Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/02/2018

Các nhà hoạt động tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục bị đàn áp

RFA tiếng Việt

HRW yêu cầu Việt Nam chấm dứt đàn áp tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (RFI, 09/02/2018)

Trên nguyên tắc hôm 09/02/2018, một tòa án tại tỉnh An Giang ở miền Nam Việt Nam mở phiên xét xử 6 người về tội danh "gây rối trật tự công cộng". Tuy nhiên, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch vào hôm 08/02 đã xem đấy là một hành vi đàn áp tôn giáo, cụ thể là nhắm vào tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay cho các bị cáo và chấm dứt "đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo".

tongiao1

Hàng trên từ trái : Bùi Thị Bích Tuyền (con ông Trung), Nguyễn Hoàng Nam, Lê Hồng Hạnh. Hàng dưới từ trái : Bùi Văn Trung, Bùi Văn Thâm (con ông Trung), Lê Thị Hên (vợ ông Trung). (HRW/ Đạo Tràng Út Trung)

Trong bản thông cáo báo chí công bố tại New York, Human Rights Watch cho rằng chính quyền Việt Nam cần hoãn việc xét xử sáu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nói trên và điều tra xem việc đưa họ ra tòa "có phải vì nguyên nhân kỳ thị hay đàn áp tôn giáo" hay không.

Những người bị đưa ra xét xử là nguyên một gia đình 4 người gồm một cặp vợ chồng đã trên 50 tuổi, và hai người con một trai, một gái hơn 30 tuổi, cùng với hai người khác.

Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Mỹ, họ đã bị bắt giữ sau khi khởi xướng một cuộc biểu tình để phản đối các hành vi của Công An nhằm vào các tín đồ ở tỉnh An Giang đang trên đường đi dự đám giỗ bà mẹ một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo.

Human Rights Watch ghi nhận việc Công An vẫn thường xuyên sách nhiễu các thành viên độc lập của nhóm tôn giáo thiểu số thuộc Phật Giáo Hòa Hảo, "vốn có quá trình hiềm khích với nhà nước từ rất lâu".

Nhận định về phiên tòa, ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của tổ chức nhân quyền Mỹ cho rằng : "Vụ việc có vẻ là biểu hiện mới nhất về chủ trương đàn áp của chính quyền" nhắm vào Phật Giáo Hòa Hảo. Đối với ông : "Chính quyền cần chấm dứt sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không được đăng ký và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình."

Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo được chính thức công nhận tại Việt Nam, nhưng có nhiều tín đồ từ chối tham gia Giáo Hội được Nhà Nước công nhận. Theo HRW, những người này do vậy thường bị đàn áp và theo dõi gắt gao, với việc công an địa phương sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn, không cho họ tụ tập nhận các dịp quan trọng như ngày thành lập giáo phái, hay ngày giỗ người sáng lập.

Mai Vân

******************

An Giang : Sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị phạt 24 năm tù (VOA, 09/02/2018)

Một tòa án ở tỉnh An Giang hôm 9/2 đã kết án 6 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Thuần túy tổng cộng 24 năm tù, trong đó có 4 người trong cùng một gia đình.

tongiao2

Bùi Văn Trung, Bùi Văn Thâm, Lê Thị Hên, Bùi Thị Bích Tuyền, Nguyễn Hoàng Nam, Lê Hồng Hạnh. (HRW/Facebook Đạo Tràng Út Trung)

Các bị cáo bao gồm ông Bùi Văn Trung, 6 năm tù ; Bùi Văn Thâm, con trai ông Trung, 6 năm tù ; Bùi Thị Bích Tuyền, con gái ông Trung, 3 năm tù ; bà Lê Thị Hên, vợ ông Trung, 2 năm tù treo ; và hai người khác là Nguyễn Hoàng Nam 4 năm tù, và Lê Hồng Hạnh, 3 năm tù.

