Việt Nam ngưng xin Mỹ cứu dự án nhiệt điện Long Phú (Người Việt, 11/02/2018)
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đột ngột rút lại lá đơn xin ngân hàng xuất nhập cảng của Mỹ tài trợ cho dự án nhiệt điện chạy than Long Phú 1 tại tỉnh Sóc Trăng, không ai hiểu lý do tại sao.
Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 chỉ có cái khung, còn ruột và máy móc không biết bao giờ có. (Hình : NYT)
Theo báo New York Times hôm Chủ Nhật, 11 tháng Hai, 2018, dư luận chú ý theo dõi xem chính phủ Mỹ qua Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng (Ex-Im Bank, một ngân hàng do chính phủ điều hành) quyết định thế nào khi nhận được đơn xin tài trợ cho dự án nhiệt điện chạy than Long Phú 1 giữa những quan ngại của mọi giới về ô nhiễm môi trường và góp thêm phần làm biến đổi khí hậu.
Thứ Năm vừa qua, theo NYT, ngân hàng Ex-Im cho hay tập đoàn dầu khí Việt Nam (Peto Vietnam) đã rút đơn lại, không xin vay nữa. Trong một bản thông báo, ngân hàng Ex-Im loan báo dù họ chưa bắt đầu cứu xét cái đơn xin tài trợ thì Hà Nội đã xin rút đơn.
Nếu Ex-Im đồng ý tài trợ, một số công ty Mỹ, đặc biệt là công ty sản xuất trang thiết bị cho nhà máy nhiệt điện như General Electric, có thể có mối bán các thiết bị sản xuất điện tối tân cho Việt Nam.
Dự án nhiệt điện chạy Than Long Phú 1 tại tỉnh Sóc Trăng cũng như những nhà máy nhiệt điện chạy than khác của Việt Nam bị giới bảo vệ môi trường và các nhóm khác đả kích mạnh mẽ. Họ cho rằng tác dụng xấu đến môi trường của các dự án này tệ hại gấp bội so với những gì được chế độ Hà Nội tiết lộ.
Ngân hàng Thế Giới (World Bank) và nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã từ chối tài trợ các dự án nhiệt điện chạy than tại các nước đang phát triển vì tác động nghiêm trọng đến sự biến đổi khí hậu. Trước khi xin Mỹ tài trợ, Petro Vietnam đã bị ngân hàng xuất nhập cảng của Anh Quốc (tương tự như Ex-Im Bank của Mỹ) từ chối vì lý do tương tự vừa kể.
Thêm nữa, dự án Long Phú 1 cũng đã được ngân hàng liên quan đến chính phủ Nga, Vnesheconombank, tài trợ một phần. Đây là ngân hàng bị chính phủ Mỹ cấm vận vì việc Nga chiếm phần đất Crimea của Urkaine hồi năm 2014. Mới ngày 26 tháng Giêng, 2018, Bộ Tài Chính Mỹ cấm vận công ty Power Machines của nước Nga, một trong số các công ty có hợp đồng xây dựng tại dự án Long Phú 1.
Dự trù phát điện từ năm 2014, nhưng đến nay dự án nhiệt điện chạy than Long Phú 1 mới chỉ có cái khung vì thiếu vốn. Dự án đặt tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng do Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) nhiều tai tiếng làm chủ đầu tư.
Nhà máy gồm 2 tổ máy, công suất tổng cộng 1,200 MW, chạy than nhiều phần nhập cảng từ Indonesia hoặc Úc. Vốn đầu tư ban đầu dự trù 1,2 tỷ USD. Khi bắt đầu khởi công dự án đầu năm 2011, tin tức lúc đó đăng tải cho biết PVN "chỉ định thầu" làm "tổng thầu" cho công ty con của mình là tổng công ty cổ phần Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí Việt Nam (PTSC).
