Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/02/2018

Rưng rưng Tết vùng cao

RFA tiếng Việt

Tết về, hoa mơ hoa mận nở trắng triền núi Tây Bắc, mai rừng vàng sắc nắng miền Nam. Dường như Tết ở vùng cao vẫn còn rất gần với thiên nhiên, đất trời. Sự gần gũi, gắn bó với thiên nhiên, trời đất của người vùng cao biểu hiện trong tính thật thà, thân thiện và cả cái nghèo thê thiết, nghèo như một cái cây trút lá rùng mình đơm bông mà chẳng cần hỏi đất có phì nhiêu hay không. Cái Tết nghèo của người miền cao như một định mệnh, và họ sống vui với định mệnh ấy khiến cho người miền xuôi phải thấy chạnh lòng, thấy Tết miên man…

tet1

Một phụ nữ Cơ Tu -  Courtesy TTVN

Lấy gì mà ăn Tết ?

Bà Đinh Thị Tưởng, người dân tộc Cơ Tu ở Quảng Nam, chia sẻ : "Tết là thường thường thiếu gạo ăn, mất mùa, phải đi mua, may mà năm nay nhà nước có hỗ trợ gạo ăn Tết. Năm nay hơi mất mùa, thiếu gạo ăn…".

Bà Tưởng cho biết thêm là từ xưa tới giờ, từ thời ông cố, đến ông nội, rồi cha mẹ bà và bây giờ là bà, chẳng mấy ai biết mình tuổi con gì, và cũng chẳng mấy ai được ăn Tết cho ngon miệng giống như người miền xuôi. Với người miền núi, Tết về, chỉ cần có thêm một ít thịt là coi như quá sang trọng. Nhà nào sang một chút thì có thịt heo, nhà nào nghèo thì vẫn nuôi heo Tết nhưng để bán lấy tiền mua sắm áo quần, mứt, hạt dưa, bánh kẹo.

Những gia đình thiếu ăn thì thời gian gần đây, chính phủ Việt Nam hỗ trợ gạo và bánh kẹo để ăn Tết. Mỗi gia đình nghèo, khó khăn được chính phủ cho 10 ký gạo để ăn Tết, cũng có khi thêm mứt và hạt dưa. Và với ngần đó gạo, biết ăn nhín uống nhịn, biết siêng năng rình rập ngày đêm để bẫy chuột, bắt ếch, ra suối bắt cá về làm thịt và hong lên giàn bếp thì Tết sẽ có thêm món thịt hun khói, Tết sẽ ấm bụng và ngon hơn.

Bà Blong A Líu, dân tộc Cơ Tu, vùng núi cao Quảng Nam, chia sẻ : "Không có cái chi lấy chi mà ăn chừ. Đồ vật cũng không có, thứ chi cũng không có hết, nghèo khổ, họ có thì họ ăn chớ…".

Bà Blong A Líu nói rằng vài năm trở lại đây, thời tiết rừng núi lạnh quá, nhà cửa cũng tuềnh toàng hơn bởi ai có tiền thì mua xi măng về xây nhà, ai không có tiền thì làm nhà gỗ tạm bợ. Mà gỗ thì bị nhà nước cấm khai thác, phải xuống dưới đồng bằng để mua về nên làm nhà hết sức khó khăn. Cuối cùng, người nghèo như bà phải ở nhà tạm bợ, lạnh lẽo vì thiếu gỗ để che chắn, gió lùa bốn phía tường. Những đêm trời rét, bà phải đốt lửa trong nhà cả đêm để xua đi cái lạnh.

Tết về, bà nói rằng may mắn cho bà là tập tục người vùng cao rất hiếu khách và thơm thảo. Nhà nào nghèo thì cứ nhắm đến hàng xóm khá hơn mà sang ăn Tết. Tết đến, người khó khăn sẽ sang thăm người khá giả, ngồi chơi thật lâu, đợi đến bữa ăn thì cùng ngồi vào ăn một bữa no nê rồi lại ra về.

Ba ngày Tết, cứ đi lòng vòng các nhà khá giả mà thăm thú, chúc Tết, nhất định sẽ no bụng. Nhưng bà cũng nói thêm là bà chẳng muốn làm vậy, nghiệt nỗi khổ quá, hơn nữa dân trong bản làng đã có tập tục này nên bà cũng đỡ thèm ăn, đỡ tủi thân trong ba ngày Tết.

