Gần 4.500 trường hợp phải nhập viện vì đánh nhau trong 7 ngày Tết Đinh Dậu (29 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng), trong đó có 550 vụ do bia, rượu gây nên.
Ảnh minh họa
Đó là thông tin mới nhất vừa được Bộ Y tế công bố, nếu thống kê đầy đủ thì số vụ chắc chắn nhiều hơn.
Không đợi đến khi mâu thuẫn tột độ, bây giờ người ta sẵn sàng xuống tay tàn nhẫn chỉ vì một lý do rất nhỏ nào đó. Một bà cụ bị tốp nam nữ thanh niên giằng co, xô ngã lăn quay sau khi cự cãi vì giẫm chân nhau lúc đi trẩy hội chùa Hương (Hà Nội, hôm 1-2). Trước đó (hôm 25-1, cũng ở Hà Nội), đám đông nam thanh niên truy đuổi, chặn xe, đè đầu, chửi bới và đánh đập dã man một thương binh đáng tuổi cha ông mình (sinh năm 1955), đã mất sức lao động 61% ngay trên phố đông người. Nạn nhân sau đó phải vào viện điều trị đến nay.
Kể không hết những vụ gây phẫn uất như thế. Lời răn dạy "yêu trẻ, trẻ đến nhà ; kính già, già để tuổi cho" của ông cha ta về cách ứng xử lễ nghĩa, kính trên nhường dưới đã không có chỗ đứng trong những trường hợp vô luân ấy và có lẽ cũng đã biến mất trong tâm tưởng của không ít người thời nay. Đành thở dài trước hiện trạng các giềng mối đạo lý bị rạn vỡ từng ngày và chỉ còn biết trông chờ vào "bàn tay sắt" của các thiết chế pháp lý. Tuy nhiên, những kẻ ngông cuồng kể trên nào có xem luật pháp ra gì. Giữa thanh thiên bạch nhật, bất chấp lời can ngăn thậm chí van xin của người thân nạn nhân, họ vẫn thượng cẳng chân - hạ cẳng tay với người yếu thế, dù biết mình có thể bị bỏ tù vì hành vi phạm luật đó.
Có phải con người nói chung và người Việt nói riêng ngày càng hung hăng hơn không ? Rất nhiều ý kiến từng cho rằng con người vốn lương thiện ("nhân chi sơ, tính bản thiện" - Mạnh Tử) nhưng do áp lực kim tiền, sống vội sống gấp của thời đại bây giờ mà nhiều kẻ trở nên hung hãn, xấu xí hơn. Chưa hẳn như vậy ! Tôi nghĩ cái xấu có sẵn trong tâm tánh.
Xin dẫn một trường hợp tiêu biểu về tật xấu, tánh hiếu thắng của người Việt, được Nam Cao nêu trong truyện ngắn "Rửa hờn", đăng trên "Tiểu thuyết thứ bảy" năm 1943. Truyện kể về 2 nhân vật là ông lý Nhưng và ông khóa Mẫn xích mích, kèn cựa quanh năm, kiện thưa nhau mãi đến tán gia bại sản. Cuối cùng, lý Nhưng thua nên lòng vẫn căm. Một hôm, ông lý Nhưng mặt hầm hầm băng ra bãi tha ma tìm mộ bố ông khóa Mẫn và… tiểu một bãi để trả thù cho hả dạ ! "…Ông vén một ống quần lên. Rồi rất sung sướng, rất hể hả, cũng hồi hộp nữa, ông làm cái việc giải thoát cho bong bóng… Xong đâu đấy, ông mỉm cười đắc chí. Ông đi về" - Nam Cao tả.
Không chỉ nêu "tánh bản thiện", cổ nhân cũng đúc kết "nhân chi sơ, tính bản ác" (Tuân Tử). Đồng quan điểm, triết học hiện đại - ví như nhà văn, triết gia người Ý Umberto Eco (mất năm 2016) - chỉ ra : Bên cạnh con đường nhân bản, con người còn đang phát triển theo chiều hướng phi nhân. Mầm ác đã sẵn, khi gặp phải chuyện trái ý thì ắt sẽ bùng lên. Trong khi đó, những ai có chiều sâu thiên lương, kiềm chế tốt và trình độ nhận thức cao thì có thể tránh gây ra điều xấu, chuyện ác.
Vậy nên, đừng đổ thừa cho hoàn cảnh sống.
Hoài Phương