm mà Tòa án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã tuyên :

"Mặc dù chính sách cải cách kinh tế cách đây ba thập niên đã mở ra Việt Nam, 1 đất nước theo chủ nghĩa Cộng sản có cơ hội đầu tư và thương mại nước ngoài, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, nhưng nhà nước độc đảng này vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ về mọi mặt của cuộc sống bao gồm các phương tiện truyền thông và không có khoan dung cho những ý kiến bất đồng".

Điều này có thể giải thích phần nào phân tích của luật sư Đặng Đình Mạnh đã đưa ra khi nói về lý do hai đối tượng phạm tội nêu trong bài viết có những hình phạt tương đương nhau.

Sai phạm thực tế

Một sự khác biệt nữa về những phiên xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các nhà hoạt động như Hoàng Bình, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…đó là các cáo buộc mà tòa án đã đưa ra đối với sai phạm của họ. Các cáo buộc và cả bản án đều nhận được phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau từ công chúng.

Theo quan sát của luật sư Đặng Đình Mạnh, ông nói rằng dưới góc độ người dân, họ sẽ đồng tình với chính quyền về việc truy tố và xử phạt những bị cáo như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh.

Tuy nhiên, với các luật sư, thì sẽ có cái nhìn khác.

Nhận định về mức án Viện Kiểm sát đề nghị đối với hai bị cáo là Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh, Luật sư Hoàng Hướng có ý kiến :

"Với mức án đề nghị tôi cho là nó quá nghiêm khắc. Bởi vì qua quan sát của tôi đối với ông Đinh La Thăng, mức từ 14-15 năm tù, xét thấy qua những lời khai của ông ấy tại tòa thì để thực hiện việc điều hành ký hợp đồng tổng thầu nhiệt điện Thái Bình thì rõ ràng ông ấy có quyền chủ động. Tuy nhiên về mặt vốn và một số các hoạt động khác thì như ông ấy đã khai là hoàn toàn có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí là Bộ Chính trị nữa. Theo quan điểm của tôi, điều này cần làm rõ. Nếu đúng như thế thì đó là những cái mang tính tương đối khách quan có thể giảm nhẹ hình phạt cho ổng".

Ngược lại hoàn toàn khi nói về những sai phạm mà tòa án đã cáo buộc các nhà hoạt động như Mẹ Nấm, Hoàng Bình…nhà hoạt động Lê Văn Sơn viết rằng :

"Hoàng Đức Bình bị cộng sản áp chế 14 năm tù giam, nhưng chính Bình đang là muối men ướp cho mặn nồng hơn tình yêu quê hương đất nước trong lòng các bạn trẻ. Và tương lai đất nước này sẽ được tuổi trẻ đáp lời, nhờ sức mạnh hồn thiêng sông núi, tuôi trẻ Việt Nam sẽ nhấn chìm cộng sản dưới đáy biển khơi".

Một ý kiến khác của từ người dân Hà Tĩnh, hiện sống tại Hà Nội, anh Nguyễn Quang Chung, là thành viên của nhóm Cây Xanh Hà Nội, chia sẻ về bản án của nhà hoạt động Hoàng Bình :

"Theo tôi việc làm của anh Hoàng Bình là việc làm của một người yêu nước, quan tâm đến nỗi khổ của ngư dân sau cái thảm họa miền Trung do nhà máy Formosa gây ra. Anh Hoàng Bình hướng dẫn người dân thực hiện đúng pháp luật là làm đơn khởi kiện Formosa".

Tất cả những bản án tù giam đề cập trong bài viết đều từ 10 năm trở lên. Thế nhưng, tính chất vi phạm và mức nặng, nhẹ của từng bản án có vẻ như đã chưa thuyết phục được công chúng và truyền thông thế giới.

Quay lại trang chủ
Read 660 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)