Có cái ăn mà thiếu cái mặc

Anh Blong Vương Sĩ, người dân tộc thiểu số Cơ Tu, sống trên dãy Trường Sơn, rày đây mai đó, chia sẻ : "Trẻ, mấy đứa nhỏ thiếu quần áo, mùa lạnh đi học thiếu quần áo cũng là do điều kiện thiếu thốn. Thường thì nhịn ăn sáng để đi học, mặc vài ba cái áo thun nhỏ dồn lại để giữ ấm, đi học cũng xa, ba bốn cây số…".

Theo anh Blong Vương Sĩ, vấn đề áo ấm mặc vào mùa lạnh vẫn là vấn đề nhức nhối của người vùng cao. Vì công việc hằng ngày với thu nhập cao nhất là 200 ngàn đồng thì một số người đàn ông chủ chốt trong gia đình phải loay hoay làm lụng suốt năm mới đủ cơm ăn cho gia đình. Chuyện mua sắm áo Tết là một chuyện nan giải, đầy chông gai và thử thách cho người đàn ông. Bởi vậy, họ phải nhờ vào người phụ nữ nuôi con heo, con gà bán trong dịp Tết để mua sắm áo quần.

Nếu không may trời lạnh quá, heo, gà lăn ra chết thì cả nhà chỉ biết ứa nước mắt mà ra rừng tìm xác nó về để mổ thịt, đón Tết sớm. Cảm giác đáng sợ nhất của người vùng cao là phải đón Tết sớm bằng thịt heo, thịt gà chết lạnh. Ngược lại, nếu như heo, gà sống sót để bán Tết thì cả một con heo đen mà người đồng bằng gọi là heo mọi cũng chỉ bán được cao nhất là 500 ngàn đồng. Vì nhà buôn chỉ trả đến mức giá đó là cùng. Và với 500 ngàn đồng, khó mà mua đủ cho con cái vừa là áo ấm, vừa là áo quần Tết để ra Giêng mặc đi học.

Ông Blíu Ruk, thợ bóc vỏ cây, làm rừng thuê, chia sẻ : "Ba mươi bắt đầu mới mua đồ ăn, mua đồ quần áo chi đó…".

Với ông, dường như Tết chỉ bắt đầu từ Giao Thừa, và sang Mồng Bốn Tết thì ông cũng bắt đầu làm việc trở lại, có thể là đi bốc hàng thuê hoặc ai gọi gì làm nấy. Hiện tại, đã 24 tháng Chạp nhưng ông vẫn phải vác rựa vào rừng để làm cỏ cho keo lá tràm. Mỗi ngày được trả 150 ngàn đồng, cơm trưa chủ rừng cho ăn. Ông không thể nghỉ Tết sớm vì cần thêm tiền để mua áo quần Tết cho con.

Và với kinh nghiệm của một người nghèo, ông thường chọn mua áo quần cho con vào đêm 30 tháng Chạp, lúc đó ít ai mua áo quần Tết nên người ta sẽ bán rẻ hơn. Nhưng cũng có năm, đi muộn một chút, chợ vãng, chẳng còn ai bán áo quần, cha con ông phải đi bộ hàng chục cây số quay về nhà. Những lúc như vậy, ông thấy có lỗi với vợ con và chỉ biết khóc thầm.

Có thể nói rằng có thiên hình vạn trạng câu chuyện Tết nghèo, Tết sâu thẳm nỗi buồn rừng rú, Tết phong phanh áo mỏng đại ngàn, Tết miệt mài áo cơm thiếu thốn, Tết bẽ bàng ăn ké người thân… nơi rẻo cao khuất lấp. Bởi đời sống của người miền cao, cho dù có cố gắng, nỗ lực cách gì thì họ vẫn khó bề mà thoát nghèo, khó bề mà sung sướng.

Cái nghèo quanh quẩn người vùng cao, Tết về, dường như chỉ có cây rừng, hoa rừng, hương rừng là bầu bạn, tâm tình cùng những số phận nghèo khổ một cách chí thiết, thâm sâu. Thêm một cái Tết nữa đang về trên vùng cao !

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Quay lại trang chủ
Read 716 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)