Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng hôm 6/2 loan báo rằng dự trữ ngoại hối đạt 57 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay từng được công bố.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức 57 tỷ USD, theo thông báo của Ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên thống kê của The World Book cho biết mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt gần 39 tỷ USD tính đến hết năm 2017.
Tuy nhiên, thống kê của The World Factbook cho thấy mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ đạt 38.75 tỷ USD tính tới ngày 31/12/2017. Việt Nam đứng thứ 45 trên bảng thống kê của 175 quốc gia trên thế giới trong đó dẫn đầu là nước láng giềng Trung Quốc với mức dự trữ ngoại hối là 3.194 tỷ USD.
Các trang tin trong nước đồng loạt cho rằng đây là mức kỷ lục mới trong dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Tạp chí Tài Chính cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng nhanh chóng trong những năm trở lại đây.
"Mức dự trữ ngoại hối cao này đặc biệt quan trọng trong việc củng cố uy tín và vị thế của Việt Nam", người đứng đầu Ngân hàng nhà nước nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của Dân Trí, chuyển động này đang góp phần làm tăng thêm sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, thống đốc Ngân hàng nhà nước không cho biết ngân hàng trung ương đã thu mua ngoại tệ bằng cách nào và dùng nguồn tiền từ đâu ?
"Trong cơ cấu 57 tỷ USD đó là cái gì thì cho tới giờ ngân hàng nhà nước hoàn toàn không công bố", Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng cho VOA biết.
Tiến sĩ Dũng cho rằng điều này "hoàn toàn thiếu minh bạch" và làm giảm đi ý nghĩa của dự trữ ngoại hối Việt Nam.
Theo một phân tích riêng mà tiến sĩ kinh tế này nắm được, trong dự trữ ngoại hối của Việt Nam có 13-15 tỷ USD là mua trái phiếu của chính phủ Mỹ, tức là không phải bằng tiền mặt và không có sẵn để Việt Nam dùng, và phần còn lại gồm đồng ngoại tệ chuyển đổi được và vàng". Tiến sĩ Dũng cho rằng phần ngoại tệ chuyển đổi được và vàng "là bao nhiêu thì không được nhà nước công bố".
Theo loan báo của Ngân hàng nhà nước được truyền thông trong nước trích dẫn, Ngân hàng trung ương đã mua được 13 tỷ USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối trong năm 2017. Trong hơn 1 tháng của năm nay, Ngân hàng nhà nước mua vào hơn 4 tỷ USD.
Theo nhận định của Tiến sĩ Dũng, Việt Nam gom được 16 tỷ USD trong năm 2017 nhưng điều này làm ông ngạc nhiên vì nó diễn ra trong bối cảnh lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng ít ỏi.
Tiến sĩ Dũng nói Việt Nam không công bố con số tổng kiều hối năm 2017. "Họ chỉ công bố con số kiều hối về Sài Gòn là 5,2 tỷ USD". Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/2 lượng kiều hối đổ về Việt Nam hàng năm.
Nhà báo độc lập này cho rằng lượng kiều hối về Việt Nam có thể giảm mạnh so với mức 9 tỷ USD vào năm 2016.
Kiều hối là một trong những kênh chính mà dòng ngoại hối chuyển vào Việt Nam phụ thuộc, theo các chuyên gia kinh tế và tài chính.
FDI, tức đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng là một kênh chính khác. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, FDI của Việt Nam đang giảm mạnh, đặc biệt trong tháng đầu năm nay.
"Như vậy thì ngoại tệ ở đâu và Ngân hàng nhà nước đã dùng tiền nào để gom ngoại tệ ? Đó là một dấu hỏi lớn. Trong bối cảnh năm 2017 ngân sách được coi là rất eo hẹp, rất khó khăn thì tiền ở đâu để nhà nước tung ra ?".
Tiến sĩ Dũng cho rằng Ngân hàng nhà nước có thể "có những động thái in tiền, tung tiền đồng ra để thu gom ngoại tệ, nhưng làm như vậy, vô hình chung sẽ thúc đẩy lạm phát".
Mức lạm phát của Việt Nam tăng cao từ 0,63% năm 2015 lên 4,37% vào năm 2017, theo thống kê của Statista. Cổng thông tin điện tử về nghiên cứu thị trường này dự báo mức lạm phát của Việt Nam sẽ duy trì ở mức 4% cho tới 2022.