Cũng như bao dự án khác tại Việt Nam, giữa tháng Bảy, 2011, PTSC Power đã "tổ chức ký giao ước thi đua hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm 2011 nhằm tạo tiền đề vững chắc cho các năm tiếp theo, quyết tâm nỗ lực hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động đảm bảo chất lượng và tiến độ kế hoạch được giao".
Tuy vậy, vì "vừa làm vừa học" chương trình xây dựng nhiệt điện Long Phú 1 ì ạch mấy năm vẫn chẳng di tới đâu, phải bán cái lại cho nhà thầu Nga, Liên Doanh Power Machines (Liên bang Nga) – BTG (Slovakia) – PTSC, trong đó, công ty Power Machines là thành viên chủ chốt chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng của dự án. Sự điều phối và kế hoạch mới được thay đổi cho dự án Nhiệt Điện Long Phú 1 là phát điện tổ máy 1 vào năm 2018, tổ máy 2 vào năm 2019.
Theo báo cáo của PVN, "tới hết tháng Sáu, 2016, tiến độ tổng thể thực hiện Hợp Đồng EPC đạt khoảng 24.4%. Nguyên nhân được PVN cho biết là do công tác mua sắm thiết bị của nhà thầu Power Machines và một phần của công tác thiết kế", bản tin ngày 6 tháng Tám, 2016 của PVN.
Không những vậy "nguy cơ chậm tiến độ tại Dự Án Nhiệt Điện Long Phú 1 vẫn hiển hiện, bởi công tác thu xếp vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA) cho phần hàng hóa xuất xứ từ Nga đang gặp nhiều khó khăn vì các ngân hàng, tổ chức tín dụng cơ bản không chào thu xếp vốn cho phần hàng hóa xuất xứ từ Nga". Và "… sự phối hợp của nhà thầu Power Machines với PTSC và các nhà thầu trong nước tuy có cải thiện, nhưng do công tác thiết kế và mua sắm chủ yếu thực hiện tại Ấn Độ và Nga, nên ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến sự phối hợp và tiến độ xử lý công việc chung của Liên danh tổng thầu".
Nếu các nơi đều từ chối, rất có thể Hà Nội sẽ phải quay sang Bắc Kinh xin tài trợ. Nếu việc này xảy ra, Hà Nội sẽ bị Bắc Kinh ép sử dụng kỹ thuật và máy móc tồi tệ của họ, môi trường sống của người dân vùng lân cận sẽ ngập tràn bụi than, khí thải.
Hồi năm 2015, nhà máy nhiệt điện chạy than Vĩnh Tân 2 tại Bình Thuận do Trung Quốc thầu xây dựng đã xả khí thải và xỉ thải ra khu dân cư lân cận và quốc lộ khiến dân cư biểu tình rất dữ dội. (TN)
***********************
Dự án Long Phú 1 đã rút đơn xin tài trợ từ Ú Exim Bank (VOA, 11/02/2018)
Người viết sau khi gởi bài "Đây là lằn đỏ để đoạn tuyệt với nhiệt điện than tại Việt Nam" trên diễn đàn VOA, đã nhân danh Viet Ecology Foundation liên lạc với US ExIm Bank bày tỏ mối quan tâm và khuyến cáo ngân hàng này không nên tham dự vào dự án nhiệt điện than xả ô nhiễm và gây nguy hại ở Việt Nam. Thêm vào là phân tích chiến lược về bất lợi quốc tế cho Hoa Kỳ nếu Hoa Kỳ giúp ngân hàng Nga thoát bế tắc tại Long Phú trong khi Liên Hiệp Quốc đang áp dụng biện pháp trừng phạt Nga vì quân đội Nga đã xâm lăng vào lãnh thổ Ukraine.
