Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

14/02/2018

Facebook ở Việt Nam : một điều may hay một tai họa ?

Tổng hợp

Liệu Facebook có bắt tay với Việt Nam ? (Người Buôn Gió, 14/02/2018)

Hàng loạt trang Facebook của những người đối kháng với chế độ cộng sản Việt Nam bị vô hiệu hóa, bị khóa mất hẳn hoặc liên tục bị cáo vi phạm khiến họ bị khóa dài ngày liên tiếp. Trong vòng từ giữa năm 2017 trở lại đây, hiện tượng này càng gia tăng gây khó khăn cho những người bất đồng chính kiến muốn chuyển tải thông tin của mình.

face1

Biểu đồ sử dụng internet ở Việt Nam năm 2012 - Nguồn : slideshare.net

Câu hỏi liệu Facebook có bắt tay với chế độ cộng sản Việt Nam hay không, có thực hiện đề nghị của cộng sản Việt Nam đề xóa những Facebook mà chính quyền cộng sản Việt Nam đề nghị hay không ? Là những câu hỏi đang dấy lên trong giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam.

Nhiều người cho rằng Facebook không bắt tay với chế độ cộng sản Việt Nam, không bao giờ họ thực hiện yêu cầu của cộng sản Việt Nam để xóa bỏ một tài khoản Facebook nào như yêu cầu của bộ trưởng truyền thông cộng sản Việt Nam Trương Minh Tuấn. Tất cả những gì thông tin Facebook hợp tác với cộng sản Việt Nam đều chỉ từ phía cộng sản Việt Nam đưa ra để hù doạ những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam.

Thế nhưng thực tế có rất nhiều người bất đồng chính kiến ở Việt Nam gặp khó khăn khi sử dụng Facebook. Hãy xem một bài báo đưa tin về vấn đề này mới đây vào ngày 11 tháng 1 năm 2018 (1).

face2

Thông tin được ông Damian Yeo, Giám đốc chính sách và nhóm pháp lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Facebook, cho biết tại buổi tiếp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, chiều ngày 11/1, tại Hà Nội.

Tại buổi tiếp trên, ông Damian Yeo cho biết, Facebook cam kết hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam cùng xây dựng môi trường Internet phát triển lành mạnh, tập trung rà soát, xử lý thông tin xấu, độc trên phạm vi toàn cầu, trong đó có đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Năm 2018 Facebook sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam để cùng Việt Nam tháo gỡ những vấn đề Chính phủ Việt Nam quan ngại, đồng thời sẽ có các buổi làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam để tìm hiểu nguyên nhân, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn cho Việt Nam.

Đặc biệt, Giám đốc chính sách và nhóm pháp lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Facebook còn cho biết, Facebook sẽ xây dựng một kênh riêng để giải quyết vấn đề đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội một cách hiệu quả hơn, tốt hơn.

(Hết trích).

Trước đó vào tháng 4 năm 2014, tại Hà Nội trong buổi làm việc với đại diện Facebook, bộ trưởng truyền thông cộng sản Việt Nam Trương Minh Tuấn đã có đặt vấn đề với bà Monika là giám đốc chính sách toàn cầu của Facebook. Buổi gặp tiếp theo của Trương Minh Tuấn với Damiean Yeo của Facebook là giám đốc pháp lý và nhóm pháp lý châu Á Thái Bình Dương của facebok đã đi vào những chi tiết cụ thể. Facebook đã thực sự bắt tay với chế độ cộng sản Việt Nam để ngăn chặn những người bất đồng chính kiến. Nhưng việc bắt tay này diễn ra thế nào mới là câu hỏi đáng quan tân, chỉ vì không rõ sự bắt tay này thế nào, nên nhiều người vẫn cho rằng Facebook không bắt tay với cộng sản Việt Nam.

face3

Thống kê sử dụng internet ở Việt Nam năm 2012 - Nguồn : slideshare.net

Phía cộng sản Việt Nam đã thỏa thuận được với Facebook những điều khoản tinh vi, để tránh cho Faecbook mang tiếng trực tiếp loại bỏ những Facebook mà Việt Nam đề nghị. Đó là Việt Nam đề nghị Faecbook Việt Ngữ đưa ra nhiều điều khoản cấm đoán rất chung chung, trên cơ sở đó phía Việt Nam sẽ tạo ra nhiều tài khoản Facebook để báo cáo bất cứ Facebook nào họ muốn ngăn chặn. Phía Facebook chỉ việc đặt máy theo chế độ tự động, cứ có nhiều báo cáo Facebook nào sẽ tự động khóa hay vô hiệu hóa Facebook đó.

