Hoa Kỳ mở Văn phòng đại diện Cục Kiểm dịch động thực vật tại Việt Nam (VOA, 07/02/2018)
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội hôm 6/2 khai trương Văn phòng đại diện Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam. Phó giám đốc APHIS, bà Cheryle Blakely, Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink, và thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Trần Thanh Nam chính thức khai trương văn phòng này.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội hôm 6/2/2018 khai trương Văn phòng đại diện Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS).
Do trao đổi thương mại nông nghiệp đang tăng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, APHIS sẽ đóng vai trò quan trọng cho trong việc đảm bảo các cơ hội trao đổi thương mại mới được hiện thực hoá và các trao đổi thương mại hiện tại giữa hai nền kinh tế diễn ra suôn sẻ.
Văn phòng APHIS tại Hà Nội duy trì quan hệ hợp tác về mặt kỹ thuật với các đối tác Việt Nam để giải quyết các vấn đề về Vệ sinh và Kiểm dịch động thực vật (SPS) ngay khi chúng phát sinh. Ngoài ra, APHIS có vai trò điều tiết, giúp đảm bảo dòng chảy thương mại nông nghiệp giữa hai bên đạt tiêu chuẩn quốc tế về sức khoẻ động thực vật. Khía cạnh này trong sứ mệnh của APHIS đã giúp Việt Nam xuất khẩu nhiều loại trái cây, gồm trái vú sữa, mà giờ đã đến tay người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Trước đó vào tháng 4 năm ngoái APHIS đăng Công báo Liên bang cho biết quả vú sữa tươi của Việt Nam đã chính thức được chấp thuận nhập khẩu vào thị trường Mỹ và quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/1/2018. Báo Tuổi trẻ cho biết cho đến nay, Hoa Kỳ đã đồng ý nhập năm loại trái cây của Việt Nam gồm : thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và vú sữa.
Đại sứ Kritenbrink phát biểu tại buổi lễ hôm 6/2 nói : "Việc mở văn phòng APHIS tại Việt Nam là minh chứng mới nhất cho những nỗ lực của chúng tôi trong việc tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước, và tạo mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa chính phủ và người dân hai nước chúng ta".
Cục kiểm dịch động thực vật là một cơ quan đa chức năng với nhiều nhiệm vụ, bao gồm bảo vệ và cải thiện an toàn trong nông nghiệp Hoa Kỳ, giám sát các sản phẩm biến đổi gen, quản lý Đạo luật Phúc lợi Động vật và thực hiện các hoạt động quản lý động vật hoang dã. Những nỗ lực này hỗ trợ nhiệm vụ chung của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, đó là bảo vệ và cải thiện tình hình lương thực, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.
*******************
Nông sản tươi Việt Nam xếp hàng ‘chờ chết’ ở biên giới Trung Quốc (VOA, 07/02/2018)
Hàng trăm xe tải chở các loại hoa quả tươi Việt Nam xuất sang Trung Quốc đang bị kẹt lại ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, nhiều ngày liên tiếp. Nguyên nhân được cho biết là do phía Trung Quốc chỉ cho thông quan khoảng 250 xe/ngày, trong khi lượng xe chở hoa quả mỗi ngày đến cửa khẩu lên đến khoảng 700-800 chiếc vào dịp cận Tết.
Xe nông sản ùn tắc, xếp hàng dài tại cửa khẩu Tân Thanh ngày 4/2/2018.
Đồn trưởng Biên phòng Tân Thanh, Thượng tá Nông Quang Tám, được Tiền Phong trích lời cho biết mặc dù lực lượng chức năng đã tăng thêm 2 giờ làm việc nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng dồn ứ xe nông sản, dẫn đến gần cả ngàn xe nối đuôi nhau hàng chục cây số nằm chờ tại cửa khẩu nhiều ngày.