Từ trái, kỹ sư Phạm Phan Long Hội Sinh Thái Việt, tiến sĩ Lê Anh Tuấn Viện Nghiên cứu Biến Đổi Khí Hậu Đại học Cần Thơ, Ngô Thế Vinh trên đường dẫn ra biển đến khu Điện Gió / Windfarm Bạc Liêu. [photo by Lê Phát Quới]
Dân cư Long Phú sẽ lo lắng về tình huống có thể sẽ xấu nhất
Viet Ecology vừa nhận được thư trả lời của đại diện Exim Bank (xem đính kèm cuối bài viết), theo đó dự án Long Phú đã tự rút đơn xin tài trợ nên US ExIm Bank sẽ đóng lại không cứu xét hồ sơ này nữa. Nếu thế sân chơi Long Phú sẽ bị bỏ trống sau khi Âu Châu từ chối tài trợ và Hoa Kỳ ngừng cứu xét. Tình huống thiếu vốn này của Petro Vietnam sẽ rất thuận lợi cho ngân hàng AIIB, Asian Infrastructure Investment Bank của Trung Quốc bước lên thảm đỏ mang tiền đầu tư thêm vào nhiệt điện than Việt Nam ; dĩ nhiên với thiết bị, kỹ thuật, chuyên gia và nhân công của họ.
Nếu đây là lộ trình độc nhất còn lại, lãnh đạo Long Phú sẽ vay từ Trung Quốc thì đây là tình huống xấu nhất dân cư trong vùng, trước nhất vì cơ bản dù có thực hiện đúng theo thiết kế kỹ thuật và vận hành đúng theo quy trình, thì theo tường trình VOV ngày 21, tháng 9, 2016 : "Trung tâm điện lực Duyên Hải có tổng công suất khoảng 4.400MW, gồm 4 nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ tua-bin ngưng hơi truyền thống. Khi đi vào vận hành, trung tâm này sẽ tiêu thụ 39.000 tấn than/ngày đêm. Theo đó, sẽ phát thải xỉ than 13.000 tấn/ngày đêm ; do vậy, nguy cơ ô nhiễm không khí và nước thải là rất lớn. Hơn nữa, lượng tro xỉ này hoàn toàn chưa có phương án xử lý hiệu quả, chủ yếu được chôn lấp. Đến nay, đã có 31ha trong số 100 ha bãi chứa xỉ của Trung tâm được lắp đầy !" [1].
Sơ đồ Dự án Long Phú 1
Thực tế đã cho thấy các xí nghiệp Trung Quốc và Đài Loan có lịch sử xây dựng và vận hành xí nghiệp không an toàn và không theo đúng tiêu chuẩn và luật pháp ở Việt Nam. Hãy xét qua một chuỗi những sự việc không thể chấp nhận lại liên tiếp đã xảy ra với các nhà thầu và chủ đầu tư Trung Quốc sau đây :
1. Năm 2011, kỹ nghệ bauxite Tân Rai đã để hóa chất chảy thoát ra ngoài nhà máy khiến nước sông đen, cá chết và cây cỏ bị hủy hoại.
2. Năm 2014, nước bùn đỏ độ kiềm ăn mòn cao từ xí nghiệp Tân Rai theo mưa tràn ra ngoài đến khu nông nghiệp cư dân.
3. Năm 2014, hàng trăm chuyên viên Trung Quốc đã Việt Nam vào làm việc lậu cho dự án Duyên Hải 1 không có phép [2].
4. Năm 2015, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại Bình Thuận do Trung Quốc thầu đã xả khí thải và xỉ thải ra khu dân cư và quốc lộ khiến dân cư biểu tình trên 20 km đường phản đối kéo dài trên 30 tiếng.
5. In 2016, nhà máy Fornosa Đài Loan (cũng là Tàu) xả nước thải không xử lý theo ống ngầm ra biển gây ô nhiễm chết 70 tấn cá trải dài trên hai trăm km duyên hải.
