Bộ trưởng Giáo dục cộng sản Việt Nam được phong giáo sư ‘mờ ám’ (CaliToday, 11/02/2018)
Truyền thông Việt Nam ghi nhận hồi năm 2016, ông Nhạ được "Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước" phong hàm giáo sư ngành kinh tế.
Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Hình : báo điện tử VietNamNet)
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng đề nghị chính phủ và giới khoa học Việt Nam "cần làm sáng tỏ chuyện này, nhất là khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu rà soát lại các ứng viên trong đợt phong giáo sư năm 2017".
Ông Dũng nêu một loạt câu hỏi chưa được làm rõ trong vụ này : "Ông Nhạ lúc đó đang là phó giáo sư, ứng cử viên giáo sư mà lại được một "công văn mật" chỉ định làm chủ tịch hội đồng phong giáo sư thì điều này có gây sức ép phản khoa học đối với hội đồng ? Ông Nhạ có phải là người tự ký quyết định phong mình thành giáo sư ? Nếu đúng vậy thì có nơi nào từng làm như thế không ?"
Theo Giáo sư Dũng, ông Nhạ "có tổng cộng hai bài báo có trong danh sách Scopus" (cơ sở dữ liệu bài báo khoa học) đăng trên tờ Asian Social Science mà ông cáo buộc là "tạp chí nhận 300 USD, 400 USD là đăng bài" của một công ty tự xưng là "Canadian Center of Science and Education".
Ông Dũng cũng bình luận rằng hai bài báo khoa học của ông Nhạ "viết trên sai chính tả và ngữ pháp từ đầu đến đuôi, và được đăng rất nhanh sau khi gửi bài". Do vậy ông Dũng đã soạn thư ngỏ "Đề nghị kiểm tra tư cách giáo sư của ông Phùng Xuân Nhạ".
Cũng trong hôm 11 tháng Hai, nhà báo Dương Minh Phong của tờ Sài Gòn Giải Phóng viết trên trang Facebook cá nhân : "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên ra quyết định hủy bỏ chức chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước do ông Nhạ làm chủ tịch, giải tán luôn hội đồng, cùng với đó là hủy bỏ kết quả xét chọn giáo sư, phó giáo sư vừa qua, hủy bỏ cả quyết định ông Nhạ ký cho chính ông thành giáo sư. Trên tinh thần mừng xuân mới, ông Phùng Xuân Nhạ nên hân hoan nhận án kỷ luật vì tội lạm quyền, và tất nhiên, Thanh tra nhà nước phải vào cuộc. Chức danh giáo sư, phó giáo sư là chức danh nhà nước, nó cao quý, nó là tinh hoa của đất nước, ai, kẻ nào hoặc là lạm quyền, lợi dụng ký bừa, kẻ nào gian mạnh chạy vạy, kiếm chác, kẻ nào luồn lót để giành giật… cần bị nghiêm trị".
Đáng lưu ý, hôm 9 tháng Hai, một công văn do ông Nhạ ký gửi Hội đồng Chức danh Giáo sư tại các ngành, liên ngành viết : "Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư theo quy định, phải báo cáo Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước và cương quyết không công nhận".
Trong đợt phong giáo sư, phó giáo sư năm 2017 cho hơn 1.200 người mới đây, công luận đặt dấu hỏi với trường hợp của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người được báo "lề phải" ghi nhận "đạt chuẩn giáo sư năm 2017" nhưng người ta không thể biết được bà này có công trình nghiên cứu khoa học nào. (T.K.)
*****************
Mất hàm giáo sư sau yêu cầu rà soát của thủ tướng ? (VOA, 12/02/2018)
Sau khi dư luận xôn xao về số lượng người được công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng gần gấp đôi năm 2016, thủ tướng Việt Nam mới đây yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ Giáo dục và đào tạo) "xem xét, rà soát" lại quy trình. Một giáo sư lâu năm dự báo một số lượng người "đáng kể" sẽ bị tước hàm do việc rà soát lại.