"Vì mùa này là mùa trái cây xuất đi nhiều, gần Tết mà. Nguyên nhân là do bên đầu của mình dồn ứ nhiều quá nên hải quan thủ tục làm chưa được, nên phải xếp đuôi" chủ một hãng vận tải chuyên đưa hàng lên cửa khẩu Tân Thanh nói với VOA tối 6/2.
Tân Thanh là cửa khẩu duy nhất mà Trung Quốc cho nhập nông sản tươi. Do vậy, dù bị kẹt lại nhiều ngày, các chủ hàng vẫn phải chờ đợi để được phép qua bên kia biên giới bán hàng tại chợ Pò Chài.
Được biết, Trung Quốc có chính sách cửa khẩu và thu thuế riêng cho từng vùng nên doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân theo chính sách "phân vùng" này. Chẳng hạn, Trung Quốc ra quy định mặt hàng dưa hấu chỉ được phép nhập khẩu qua cửa khẩu Pò Chài và thị trấn Bằng Tường của Trung Quốc, dẫn đến các chủ hàng Việt Nam chỉ có thể xuất hàng qua cửa khẩu Tân Thanh mà không thể đưa sang cửa khẩu nào khác mỗi khi xảy ra ùn tắc.
Một số chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho rằng đây không chỉ đơn thuần là vấn đề về chính sách kinh tế, mà còn là "vấn đề ngoại giao hai nước", nhất là khi tình trạng dồn ứ sản phẩm nông sản đã diễn ra nhiều năm qua, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho thương nhân Việt.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành nói : "Nếu Trung Quốc chỉ cho một cửa khẩu thì chúng ta bị kẹt ở khâu đó. Đó là vấn đề ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, thương lượng với nhau thế nào để bảo đảm quyền lợi cho người xuất khẩu tại Việt Nam".
Một số thương nhân cho biết giá nông sản Việt Nam thường bị ép mỗi khi lượng hàng đổ sang Trung Quốc nhiều. Đôi khi chủ hàng phải bán đổ bán tháo, chấp nhận lỗ vốn để đưa xe về vì nguy cơ nông sản bị hỏng và chi phí trong lúc chờ đợi cao nếu ùn tắc kéo dài nhiều ngày.
"Xe đông lạnh mà nổ [máy] dầu một ngày thì chết tiền. Một ngày tốn từ 1,5 triệu đến 2 triệu", chủ hãng vận tải không muốn tiết lộ danh tính nói với VOA.
Chi cục Hải quan Tân Thanh nói một phần nguyên nhân của tình trạng ứ đọng hàng nông sản là do thời tiết giá lạnh ở Trung Quốc khiến việc phân phối và tiêu thị hoa quả chậm, dẫn đến chủ hàng Trung Quốc chọn hàng rất kỹ. Báo Thanh Niên dẫn lời Phó chi cục Đoàn Tuấn Anh cho biết với mặt hàng dưa hấu, phía Trung Quốc thường trả về 1-2 tấn hàng mỗi xe.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách của Trường Đại học Kinh tế-ĐHQG, cho rằng vì là thị trường tiêu thụ lớn của hàng xuất khẩu Việt Nam và các nước xung quanh, Trung Quốc hay có cách làm "độc đoán" và "khó dự báo trước", gây thiệt hại cho các quốc gia nhập khẩu vào nước này, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm.
"Trung Quốc họ hay làm khó dễ với nhiều nước nhập khẩu hàng vào. Có lẽ đó cũng là một hình thức họ hạn chế nhập khẩu, hoặc cũng có thể do có vấn đề về mặt kỹ thuật của sản phẩm nông nghiệp của mình".
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nói đây là "cái dở" khi giữa hai nước không có "thiện chí thực sự".
"Việc này thực ra là do quan hệ của mỗi nước, giữa hai nước với nhau. Nếu họ cứ đơn phương làm như vậy thì Việt Nam phải có cách giải quyết. Nếu không thì buộc phải ứng xử tương ứng", Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nói.