6. Sau đó Formosa đã phải đóng cửa sửa chữa để tái vận hành, nhưng lại để nổ cháy lớn ngay trong nhà máy.
7. Formosa còn đánh tráo quy trình kỹ thuật đệ trình từ cốc khô thành ướt để bớt chi phí thiết và năng lượng và "thuyết phục" được phép từ chính quyền cho làm sai quy trình.
8. Formosa vận động đặc ân tăng giới hạn ô nhiễm lên trên ngưỡng cho phép 255% nhờ đặc cách họ được điều chỉnh theo ham lượng oxygen tham chiếu 15% thay vì tiêu chuẩn 7%.
9. Mới đây, có những công dân phản đối Formosa lại bị trả thù lãnh những bản án tù nặng nề trên 10 năm.
10. Năm 2016, khi xây dựng nhà máy nhiệt diện Duyên Hải 1 nhà thầu Trung Quốc đã gây úng ngập và bệnh tật cho dân cư [3], phát tán bụi than trên ruộng và vẫn chưa tìm được giải pháp chôn xỉ thải.[4]
11. Năm 2017, nhà máy giấy Lee & Man bên sông Hậu đã mất kiểm soát ô nhiễm cho tro bụi, nước thải và tiếng ồn từ nhà máy thất thoát ra ngoài tác động vào dân cư.
12. Ngoài ra công ty JA Solar của Trung Quốc năm ngoái đã ngang nhiên khởi công xây nhà máy ở Bắc Giang khi chưa đệ nạp báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đã có nhiều tiếng nói báo động trong nước nhưng chưa thấy chính phủ Việt Nam chứng tỏ khả năng kiểm soát được các xí nghiệp Trung Quốc, các chuyên gia bộ Tài nguyên Môi trường chưa chứng tỏ có kiến thức rà soát quy trình kỹ thuật, hiệu quả các thiết bị kiểm soát ô nhiễm và an toàn nhà máy của Trung Quốc, hay khả năng tư pháp áp đặt quy luật buộc họ nghiêm túc tuân thủ luật Việt Nam, tôn trọng an toàn dân cư bảo vệ môi trường. Ngay nhóm nghiên cứu dự án150 triệu USD, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé còn bị tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân ngờ vực là làm và chia báo cáo ra hai giai đoạn là âm mưu "gài" Thủ Tướng phóng lao để phải theo lao [5].
Những báo cáo tác động môi trường trong nước đều là tài liệu bí mật không công bố ra ngoài cho dân cư tiếp cận và cơ hội tìm hiểu và phản hồi ; hội đồng thẩm định tác động môi trường không tiếp xúc với dân và dĩ nhiên không do dân cử ; cố vấn nghiên cứu tác động môi trường do chủ thầu chọn, chủ thầu trả tiền và dĩ nhiên quyền quyết định kết luận trong báo cáo phải thuận lợi nhất theo đơn đặt hàng của chủ thầu. Trong tình trạng nặng mâu thuẫn quyền lợi, thiếu vắng khả năng check and balance, chuyên gia không độc lập đó, sẽ không bao giờ quyền lợi dân cư và xã hội được tôn trọng bảo vệ. Chính quyền vô hình chung biến thành đồng loã, công cụ nếu không nói là thuộc hạ cho các nhóm lợi ích thao túng và giúp xí nghiệp trốn thoát trách nhiệm khi bị lộ tẩy. tác động môi trường của Duyên Hải 1 cũng theo tường trình VOV nói trên [1] có những sai sót sau :
"PGS.tiến sĩ Lê Anh Tuấn phân tích : "Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các nhà máy nhiệt điện than ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lổ hổng. Thứ nhất là do các quy định của Bộ Tài nguyên và môi trường. Thứ hai, lổ hổng của người soạn thảo cái đó và người phê duyệt. Mình để cho các nhà máy đó tự làm, không có cơ quan giám định độc lập, để phản biện. Bản thân các báo cáo đánh giá tác động môi trường có những lỗi về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, một số kết quả cố tình làm nhẹ đi".