Một thành viên của gia đình ông Trung cho VOA biết sau khi kết thúc phiên xử rằng chính quyền dùng cớ "gây rối trật tự công cộng" để sách nhiễu sinh hoạt tôn giáo :

"Họ mượn cái cớ kiểm tra hành chánh, giao thông, rồi họ quy chụp cho mình tội gây rối trật tự công cộng, nhưng thật chất là đàn áp tôn giáo. Họ đánh chảy máu, lấy giấy tờ xe, lấy xe, vậy mà trái lại còn đổ thừa, quy chụp là gây rối. Bản án này là quá nặng đối với gia đình và đồng đạo".

Ông Bùi Văn Thâm bị cáo buộc phạm tội "gây rối trật tự công cộng" theo điều 245 của Bộ luật Hình sự và "chống người thi hành công vụ" theo điều 257. Năm người còn lại bị cáo buộc "gây rối trật tự công cộng".

Chính quyền Việt Nam công nhận Phật giáo Hòa Hảo là tôn giáo chính thức, nhưng nhiều tín đồ từ chối tham gia Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo được nhà nước công nhận.

Ông Nguyễn Văn Điền, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy nói với VOA rằng phiên tòa ngày 9/2 là bất hợp lý và vô nhân đạo :

"Việc bắt và xử án gia đình ông Bùi Văn Trung, những người chỉ phản ảnh việc người dân đến tham dự bữa cúng giỗ tại nhà mà bị công an ngăn chặn mà bị đến 6 năm tù là rất quá đáng. Phiên tòa này, cũng như phiên tòa của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Vương Văn Thả, là hoàn toàn không có công lý và vô nhân đạo".

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 8/2 nói các tín đồ của Giáo hội Phật giáo Thuần túy bị đàn áp và theo dõi gắt gao, và rằng công an địa phương dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập tụ tập vào những dịp quan trọng như ngày thành lập giáo phái, hay ngày giỗ người sáng lập.

Con gái của một trong những người bị bắt giam nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái rằng gia đình cô thường xuyên bị công an đến "sách nhiễu gây rối", cụ thể ngày 26/6, công an bao vây nhà ông Trung, không cho ai ra khỏi nhà.

"Lý do là trước đây các đồng đạo có đến nhà dự đám giỗ nhưng bị ngăn chặn, sách nhiễu, làm khó. Gia đình có ra can thiệp nói chuyện với họ. Vụ bắt giam này là rất vô lý. Gia đình chỉ có tổ chức làm đám giỗ thôi, nhưng công an huyện An Phú và xã Phước Hưng nhiều lần đến sách nhiễu gây rối. Cuối cùng họ áp đặt, gài tội chứ thật chất gia đình không có gây rối trật tự. Chính các công an mới gây rối trật tự, chứ người trong đạo không gây rối trật tự".

Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng vụ xử là biểu hiện mới nhất về chủ trương đàn áp của chính quyền nhằm vào các thành viên nhóm tôn giáo này.

Ông nói thêm : "Chính quyền cần chấm dứt việc sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không theo phái nhà nước và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình".

Trước đây, Bùi Văn Thâm từng bị bắt vào tháng 7/2012 và bị kết án tù 30 tháng với tội danh "chống người thi hành công vụ" ; ông Bùi Văn Trung bị bắt vào tháng 10/2012 và bị kết án tù 04 năm với tội danh "gây rối trật tự công cộng" và "chống người thi hành công vụ".

*******************

HRW kêu gọi Việt Nam ngưng đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo (RFA, 08/02/2018)

Việt Nam cần hoãn phiên xử 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, đồng thời điều tra xem các hành động của công an nhằm vào những tín đồ này được thực hiện có phải do phân biệt đối xử hoặc đàn áp tôn giáo hay không.

tongiao1

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Trung - Courtesy FB Đạo Tràng Út Trung

Đây là nội dung được Tổ chức Theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đưa ra ngày 8/2/2018, một ngày trước khi phiên xử 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo được dự kiến diễn ra tại Tòa án Nhân dân huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng vụ xử là biểu hiện mới nhất về chủ trương đàn áp của chính quyền nhằm vào các thành viên nhóm tôn giáo này. Ông nói thêm :

"Chính quyền cần chấm dứt việc sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không theo phái nhà nước và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình".

Sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo sẽ bị đưa ra xử theo kế hoạch gồm ông Bùi Văn Trung (còn gọi là Út Trung) 54 tuổi ; vợ ông là bà Lê Thị Hên, 56 tuổi ; con gái ông là Bùi Thị Bích Tuyền, 36 tuổi ; con trai ông là Bùi Văn Thâm, 31 tuổi ; Nguyễn Hoàng Nam, 36 tuổi ; và Lê Hồng Hạnh, 41 tuổi. Trong đó ông Bùi Văn Thâm bị cáo buộc về tội "gây rối trật tự công cộng" theo điều 245 của bộ luật hình sự và "chống người thi hành công vụ" theo điều 257. Năm người còn lại bị cáo buộc tội "gây rối trật tự công cộng".

Vụ việc liên quan 6 người vừa nêu xảy ra vào ngày 18/4/2017, khi cảnh sát giao thông và nhiều người mặc thường phục đã dựng chốt chặn gần nhà ông Bùi Văn Trung ở huyện An Phú, tỉnh An Giang, để chặn xét và thu giữ giấy tờ của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập mà không trả lại.

Tình trạng tiếp diễn sang đến ngày 19 tháng tư, khiến ông Bùi Văn Trung và mấy chục đồng đạo khác phải mang khẩu hiệu ra khỏi nhà biểu tình chống tình trạng sách nhiễu của lực lượng chức năng địa phương đối với sinh hoạt tinh thần của các tín hữu Phật giáo Hòa Hảo không theo Ban Trị Sự, tức nhóm mà họ cho là do Nhà nước Việt Nam dựng lên.

Sau đó, vào ngày 26 tháng sáu năm 2017, ông Bùi Văn Trung và con trai bị công an, an ninh bắt đi mà không hề đọc lệnh bắt.

Trong những năm gần đây, có nhiều vụ việc biểu tình và chính quyền tấn công có đối tượng chính là các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo Ban Trị Trự do Hà Nội lập nên.

Ông Brad Adams cho biết "Ba thành viên trong gia đình ông Bùi Văn Trung đã từng phải thụ án tù chỉ vì họ từ chối không thực hành tôn giáo của mình dưới sự kiểm soát của nhà nước. Và giờ đây có vẻ chính quyền lại đang đưa ông và các thành viên trong gia đình ông ra xử với cùng lý do đó".

*******************

Thêm sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo sẽ bị xử án (RFA, 06/02/2018)

Tòa án huyện An Phú, tỉnh An Giang thông báo sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm đối với hai cựu tù nhân lương tâm, là cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy cùng 4 đồng đạo vào sáng ngày 9 tháng Hai tới đây. Cáo buộc đối với họ gồm "chống người thi hành công vụ" và "gây rối trật tự công cộng".

tongiao2

Cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Trung cùng đồng đạo biểu tình tại gia phản đối chính quyền địa phương ngăn chặn, sách nhiễu trong một lễ giỗ của gia đình. Courtesy : anhbasam

Đám giỗ bị côn đồ gây rối

Vụ việc xảy ra vào hôm 19/04/2017 tại trước cửa nhà của cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo-cựu tù nhân lương tâm Bùi Văn Trung, ở xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Một số đồng đạo đến dự lễ giỗ ở nhà ông Trung bị một nhóm người sách nhiễu bằng việc chặn xe trong lúc họ đến, cũng như khi họ ra về. Con gái ông Trung là cô Bùi Thị DiễmThúy cho biết nhận diện được hai an ninh thường xuyên theo dõi các sinh hoạt của gia đình trong nhóm côn đồ vừa nêu.

