Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/02/2017

Xe hơi tiền tỷ, biển số của "vua con" và những hệ lụy không thể cứu vãn

GDVN

Sau chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc cấp biển số xe ô tô 80A, 80B cho doanh nghiệp, có bao nhiêu biển số bị thu hồi và ai phải chịu trách nhiệm ?

Năm 2016, những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh dần bị bóc ra, bắt đầu cũng từ việc ông này đi chiếc xe Lexus 570 đeo biển xanh 95A-0699.

Khi ông Thanh chuyển công tác từ Bộ Công thương về tỉnh Hậu Giang làm Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh này đã mang theo chiếc Lexus LX570 biển số 29A-790.93 (cấp ngày 24/5/2013) do ông Nguyễn Đặng Toàn (em bà con bên vợ ông Thanh) đứng tên đăng ký.

Chiếc xe này sau đó được cấp tạm biển số xanh 95A-0699 (do phòng hậu cần Công an Hậu Giang sở hữu) cho xe Lexus LX570 tư nhân.

Ngày 23/9, Công an tỉnh Hậu Giang đã thi hành kỷ luật khiển trách Đại tá Nguyễn Chí Thanh - Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông công an tỉnh này do cấp biển số xanh xe Lexus LX570 tư nhân cho ông Trịnh Xuân Thanh.

xe1

Nhiều người bất ngờ khi biết chiếc xe gây tai nạn tại Thanh Hóa ngày 3/7/2016 gắn biển 80A là của doanh nghiệp tư nhân. ảnh : Báo Lao động.

Trong thời gian này, vào tháng 7/2016, tờ Lao động đăng tải thông tin chiếc xe Lexus mang BKS 80A-668.68 gây tai nạn nghiêm trọng thuộc sở hữu của một doanh nghiệp tại Thanh Hóa là Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng thương mại 68.

Khi vụ việc xảy ra nhiều người dân chứng kiến không khỏi ngỡ ngàng, bởi không hiểu vì sao một chiếc xe ô tô của doanh nghiệp tư nhân lại mang biển số xe công vụ ?

Vào tháng 8/2016, tờ Dân trí đã đăng tải thông tin có hai chiếc xe trên biển số : 80A-01939 và 80A 02322 được lãnh đạo Công ty Sabeco sử dụng đi lại ; nhưng sau đó đã "trùm mền" để tránh mang tiếng.

Bộ Công thương thì lý giải rằng không cấp biển số 80A cho Sabeco và nếu có thì Sabeco lấy từ nguồn khác. Vậy đó là nguồn nào ?

Còn rất nhiều vụ việc xe ô tô đeo biển xanh cấp cho khối các cơ quan Trung ương chạy nghênh ngang trên đường, thản nhiên vi phạm luật giao thông, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Và những bức xúc của dư luận mới đây với việc cấp hàng loạt biển số khủng tại tỉnh Thừa Thiên Huế và một số nơi khác như giọt nước tràn ly, để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải kiểm tra lại việc cấp biển 80A, 80B cho doanh nghiệp từ 1/6/2014 đến nay.

Thủ tướng yêu cầu, nếu phát hiện vấn đề bất cập đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm chặt chẽ, khách quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017.

xe2

Có nhiều xe ô tô hạng sang gắn biển 80A. ảnh : Báo Giao thông.

Người dân hy vọng, sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tinh thần quyết tâm xây dựng chính phủ liêm chính, nói không với nhũng nhiễu, tham nhũng, tất cả những trường hợp vi phạm quy định cấp biển số 80A, 80B cho doanh nghiệp đều phải thu hồi và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Cũng phải nói thẳng ra rằng, đây là việc mà lẽ ra chính các bộ, ngành, các cơ quan chức năng phải chủ động kiểm tra, xử lý và thông tin rộng rãi tới dư luận ngay khi xảy ra vụ việc Trịnh Xuân Thanh đi chiếc xe tiền tỷ gắn biển xanh tại tỉnh Hậu Giang.

Nhưng đáng tiếc là các cơ quan có trách nhiệm không làm được điều đó mà vẫn phải đợi tới khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vậy, trường hợp nào thì được phép mua xe công đắt tiền, ai sẽ là người có thẩm quyền quyết định ?

Căn cứ Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg quy định về tiêu chuẩn định mức sử dụng ô tô trong cơ quan nhà nước, các chức danh như Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Bí thư tỉnh ủy các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được sử dụng xe công vụ thường xuyên với giá mua cao nhất 1,1 tỷ đồng/xe.