Việc tinh vi này sẽ tránh cho Facebook bị mang tiếng là xử lý các tài khoản, nó cũng giúp cho cộng sản Việt Nam chủ động chọn đối tượng nào mà chúng muốn ngăn chặn. Nhưng để làm được việc này phải có nhiều tài khoản Facebook để báo cáo cùng một lúc, chính vì thế người ta thấy gần đây cộng sản Việt Nam lập ra nhiều nhóm Facebook để làm việc này, như bộ tư lệnh thông tin mạng, lực lượng 47. Chỉ cần một lệnh ban ra ấn định ngày giờ để báo cáo Facebook nào là Facebook đó sẽ bị khóa ngay lập tức theo chế độ tự động của Facebook. Việc khiếu nại là không tưởng, vì Facebook sẽ làm ngơ không trả lời vì lý do có quá nhiều khiếu nại, không có nhân lực giải quyết hết. 

Với cách thế này, nghiễm nhiên Facebook Việt Nam đã trao quyền quyết định các tài khoản dùng Việt Ngữ cho chế độ cộng sản Việt Nam. Những người ở nước ngoài guy địa chỉ Ip khác, quốc tịch khác vẫn phải chịu chung số phận nếu nội dung viết trên Facebook bằng Việt Ngữ.

Tại sao Faebook ngầm thỏa thuận theo yêu cầu của cộng sản Việt Nam, chả có gì khó hiểu, họ không muốn bị cấm ở Việt Nam và số lượng người dùng Facebook đấu tranh không đáng kể so với số người dùng khác, bằng chứng là bộ trưởng truyền thông cộng sản Việt Nam Trương Minh Tuấn chỉ đề nghị xóa 5000 tài khoản Facebook trong hàng triệu người dùng Faecbook Việt Ngữ.

Việc báo cáo của lực lượng an ninh mạng Việt Nam tập trung vào hình ảnh, clip, các đường link. Như vậy cộng sản Việt Nam hạn chế được tuyệt đối các tài liệu mật bị phát tán trên mạng, hoặc những hình ảnh, clip tố cáo tội ác của chế độ. Người dùng Faebook muốn tài khoản của mình không bị báo cáo, chỉ còn cách viết bài và không kèm những bằng chứng về tài liệu, hình ảnh. Với cách đó thì rất khó trong việc thuyết phục người đọc. Nhưng dù có viết không kèm bằng chứng thuyết phục người đọc đi nữa còn phải gặp trường hợp báo cáo là tài khoản giả mạo, mặc dù chính mình dùng giấy tờ tuỳ thân chứng minh, bởi cộng sản Việt Nam dễ dàng làm giấy tờ khác.

Các tổ chức, đảng phái đấu tranh ở hải ngoại hay trong nước dường như bất lực trước chiêu trò của cộng sản Việt Nam thỏa thuận được với Facebook như trên. Không có một tổ chức nào có khả năng, uy tín để nghiên cứu vấn đề này, tổng hợp lấy chữ ký và đề xuất với Faecbook hay với chính quyền Hoa Kỳ can thiệp. Có thể các tổ chức, đảng phái cảm thấy việc đấu tranh giành quyền tự do trên Facebook không quan trọng chỉ vì nó là mạng xã hội, có nhiều phương tiện khác để họ sử dụng hơn là việc mất công đấu tranh với Facebook.

Song song với những tổn thất về nhân lực, bởi sự bắt bớ điên cuồng và những án phạt tù quá nặng nề và sự khống chế của cộng sản Việt Nam với Facebook gần đây. Cơ hội đấu tranh trên mặt trận tuyên truyền ngày càng ít khoảng trống để thể hiện cho những người đấu tranh dân chủ Việt Nam. cộng sản Việt Nam đã gần như hoàn toàn kiểm soát được thông tin trên mạng bằng những thủ đoạn khác nhau, điều đó cần thẳng thắn thin nhận để những người đấu tranh sớm tìm ra cách khác cho mình.