Cựu tù nhân lương tâm, bà Mai Thị Dung kể lại trong lúc sắp đến nhà ông Trung, còn khoảng 70 mét thì nhìn thấy một đồng đạo khác bị nhóm côn đồ chặn xe lại. Xe của bà bị cản đầu và giật chìa khóa xe, thậm chí đòi kiểm tra giấy tờ xe. Vụ việc diễn ra có sự chứng kiến của cảnh sát giao thông công an xã nhưng họ không can thiệp. Gia đình ông Trung cùng các đồng đạo khác từ trong nhà chạy đến lớn tiếng phản đối việc làm của những người này và cho rằng đó là hành động của chính quyền đàn áp tự do tôn giáo.

Trong lúc xảy ra giằng co giữa nhóm cô đồ với các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập, không theo ban trị sự của quốc doanh, thì cảnh sát giao thông mới đòi kiểm tra giấy tờ xe của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, nhưng không có hành vi xử lý nào đối với nhóm côn đồ. Cô Bùi Thị Bích Tuyền, con gái của ông Trung vào sáng ngày 6 tháng Hai nói với RFA rằng mặc dù những người bị kiểm tra giấy tờ xe đều có đầy đủ giấy tờ hợp lệ và không bị vi phạm giao thông, nhưng có hai người bị tịch thu xe :

"Họ lấy xe của cô Dung và của ông Bảy. Xe của cô Dung thì đóng phạt. Còn xe của ông Bảy thì lấy luôn tới giờ không trả lại. Người ta lên lấy xe thì an ninh chặn đường ngay khúc vắng, quánh người ta bầm dập luôn. Cho tới giờ người ta sợ không dám lấy xe luôn".

Cô Bích Tuyền cho biết một số đồng đạo khác tuy không bị lấy xe nhưng có người bị đánh.

Bắt người không có lệnh

Vụ việc không dừng lại ở đó. Vào ngày 26 tháng Sáu năm 2017, cựu tù nhân lương tâm, ông Bùi Văn Trung và con trai, cựu tù nhân lương tâm Bùi Văn Thâm bị công an, an ninh bắt đi. Cô Bích Tuyền kể lại :

"Đứa em chở cha đi đám giỗ ông nội bên Phú Hội. Sau khi dự đám giỗ và lúc ra về, cách chỗ đó khoảng mười mấy căn nhà là cả mấy chục đến cả trăm người ập đến bắt cóc, rồi thảy lên xe chở đi, chứ không đọc lệnh bắt gì hết".

Sau đó, cô Bùi Thị Bích Tuyền và mẹ là bà Lê Thị Hên bị công an địa phương gửi giấy triệu tập. Tuy nhiên, cả hai người bị nhận lệnh khởi tố. Cô Bùi Thị Diễm Thúy cho biết :

"Họ mời mình là ‘có nghĩa vụ liên quan’, nhưng đến lần sau là họ đưa giấy khởi tố mình luôn. Lúc đó bà mẹ bị bệnh do áp lực của họ và mẹ cũng bị bệnh tim. Họ mời lên làm việc, nhưng sức khỏe mẹ không có nên mẹ không đi được. Họ đưa giấy khởi tố mẹ, nhưng mẹ không đi đến nhận được nên họ mang đến gia đình".

Không chỉ 4 thành viên trong gia đình cựu tù nhân lương tâm, cư sĩ Bùi Văn Trung bị truy tố với cáo buộc "chống người thi hành công vụ" và "gây rối trật tự công cộng", mà có có hai đồng đạo là cư sĩ Nguyễn Hoàng Nam và cư sĩ Lê Hồng Hạnh cũng đã bị bắt giam trong cùng vụ án.