Sự khinh thường luật lệ và chức trách Việt Nam của nhà thầu Trung Quốc đã không cần phải che dấu :
‘Ông Phạm Anh Dũng, Phó Cục trưởng, Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, qua thẩm định 3 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch phát triển ngành năng lượng tại đồng bằng sông Cửu Long, một số nhà máy phải lập lại đánh giá tác động môi trường : "Chủ dự án không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong quá trình quản lý, không biết dùng công cụ gì mặc dù đã phạt họ ! ?".
Trước bế tắc có tính hệ thống đó, người trong nước gần như tất cả đều biết rất rõ những điều bất cập ấy. tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ đã khai bút thách thức cả dân tộc lên tiếng khi viết khảo luận "Đôi điều suy nghĩ của một công dân" vào năm 1993 như sau :
"Vậy nên tôi nghĩ rằng, là một người Việt Nam có giáo dục, có văn hóa, không ai có thể cho phép mình tảng lờ, dấm dúi trong xó kiếm ăn một mình, mà phải đứng ra giữa nơi sáng sủa, nghiêm túc nói rõ ý kiến của mình với sự huy động cao nhất của ý thức trách nhiệm và trí tuệ !" [6].
Hiện nay đã có nhiều trí thức và ký giả tryền thông mạnh dạn lên tiếng theo sự thôi thúc của trí tuệ và lương tri khi thẳng thắn viết là : Nhiệt điện "đốt cháy" tâm can người dân đồng bằng sông Cửu Long [7]. Đúng thế vì Long Phú 1 hay Duyên hải 1 chỉ là những giai đoạn đầu cho 14 dự án than tổng cộng 18.000 MW sẽ tràn vào đồng bằng sông Cửu Long tác hại họ. Chính quyền địa phương như Bạc Liêu và Long An đã có nhiều dấu hiệu đang lắng nghe tiếng dân và trí thức xin chính phủ hủy bỏ nhiệt điện than cho họ [8] ; Duyên Hải 1 đã phát hành thông tin cập nhật về nhà máy cho dân cư [9] ; dân chúng đã vượt sợ hãi và tham gia tích cực các thảo luận trực tiếp vào vùng cấm địa chính sách trước đây phải tránh hết sức né e dè. Người viết tin vào tinh thần dân tộc Việt Nam đang trên đà chuyển hướng và viết bài này để đánh dấu bước ngoặt phải bước tới vì sự sinh tồn cho hàng chục triệu cư dân trên diễn đàn Voice of America tiếng Việt tại Hoa Kỳ.
California, ngày 8, tháng 2, 2018
Phạm Phan Long
PE (Viet Ecology Foundation)
Tham khảo
[2] https://m.vov.vn/xa-hoi/tra-vinh-kho-xu-ly-lao-dong-chui-nguoi-nuoc-ngoai-320396.vov
[3] https://www.voatiengviet.com/a/nang-luong-tai-tao-me-kong-cuu-long/4201877.html
[4] http://www.sggp.org.vn/be-tac-voi-tro-xi-o-nha-may-nhiet-dien-than-444911.html
[5] http://anhsangvacuocsong.vn/ban-khoan-xay-cong-cai-lon-cai/
[6] http://www.hasiphu.com/ll2.html
Thư của US Exim Bank
Dear Madam or Sir :
Your 2/1/18 inquiry to EXIM Bank Customer Support regarding the Long Phu Power Plant Project in Vietnam was received and was forwarded to EXIM’s Office of Communications for response. I have the following information for you on background. The credit application to EXIM for this transaction has been withdrawn and therefore is no longer under consideration to receive financing from the Export-Import Bank of the United States.
I hope this information is helpful.
Sincerely,
Linda Formella
Linda Formella | Public Affairs Specialist, Communication
Export-Import Bank of the United States
811 Vermont Ave. NW, Office 1241 | Washington, DC 20571
Tel 202.565.3204 |
Mobile 202.651.0299 | Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.