Các chức danh Phó ban, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương được bố trí đưa đón tới nơi làm việc bằng xe ô tô có mức giá không quá 920 triệu đồng/xe.

Thực tế, con số 1,1 tỷ đồng chưa phải giới hạn cuối cùng. Nhà nước vẫn cho phép mua sắm những chiếc xe đắt tiền hơn để phục vụ những trường hợp đặc biệt.

Đây phải là những chiếc xe gắn kèm thiết bị chuyên dụng ; có cấu tạo theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, thường là an ninh quốc phòng, y tế, xây dựng, truyền hình,...

Việc mua sắm những chiếc xe này thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ hoặc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh sau khi đã thống nhất với Bộ Tài chính về chủng loại, số lượng.

Căn cứ theo Phụ lục số 02 quy định về Ký hiệu biển số xe ô tô - mô tô trong nước được ban hành kèm thông tư số 15 năm 2014 của Bộ Công an, biển số đăng ký ký hiệu 80 cho một số cơ quan :

Các Ban của Trung ương Đảng ; Văn phòng Chủ tịch nước ; Văn phòng Quốc hội ; Văn phòng Chính phủ ;

Bộ Công an ; Xe phục vụ các đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng công tác tại Hà Nội và các thành viên Chính phủ ; Bộ ngoại giao ; Viện kiểm soát nhân dân tối cao ; Toà án nhân dân tối cao ;

Đài truyền hình Việt Nam ; Đài tiếng nói Việt Nam ; Thông tấn xã Việt Nam ; Báo nhân dân ; Thanh tra Nhà nước ; Học viện Chính trị quốc gia ; Ban quản lý Lăng, Bảo tàng, khu Di tích lịch sử Hồ Chí Minh ;

Trung tâm lưu trữ quốc gia ; Uỷ ban Dân số kế hoạch hoá gia đình ; Tổng công ty Dầu khí Việt Nam ; Các đại sứ quán, tổ chức quốc tế và nhân viên ; Người nước ngoài ; Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ; Cục Hàng không dân dụng Việt Nam ; Kiểm toán nhà nước.

Như vậy là xe của doanh nghiệp không được mang biển số 80, nhưng vì sao trên thực tế điều đó vẫn xảy ra ? Họ đã dùng những chiêu trò nào để lách luật, gắn biển 80, để tung hoành trên các đường phố ?

Và còn một điều nữa rất cần phải làm rõ là đối với các cơ quan Trung ương, những đơn vị trực thuộc ở cấp dưới có được cấp biển 80 không ? Nếu có thì số lượng là bao nhiêu ? Liệu có chiêu trò xin cấp biển 80 rồi giao lại cho cá nhân sử dụng không ? Hoặc là cá nhân núp bóng doanh nghiệp tư nhân sử dụng ?

Không phải ngẫu nhiên mà dư luận đặt ra những câu hỏi ấy, thậm chí nhiều người bức xúc còn ví von rằng đó là những ông "vua con" trên đường phố.

Họ có lý khi ví von như vậy, bởi vì lẽ ra những biển số xe công vụ ấy chỉ cấp cho các cơ quan nhà nước khối Trung ương để thực hiện nhiệm vụ nhà nước, nhưng chẳng hiểu bằng cách nào mà nó được gắn vào xe của doanh nghiệp, của cá nhân sử dụng không phải vì mục đích hoạt động chung của cơ quan khối Trung ương ?

Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV vô cùng bức xúc trước thực trạng này.

Ông nói rằng, cấp biển số 80 cho doanh nghiệp đã sai, nhưng nguy hiểm hơn, chúng ta không thể lường trước được trên những chiếc xe của doanh nghiệp được gắn biển 80 chở theo những gì ?

Có ai dám khẳng định không có hàng quốc cấm ? Có ai dám khẳng định những chiếc xe sở hữu tư nhân ấy không gây ra tai họa ? Và nếu điều đó xảy ra, ai chịu trách nhiệm và có chịu trách nhiệm nổi không ?

Hơn nữa, đã là luật pháp thì phải nghiêm minh và tất cả mọi người buộc phải thuân thủ. Nên nhớ trong một nhà nước pháp quyền thì cán bộ nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép, chứ không thể lách luật.

Ngọc Quang

Quay lại trang chủ
Read 744 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)