Hiện, ông Bùi Văn Trung và ông Nguyễn Hoàng Nam bị giam tại trại giam ở huyện An Phú, bà Lê Hồng Hạnh bị giam ở thành phố Long Xuyên, anh Bùi Văn Thâm bị giam ở thành phố Châu Đốc. Bà Lê Thị Hên và cô Bùi Thị Bích Tuyền được tại ngoại chờ ngày ra tòa.

Đài RFA liên lạc với Luật sư Nguyễn Mạnh Phong, một trong ba luật sư bào chữa cho 4 thành viên gia đình ông Bùi Văn Trung, vào tối ngày 6 tháng Hai và được cho biết phiên tòa sơ thẩm sẽ diễn ra vào 7 :30 sáng ngày 9 tháng Hai tới đay, tại tòa án huyện An Phú. Luật sư Nguyễn Mạnh Phong cho biết đã tiếp xúc được với ông Trung và anh Thâm trong trại giam, sức khỏe của họ bình thường và họ phản đối việc làm của chính quyền địa phương.

Xin được thưa thêm, cư sĩ Bùi Văn Trung và con trai Bùi Văn Thâm vào tháng 7 năm 2012 đã từng bị chính quyền địa phương bắt cóc sau khi họ cùng các đồng đạo biểu tình tại gia phản đối lực lượng chức năng địa phương ngăn chặn, sách nhiễu và đánh đập các đồng đạo tập trung cúng giỗ tại đạo tràng của gia đình ông. Ông Bùi Văn Trung bị kết án 4 năm tù giam vì tội "chống người thi hành công vụ" và "gây rối trật tự công cộng", theo Điều 257 và 245 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Ông Bùi Văn Trung mãn án vào tháng Mười năm 2016. Anh Bùi Văn Thâm bị kết án 2 năm 6 tháng tù giam và mãn án hồi cuối tháng Giêng năm 2015.

Con rể của ông Bùi Văn Trung, anh Nguyễn Văn Minh cũng bị tuyên án 2 năm 6 tháng tù giam, vì tội "chống người thi hành công vụ" trong vụ án được dư luận đặt tên "hai xe máy đi hàng ba" cùng với cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng và Nguyễn Thúy Quỳnh. Họ bị bắt vào ngày 11 tháng 2 năm 2014, rồi bị xử sơ thẩm vào ngày 26 tháng 8 và phúc thẩm ngày 5 tháng 12 cùng năm.

Hòa Ái

*******************

Chức sắc tôn giáo bất đồng bị sách nhiễu (RFA, 06/02/2018)

Nhiều chức sắc tôn giáo không theo phái nhà nước tại Việt Nam lâu nay bị sách nhiễu, bị đàn áp.Và tình trạng đó tiếp tục diễn ra.

tongiao3

Chánh trị sự Hứa Phi (trái) và cư sĩ Nguyễn văn Điền (phải). Photo courtesy of sbs.com.au

Trường hợp mới nhất được ghi nhận là đối với ông Hứa Phi, Chánh trị sự Trưởng Khối Nhơn Sanh Cao Đài Chơn Truyền tại Lạc Dương, Lâm Đồng. Ông này cho biết bị đấu tố, bị ép lên gặp công an làm việc vào những ngày đầu năm 2018 vừa qua với lý do sau :

"Chung qui là do đạo Cao Đài quốc doanh do đảng cộng sản dựng lên để điều khiển đạo Cao Đài, nên tôi phản đối, họ đưa ra đấu tố tôi khiếm diện".

Theo Chánh trị sự Hứa Phi, từ ngày 12 tháng 1 năm đến ngày 28 tháng 1 năm 2018, ông đã nhận tổng cộng 7 giấy mời và giấy triệu tập yêu cầu ông lên gặp công an để trả lời việc đã "xúc phạm dân tộc và cung cấp tin tức không đúng sự thật", nhưng ông đã từ chối không đi gặp vì cho rằng lý do họ nêu trên tất cả các giấy mời là sai.