Ngày 6/2, Ban quản lý Khu kinh tế cửu khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn, đã phải cử đoàn công tác sang Quảng Tây để kiến nghị phía Trung Quốc tăng thời gian làm việc và rút ngắn thủ tục thông quan để giải quyết tình trạng ứ đọng hàng tại cửa khẩu Tân Thanh.
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã cử các đoàn công tác sang Trung Quốc để kiến nghị nước này cho phép xuất khẩu nông sản sang các cửa khẩu khác ngoài Tân Thanh, nhưng việc này vẫn chưa mang lại kết quả.
Khánh An
*****************
Hà Nội chỉ có 38 ngày có không khí sạch trong năm 2017 (VNTB, 07/02/2018)
Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, Hà Nội, hưởng không khí sạch chỉ hơn một tháng vào năm ngoái do mức độ ô nhiễm tăng lên bằng với thủ đô khói bụi Bắc Kinh của Trung Quốc, theo một báo cáo nghiên cứu khoa học.
Ô nhiễm không khí trung bình ở Hà Nội năm 2017 cũng cao gấp 4 lần so với tiêu chuẩn chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới, theo một báo cáo của Trung tâm Phát triển và Đổi mới Xanh (GreenID).
Theo tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hà Nội này thì tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Lars Blume, cố vấn kỹ thuật tại GreenID, người đã phân tích số liệu giám sát không khí được thu thập bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, cho biết : "Hà Nội chỉ có hơn 30 ngày có không khí trong lành".
Hà Nội bao phủ một lớp sương khói vào tháng 3/2016
"Sự việc ngoài tầm kiểm soát của người dân - họ phải đi ra ngoài và làm việc - và trong nhiều tr
ường hợp thật khó để thực sự cảm thấy không khí trong lành hay độc hại", Blume nói với Reuters.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội là do một số yếu tố, bao gồm việc tăng cường xây dựng, tăng sử dụng xe ô tô và xe máy, và việc nông dân đốt phế thải nông nghiệp, Blume nói.
Nhưng nghiên cứu trong báo cáo cho thấy các ngành công nghiệp nặng, như các nhà máy thép, nhà máy xi măng và các nhà máy điện than ở các khu vực gần thủ đô, cũng đóng góp đáng kể.
Theo báo cáo, tình hình ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện nay tệ hơn thủ đô Jakarta của Inđônêxia, và mọi thứ dường như không được cải thiện khi Việt Nam đẩy mạnh kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than.
Tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao, đặc biệt là về lâu dài, có thể ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp của con người, và cũng có thể dẫn đến bệnh tim và ung thư.
Nhận thức được vấn đề này, vào giữa năm 2016, chính phủ Việt Nam đã đưa ra kế hoạch hành động quốc gia nhằm kiểm soát và giám sát khí thải và cải thiện chất lượng không khí. Hà Nội đang có kế hoạch lắp đặt 70 trạm quan trắc không khí.
Báo cáo của GreenID chỉ trích việc thiếu các quy định về chất lượng không khí, thiếu nhận thức của công chúng về vấn đề này và không có các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu các ảnh hưởng - chẳng hạn như nhà lọc.
Chính phủ Việt Nam cần phải lắp đặt nhiều trạm quan trắc kiểm soát ô nhiễm không khí trên toàn quốc và cung cấp dữ liệu cho công chúng, Blume nói.
Bản báo cáo, dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 2, cho rằng cần phải cải tiến quy hoạch đô thị và tăng đầu tư vào các hệ thống giao thông công cộng và năng lượng tái tạo.
Các cuộc khảo sát trước đây của GreenID cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của người Việt Nam về vấn đề chất lượng không khí và sự gia tăng các vấn đề hô hấp ở trẻ em, theo lời Nguyễn Thị Anh Thư, một nhà nghiên cứu tại tổ chức này.