Người Buôn Gió

Nguồn : fb.nguoibuongio, 11/02/2018

(1) http://vneconomy.vn/facebook-cam-ket-xay-dung-kenh-rieng-tiep-nhan-xu-ly-yeu-cau-cua-viet-nam-20180111220024226.htm

*******************

Bày tỏ chính kiến trên mạng và đường đến lao tù (RFA, 13/02/2018)

Với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội Facebook trong những năm gần đây, nhiều nhà hoạt động tại Việt Nam sử dụng công cụ mạng xã hội để công khai bày tỏ quan điểm, chính kiến, hay tố cáo những viên chức sai trái. Những trình bày như thế thu hút được sự quan tâm theo dõi của nhiều cư dân mạng. Tuy nhiên, việc bày tỏ tự do ngôn luận này đang bị nhà cầm quyền đàn áp bằng biện pháp bắt bớ và tuyên án nhiều năm tù.

laotu1

Cơ quan An ninh điều tra ghi lời khai ông Nguyễn Văn Trường. Ảnh Báo công an nhân dân

'Góp phần xây dựng một đất nước cường thịnh và giàu có'

Vào ngày 9 tháng 2 năm 2018, ông Nguyễn Văn Trường, một người dùng mạng xã hội Facebook phát hình trực tiếp để nói về các vấn đề nóng của xã hội vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 – Bộ luật Hình sự 2015’

Bản tin báo Công an Nhân dân ngày 9 tháng 2 năm 2018 cho rằng ông Nguyễn Văn Trường đã ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ trong việc khiếu nại tố cáo, quay các video clip, viết bài phát tán trên mạng xã hội Facebook với nội dung bôi nhọ, hạ uy tín, vu khống, công kích, xúc phạm một số cá nhân, cơ quan Nhà nước làm công tác tố tụng ở Trung ương và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.’ Vụ bắt giữ ông Trường có thể xem là vụ bắt giữ đầu tiên trong năm 2018 vì điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.

Ngoài ông Nguyễn Văn Trường, hiện còn có các nhà hoạt động khác tại nhiều nơi vẫn sử dụng công cụ phát hình trực tiếp trên mạng xã hội để trình bày chính kiến của mình. Một người trong số đó là ông Ngô Văn Dũng ngụ tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ông Dũng hiện là chủ tài khoản Facebook Dung Van Ngo, được sử dụng để phát video trực tiếp bàn luận về những vấn đề nóng trong xã hội.

Ông Dũng cho biết lý do vì sao ông muốn thể hiện quan điểm của mình thông qua công cụ phát hình trực tiếp trên mạng xã hội.

Ngô Văn Dũng : Là một người công dân Việt Nam và tư cách là một nhà báo tự do sống trên quốc gia này thì tôi mong muốn rằng tất cả người dân Việt Nam kể cả cơ quan công quyền của nhà nước thực hiện theo Hiến pháp và luật pháp một cách đúng và chuẩn mực, để góp phần xây dựng một đất nước cường thịnh và giàu có, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Đó là mong muốn của nhân dân cả nước cũng như của bản thân tôi.

Hiện tại, tài khoản Facebook có tên Nguyễn Văn Trường, được cho là của ông Nguyễn Văn Trường, người vừa bị bắt có tổng cộng 165 video phát trực tiếp được đánh số. Các video này có số lượng người xem, tương tác và chia sẻ rất cao, lên đến hàng ngàn lượt.

Cũng giống như tài khoản của ông Nguyễn Văn Trường, kênh truyền hình có tên CHTV phát trên tài khoản Facebook của Ông Ngô Văn Dũng cũng đã có hơn 120 video. Các video này được đánh số và chiếu cảnh chính ông bàn luận hoặc phỏng vấn người khác về các vấn đề thời sự. Ông Dũng cho biết thêm bản thân ông cũng từng bị công an mời lên trao đổi về các sản phẩm trên mạng xã hội của mình.