Không dừng lại ở đó, họ dùng hình thức ép buộc ông phải lên công an làm việc :

"Tôi thấy sai vì người ta nói tôi phát ngôn xúc phạm dân tộc Việt Nam. Tất cả các giấy (mời) đều ghi như vậy.

Đến ngày 29 tháng 1 năm 2018, công an huyện Đức Trọng đem taxi đến buộc tôi phải lên công an làm việc. Tôi là một công dân nên người ta áp lực quá tôi phải đi. Lên trên đó thì họ nói tôi đã trả lời trên phương tiện truyền thông quốc tế 29 lần, gặp gỡ các phái đoàn quốc tế 26 lần nên tôi phải làm việc với ông".

Ông cũng cho biết thêm là trong buổi làm việc có 8 công an tỉnh, 4 công an huyện, và một số công an xã. Một mình ông phải làm việc với chừng đó công an nên ông cảm thấy rất áp lực, và ông đã bị xỉu, họ lập tức dùng xe taxi đưa ông trở về nhà.

Chúng tôi gọi điện thoại liên lạc với công an huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng để hỏi sự việc như trình bày của ông Hứa Phi. Tuy nhiên điện thoại bị chuyển sang chế độ nhận fax. Hai lần sau đó thì bên phía công an không nghe máy.

Bên cạnh chuyện chức sắc đạo Cao Đài không theo phái nhà nước lập nên bị đàn áp, sách nhiễu như trường hợp ông Hứa Phi tại Lạc Dương, Lâm Đồng ; một số vị thuộc các tôn giáo khác cũng gặp đối xử tương tự. Đơn cử như các mục sư Hội Thánh Tin Lành tư gia và ngay cả chức sắc những giáo hội Phật giáo, Công giáo nếu họ công khai lên tiếng về các vấn đề xã hội, chính sách của Đảng và Nhà Nước.

Tình trạng đàn áp đôi khi cũng nhằm vào các dịp lễ của đạo. Ông Nguyễn Văn Điền, một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy ở An Giang cho biết :

"Khi mà trong đạo có những ngày hội họp hoặc ngày lễ thì họ mới thẳng tay đàn áp, còn bình thường thì cũng không có gì".

Và cách đàn áp của chính quyền có thể là "bắt bớ, ngăn chặn không cho mình đi lại, có thể họ bao vây nhà cửa hoặc dùng vũ lực để đánh đập. Những điều đó thường xuyên xảy ra".

Dù bị đàn áp, bị đánh đập nhưng qua cách nói chuyện, chúng tôi không hề cảm nhận sự hận thù nơi họ, mà điều họ mong ước là một ngày mai tốt đẹp hơn cho người Việt Nam trên đất nước Việt Nam như lời trần tình của Chánh Trị Sự Hứa Phi :

"Chủ thuyết cộng sản là chủ thuyết vô thần. Mặc dù hôm nay chúng tôi bị đàn áp nhưng chúng tôi tin tưởng rằng Đấng thiêng liêng sẽ phù hộ cho tất cả những người đấu tranh cho lẽ phải. Và Đức Chúa, Đức Phật, Đức Kito sẽ ban bố hồng ân cho những người cộng sản cảnh tỉnh quay về với dân tộc Việt Nam để dân tộc Việt Nam bớt đau khổ".

Hiến Pháp Việt Nam qui định người dân có quyền tự do tín ngưỡng. Quan chức Việt Nam khi phát biểu trước cộng đồng quốc tế luôn thừa nhận điều đó ; tuy nhiên trong thực tế nếu bất cứ ai không thuận theo Nhà Nước thì quyền tự do hành đạo của họ sẽ bị xâm phạm với những cáo buộc mà người trong cuộc cho là ngụy tạo.

Diễm Thi

Quay lại trang chủ
Read 756 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)