Bảng dữ liệu cho thấy số giáo sư Việt Nam được phong năm 2017 gần gấp đôi năm 2016
Báo chí Việt Nam cho hay, Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước hồi đầu tháng này công bố số lượng các tân giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm 2017 là 1.226 người, trong đó đại đa số là giáo sư. Con số này gần gấp đôi năm 2016 và gấp 3 lần năm 2011.
Văn phòng Chính phủ sau đó một tuần đã gửi công văn đến Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, nêu rõ giới truyền thông và các giới khác bày tỏ quan ngại về số lượng người nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư "tăng đột biến", cũng như lo ngại về chất lượng của các vị này.
Công văn viết rằng một mặt dư luận từ nhiều phía hoài nghi về các ứng viên, chỉ ra thực tế là nhiều người trong số họ "không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, hoặc không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học", và mặt khác, dư luận cũng lưu ý đến phía xét duyệt, họ nói rằng "một số thành viên hội đồng có rất ít, hay thậm chí không có công bố nghiên cứu khoa học quốc tế, so với các ứng viên".
"Không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một ‘đợt vét’ trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư", một đoạn trong công văn của Văn phòng Chính phủ phản ánh.
Công văn nói thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Nhạ, người cũng là chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước, phải "nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định". Công văn cũng đặt ra hạn cho ông phải báo cáo kết quả việc rà soát lên thủ tướng trước ngày 20/2 sắp tới.
Ông Đặng Hùng Võ, người được phong hàm giáo sư từ năm 1992, nhận định với VOA rằng việc rà soát sẽ dẫn đến việc rút lại chức danh giáo sư của một số người".
Ông nói thêm :
"Trong trường hợp này, chắc chắc tôi tin là diện không nằm trong danh sách nữa, nói cách khác là rà soát lại và sẽ chưa đủ tiêu chuẩn theo các tiêu chí hiện nay đã được đưa ra, thì chắc chắn là sẽ có và sẽ có đáng kể chứ không phải là ít".
Giáo sư Võ, cũng là một cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bình luận rằng yêu cầu của thủ tướng là cần thiết để đảm bảo chất lượng của những người được phong giáo sư, phó giáo sư "không giảm xuống" so với trước đây.
Ông cho rằng Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ thị của thủ tướng và cung cấp lời giải trình. Một giải pháp mà giáo sư Võ đề xuất thực hiện nhằm đánh tan mọi nghi ngờ là Hội đồng Chức danh Giáo sư cần công bố rộng rãi các thông tin, và ông gọi đây là một cách "quản trị tốt".
Ông nói tiếp :
"Một việc mà chúng ta cần là quá trình công khai toàn bộ danh sách thành tích khoa học, thậm chí là công khai những bài báo, công trình khoa học được chấm. Công trình nào bao nhiêu điểm. Và tiếp nhận ý kiến giám sát của những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học. Chúng ta có thể số hóa và công khai toàn bộ trên mạng của tất cả hơn 1.000 người vừa rồi được vào danh sách".
VOA đã tìm cách liên lạc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ để ghi nhận ý kiến của ông về vấn đề này song không kết nối được.
Theo tường thuật của báo chí trong nước, ngày 9/2, một ngày sau khi có chỉ đạo của thủ tướng, Bộ trưởng Nhạ đã gửi công văn yêu cầu Thường trực Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại hồ sơ các ứng viên.
Văn bản của ông Nhạ có đoạn : "Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư theo quy định, phải báo cáo Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước cương quyết không công nhận".
Vị bộ trưởng cũng yêu cầu các chủ tịch hội đồng ngành, liên ngành báo cáo với ông, người hiện nắm chức Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước, trước ngày 18/2.
Nhận định về các động thái của cả chính phủ và Bộ Giáo dục và đào tạo, giáo sư Đặng Hùng Võ dự báo con số giáo sư, phó giáo sư được phong trong năm 2018 có thể không giảm mà vẫn tăng 10 đến 15% so với năm 2017, nhưng không tăng vọt như đã xảy ra trong năm vừa qua.