Ngô Văn Dũng : Bản thân tôi cũng bị mời hai lần. Lần đầu tôi không đi, nhưng lần sau tôi đi thì họ đối xử với tôi một cách chuẩn mực. Phía công an cũng rất tôn trọng, và thực sự họ đã tôn trọng Hiến pháp.

'Sẵn sàng đón chờ mọi hậu quả'

Ngày 31 tháng 1 năm 2018, tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ba nhà hoạt động Nguyễn Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, và Trần Hoàng Phúc với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Phiên tòa kết thúc với các mức án 8 năm tù và 5 năm quản chế đối với ông Nguyễn Quang Thuận, 6 năm tù và 4 năm quản chế đối với anh Nguyễn Văn Điển, và 6 năm tù cùng 4 năm quản thúc tại gia cho anh Trần Hoàng Phúc. Cả ba người bị Hội Đồng Xét Xử buộc tội ‘tàng trữ tài liệu, làm, đăng tải các video có nội dung tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet.’

Tại phiên tòa, các luật sư của các bị cáo đã yêu cầu thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho phép trình chiếu các video được cho là chứng cứ buộc tội họ. Tuy nhiên, Hội Đồng Xét Xử từ chối với lý do không đủ cơ sở vật chất.

Chúng tôi liên lạc với luật sư Hà Huy Sơn, người trực tiếp tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa để hỏi về các quy định về hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các video phát trực tiếp trên mạng xã hội. Luật sư Hà Huy Sơn cho biết như sau.

Hà Huy Sơn : Pháp luật Việt Nam có điều 25 của Hiến pháp là có quyền tự do ngôn luận, nhưng điều này lại được thực hiện theo luật pháp quy định, nên ranh giới thế nào là vi phạm pháp luật đối với quyền tự do ngôn luận thì theo tôi chưa biết chưa có văn bản luật hóa nào của Hiến pháp quy định.

Mặc dù đối mặt với sự không rõ ràng về mặt luật pháp trong những quy định về việc tự do ngôn luận cũng như tình trạng bắt bớ và các bản án nhiều năm tù dành cho những Facebooker bất đồng chính kiến, ông Ngô Văn Dũng chia sẻ quan điểm của mình.

Ngô Văn Dũng : Bản thân tôi không phải là một dân oan, cũng không phải bất kỳ trường hợp nào oan sai nhưng tôi nhận xét xã hội này cần phải lên tiếng để xây dựng. Chính vì vậy tôi có một tinh thần rất lạc quan và sẵn sàng đón chờ mọi hậu quả hay một tình huống nào đó đến với mình.

Luật sư Hà Huy Sơn nhận xét về thực tế ở Việt Nam khi thực hiện việc tự do ngôn luận.

Hà Huy Sơn : Theo tôi thì trong khi pháp luật chưa rõ ràng, mọi người bày tỏ quan điểm nên đưa ra các chứng cứ dựa trên quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để bày tỏ quan điểm.

Bản thân ông Ngô Văn Dũng quả quyết rằng ông luôn tôn trọng Hiến pháp và luật pháp của nhà nước, và đó cũng là cơ sở mỗi khi ông lên tiếng.

Ngô Văn Dũng : Tất nhiên lúc nào tôi cũng tôn trọng hiến pháp và luật pháp và những gì tôi nói lên cũng dựa trên cơ sở hiến pháp và luật pháp, vì tôi không thể thoát khỏi những gì mà luật pháp cấm.

Ngoài trường hợp của ông Ngô Văn Dũng, vẫn còn nhiều những người dân, những nhà đấu tranh, nhà bất đồng chính kiến khác hiện đang thể hiện chính kiến của họ bằng công cụ phát hình trực tiếp trên mạng xã hội Facebook cũng như thực hiện các video clip tải lên Youtube. Liệu trong thời gian tới những người này có thể tiếp tục được phép bày tỏ quan điểm cá nhân như hiện nay hay không ? Hay chăng họ sẽ bị buộc phải dừng lại qua biện pháp bắt giam và khởi tố của nhà cầm quyền ?

Nguồn : RFA, 13/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 948 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)