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : Hanoi enjoyed just 38 days of clean air in 2017 : Report
********************
Người dân Hà Nội đối mặt ‘sát thủ thầm lặng’ (VOA, 07/02/2018)
Người dân thủ đô của Việt Nam năm ngoái chỉ có khoảng 38 ngày hít thở không khí sạch, trong khi phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn nhiều so với chuẩn quốc tế, theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID).
Một người đàn ông đi ngang qua ống khói của một nhà máy ở ngoại ô Hà Nội.
Tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam này mới công bố kết quả nghiên cứu chất lượng không khí ở Hà Nội, dựa trên dữ liệu được thu thập tại trạm quan trắc của Đại sứ quán Hoa Kỳ năm 2017.
Ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc của GreenID, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ô nhiễm bụi trung bình trong năm ở thủ đô Việt Nam "cao hơn khoảng 4 lần so với hướng dẫn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới" và tình trạng đó "chưa có dấu hiệu giảm trong 5 năm gần đây".
Ông cũng nói rằng các khảo sát năm 2016 và 2017 do tổ chức của ông tiến hành cho thấy rằng "có đến 99% số người được hỏi thể hiện quan ngại sâu sắc về chất lượng không khí" và "khoảng 93% khẳng định chất lượng không khí đang tác động tiêu cực tới sức khỏe của họ".
Theo nghiên cứu của GreenID, nhiều người dân Hà Nội bày tỏ lo ngại về chất lượng không khí.
Theo WHO, ô nhiễm không khí cả trong nhà lẫn ngoài đường là "sát thủ thầm lặng" và là "một trong những nguyên nhân góp phần gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam".
Kết quả theo dõi chất lượng không khí ở Hà Nội của Đại sứ quán Mỹ tối 7/2.
Ông Sính cho biết rằng vấn đề sức khỏe thường gặp là các bệnh đường hô hấp như viêm đường hô hấp cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, hen, các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do ô nhiễm không khí.
Theo kết quả quan trắc tối 7/2 của cả Đại sứ quán Mỹ và Đức mà VOA Việt Ngữ ghi nhận, chất lượng không khí ở Hà Nội "có hại cho sức khỏe".
Còn theo AirVisual, trang web cung cấp thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí trên thế giới, có không ít lần Hà Nội vượt thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
Ông Sính nói rằng tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay ở Việt Nam đã gây "quan ngại" cả với các đối tác quốc tế.
Thông tin về chất lượng không khí ở Hà Nội bên ngoài Đại sứ quán Đức.
Mới đây, sau Đại sứ quán Hoa Kỳ, cơ quan ngoại giao Đức mới thông báo đã lắp đặt máy đo chất lượng không khí ở Hà Nội.
Ông cho rằng nỗ lực đó nhằm "cảnh báo về mức độ ô nhiễm cho công chúng", và là "hành động tích cực nhằm nâng cao nhận thức của người dân".
"Thêm vào đó, đây cũng là nguồn cung cấp dữ liệu có sẵn phục vụ phân tích để có những đánh giá toàn diện hơn về chất lượng không khí thành phố", ông Sính nói.
Một nhà máy nhả khói ở ngoại thành Hà Nội.
Ông cho rằng "Việt Nam có tốc độ phát triển đang ở chiều rộng mà chưa có chiều sâu" và rằng "mọi chính sách đề nhằm mục tiêu phát triển mà chưa chú ý đến bảo vệ môi trường, điển hình là vụ Formosa Hà Tĩnh".
"Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề của riêng ai, muốn giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của chính quyền và người dân", Phó Giám đốc của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh nói.
"Đối với chính quyền, để cải thiện chất lượng không khí cần kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm, việc chỉ ra đâu là nguồn đóng góp chủ yếu để có những biện pháp can thiệp phù hợp là cần thiết. Đối với người dân, hãy chủ động trang bị kiến thức để có giải pháp tự bảo vệ môi trường sống của bản thân và gia đình mình".